Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

LHQ kêu gọi quốc tế giúp Việt Nam ứng phó hạn, mặn



Trung Chánh



Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc Jan Eliasson kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp Việt Nam ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang tưới nước chống nóng cho cây trồng của mình. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cùng UBND tỉnh Bến Tre chiều nay, 5-5, ông Jan Eliasson, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), đánh giá cao những nổ lực trong ứng phó với hạn, mặn của Việt Nam và kêu gọi các tổ chức quốc tế “giúp sức” trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc nêu trên được tổ chức ở Bến Tre, ông Jan Eliasson cho rằng nước là vấn đề quan trọng nhất đối với cuộc sống của người dân và vì vậy nó cũng là nguyên nhân để các nước sử dụng chung nguồn nước hợp tác, chứ không phải cạnh tranh với nhau. “Ở nhiều nước có liên quan (sử dụng chung nguồn nước), thì rất cần có chương trình chung cho việc sử dụng nguồn nước”, ông gợi ý.

Theo ông Jan Eliasson, ông đánh giá cao những nỗ lực trong ứng phó với hạn và xâm nhập mặn của Việt Nam và người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay.

“Qua đây, chúng tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm trong vấn đề này và chúng tôi cần thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa các nước trong cùng khu vực (sông Mê Kông) có điều kiện để nguồn nước thông nhau”, ông cho biết.

Theo ông Jan Eliasson, từ lâu ông đã theo sát các thông tin về Việt Nam và hôm nay khi có được một lượng thông tin cụ thể và rõ ràng hơn về những khó khăn do hạn và xâm nhập mặn gây ra cho người dân ĐBSCL, ông hứa sẽ chuyển thông điệp, những khó khăn này đến Hội nghị cấp cao về nhân đạo thế giới và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu chuẩn bị diễn ra để các tổ chức quốc tế có thể giúp Việt Nam.

Trước đó, tại buổi làm việc này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang huy động mọi nguồn lực để giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn.

“Quan điểm của Chính phủ là không để cho một người dân nào bị đói và thiếu nước sinh hoạt”, ông nói.

Tuy nhiên, với diễn biến quá phức tạp của hạn và xâm nhập mặn, cho nên toàn vùng ĐBSCL vẫn có hàng ngàn hộ dân bị thiếu nước ngọt để sinh hoạt và có hàng trăm ngàn héc ta diện tích canh tác lúa bị thiệt hại.

Cụ thể, báo cáo của Bộ NNPTNT tại buổi làm việc cho thấy toàn vùng ĐBSCL hiện có 208.800 héc ta lúa, 9.400 héc ta cây ăn trái và 2.000 héc ta thủy sản bị thiệt hị do hạn, mặn; và có 225.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, Bộ NNPTNT đã đề nghị Quốc hội ưu tiên kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án, hệ thống thủy lợi quy mô lớn nhằm phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp; phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, dành vốn đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm phòng chống hạn và kiểm soát mặn chưa có nguồn vốn ở ĐBSCL.

Cụ thể, bổ sung gần 18.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các công trình phòng chống hạn và xâm nhập mặn, trong đó các công trình cấp bách cần đầu tư ngay năm 2016-2017 là 2.130 tỉ đồng; bố trí 16.883 tỉ đồng đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm phòng chống hạn, kiểm soát mặn đã đề xuất dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, trong đó, vốn ngân sách là 567 tỉ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 6.715 tỉ đồng và vốn ODA là 9.601 tỉ đồng.


Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/146041

GS Trần Văn Thọ: Quá nhiều nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ



GS Trần Văn Thọ

Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản

Học tiến sĩ không phải để đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo; luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Bài này GS Trần Văn Thọ viết để đóng góp vào Đề án cải cách giáo dục Việt Nam do một số trí thức trong và ngoài nước thực hiện vào năm 2008. Trao đổi với VnExpress, GS Thọ cho rằng nội dung bài viết đến nay vẫn còn giá trị. 


gs-tran-van-tho-qua-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ve-bang-tien-si
GS Trần Văn Thọ.

Một số nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ


Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu sinh không cần phải có ý kiến mới để được nhận vào chương trình tiến sĩ, nhưng nghiên cứu sinh phải có đủ trình độ để từ quá trình học, nắm được phát triển lý thuyết cơ bản và kiểm chứng lý thuyết bằng thực tiễn trong ngành trên thế giới, từ đó biết được vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp và từ đó có đóng góp mới về mặt học thuật.

Luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa ba vụ. Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả lý luận, kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Quan trọng nhất luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.

Từ những nhận định trên bài viết đề cập yêu cầu thẩm định lại trình độ của giáo sư hướng dẫn, và các trường, viện đào tạo hiện nay, chấm dứt ngay những cơ sở không có tư cách cấp bằng.

Một trong những căn bệnh trầm trọng mà chế độ giáo dục đào tạo của Việt Nam trong mấy mươi năm qua gây ra cho xã hội ta là làm lạm phát văn bằng tiến sĩ, là đưa chuẩn mực của học vị cao nhất trong khoa học này xuống mức thấp ngoài sự tưởng tượng của người làm khoa học nghiêm túc. Nhiều người, kể cả người viết bài nầy, đã cảnh báo, phê phán vấn đề này từ rất sớm và đã có nhiều đề nghị cải cách rất cụ thể và khả thi. Thế nhưng vấn đề này không được cấp lãnh đạo cao nhất quan tâm, còn các cơ quan quản lý trực tiếp, chủ yếu là Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì hầu như bất lực.

Gần đây nhà nước có vẻ đã thấy không thể không hành động trước tình trạng đã quá trầm trọng. Cụ thể là vào tháng 1/2008 Bộ Giáo dục đã công bố bản Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ (dưới đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là lần đầu tiên vấn đề đào tạo tiến sĩ được đặt ra tương đối nghiêm túc. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo có nhiều điểm không khả thi, và nhiều điểm cho thấy người đặt chính sách chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc đào tạo bậc tiến sĩ và yêu cầu của luận án tiến sĩ.

Mặt khác, Dự thảo chủ yếu nói đến việc xây dựng quy chế cho những cơ sở đào tạo mới và không đề cập đến việc xử lý những văn bằng tiến sĩ sản sinh trong quá trình vàng thau lẫn lộn vừa qua, cũng như không nói rõ vấn đề cải tổ, thanh lọc những cơ sở đào tạo ra đời trong bối cảnh bê bối hàng chục năm qua. Vì đã có nhiều dịp phát biểu ý kiến về vấn đề đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, dưới đây tôi chỉ nêu lại một số vấn đề xét thấy cần đặt lại hoặc viết thêm trong giai đoạn hiện nay:

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?

Thế nào là một luận án tiến sĩ?

Tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn và cơ sở đào tạo tiến sĩ.

Việc đánh giá và cấp bằng tiến sĩ nên làm như thế nào?


Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?


Trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ (đến năm 2020), suy nghĩ của người làm kế hoạch khá đơn giản và không thực tế. Ngoài tính bất khả thi, ta thấy nhà nước có suy nghĩ rất đơn giản, để phục vụ nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ của những người có học vị tiến sĩ. Không biết từ bao giờ đã có một quan niệm sai lầm rằng bất cứ người làm trong ngành nào, kể cả quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có học vị càng cao càng “lãnh đạo” giỏi.

Do quan niệm sai lầm này, nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi học (làm nghiên cứu sinh) tại chức để lấy bằng tiến sĩ, và xem văn bằng này là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt lên chức vụ cao hơn. Do vậy quan chức tranh nhau đi học để lấy bằng và nạn học giả lấy bằng thật trở thành phổ biến. Quan điểm và chính sách này đã làm lãng phí nguồn lực xã hội và gây ra nạn lạm phát văn bằng tiến sĩ. Quan niệm sai lầm và chính sách chạy theo số lượng trong khi các tiền đề xây dựng cơ sở đào tạo chưa được xác lập đã hạ thấp (một cách kinh khủng) chuẩn mực văn bằng tiến sĩ là hệ quả đương nhiên.

Do đó hơn bao giờ hết cần xác định mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Đó là tạo ra một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện ở đại học hoặc các viện nghiên cứu của cơ quan nhà nước hoặc của doanh nghiệp (nhất là nghiên cứu ứng dụng), nhưng người thuần tuý quản lý doanh nhgiệp hoặc quản lý hành chánh không cần văn bằng tiến sĩ. Dĩ nhiên có trường hợp một số quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có bằng tiến sĩ.

Đó là trường hợp những người nguyên đã có dự định theo con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy ở đại học nhưng sau đó tìm thấy khả năng của mình ở lãnh vực quản lý doanh nghiệp hoặc nhà nước. Cũng có trường hợp họ không thành công trong dự định ban đầu. Ở Nhật hay ở Mỹ người có bằng tiến sĩ khó tìm việc ở cơ qụan hành chánh nhà nước hoặc doanh nghiiệp hơn là người chỉ có bằng đại học (dĩ nhiên trừ trường hợp xin vào các viện nghiên cứu của doanh nghiệp hoặc của nhà nước).


Thế nào là một luận án tiến sĩ?  


Mới đây Bộ trưởng Giáo dục tuyên bố một câu được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Nếu không tìm được vấn đề gì mới thì đừng đi học tiến sĩ”. Tôi ghi nhận chủ ý tích cực của câu tuyên bố này. Bối cảnh của tuyên bố này là tình trạng có nhiều luận án tiến sĩ chỉ là sự sao chép hoặc tổng kết các nghiên cứu của người khác và cần phải chấm dứt tình trạng này. Nhưng câu tuyên bố này khó hiểu đối với người làm khoa học, nhất là đối với người phụ trách đào tạo tiến sĩ nghiêm túc.

Ta có thể đặt lại vài câu hỏi sau: Thứ nhất, một người định thi vào bậc tiến sĩ (thi làm nghiên cứu sinh) có cần phải có sẵn một đề tài mới? Hay là đề tài mới chỉ được phát hiện trong quá trình học tập vất vả, phải biết vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp? Thứ hai, thế nào là “mới”? Có thể là mới trong một thực tiễn nào đó nhưng chẳng có ý nghĩa gì đối với khoa học. Chẳng hạn, làm sao để huy động vốn trong dân ở tỉnh A hay tại một thành phố B có thể là mới vì chưa ai nghiên cứu vấn đề cụ thể này nhưng đề tài tự nó chưa nêu ra được điểm gì mới về học thuật. Cần nói thêm là các đề tài luận án tiến sĩ kinh tế trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam phần lớn có tính cách thưc tiễn và thiếu tính học thuật như vậy. Tôi đã víết khá chi tiết về điểm này trên Tia sáng (9/2003). 

Vậy trình độ của người được cấp bằng và chuẩn mực khách quan của luận án tiến sĩ là gì? Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Người được cấp bằng tiến sĩ do đó phải am hiểu các lý luận cơ bản, các khung phân tích trong ngành mình và nắm vững các khái niệm, các khung phân tích, các lý luận và những tiến triển nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của mình. Những kiến thức cơ bản này được trang bị từ các cấp bậc đại học và thạc sĩ, nhưng ở bậc tiến sĩ phải được tiếp tục ở trình độ cao hơn và nhất là phải có cơ chế kiểm tra nghiêm túc để bảo đảm cho ứng cử viên học vị này hội đủ các điều kiện đó.

Trình độ của ứng cử viên tiến sĩ được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới. Cái “mới” trong khoa học là như vậy.

Cần nói thêm rằng đòi hỏi chính của luận án tiến sĩ là sự đóng góp về mặt lý luận và luận án là bằng chứng cho thấy ứng cử viên tiến sĩ có trình độ nghiên cứu độc lập, chứ không đòi hỏi phải giải quyết một vấn đề thực tế (dĩ nhiên nếu kết quả nghiên cứu góp phần giải quyết một vấn đề thực tiễn thì càng tốt nhưng đó là thứ yếu). Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tùy theo nhu cầu công tác lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Tại Việt Nam, chí ít là trong lãnh vực kinh tế, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa của luận án tiến sĩ. Các đề tài của một luận án tiến sĩ kinh tế học ở Việt Nam thường là "Những giải pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp hoá). Những vấn đề này dĩ nhiên có thể được chọn là đối tượng nghiên cứu nhưng đó chỉ là trường hợp được chọn để kiểm chứng một vần đề có tính cách lý luận chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn đề thực tế.

Ở Việt Nam, được biết nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ tốn hàng tỷ đồng và huy động hàng chục nhà nghiên cứu nhưng ít có công trình trực tiếp giải quyết vấn đề thực tiễn mà tại sao lại kỳ vọng ở công trình của một nghiên cứu sinh? Các đề tài này chẳng nêu ra được những câu hỏi có tính lý luận nên chẳng có giá trị về mặt học thuật, và về mặt thực tế cũng chẳng thấy cơ quan nào của nhà nước đã tham khảo các luận án ấy. Thật ra một người tốt nghiệp đại học thuộc loại giỏi chỉ cần vài tháng là có thể hoàn thành một bản báo cáo về những đề tài như vậy. Trong thời gian qua ở nước ta các bản báo cáo như vậy vẫn được gọi là luận án tiến sĩ. Chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam quá thấp là vì vậy.

Cũng do quan niệm sai lầm ở Việt Nam về việc “ép” nghiên cứu sinh phải chọn một đề tài về mới về thực tiễn (dù không có giá trị về học thuật) mà trong quá khứ một số đề tài liên quan đến an ninh, quốc phòng, được phép bảo vệ không công khai. Bản Dự thảo nói trên cũng có quy định về những trường hợp không công khai việc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Theo tôi, mọi luận án tiến sĩ đều phải được công khai. Nếu vì an ninh hoặc quốc phòng thì không cho nghiên cứu sinh chọn những đề tài như vậy. Như đã nói ở trên, mục tiêu đào tạo tiến sĩ là xây dựng những con người khoa học có trình độ nghiên cứu độc lập và đảm trách việc giáo dục đại học chứ không phải là nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế. Những đề tài thực tiễn và cấp thiết như vậy thì nên giao cho người đã có khả năng nghiên cứu độc lập, kể cả người đã lấy bằng tiến sĩ.


Ông Trần Văn Thọ quê ở Quảng Nam, năm 1968 sang Nhật Bản du học. Ông lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin, Tokyo. Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.


Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ông Thọ là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời thủ tướng Nhật.



Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-tran-van-tho-qua-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ve-bang-tien-si-3396519.html

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Lịch sử Việt Nam nhìn từ “Xứ Đông Dương”



Hồi ký "Xứ Đông Dương" (dày 635 trang, giá bìa 199.000 đồng), vừa được Alpha Books và NXB Thế giới tái bản 5.000 quyển ngay sau đợt ra mắt đầu tiên tháng 3-2016. Sách do Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long và Vũ Thúy dịch; Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính.

Có thể nói, sau những sai sót của lần ra mắt đầu tiên, lần này, "Xứ Đông Dương" được hiệu đính kỹ lưỡng, thực sự là quyển sách quý, tái hiện một cách mới mẻ và khác biệt một giai đoạn lịch sử đầy biến động và bi thương của Việt Nam và các nước láng giềng, dưới góc nhìn của một nhà chính trị từng là Toàn quyền Đông Dương, nguyên Tổng thống cộng hòa Pháp.

"Xứ Đông Dương"
"Xứ Đông Dương", được dịch nguyên bản từ tiếng Pháp "L’Indo-Chine française". Viết lời tựa cho sách, ông Jean-Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Xứ Đông Dương có lẽ là cuốn hồi ký độc nhất vô nhị về vùng đất có tên gọi này vì tác giả của nó đã từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) và Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932), ông Joseph Athanase Paul Doumer. Ông viết cuốn sách vào năm 1903, một năm ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương. Với lý do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, những gì ông viết ra đây là chân thực và tái hiện sinh động, rõ ràng nhất bối cảnh lúc bấy giờ. Nội dung cuốn sách được thể hiện bằng một lối văn phong đẹp đẽ đầy trí tuệ, cùng với những hình minh họa về cả ba Kỳ (Bắc, Trung, Nam) và hai quốc gia Cao Miên và Ai Lao". Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người đã đọc cuốn sách này "say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết", nhận xét: "Cuốn hồi ký có ích rất nhiều cho những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, nghiên cứu văn học… nhất là những ai quan tâm tới giai đoạn người Pháp bắt đầu xây dựng Đông Dương để khai thác thuộc địa".

Cuốn sách được viết đúng với thể loại hồi ký như tác giả khẳng định trong Lời mở đầu: "Người ta yêu cầu tôi sắp xếp lại các ký ức của mình, đặc biệt dành cho giới trẻ, cho những con người sẽ là công dân, những người lính của ngày mai". Đọc hết cuốn sách, người đọc sẽ thấy nội dung hấp dẫn, vượt xa khỏi những hồi tưởng mang tính cá nhân, vì cuốn sách đã được tác giả khái quát thành những nhận xét, đánh giá, cách nhìn mang đậm tính chiến lược trong nhiều lĩnh vực của một chính trị gia, một nhà quản lý có nhận thức sâu sắc về thời cuộc. Ngay ở Lời mở đầu, tác giả đã phân tích tường tận bối cảnh phức tạp dẫn đến việc ông được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương. Đó là những tranh cãi quyết liệt, chia rẽ sâu sắc trong chính giới Pháp về hệ thống thuộc địa Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng. Từ mở đầu như vậy, cho đến khi khép sách lại, người đọc có thể hiểu vì sao dưới thời Doumer, hạ tầng cơ sở của Đông Dương được xây dựng ồ ạt. Ông muốn biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ nền công nghiệp Pháp và muốn xây dựng bộ máy thống trị để khai thác triệt để tài nguyên từ thuộc địa Đông Dương. Ví dụ như việc xây dựng cảng Hải Phòng, thành phố Đà Lạt, làm đường sắt nối Đông Dương với Vân Nam (Trung Quốc). Rồi xây cầu Doumer (Long Biên) ở Hà Nội, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, cầu Thành Thái (Tràng Tiền) ở Huế, cầu Bình Lợi ở Sài Gòn… Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện.

Sách gồm Lời nói đầu, phân tích bối cảnh Paul Doumer được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương và bảy chương: Từ Paris đến Sài Gòn; Tổng quan về Đông Dương; Nam Kỳ; Bắc Kỳ; Trung Kỳ; Cao Miên và Ai Lao; Sự trỗi dậy của Đông Dương. Sáu chương đầu tác giả kể chuyện theo lối hồi ký; văn phong sinh động, dồi dào kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, văn hóa, con người ở những nơi mình đi qua hoặc thăm viếng. Ví dụ ở chương Tổng quan về Đông Dương, cuối phần Đất nước và con người, ông nhận xét: "Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc chung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc".

Toàn bộ quyển sách cho thấy Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, mà còn là một học giả, một chính trị gia sắc sảo mang tham vọng biến Đông Dương thành một nước Pháp ở Viễn Đông. Cho nên, cái nhìn của ông về mọi việc ở Đông Dương thật khác biệt. Thí dụ trong mở đầu phần Khí hậu và đất đai ở chương Nam Kỳ, ông kể: "Tới Sài Gòn ngày 13-2-1897, tôi gặp Nam Kỳ đang vào mùa khô". Sau đó, ông lại nhìn thấy cơ hội kinh thương ở đất Nam Kỳ: "Đất Nam Kỳ chằng chịt hàng nghìn con sông lớn nhỏ, kênh, rạch chạy theo mọi hướng. Nam Kỳ là nơi bằng phẳng nên thủy triều ảnh hưởng như nhau tới tất cả các tuyến đường thủy. Như thế mỗi ngày hoạt động của triều lên và triều xuống làm cho các dòng chảy cứ sáu tiếng chảy theo chiều này và sáu tiếng chảy theo chiều ngược lại. Người An Nam lợi dụng điều đó để vận tải hàng hóa mà không mất công sức gì nhiều… Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà cư dân lại được thiên nhiên ưu đãi như Nam Kỳ". Còn trong phần Các tỉnh miền Tây, ông lại ấn tượng về sức sống của cây lúa: "Sau khi đến Nam Kỳ, tôi đi thăm một số vùng đồng bằng trù phú sản xuất lúa gạo và một số vùng trung tâm đáng chú ý và dễ đến như Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc. Chuyến đi vào lúc đang mùa gặt; một số nơi thậm chí đã gặt xong. Ở những nơi còn chưa thu hoạch, các nhóm thợ gặt tản ra khắp nơi trên cánh đồng để làm việc, ấn tượng về cuộc sống thật mãnh liệt".

Nhìn về phần Sài Gòn và Chợ Lớn, ông viết rất thẳng thắn và khác biệt: "Theo quyền hạn của mình, tôi đã đặt tên "thành phố" cho một số trung tâm dân cư, lỵ sở của các tỉnh, chẳng hạn như thành phố Mỹ Tho, thành phố Biên Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Sa Đéc. Gọi như thế là cường điệu lên rất nhiều đối với các thị trấn nhỏ đó và không chứng tỏ được chút nào bằng quy mô xây dựng cũng như số dân của chúng. Trong thực tế, chỉ có hai thành phố ở Nam Kỳ xứng với tên "thành phố": Sài Gòn, thành phố hành chính, hàng hải và quân sự, do người Pháp tạo lập; và Chợ Lớn, thành phố thương mại và công nghiệp, đã tồn tại trước khi chúng ta tới và có thể nói mang đặc trưng châu Á hơn đặc trưng An Nam. Mọi hoạt động của Nam Kỳ đều đổ dồn về hai thành phố trung tâm gần như nối liền với nhau này…. Năm 1897 tôi đã suy nghĩ làm thế nào để hợp nhất Sài Gòn và Chợ Lớn với nhau dưới một chính quyền thành phố duy nhất". Vừa vào chương Bắc Kỳ, tác giả đã chỉ thẳng vấn đề mà vùng đất này đang vướng mắc: "Không chỉ riêng Hà Nội, mà toàn thể vùng đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ đều gặp vấn đề với hệ thống đê điều. Không có những con đê bao quanh cả những dòng sông lớn, những con sông nhỏ và những con kênh nối liền các dòng sông với nhau, thì một phần lớn của vùng đồng bằng châu thổ hẳn sẽ chìm dưới nước trong suốt mùa hè".

"Xứ Đông Dương" còn có những nhận xét cá nhân cảm động, như đoạn cuối câu chuyện Toàn quyền Paul Doumer gặp nhà vua An Nam 18 tuổi: "Tôi gặp vua Thành Thái lần đầu là trong nghi lễ phô trương cho buổi viếng thăm chính thức của tôi. Đó là ngày 11 tháng Ba năm 1897… Ấn tượng của tôi về Thánh Thái trong lần đầu gặp mặt này rất tốt. Vị vua trẻ có vẻ thông minh, luôn nhìn thẳng vào người đối diện, và cái siết tay của ngài khá thân mật. Người ta vẫn tin rằng đôi mắt và bàn tay của một người bộc lộ tính cách của người đó, và mọi người thường có cảm tình với đôi mắt nhìn thẳng, cái nắm tay chặt và chân thành. Trong ánh mắt hay bàn tay của vị vua này không có gì khiến tôi thấy ngài là một người giả dối hoặc độc ác. Một cách tự nhiên tôi tin tưởng và quý mến ngài, và quan điểm này của tôi khá là trái ngược với những gì đồn đại về ngài".

Chương cuối cùng, Sự trỗi dậy của Đông Dương, là bản tổng kết về sứ mệnh Toàn quyền Đông Dương của tác giả. Trước khi rời Hà Nội vào cuối tháng 2-1902, Paul Doumer viết: "Như vậy có thể nói rằng trong năm năm vừa qua, chính quyền trung ương tại Đông Dương đã hoàn thành trọn vẹn bổn phận cai quản một thuộc địa quan trọng… Trong năm năm vừa qua, Đông Dương đã sống và lao động cùng với một tinh thần duy nhất".

"Xứ Đông Dương" rõ ràng là quyển sách dẫn đắt người đọc về quá khứ, dõi mắt theo những khung cảnh sống động và nhiều vết hằn lịch sử của Đông Dương.

Bài đã đăng tại: 
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=302&id=178403