Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Đại học Cần Thơ: nơi đào tạo nguồn nhân lực chính cho ĐBSCL


(TBKTSG Online) -
Trường Đại học Cần Thơ vừa tròn 45 tuổi. Theo GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo, đây là nơi giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Dịp này, TBKTSG Online đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ…


* Thưa ông, Viện Đại học Cần Thơ ra đời ngày 31-3-1966 và chỉ tồn tại đến năm 1975?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Lúc đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 5 triệu người, chiếm 40% dân số miền Nam Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, khó khăn về phương tiện đi lại nên các cô tú, cậu tú của vùng đất này không mấy ai có đủ điều kiện để lên Sài Gòn học đại học. Sau nhiều cuộc vận động của nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong vùng, Viện Đại học Cần Thơ mới được thành lập.

Dù Viện Đại học Cần Thơ chỉ hoạt động đến năm 1975, nhưng Viện đã thành công trong việc mở ra một hướng đi mới trong lịch sử giáo dục ở ĐBSCL; đào tạo được nhiều cán bộ, trí thức có trình độ cử nhân, kỹ sư, cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao cho sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Từ sau khi đổi thành Trường Đại học Cần Thơ thì trường phải đối mặt với cảnh nghèo nàn tụt hậu thời hậu chiến. Trường xoay xở ra sao để đi lên?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Phải nói là lúc đó trường đã đối mặt với muôn vàn khó khăn. Giáo dục ở ĐBSCL tụt hậu nhiều so với các vùng khác, cơ sở vật chất rất nghèo nàn; phòng học bằng tre lá, khuôn viên chủ yếu là đồng hoang, đường sá lầy lội, không có nhà tập thể cho giáo viên và kí túc xá cho sinh viên. Nhưng thuận lợi rất lớn là trường được chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng ủng hộ. Được lực lượng thầy cô tại chỗ “kiên trì bám trụ”. Được Bộ Giáo dục và Chính phủ hỗ trợ. Đặc biệt là có sự chi viện nguồn nhân lực từ trung ương và các trường đại học phía Bắc, trong đó có lực lượng cán bộ miền Nam tập kết trở về. Còn nhớ lúc ấy, rất nhiều giảng viên trẻ từ Đại học Vinh, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủy Lợi Hà Nội... đã tình nguyện xa quê hương vô Nam hỗ trợ cho Đại học Cần Thơ. Đây là cơ sở để thầy trò Đại học Cần Thơ từng bước vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển trường thành một trường đại học đa ngành, đa lãnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL như hiện nay.
.
* GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo, nói rằng Đại học Cần Thơ bây giờ là trường đi đầu trong đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học để phục vụ ĐBSCL. Ông có thể nói cụ thể hơn hoạt động này?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Nói gọn lại là trường luôn cố gắng cải tiến năng lực giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phuc vụ sản xuất; không ngừng phát triển cơ sở vật chất, mở rộng qui mô và đa dạng hoá chương trình đào tạo, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao uy tín và vươn mình rai với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

“Đặc sản” của Đại học Cần Thơ là “Học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống”. Thầy và trò không chỉ dạy và học trong khuôn viên trường mà còn dạy và học trên đồng ruộng, ở nhà máy, xí nghiệp, công trường; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, làm thí nghiệm ngay trên đất nông dân để nhân nhanh một giống mới, một kỹ thuật canh tác mới. Hình ảnh thầy và trò Trường Đại học Cần Thơ với dụng cụ thí nghiệm hay tài liệu khuyến nông, đã từ lâu quen thuộc với nông dân và cộng đồng xa xôi, hẻo lánh.

Đại học Cần Thơ đã đào tạo hơn 93.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ khoa học đầu ngành, các nhà quản lý, nhà sản xuất và kinh doanh giỏi tại các tỉnh thành trong khu vực và cả nước.

Từ năm 1995, trường đã chủ động phối hợp và liên kết với các trường trong và ngoài nước phát triển đào tạo sau đại học. Đến nay, trường đã tổ chức được 17 khóa đào tạo sau đại học gồm 40 ngành, chuyên ngành với 2.147 học viên cao học và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp ra trường.

Chương trình Phát triển nguồn lực cho các tỉnh ĐBSCL (Chương trình Mekong-1000) do Đại học Cần Thơ khởi xướng và đảm trách đang tiến khá tốt. Đây là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL. Hiện tại, Chương trình Mekong 1000 đã có hơn 500 ứng viên được các tỉnh ĐBSCL tuyển chọn để đưa đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.

Từ năm 2007, trường đã áp dụng học chế tín chỉ. Trường cũng đã tham gia Mạng lưới Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN), đã tổ chức đánh giá 12 chương trình đào tạo năm 2009 theo tiêu chuẩn AUN, 16 chương trình năm 2010 và đang triển khai đánh giá tiếp 12 chương trình đào tạo trong năm 2011.

Trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường, phải nhắc tới nhiều giống cây con mới, những biện pháp canh tác, những ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đi vào đời sống và sản xuất trong vùng. Nổi bật là Chương trình nghiên cứu tôm - artémia đã cải thiện được đời sống người dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hay chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác, đã lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống canh tác thích hợp góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo trong vùng. Riêng các chương trình nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi các giống cá tra, cá basa, tôm càng xanh… đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL đứng đầu cả nước.

Sinh viên Đại học Cần Thơ với Chương trình Mê-kông.

* Riêng lĩnh vực hợp tác quốc tế, ông đánh giá ra sao?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Trong hợp tác quốc tế, Đại học Cần Thơ đã quan hệ với hơn 150 viện, trường và tổ chức quốc tế. Trường đã tranh thủ được một số dự án lớn như chương trình “Nâng cấp Khoa Nông nghiệp” từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 23 triệu đô la Mỹ); chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan (khoảng 19 triệu đô la Mỹ); chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ (khoảng 18 triệu đô la Mỹ); chương trình Trung tâm Học liệu của Tổ chức Atlantic Philanthropy (thông qua ĐH RMIT, khoảng 8 triệu đô la Mỹ).

Đại học Cần Thơ cũng đã tham gia dự án của Chính phủ Việt Nam giúp đỡ nước Lào trong Chương trình Phát triển nông thôn Lào, đạt được thành quả cao. Ngoài ra, trường đang tiếp tục tiến hành một số dự án quan trọng khác như: Dự án Giáo dục Đại học, Dự án Trung Tâm Học Liệu (hợp tác với ĐH Hawaii, Mỹ), Dự án NPT (Netherlands Post-secondary Training).

* Tới đây, làm sao để Đại Cần Thơ thực hiện được chiến lược “đào tạo chất lượng + nghiên cứu khoa học tiến tiến” như xác định của Bộ Giáo dục & đào tạo?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đang thực hiện đề án Quy hoạch phát triển Trường Đại học Cần Thơ đến năm 2020. Có thể nói như vị đại diện Bộ Giáo dục & đào tạo đã nhấn mạnh tại lễ kỉ niệm 45 năm thành lập trường, là Đại học Cần Thơ phải giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL; là một trường đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp nghiên cứu khoa học với phục vụ phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL; đi đầu trong hợp tác quốc tế; là đầu mối giao lưu giữa ĐBSCL với thế giới về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học và phải hỗ trợ được các trường đại học ở ĐBSCL cùng phát triển.

Chúng tôi hiểu rằng mình cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể vươn xa trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, trong nền kinh tế tri thức và trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh sự nỗ lực của mình, trường Đại học Cần Thơ còn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ Bộ Giáo dục & đào tạo, từ các bộ, ban, ngành trung ương và của các địa phương trong vùng, của các viện, trường, của các cơ quan, doanh nghiệp, và của bạn bè quốc tế.

Đại học Cần Thơ hiện có 12 khoa, 3 viện và 4 trung tâm với 45.800 sinh viên đang học. Thế mạnh của trường là các khoa nông nghiệp & sinh học ứng dụng; thủy sản; công nghệ; công nghệ thông tin & truyền thông; môi trường & tài nguyên thiên nhiên; sư phạm; kinh tế & quản trị kinh doanh và viện nghiên cứu & phát triển công nghệ sinh học; viện nghiên cứu & phát triển ĐBSCL; viện nghiên cứu biến đổi khí hậu.
Đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động của trường là 1.958 người. Riêng cán bộ giảng dạy có 1.086 người, trong đó có có 2 giáo sư, 49 phó giáo sư, 181 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 205 giảng viên chính, 830 giảng viên; có 756/1.086 giảng viên có trình độ sau đại học, đạt tỷ lệ 70%.


Không có nhận xét nào: