Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Tặng người

♥♥♥

Xin gởi tặng người ba tấm thiệp
Để người tặng bạn Ngày Tình Nhân
Ba nơi ba tấm lòng hào hiệp
Lãng du một chút khoẻ tinh thần



♥♥♥


♥♥♥


♥♥♥


♥♥♥

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

Anh Ba Xuân


“Một ngày sống của tôi lúc nào cũng bận rộn, nhưng phải bảo đảm một sự điều độ cơ bản.
Ăn, uống đầy đủ; mỗi sáng sớm, tôi uống nước hai trái chanh tươi trước khi ăn sáng và không hút thuốc, nhậu nhẹt thường ngày. Thể dục buổi sáng. Đọc báo điện tử Việt Nam, Anh, Mỹ. Đọc mục lục các tạp chí khoa học đến trong hộp thư điện tử và nếu cần xem chi tiết thì truy cập tiếp cả bài báo cáo. Đọc và trả lời các thư điện tử. Tiếp xúc với cán bộ trẻ và sinh viên khi họ đến tìm. Theo dõi các dự án nghiên cứu của trường và của tỉnh An Giang. Lên lớp khi đến lịch. Tiếp khách trong và ngoài nước khi có lịch họ đến. Đi họp trong hoặc ngoài tỉnh khi có lịch…”


Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân bàn giao chức hiệu trưởng trường đại học An Giang cho một người học trò của mình - thạc sĩ Lê Minh Tùng, phó chủ tịch tỉnh An Giang - vào tháng 11-2007, khi ông 67 tuổi. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn không ngừng thao thức trên con đường khoa học vạn dặm gắn bó với nông thôn nước nhà…

* Con nhà nghèo

Mười năm đầu sau ngày giải phóng (1975), nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường thích gọi giáo sư Võ Tòng Xuân là “anh Ba Xuân”. Tôi nhớ, một ngày cuối năm 1985, trong một căn phòng làm việc chật chội ở đại học Cần Thơ, anh Ba Xuân nói: “Anh nghĩ coi, người nông dân mình ở đây, hễ trời sụp tối là phủi sơ hai bàn chân khô sình đất, leo lên giường. Trong lúc đó, ở các nước tiến tiến, người nông dân họ đi giày trong nhà, ngồi trước ti-vi, lò sưởi hoặc đi câu lạc bộ nông trang. Mà chắc chắc là những dân tộc đó không anh hùng hơn dân tộc mình, tài nguyên của họ không giàu hơn của mình”. Anh lại đăm chiêu: “Cây lúa ĐBSCL còn bề bộn công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, trình độ dân trí… Làm sao để tìm ra được giống lúa thích hợp kèm theo các kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn ở đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bu bám sống ven quốc lộ với tỉ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho một số phận vô hình nào đó”.

GS Võ Tòng Xuân và đại uý Phạm Ngọc Trọng
tại nông trường Giồng Găng (Đồng Tháp, 1985)
Ảnh: David Carling

Trước đó, những năm 1975-1977, người ta thấy anh và những đồng nghiệp cùng hàng trăm sinh viên say mê khoa học, lặn lội qua hàng ngàn héc ta ruộng lúa cháy rụi vì giặc rầy nâu, băng qua những cánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang thời chiến tranh, những đồng cỏ năng dày mịt, hoang vắng mênh mông. Khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên chiếc xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy Honda hay đeo cửa một chuyến xe đò cuối cùng nào đó trên môt tuyến hương lộ đồng bằng.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình 1975, hoạt động khoa học của anh Ba Xuân, hiệu phó đại học Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Anh đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất.

Anh Ba Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ba Chúc, An Giang. Lúc nhỏ anh lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Anh đã từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Rồi đến quãng đời làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty thuốc trừ sâu. Anh nói: “Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đên dân mình – những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức của mình để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất theo tôi là phải đào tạo con người có tri thức và lý tuởng để cùng tham gia phát triển đất nước”.

Cho nên không ai thấy lạ khi anh quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học ở Nhật; bữa đó chỉ 28 ngày nữa là đất nước hòa bình thống nhất.

* Giáo sư nghỉ hưu
Cuối năm 2007, sau ngày giáo sư Xuân nghỉ hưu, một hôm tôi gặp ông tại tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhân buổi họp mặt cuối năm. Vẫn là ngọn lửa nhiệt huyết của “anh Ba Xuân” ngày nào, khi nghe ông tâm sự với các nhà báo: “Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, đổi mới mà từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu… trở nên một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, dân mình đã khá hơn xưa. Nhưng, đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập WTO này là nhà nước mình phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách mạnh hơn, đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được giặc nghèo”.

Tối hôm đó, như lệ thường tôi gọi ông là thầy, và hai thầy trò đã ngồi lại với nhau tới gần nửa đêm để nói tiếp câu chuyện ngày xưa.

- Dường như thầy vẫn còn thao thức với những dự án đang dang dở?

- Ở trong nước thì dự án kỳ vọng nhất của tôi là xây dựng Đại học An Giang thành một trường đại học có tầm cỡ ở ĐBSCL. Tám năm qua, trong hai nhiệm kỳ hiệu trưởng, tôi đã tham khảo nhiều nơi và đã được tỉnh An Giang và Chính phủ chấp thuận cho xây khu đại học mới rộng 39,5 héc ta, và dự án này mới khởi công được hai năm. Tôi sẵn sàng phụ với các anh em trong trường để dự án lớn lên theo dự kiến. Mấy năm qua tôi rất cố gắng chỉ đạo nhưng rất tiếc chưa thực hiện một cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt nam như Nghị quyết Đại hội Đảng lần IX và X đã kêu gọi. Tôi muốn lấy Đại học An Giang làm một mô hình đại học lý tưởng - nơi tạo ra động lực nghiên cứu phát triển cho An Giang và cả ĐBSCL đồng thời là một nơi ươm mầm nhân tài cho tỉnh và cho cả vùng này. Chứ nếu vẫn đào tạo theo cách hiện nay thì khó có nhiều người tài giỏi cho đất nước.

- Chuyện này dường như không chỉ ở An Giang?

- Trăn trở của tôi là đối với cả hệ thống giáo dục Việt Nam từ phổ thông đến đại học. Mỗi trường phải có khả năng cung cấp cho người học nhiều kiểu đào tạo - ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; nhiều ngành nghề địa phương cần chứ không phải cứ theo chương trình khung như của bộ Giáo dục hiện nay. Rồi trong nghiên cứu khoa học cũng phải sao cho đúng tiêu chuẩn quốc tế thì mới đi lên được. Muốn thế mỗi trường phải có một hiệu trưởng thực sự có khả năng chuyên môn, và nhà nước phải cho các đại học quyền tự chủ để quản trị cả con người, chương trình học, và tài chính.

Tôi cũng lo nhất là giáo dục phổ thông của Việt Nam đang quá kém so với các nước chung quanh ta. Trước 1975, sinh viên vào đại học Cần Thơ giỏi hơn sinh viên bây giờ rất nhiều. Hồi những năm 1960, học sinh đậu tú tài xong có thể làm được nhiều việc; còn bây giờ thi đậu trung học phổ thông rồi mà cứ “ngơ ngơ ngác ngác”, không biết làm gì; chỉ lo trả bài xong rồi quên hết, ngoại ngữ thì hầu như không nói được. Chương trình thì “nhồi sọ” đủ các môn trong khi môn chính cũng như các môn phương tiện như vi tính và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, thì không rành. Phải sửa đổi chương trình đào tạo để dạy cho sinh viên khi ra trường phải giỏi chuyên môn kèm theo kỹ năng vi tính và ngoại ngữ, dễ được tuyển dụng vào các công ty trả lương cao hoặc về địa phương giúp được cho dân hữu hiệu.

- Theo thầy thì việc cải cách hiện nay trong ngành giáo dục, liệu có thoát ra được những điều đó không?

- Tôi thấy rất khó. Tôi đã phát biểu nhiều lần trước bộ Giáo dục và hội đồng Quốc gia giáo dục rồi nhưng vẫn chưa thấy những chỉ thị cụ thể. Các trường vẫn đang rất ngoan ngoãn chờ lệnh bộ, không dám có sáng kiến. Hiệu trưởng đại học không thể quyết định được nếu không được bộ giao quyền tự chủ trong quản trị nhà trường.

- Trong nông thôn, nông nghiệp và nông dân, thầy lo nhất chuyện gì?

- Cái nghèo của nông dân Việt Nam. Nông dân ta cần cù làm ra quá nhiều gạo cho xã hội hưởng, nhưng chính mình thì không giàu lên được. Tại ai? Nông dân Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia giàu hơn nông dân mình. Nhìn xa hơn chút, nông dân Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản còn giàu gấp mấy mươi lần nông dân mình. Mà con người và tài nguyên của mình không thua ai hết. Chỉ vì mình thiếu một chính sách tốt và cách quản lý tốt. Cách quản lý hiện nay không làm cho mỗi người có thể phát huy hết khả năng, tài nguyên và xã hội của mình. Cũng như trong giáo dục, mình đang đào tạo ra cái mà xã hội không cần. Đất đai, tài nguyên mình giàu, nông dân cần cù, chịu cải tiến nhưng nhà nước không cải cách quản lý thì nông dân, nông thôn vẫn nghèo. Thí dụ, cứ để cho những công ty quốc doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, câu kết với nhiều trung gian mà không biết đầu tư cho nông thôn để nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường thì làm sao nông dân khá lên được. Rốt cuộc là nông dân, doanh nghiệp, nhà nước cứ tách rời nhau. Phải có chính sách tốt để ba người này “dính” lại một cách hữu cơ.
GS Võ Tòng Xuân cùng
nông dân nuôi cá tra ở An Giang, 2005

Ảnh: Trương Công Khả

Tôi còn lo là nông dân ta, nhất là ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, dần dần sẽ thiếu đất sản xuất vì xu thế đô thị hoá không thể dừng lại được. Vì thế tôi đã nghĩ đến việc đưa nông dân Việt Nam làm chuyên gia giúp nông dân Tây châu Phi sản xuất lương thực. Chương trình này đã bắt đầu từ tháng 6-2006, chuyên viên Việt Nam đã sang nước Sierra Leone chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đưa nông dân Việt Nam sang. Đây là một chương trình mang ý nghĩa lớn tầm cỡ quốc tế vì sự giúp đỡ thành công của chúng ta vào công cuộc an toàn lương thực, xoá đói gảm nghèo cho châu Phi sẽ làm tăng uy thế nước ta trong Liên Hiệp Quốc. Rất nhiều quốc gia phương Tây đã tiêu tốn hàng trăm triệu đô la hàng năm giúp châu Phi nhưng đến nay, châu lục này vẫn bị đói và nghèo triền miên. Tôi rất lạc quan về sự thành công của Chương trình Tây châu Phi, vì đã thử nghiệm rất có hiệu quả kỹ thuật trồng lúa cao sản của ĐBSCL trên đất châu Phi. Và một độc đáo nữa là chúng ta dùng nông dân làm chuyên gia sang hướng dẫn, kèm cặp nông dân châu Phi sản xuất lúa, theo công thức 1 nông dân Việt Nam làm với 4 nông dân châu Phi.

- Về hưu nhưng sao thầy vẫn còn nhận nhiều công việc quá vậy?

- Hưu về chức vụ hiệu trưởng, nhưng chuyên môn đâu có nghỉ hưu. Còn sáng suốt và khoẻ mạnh thì còn đóng góp được cả ở trong và ngoài nước. Nhiệm vụ tư vấn khoa học tôi vẫn tiếp tục, vì người ta không giới hạn tuổi tác.

- Vậy thì kinh nghiệm làm việc của thầy là gì?

- Cái nền là kiến thức và kỹ năng, tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Và tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi, không giấu ai kỹ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. Dĩ nhiên mình không bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến nghĩ ra những chương trình mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện, tìm kinh phí và giao công việc cho người khác cùng làm. Đồng thời với giao công việc, tôi phải kiểm tra đôn đốc. Và tôi đã sớm sử dụng hệ thống Internet và thư điện tử để chỉ đạo từ xa, nên dù đi xa bao nhiêu tôi cũng liên lạc được với các cộng sự của mình không chậm trễ. Như thế một cách gián tiếp, tôi làm được rất nhiều việc, nhiều chương trình. Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Trái với những người bảo thủ thường ít được đào tạo căn bản nên ít thấy xa hiểu rộng nên khó tiếp thu cái mới, hoặc khó nghĩ ra sáng kiến. Thêm vào đó tính sợ trách nhiệm cũng triệt tiêu những sáng kiến. Không có sáng kiến thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu.

* Thao thức…

Tết Kỷ Sửu 2009, giáo sư Võ Tòng Xuân dù bước sang tuổi 69 nhưng nom ông còn khỏe lắm, làm việc sung mãn không thua năm rồi. Ông lại là người Việt Nam đầu tiên vừa được trao giải thưởng “Dioscoro L. Umali”. Đây là giải thưởng quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu đào tạo nông nghiệp Đông Nam Á thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, cùng Viện hàn lâm khoa học công nghệ Philippines và Quỹ D.L. Umali phối hợp thành lập năm 2008 để tôn vinh những nhà khoa học vùng Đông Nam Á có nhiều thành tích đóng góp vào công cuộc phát triển nông nghiệp của vùng. Giải thưởng lấy tên Dioscoro L. Umali - nhà giáo, nhà khoa học, nhà chính khách danh tiếng của Philippines.

Năm 2008, dường như ông làm việc ở nước ngoài nhiều hơn trước. Điện thoại hay e-mail thì hay nhận được câu trả lời đang ở xa. Tuy vậy chúng tôi vẫn tiếp tục câu chuyện ông thao thức năm nào. Tôi đề nghị ông kể lại vài ấn tượng về các hội thảo và hoạt động ở trong và ngoài nước mà ông tham dự trong năm 2008, ông tâm sự:

- Các hoạt động khoa học của tôi đã tăng lên gần như đột biến trong nước và quốc tế sau khi tôi chính thức thôi nhiệm vụ quản lý nhà trường. Công việc nhiều và đúng với chuyên môn khoa học dường như châm thêm lửa vào bầu nhiệt huyết và bồi dưỡng thêm cho sinh lực của tôi. Trong nước, ngoài những hoạt động liên quan đến tình hình lương thực và hoàn cảnh của nông dân và nông thôn, tôi được ngành mía đường Việt Nam yêu cầu góp phần chặn đứng sự sa sút của ngành do nông dân trồng mía không còn thấy phấn khởi để đầu tư cho cây mía. Việc này tôi đang huy động một nhóm chuyên gia của đại học Cần Thơ cùng tham gia giải quyết. Tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho cây tiêu và rượu sim Phú Quốc cũng như cho gạo Sóc Trăng. Nhiều hội thảo về xoá đói giảm nghèo trong nước và quốc tế đã nhờ tôi đến thảo luận, đặc biệt là hội thảo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9-2008 mà ông Tổng thư ký Ban-Kim Moon đã mời tôi gợi đề dẫn thảo luận.

Giáo sư Võ Tòng Xuân kể, năm 2008, ông đã cùng một nhóm nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam và Anh Quốc có tâm huyết với châu Phi thành lập Công ty TNHH Nông Thuỷ sản Việt Phi (gọi tắt là VAADCO-VN) tại TP Hồ Chí Minh, VAADCO-NG tại Nigeria, và VAADCO-UK tại Luân Đôn để giúp cho một số nước châu Phi gia tăng sản lượng nông nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo cho họ. Với trách nhiệm là Tổng giám đốc VAADCO, giáo sư Xuân đang cùng các chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam xác định các nội dung phát triển nông nghiệp cho bang Enugu của Nigeria, lên kế hoạch đầu tư để chi nhánh Anh Quốc của công ty huy động tài chính để có thể nhanh chóng đưa chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang châu Phi, chuẩn bị điều kiện sản xuất lương thực cho nông dân Phi dưới sự hướng dẫn của nông dân Việt Nam.

Ngoài những tổ chức quốc tế đang tham gia từ nhiều năm qua, giáo sư Xuân cũng đã nhận lời tham gia Hội đồng Tư vấn của Trung tâm Phát triển phân bón quốc tế (tại Muscle Shoal, bang Alabama, Mỹ) và của Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (tại Singapore). Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2008, ông được mời tham gia thành lập trường đại học quốc tế Cần Thơ, Đà Lạt, và đại học Tân Tạo. Để làm các công tác này, ông nói, “Tôi phải tham gia khảo sát, tìm đối tác từ một số trường nổi tiếng của Âu, Mỹ”. Hèn chi mà năm 2008 ông đi công tác xa hoài.

Trả lời câu hỏi: “Làm việc với nhiều tổ chức quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu như vậy, thầy có nhận xét gì về tình hình hiện nay không?”, ông chậm rãi nói: “Chúng ta thấy rõ sự khủng hoảng tài chính của Mỹ đã ảnh hưởng lên các nước khác một cách nhanh chóng. Hàng triệu người bị thất nghiệp ở Mỹ và các nước cung cấp hàng nhập khẩu cho Mỹ. Tiêu biểu nhất là công nghiệp của Trung Quốc chuyên sản xuất hàng hoá xuất cho Mỹ đang đóng cửa, công nhân không việc làm”.

Rồi ông phân tích: “Mặc dù cả Mỹ và khối các nước châu Âu đang bơm tiền vào các ngành kinh tế của họ để kích cầu phát triển vượt qua khủng hoảng, nhưng mặt khác họ phải đối phó với những khó khăn đương thời, thí dụ như tình trạng mức lương liên tục tăng cao trong các doanh nghiệp, tệ nạn tham nhũng tràn lan làm hao tốn công quỹ cũng như các quỹ dự án. Trong nước ta, thị trường chứng khoán ảm đạm, rất nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ; người trồng lúa bị thua lỗ; người nuôi cá tra bị thua lỗ càng nặng hơn... đã làm lu mờ thành tích tăng trưởng của nền kinh tế”.

Vừa mới “chạm” vào điều thao thức từ bấy lâu nay – lĩnh vực “tam nông” mà nhà nước đang hết sức quan tâm, giáo sư Xuân lại sôi nổi: “Năm 2008, thấy rõ nhất là sự tiêu thụ đầu ra của nông dân luôn luôn là chuyện đau đầu. Mọi rủi ro đều trút lên đầu người nông dân nghèo. Những gì đã xảy ra, và đang vẫn tiếp tục còn xảy ra cho người nông dân Việt Nam cho thấy mặc dù ai cũng nói quan tâm đến nông dân và nông thôn, nhưng thực tế ít ai chịu tổ chức đồng bộ mọi lực lượng để giúp nông dân và nông thôn của họ đạt lên mức lợi tức cao. Thực trạng nghèo của nông dân và nông thôn là kết quả của tính không ổn định của công cuộc xoá đói giảm nghèo không đồng bộ của ta. Nếu Đảng và Nhà nước tiếp tục để cho nông dân tự bơi như hiện nay, không có những chính sách khuyến khích cho nông dân hợp tác với nhau, và cho các doanh nghiệp gắn liền với vùng nông sản nguyên liệu của họ, thì phải còn lâu lắm nông dân ta mới giàu lên được”. Rồi ông kiến nghị: “Tôi mong rằng các nhà làm chính sách của nước ta không nên chỉ dừng lại với những “định hướng” và “nghị quyết” rồi để ai muốn làm sao thì làm, mà nên tổ chức “các mũi giáp công” để các ngành tham gia cùng tiến tới định hướng ấy một cách thành công”.

Năm 2009 là năm mà cả nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nhận định về bức tranh kinh tế nước nhà năm 2009, giáo sư Xuân nói:

- Sang năm 2009, các dự đoán của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức cố vấn tài chính quốc tế đều thấy sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, khuyến cáo mọi chính phủ phải có những chính sách kích cầu. Nhà nước ta cũng đang bơm tiền vào nền kinh tế và giảm hoặc miễn nhiều loại thuế, hy vọng sẽ vực dậy sự tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên nhà nước vẫn chưa quản lý được giá cả hàng tiêu dùng và các dịch vụ mỗi khi có biến động giá xăng dầu làm cho toàn dân, nhất là nông dân, rất bị thiệt thòi.
GS Võ Tòng Xuân tại một hội thảo
do TBKTSG tổ chức ở Cần Thơ, 2009

Ảnh: Dương Thế Lộc

Kết thúc câu chuyện “tam nông” lần này, nhà khoa học được phong Anh hùng lao động và cũng là “anh Ba Xuân” của bà con nông dân ĐBSCL, lại tỏ ra trầm tư:

- Người nông dân còn phải bán lúa giá thấp và mua phân bón, thuốc trừ sâu bệnh giá quá cao, không thể có tích luỹ để tăng lợi tức. Nông nghiệp của chúng ta sẽ hiện đại hơn nếu nông thôn chúng ta được đầu tư khang trang, qui hoạch thành từng vùng nguyên liệu có thương hiệu được các hội nông dân hoặc hợp tác xã nông nghiệp đồng nhất sản xuất theo đặt hàng của các doanh nghiệp, công ty do những nhà đầu tư có đầu óc kinh doanh giỏi đảm trách. Nhà nước không nên để mặc cho hàng triệu nông dân làm ăn cá lẻ, manh mún, không ai đặt hàng trước”.



Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Chuyện rừng sim Phú Quốc

Người đàn ông ấy quê gốc Chợ Gạo, Tiền Giang. Năm 1979 vào bộ đội hải quân tới năm 1983 giải ngũ, lên đảo Phú Quốc dạy học rồi cưới vợ, lập nghiệp luôn trên đảo. Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm dịch vụ du lịch, bây giờ anh lại “chủ xị” một dự án bảo tồn rừng sim mà theo lời giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, như “một kiểu sử dụng đất rừng Phú Quốc”.

GSTS Võ Tòng Xuân và Ô. Trịnh Công Phát tại ĐH An Giang

Chỉ còn 500 héc ta sim

“Tôi thấy cây sim rừng của Phú Quốc rất đặc biệt, khác hơn những loại sim trong đất liền ở miền Trung và miền Bắc. Nhiều sản phẩm độc đáo chỉ có Phú Quốc mới có được từ cây sim. Và dân nghèo cũng nhờ cây sim để thoát nghèo. Vì vậy tôi đã giúp cho anh Trịnh Công Phát xây dựng đề án “Xây dựng mô hình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây sim rừng đảo Phú Quốc”. Chủ yếu để lập ra cho được một kiểu sử dụng đất rừng Phú Quốc, vừa bảo vệ môi trường rừng, vừa tạo ra của cải phi gỗ để giúp dân nghèo xóa đói giảm nghèo, vừa sản xuất ra đặc sản Phú Quốc đem lại nguồn thu cho ngân sách”.

Đó là nội dung chính trong lá thư viết từ Đại học An Giang hôm 2-9-2008 của giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân gởi ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Cuối lá thư, Giáo sư Xuân nhấn mạnh: “Tôi và một số nhà khoa học chuyên ngành sẽ tiếp tay với Kiên Giang thực hiện đề tài này”.

Trước đó, vào cuối tháng 7-2008, giáo sư Xuân đã cùng với tiến sĩ thực vật học Nguyễn Thanh Bình ở Đại học Cần Thơ, có bốn ngày khảo sát cây sim trong sinh thái rừng Phú Quốc và quan sát hoạt động kinh doanh du lịch của gia đình Trịnh Công Phát. Anh Phát kể: “Khi chuẩn bị xây dựng vùng nguyên liệu cho rượu sim Phú Quốc, tôi tìm đến thầy Xuân để trình bày ý tưởng của mình, sau đó mời thầy ra Phú Quốc. Qua khảo sát thực tế, thầy Xuân đã đồng ý cùng tôi xây dựng dự án này và giới thiệu cho tôi một số nhà khoa học khác để cùng nghiên cứu một số đề tài phục vụ cho việc xây dựng mô hình phát triển cây sim”.

Sau chuyến đi đó, giáo sư Xuân đã chấp bút viết dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây sim rừng đảo Phú Quốc”. Chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân Sơn Phát của gia đình anh Phát. Chủ trì nghiên cứu khoa học là giáo sư Xuân. Dự án điểm này sẽ triển khai trên 6 hécta đất ở ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh mà anh Phát đã mua lại, kéo dài trong 12 năm. Trong đó, từ 2009-2011, lo xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư. Tới năm 2013, xong việc nghiên cứu, bảo tồn giống sim rừng và thử nghiệm các biện pháp thâm canh, xen canh. Cuối năm 2020 phải xong việc đánh giá, nhân rộng mô hình và chuyển giao cho cộng đồng. Kinh phí của dự án là 6 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của gia đình anh Phát 2,5 tỉ còn lại là vốn vay và huy động từ nhiều nguồn khác.

GSTS Võ Tòng Xuân và TS Nguyễn Thanh Bình tại Phú Quốc tháng 7.2008

Đọc đề án, tôi chú ý tới mục “Tính cấp thiết phải xây dựng dự án”. Tác giả viết: “Việc phát triển các khu dân cư, khu du lịch, sân golf… có thể tạo ra nguy cơ xoá sổ cây sim ở Phú Quốc. Hiện nay trên đảo diện tích rừng sim còn rất ít, khoảng 500 héc ta. Trái sim rừng lại là nguyên liệu chính tạo thành rượu sim đặc sản của Phú Quốc”. Để giúp tôi hiểu rõ hơn, anh Phát mở laptop, gõ Google Earth, kéo bản đồ do NASA mới chụp toàn cảnh khu Rạch Hàm rồi giảng giải từng nơi sẽ được qui hoạch cho dự án.

Ông Trịnh Công Phát với TS. Jeffery T. Burkhart
tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, Phú Quốc.

Anh Phát nói, Sở Nông nghiệp và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Kiên Giang đang cùng giáo sư Xuân và doanh nghiệp Sơn Phát, chuẩn bị một hội thảo tại Phú Quốc trong quí 1 năm 2009, để giới thiệu dự án này cùng với chuyện lo thương hiệu cho cây tiêu Phú Quốc.

Ăn chắc mặc bền

Khu dự án bảo tồn sim nằm gần bìa rừng Hàm Ninh, phía hạ lưu suối Tiên. Những trảng sim lúp xúp tím ngắt một màu hoa mọc dài theo triền suối. Buổi chiều ghé đây, du khách như lạc vào chốn rừng hoang; nghe tiếng suối chảy trong tiếng chim hồng hoàng kêu nhau về tổ, tiếng vượn hú vang xa và tiếng rừng cây xào xạc.

Năm 2007, anh Phát bỏ ra hơn một tỉ đồng mua lại khu đất này từ những người dân nghèo chuyên ghề đi rừng và hái trái sim. Anh nói: “Nơi đây như một khu sinh cảnh rừng chung của đảo, có đủ rừng, đồi, núi, suối, sim. Có thể nghiên cứu nhiều loại cây khác nhau mà không phải đi xa”. Anh kỳ vọng, khi dự án mở ra, hơn bốn chục hộ dân nghèo ở ấp Rạch Hàm sẽ được tham gia. Và họ không chỉ có lợi từ việc hái trái sim đi bán như hiện nay mà mỗi kí “giá trời cho” đã được 15.000 đồng. Riêng việc chọn trồng những loại cây xen canh trong trãng sim hay dưới những tán rừng, anh Phát tin là các nhà khoa học sẽ đem về cho bà con thêm nhiều nguồn lợi. Anh thuộc lòng tên của chúng: hà thủ ô đỏ, hà thủ ô trắng, mỏ quạ, huyết rồng, sâm hồng, sâm mây, bí kỳ nam… có giá trị dược liệu cao. Hay hàng chục loại lan rừng cần được bảo tồn như lan đuôi chồn, đuôi phụng, lan giáng tiên, cánh cò, lan đoản kiếm, trường kiếm…

Nếu một ngày nào đó Phú Quốc không còn rừng sim thì hòn đảo này sẽ ra sao? Trong cảnh lãng mạn của rừng chiều, tự dưng anh Phát hỏi tôi như vậy. Tôi chưa biết trả lời ra sao thì tự anh đã thốt ra những lời rất mực đăm chiêu: “Thì Phú Quốc sẽ mất đi một vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên đã ban tặng”. Lại nói: “Chưa có một loại cây rừng nào giống như cây sim, vừa làm đẹp cho cảnh quan, vừa góp sức gìn giữ môi trường sinh thái, vừa tạo công ăn việc làm cho người nghèo mà cũng là một đặc sản du lịch cho địa phương”.

Trái sim Phú Quốc

Nom ông thầy-giáo-cựu-chiến-binh này có vẻ lãng mạn quá. Vậy mà anh và gia đình đang sở hữu hai thương hiệu khá nổi tiếng ở Phú Quốc: khu nhà hàng Vườn Táo và rượu Sim Sơn. Đó là cả một câu chuyện dài mà như lời anh đã tự tổng kết: “Tôi kinh doanh ăn chắc mặc bền”. Hiện nay anh Phát, chị Sơn và hai cậu con trai đang làm chủ 6 héc ta vườn bên bờ sông Cửa Lấp thuộc xã Dương Tơ, cách khu dự án này hơn 10 cây số. Nơi đó có ngày đón hơn 500 du khách với hàng chục món ăn ngon lành lạ miệng như gỏi cá trích, bún kèn, lẩu hoa sim, cơm ghẹ, mắm cá cơm…

Nhà hàng Vườn Táo ở Dương Tơ, Phú Quốc

“Ngày giải ngũ lên đảo dạy học tôi chỉ có hai bàn tay trắng”, anh Phát nhớ lại rồi kể tiếp: “Bắt đầu từ việc gánh nước tưới rau. Từ vườn rau lên 300 cây táo đầu tiên của đảo. Từ vườn táo lên vườn ổi, vườn mận, lên nhà hàng và xưởng rượu Sim Sơn. Lấy ngắn nuôi dài. Bây giờ là dự án rừng sim”.
Trịnh Công Phát năm nay 48 tuổi, tuổi Sửu. “Năm Kỷ Sửu này, có lo lắng gì không?”. Tôi hỏi, anh trả lời dứt dạt: “Không! Mình ăn chắc mặc bền”.

________________________________

Vườn Táo: www.vuontao.com