Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Câu chuyện về nhà máy giấy Hậu Giang


Hồ Hùng

Bài cũ (Thứ Sáu, 21/9/2007, 11:43 (GMT+7) nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự


(SGTO) - Chỉ khoảng một tháng sau ngày khởi công, dự án nhà máy giấy và bột giấy ở tỉnh Hậu Giang đã nhận nhiều “phản ứng” từ dư luận.Không phải ngẫu nhiên, bởi ngay khâu thẩm định dự án, đã có một số động thái hời hợt, “dục tốc” từ phía địa phương, trong khi đây là ngành nghề rất nhạy cảm với môi trường.


1

Đầu tháng 8-2007, nhà máy giấy có công suất 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy có công suất 330.000 tấn/năm, với số vốn đầu tư ban đầu 628 triệu đô la Mỹ được khởi công rầm rộ. Theo tuyên bố từ phía chủ đầu tư là Công ty Giấy Lee & Man (Trung Quốc), tổng vốn cho các dự án này có thể lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ, thậm chí theo ông Nguyễn Phong Quang- Bí thư tỉnh Hậu Giang: “Họ muốn đầu tư đến 1,6 hoặc 1,7 tỉ đô la Mỹ”.


Với một tỉnh mới chia tách, còn thiếu thốn về mọi thứ kể cả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Hậu Giang, đó quả là con số quá hấp dẫn. Hấp dẫn từ con số hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm sẽ nộp vào ngân sách địa phương, rồi hàng trăm lao động được giải quyết việc làm, hàng ngàn hộ nông dân sẽ có thu nhập nhờ bán tràm… Cũng nhờ dự án này, Hậu Giang đã vươn lên đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bảy tháng đầu năm.

Nói vậy, để thấy rằng nên thông cảm, khi lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã hết sức “bức xúc”, liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để thông tin, trấn an khi có dư luận phản ứng về nhà máy giấy và bột giấy này.


2 - Dư luận thế nào?

Ngay ngày 24-8, trong buổi làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Cao Đức Phát, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã trực tiếp kiến nghị về nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản một khi nhà máy giấy này đi vào hoạt động. Theo nhiều doanh nghiệp hội viên VASEP, nước thải từ nhà máy giấy có chứa nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng quá nhiều thuốc nhuộm và xút tẩy trắng, theo dòng nước sẽ hủy diệt hoặc nếu không cũng thấm vào xớ thịt tôm, cá, khiến nhiễm dư lượng kháng sinh. Nguyên liệu nhiễm bẩn, dĩ nhiên thành phẩm xuất khẩu bị nhiễm là điều khó tránh. Hiện nay, các nước nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam như Mỹ, Nhật, Australia, liên minh châu Âu… đang kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng kháng sinh và hóa chất cấm với mức kiểm tra rất thấp, nhỏ hơn một phần tỉ.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, Cục Lâm nghiệp đã tiến hành rà soát lại dự án và ngày 6-9 đã có công văn hồi đáp, theo đó Cục phản ứng khá gay gắt với dự án nhà máy giấy vì phương án xây dựng vùng nguyên liệu quá mơ hồ và nguy cơ “tàn sát” môi trường cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại quá cao. Theo ông Nguyễn Quang Dương, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp: “Nhà máy sản xuất bột giấy cần đến khoảng 1,5 triệu tấn gỗ/năm, trong khi tổng lượng gỗ khai thác hàng năm của cả nước chỉ từ 2,5 - 3 triệu tấn”. Đúng là âu lo của Cục Lâm nghiệp có cơ sở, bởi nguồn nguyên liệu gỗ nhập thiếu ổn định, phương án xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ lại khá mơ hồ.

Ngày 13-9-2007, ông Huỳnh Thành Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã có công văn (đính kèm kiến nghị của các doanh nghiệp) gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH- ĐT), Tài Nguyên- Môi trường (TN-MT), NN & PTNT, Công Thương và chính UBND tỉnh Hậu Giang, kiến nghị xem xét lại dự án trên.

Khách quan mà nói, những lo lắng trên là không thừa, khi một dự án lớn như thế, có nguy cơ tác động rộng đến vậy mà không hề được đưa ra giới thiệu công khai, lấy ý kiến phản biện từ các nhà khoa học. Nhất là từ những động thái cấp phép quá “đốt giai đoạn” của tỉnh.

Sau khi dư luận và báo chí lên tiếng, ngày 4-9 ông Tang Pok Man Raymond - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man (được Lee & Man ủy quyền làm chủ đầu tư dự án nhà máy giấy) mới gửi UBND tỉnh bản cam kết sẽ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường theo Luật pháp Việt Nam. Nhưng khó hiểu là Công ty TNHH Haverhill Industries Limited, chủ đầu tư dự án nhà máy bột giấy (nguy cơ ô nhiễm cao hơn nhiều so với sản xuất giấy) vẫn chưa thấy “trình làng” văn bản cam kết nào. Và điều khó hiểu là khi xét duyệt để cấp phép cho dự án, khâu thẩm định môi trường dường như phó thác hoàn toàn vào những lời “tự khai” của chủ dự án, bởi vào cuộc họp ngày 8-9 (sau ngày khởi công dự án hơn một tháng), đại diện Sở TN- MT tỉnh cũng khẳng định, hiện vẫn chưa được mời tham gia thẩm định dự án.

Và sau khi cấp phép, khởi công, gần đây UBND tỉnh mới yêu cầu chủ đầu tư làm báo cáo tác động môi trường để nhanh chóng trình Bộ TN- MT thẩm định. Theo đại diện UBND tỉnh, giấy không thuộc danh mục ngành nghề phải làm báo cáo tác động môi trường, nên mới có chuyện “bỏ quên” khâu này khi cấp phép. Trong khi đó, theo Nghị định 108/2006/ NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư, tại Điều 45 về thẩm tra đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỉ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện cũng ghi rõ, trong nội dung thẩm tra (do cơ quan cấp phép thực hiện) phải làm rõ giải pháp về môi trường, tức đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường. Và sau khi nhận được công văn xin ý kiến của UBND tỉnh Hậu Giang về dự án này, tháng 4- 2007, Bộ Công nghiệp cũng đề nghị Hậu Giang yêu cầu chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.

Và ngày 19-9, một số lãnh đạo cục thuộc Bộ NN & PTNT mới lần đầu tiên cầm được trên tay bộ tài liệu nói về dự án này.


3

Ngày 19- 9, ông Nguyễn Phong Quang, Bí thư tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc với đại diện các bộ NN & PTNT, Công Thương... về dự án: ”Những lo lắng (về dự án) là không thừa, để từ đó địa phương theo dõi và làm chặt chẽ hơn”. Về những băn khoăn khi nhà máy không có vùng nguyên liệu, theo ông Quang: ”Chưa có quy hoạch thì đề nghị bổ sung quy hoạch. Tỉnh đề nghị Bộ NN & PTNT hỗ trợ, quy hoạch vùng nguyên liệu ở ĐBSCL”. Và tại cuộc họp đó, phương án xử lý nước thải, cam kết của nhà đầu tư... cũng được công bố.

Nhưng sau này, công tác giám sát việc chấp hành các yếu tố môi trường sẽ được thực hiện thế nào, mới là điều dư luận vẫn còn băn khoăn. ” đầu” đã không xuôi, liệu ”đuôi” có lọt, hay sẽ là, ”vuốt đuôi” như đã... từng làm? Chỉ cần một lần sơ suất là vùng đất mẫn cảm ĐBSCL này lãnh đủ.

Tại các nước phát triển, công nghệ sản xuất của nhà máy và phương pháp kiểm tra, giám sát môi trường từ phía chính quyền địa phương khá tốt. Thế nhưng, thông tin từ Washington Toxics Coalition Factsheet vào tháng 2-2004 cho thấy, bang Washington (Mỹ) vẫn từng cảnh báo về việc ăn cá đánh bắt từ các nơi như hồ Roosevelt, công viên Manchester… do nhiễm dioxin, mà nguyên nhân được xác định do ô nhiễm từ sáu nhà máy bột giấy có sử dụng hợp chất Clo để tẩy trắng, hai lò đốt chất thải rắn, bốn nhà máy sử dụng hợp chất Penta CloPhenol có chứa dioxin để xử lý gỗ…

Theo nhiều nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế, sản xuất giấy và bột giấy được đánh giá là một trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm nặng nề nhất. Trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ PH trung bình từ 9-11, chỉ số BOD, COD có thể lên khoảng 700 - 2.500 miligam/lít, hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Nước thải từ các nhà máy này thường có chứa xyanua vượt trên 80 lần, H2S vượt trên 4 lần, NH3 vượt trên 80 lần tiêu chuẩn cho phép… dễ gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt và ảnh hưởng sinh hoạt của cư dân trong vùng. Tại Việt Nam, hồi cuối năm 2006 và đầu năm 2007, sau khi có báo cáo của các chuyên gia môi trường về mức độ ô nhiễm tại các con sông Thị Vải, sông Nhuệ, sông Đáy… Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nằm trên lưu vực các con sông trên tạm thời hạn chế cấp phép đối với năm loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó có sản xuất bột giấy.

Tuy vậy, ở ĐBSCL hiện nay, ngoài dự án nhà máy giấy và bột giấy ở Hậu Giang, tại Long An còn có dự án xây dựng nhà máy bột giấy công suất 100.000 tấn/năm và Đồng Tháp cũng không chịu “thua kém” khi vừa chấp thuận chủ trương cho xây một nhà máy giấy và bột giấy có công suất tương đương.

Nguy cơ là vậy, thế mà theo bài phân tích của ông tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - “được” nhận định là phân tích mang tính khoa học đăng trên báo Hậu Giang: “Không thể võ đoán nói rằng, ngành giấy là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất. Sinh hoạt hàng ngày của con người cũng gây ô nhiễm, sản xuất cái gì cũng gây tổn hại môi trường” và ông kết luận điều ai cũng biết: “Nhưng môi trường sẽ được bảo vệ nếu tuân thủ… Luật Bảo vệ môi trường”.

Bài đã đăng tại: 
http://www.thesaigontimes.vn/501/Cau-chuyen-ve-nha-may-giay.html

Không có nhận xét nào: