Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

Cánh đồng gió lẻ

1.
Tập truyện thứ chín của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và chín truyện ngắn khác (trong đó có truyện Gió lẻ mang phong cách khác lạ so với truyện Cánh đồng bất tận nổi tiếng lâu nay), đã được nhà xuất bản Trẻ in 10.000 bản ngay đợt đầu. Lập tức, nhiều cơ quan báo chí đã phỏng vấn tác giả. Có một câu trả lời như là tự sự của nhà văn: “Bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ Cánh đồng bất tận và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác. Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng, nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi”.
2.
Trong chuyến đi chơi đầm Thị Tường ở Cà Mau gần đây với mấy người bạn sinh viên Hàn Quốc và sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, nhà thơ Ha Jea Hong - người dịch Cánh đồng bất tận sang tiếng Hàn năm ngoái, có khoe với người viết, là Cánh đồng bất tận tiếng Hàn bán chạy lắm và đã được tái bản. Lúc đó, Gió lẻ chưa in xong. Tôi hỏi, nếu đọc Gió lẻ mà thích thì anh có dịch sang tiếng Hàn nữa không. Ha Jea Hong bảo, nếu nó “hay như một bài thơ” thì sẽ dịch. Lại hỏi, truyện mà “hay như thơ” thì làm sao dịch, Ha vẫn nói tiếng Việt: “Dịch tốt!”.
Nhà thơ Hàn Quốc này cũng chỉ trội hơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vài tuổi.



3.
Đầu tuần tới, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ nhận giải thưởng Văn học ASEAN (Southeast Asian Writers Award) năm 2008 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là giải thưởng được Hoàng gia Thái Lan lập ra từ năm 1979 và trao tặng hàng năm cho các nhà văn, nhà thơ uy tín ở Đông Nam Á.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là tác giả trẻ nhất (năm nay 32 tuổi), được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử giải thưởng này với tác phẩm Cánh đồng bất tận. Trước đó, có 11 nhà văn, nhà thơ Việt Nam được tặng giải thưởng Văn học ASEAN: Trần Văn Tuấn (2007), Lê Văn Thảo (2006), Inrasara (2005), Đỗ Chu (2004), Bằng Việt (2003), Nguyễn Kiên (2002), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Khải (2000), Hữu Thỉnh (1999), Ma Văn Kháng (1998) và Tố Hữu (1996).
Người nhận giải chỉ có hai phút để đọc diễn từ (*) tại buổi lễ. Nguyễn Ngọc Tư đã chuẩn bị một bài viết dài đúng 300 chữ. Chị nói về sức mạnh của những giọt nước mắt. Đọc bài này, tôi lại nghĩ tới Gió lẻ…

_________
(*) Trích “Diễn Từ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đọc tại lễ nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2008:

Tôi hay nghĩ về sức mạnh của những giọt nước mắt. Chúng trong trẻo, giản dị nhưng lại gây rung cảm sâu sắc. Những tối, trên bản tin truyền hình, tôi nhìn thấy một em bé, hay một phụ nữ ở xứ sở xa xôi nào đó đang khóc, vì chiến tranh, vì bạo lực, hay vì thiên tai… và những giọt nước mắt lay động bất cứ ai nhìn thấy chúng, bất chấp biên giới, màu da, thể chế chính trị, ngôn ngữ hay những cách biệt văn hóa khác.

Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt, hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt. Khi ấy, trong lòng các bạn, tôi không còn là cô gái Việt Nam viết về Việt Nam, mà là một nhà văn viết về thân phận con người, như các bạn.

Với tuổi đời còn non trẻ và ngơ ngác, những tác phẩm của tôi chưa có được sức mạnh của nước mắt, nhưng tôi vẫn đang cố gắng hết mình.

=========================================
Ảnh chân dung NNT: Trương Công Khả