Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Nhiều sự kiện tại Festival Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu

Từ ngày 24 đến 29-4 này, Festival Đờn ca tài tử đầu tiên ở Việt Nam  diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, quê hương bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu với chủ đề “Đờn ca tài tử, tình người - tình đất phương Nam”.

Bạc Liêu, một tỉnh nghèo ở ĐBSCL đang chọn con đường phát triển với nền tảng “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, lần đầu tiên tổ chức một lễ hội lớn như vậy.

Một cảnh đờn ca tài tử ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trả lời TBKTSG Online, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiêm trưởng ban tổ chức lễ hội này, nói: “Bạc Liêu đã sẵn sàng cho Festival Đờn ca tài tử và qua sự kiện này, hứa hẹn Bạc Liêu sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư”.

Bà Ái Nam cho biết có 21 sự kiện chính tại lễ hội này, gồm có: liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc; đại nhạc hội “Sắc màu làn điệu Phương Nam”; triển lãm tranh ảnh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; triển lãm nhạc cụ dân tộc; khánh thành dự án mở rộng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ”; chương trình nghệ thuật tôn vinh soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang; chung kết cuộc thi “Người đẹp tài năng đờn ca tài tử”; trao giải cho các cuộc thi sáng tác ca khúc, vọng cổ và sáng tác lời mới 20 bản tổ đờn ca tài tử Nam bộ, sáng tác ảnh thời sự nghệ thuật, giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”; hội chợ thương mại - du lịch; lễ hội ẩm thực Nam bộ; họp mặt doanh nhân và nghệ sĩ; chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang; hội thảo và ký kết tour, tuyến du lịch; hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; lễ đặt tên các trụ turbine điện gió thuộc dự án điện gió Bạc Liêu; chương trình caravan xe cổ; công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại 2; thả diều nghệ thuật; chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc.  


Nhà hát Cao Văn Lầu hình nón lá – sẽ khánh thành sau lễ hội này.

“Nhiều nội dung nhưng cái nào gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử Nam bộ thì đó là điểm nhấn của Festival này” - bà Ái Nam nói.

Theo Ban tổ chức, lễ hội nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử và phong trào đờn ca tài tử Nam bộ. Festival cũng nhằm quảng bá và thu hút du khách và nhà đầu tư về với Bạc Liêu.

Các hoạt động này sẽ được tổ chức tại quảng trường Hùng Vương; trung tâm hội chợ, triển lãm tỉnh Bạc Liêu; khu du lịch sinh thái Hồ Nam; liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; nhà thi đấu đa năng; khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; trung tâm hội nghị tỉnh; khách sạn Công tử Bạc Liêu; nhà máy điện gió Bạc Liêu...

Về kinh phí, bà Lê Thị Ái Nam cho biết: “Chưa tính hết được nhưng phần lớn là từ nguồn tài trợ và xã hội hóa”.

Về du khách, bà Ái Nam ước đoán: “Sẽ có vài chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu nhân lễ hội này. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch và đã tập huấn công tác này từ nửa năm nay”.

Nhiều doanh nghiệp ở Bạc Liêu đã đón đầu sự kiện này để kinh doanh. Như khu du lịch sinh thái Hồ Nam đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng mở rộng resort, xây thêm trung tâm hội nghị 2.500 khách, mở thêm dịch vụ giải trí, mua sắm hàng đặc sản Bạc Liêu.

Nhân Festival này, Sở Văn hóa - thể thao - du lịch tỉnh Bạc Liêu phát hành bộ truyện tranh ba cuốn, Cao Văn Lầu và đờn ca tài tử Nam bộ; Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu; Đồng Nọc Nạng, do  NXB Trẻ và Công ty Metinfo thực hiện.





Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ Việt Nam; hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ.

Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại đồng thời lưu truyền câu đối “Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản / Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.

Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam bộ với bài “Dạ cổ hoài lang” (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) ra đời vào năm 1919 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 – 1976).

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ ngày 5-12-2013.

GS.TS Trần Văn Khê đề nghị: “Nên đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.

Lời gốc bài Dạ cổ hoài lang


Từ là từ phu tướng. Báu kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng. Em luống trông tin chàng. Ôi! Gan vàng thêm đau. Đường dầu xa, ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Đêm luống trông tin bạn. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu. Vọng - phu vọng luống trông tin chàng. Lòng xin chớ phụ phàng. Chàng là chàng có hay. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây. Bao thuở đó đây sum vầy? Duyên sắt cầm đừng lợt phai. Là nguyện cho chàng. Hai chữ an – bình an. Trở lại gia đàng. Cho én nhạn hiệp đôi.

(http://festivaldoncataituquocgia.baclieu.gov.vn).

Bài đã đăng tại : http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/113824

Trên TheSaigontimes Daily:


Không có nhận xét nào: