Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Qua dãy Trường Sơn



Một tháng rưỡi sau cơn bão số 9 gây lũ lụt tàn phá miền Trung, chúng tôi theo quốc lộ 1A ra Quảng Trị rồi vòng vô huyện Drakrong, theo đường Hồ Chí Minh vượt gần 200 cây số trên dãy Trường Sơn vào huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam để cấp học bổng cho học sinh vùng bão lụt. Đêm cuối cùng ở Đà Nẵng, chuyến đi đọng lại trong lòng những hình ảnh sạt lở dọc đường Hồ Chí Minh và cảnh co ro đến trường của các em học sinh tiểu học.


Một điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh

Tôi đếm được hơn 200 điểm sạt lở lớn nhỏ trên suốt chặng đường. Nhiều nhất là đoạn từ A Lưới (Thừa Thiên – Huế) vào Tây Giang (Quảng Nam). Đường cong, đèo dốc, càng lên cao trời càng mù mịt trong mưa rét đầu mùa. Có nơi chưa đầy trăm mét đã không còn nhìn thấy khúc cua trước mặt. Bỗng lù lù hiện ra bờ vực sâu bên trái, bên phải thì đỏ lòm một vách núi vừa sạt lở, đất đỏ nhão nhoẹt tràn xuống mặt đường. Chiếc xe bảy chỗ xoay tít bánh vẫn nằm ì, mọi người phải nhảy xuống cho xe nhẹ bớt mới vượt được bãi lầy. Năm lần “chiến đấu” như vậy ở những điểm mới sạt lở. Có nơi, một thân cây to dường như vừa trôi xuống. Có nơi, bên kia bờ vực, gần một nửa vách núi sạt hẳn, ngổn ngang như sau cơn động đất. Chiều đã xuống, núi rừng Trường Sơn càng mờ mịt. Không một bóng xe, không một bóng người qua lại. Lâu lâu gặp một chốt làm đường với những mái lều che tăng bạt hay một chiếc xe ủi nằm im re giữa đèo mưa gió. Thỉnh thoảng nhìn thấy bóng dáng vài anh công nhân “khắc phục sạt lở” cuộn mền nằm trong lều hay dầm mưa bê từng hòn đá nhỏ kè lại bờ núi lở.


Học sinh dân tộc Cà Tu (Tây Giang – Quảng Nam)
trên đường Hồ Chí Minh

Dễ hiểu vì sao vắng bóng xe cộ lưu thông trên đường Hồ Chí Minh bây giờ. Nhớ mùa mưa bão năm 2004, nhiều tài xế né lũ trên quốc lộ 1A lên đây đã kinh hoàng vì nạn sạt lở làm ách tắc giao thông cả ngày. Họ nói, chỉ có núi rừng, không gặp dân cư; mà đèo dốc thì phải chạy chậm hao tốn nhiên liệu và không khéo thì lao xuống vực sâu, thà quay trở lại đường 1A.


Hôm 6-11-2009, Quốc hội nghe báo cáo về các công trình trọng điểm quốc gia như nhà máy lọc dầu Dung Quốc, đường Hồ Chí Minh, thủy điện Sơn La… thì riêng dự án đường Hồ Chí Minh kinh phí đã vượt 3.148 tỷ đồng so với dự tính, nâng tổng mức đầu tư lên 44.168 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây dựng 436 ki lô mét đi trùng đã và đang được đầu tư bằng dự án khác). Mà đây mới chỉ là giai đoạn 1, tới năm 2010. Giai đoạn 2 đến hết năm 2020, dự án này còn tính nâng cấp lên thành đường cao tốc, nối Cao Bằng với Cà Mau. Riêng với 16 tỉnh giai đoạn 1 con đường đi qua (chủ yếu là dọc dãy Trường Sơn), cần có gần 120.000 tỉ đồng xây dựng thêm 13 khu công nghiệp và 103 cụm công nghiệp để… khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh!


Học sinh dân tộc Vân Kiều ở Trường tiểu học Ba Lòng
(huyện Drakrong – Quảng Trị)


Trong khi đó, học sinh tiểu học người dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị hay người Cà Tu ở Quảng Nam mà chúng tôi gặp và trao học bổng, hầu như ít em nào biết được con đường Hồ Chí Minh đang gắn bó với mình ra sao. Ngoài hiên trường tiểu học Ba Lòng có để cái trống thủng một lỗ to ở giữa, cô giáo đánh trống ra chơi phải đánh vào mép trống. Gần đó, hỏi ba lần, em Hồ Thị Lành, người Vân Kiều, mới lí nhí xưng đúng tên của mình. Thầy Phan Quang Đức ở Phòng Giáo dục huyện, nói các em còn nhát lắm, chỉ quen sống với bản làng thôi. Rồi thầy Đức chỉ lên mực nước lũ còn ngấn trên tường gần mái tầng hai trường Ba Lòng, nói đêm 29-9 lũ tràn tới đây sau khi cuốn trôi hoa màu nhà cửa của bà con ở hai bên sông. Mà dân ở đây chỉ biết trồng chuối, đậu phộng… kiếm ăn chứ không được đi rừng đốn gỗ như mấy năm trước. Hôm đó ở hai bên bờ sông Ba Lòng dọc đường Hồ Chí Minh, chỉ nhìn thấy những cảnh sống xác xơ. Trên lộ, cao cách mặt sông gần 10 mét, có chỗ đang còn chồng chất xác mấy chiếc thuyền do nước lũ tấp lên.


Dọc đường Hồ Chí Minh thuộc xã Ba Lòng
(huyện Dakrong – tỉnh Quảng Trị),
cao cách mặt sông Ba Lòng gần 10m, là xác những con thuyền
của ngư dân bị lũ sau bão số 9 đánh giạt lên.


Ở trường PTCS Nguyễn Văn Trỗi thuộc “huyện nghèo nhất nước” Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, học sinh dân tộc Cà Tu có vẻ lanh lẹ hơn, nhưng phần nhiều các em vẫn nhìn chiếc ô tô và ba người khách một cách lạ lẫm. Nghe nói các em người Cà Tu học tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, tôi hỏi vì sao, cả lớp 40 em chỉ có một em giơ tay trả lời là dễ đọc. Rồi em nắn nót viết vào sổ tay của tôi: “Coor Thị Bim, 13 tuổi, lớp 7, nhà cách trường hai tiếng đi bộ, học giỏi tiếng Anh, lớn lên thích làm bác sĩ”.

Ông A Rất Hơn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tây Giang, nói đợt lũ vừa rồi, Tây Giang bị cô lập nửa tháng. May mà ở hơn 100 thôn đều có trữ lương thực chứ không thì đói rồi. Mà Tây Giang, có ngọn núi cao cách mặt biển 1.500 mét. Ông cũng nói, món quà học bổng của Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (500.000 đồng/suất) là “rất quý” vì gia đình các em chỉ biết dựa vào núi rừng để sống.

“Chỉ biết dựa vào núi rừng”. Vậy mà dãy Trường Sơn hùng vĩ thì cứ mỗi mùa mưa bão lại sạt lở dần, như chặng đường chúng tôi vừa đi qua. Thì thật đáng lo!

(16 & 17.11.2009)

________________________________

Bài đã đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/So49-2009(989)/28306/

________________________________