Hai nước ở vùng hạ lưu sông Mekong có kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Ngày 22-9-2010, Lào đã chính thức thông báo về dự án đập Xayabury, đập đầu tiên trong số 12 đập này. Một cuộc tham vấn cấp địa phương đã được tổ chức tại Cần Thơ ngày 14-1-2011 và cuộc tham vấn cấp quốc gia đã được tổ chức ngày 22-2 tại Hạ Long. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, thành viên của nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu “Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập trên dòng chính sông Mekong”, về vấn đề này…
TBKTSG: Việc Lào thông báo ý định xây đập Xayabury có tác động như thế nào trong hệ thống 12 đập trên dòng Mekong?
- Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN: Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 12 dập trên dòng chính sông Mekong nhấn mạnh rằng đối với vùng hạ lưu sông Mekong, chỉ một đập thủy điện dòng chính cũng sẽ tạo ra những sự thay đổi vĩnh viễn và không phục hồi được đối với cả hệ thống.
Hơn nữa, vì có tất cả 12 đập được dự kiến, khi đánh giá tác động thì không nên và không thể tách từng đập ra kiểu như tách từng cây đũa trong bó đũa, mà phải xem xét Xayabury trong bối cảnh chung của 12 đập.
Hiện nay Lào đang có kế hoạch xây 10 đập thủy điện trên dòng chính Mekong và Campuchia xây 2 đập. Như vậy không phải Lào chỉ muốn xây một đập Xayabury và sẽ dừng lại. Nếu đập Xayabury được thông qua lần này thì sẽ trở thành tiền lệ cho các đập khác.
TBKTSG: Trong các đập thủy điện này, lợi ích thuộc về ai?
- Theo tính toán của báo cáo này, Lào sẽ hưởng 70% lợi ích, Campuchia và Thái Lan mỗi nước khoảng 11-12%, và Việt Nam được 5% trong tổng lợi ích kinh tế của 12 đập này.
TBKTSG: Nếu tất cả 12 đập này đựơc xây, tổn thất đối với ĐBSCL sẽ ra sao?
- Danh sách những rủi ro tổn thất của ĐBSCL rất dài và chưa có rủi ro nào được định lượng đúng cả. Một vài ví dụ của những rủi ro tổn thất bao gồm tổn thất cá trắng là nguồn thức ăn của con người, để nuôi thủy sản, dinh dưỡng cho hệ sinh thái, thức ăn của cá đen; tổn thất cá đen ăn cá trắng để tồn tại; tổn thất đa dạng sinh học vì chim, cò, rùa, rắn cần ăn cá; tổn thất về năng suất nông nghiệp vì thiếu nguồn phân bón tự nhiên từ phù sa; tổn thất thủy sản biển vì thiếu dinh dưỡng sông Mekong đưa ra hàng năm; sự sụt lún của đồng bằng vì thiếu phù sa; gia tăng sạt lở bờ sông; và tổn thất dây chuyền lên công nghiệp và dịch vụ như chế biến, vận chuyển, buôn bán nông sản và thủy sản.
TBKTSG: Báo cáo này đã kiến nghị hoãn quyết định xây dựng các đập trên dòng chính trong vòng 10 năm?
- Đúng vậy, và xin lưu ý đây là kiến nghị hoãn quyết định, chứ không phải kiến nghị hoãn việc xây, có nghĩa là sau 10 năm thì sẽ xem xét lại quyết định có xây hay không xây. Đối với lưu vực Mekong, những cân nhắc quan trọng cần phải tính đến là: Thứ nhất, dòng sông Mekong chảy tự do kết nối 4 quốc gia ở vùng hạ lưu có vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, và sinh thái. Thứ hai, thậm chí khi chưa có các đập này thì hệ tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đã đang chịu áp lực ngày càng gia tăng. Thứ ba, các tác động tiềm năng của các đập này rất nghiêm trọng và vươn xa về mặt địa lý và còn rất nhiều điều chưa chắc chắn về các dự án dòng chính này. Thứ tư, cần có một phương pháp tiếp cận mới đối với phát triển sông Mekong phù hợp hơn đối với nhu cầu của các quốc gia và các cộng đồng trong lưu vực trong thế kỷ 21.
Trong đó nhóm chuyên gia đã nhấn mạnh rằng “Dòng chính Mekong không bao giờ nên được dùng làm thí nghiệm dù là để chứng minh hay bác bỏ các công nghệ thủy điện đắp đặp chắn ngang sông”.
TBKTSG: Hiện nay có quan điểm cho rằng nếu Việt Nam không tham gia đầu tư thì bỏ mất cơ hội trong khi các nước khác cũng sẽ đầu tư xây đập. Ý kiến của ông thế nào?
- Về cơ hội đầu tư và lợi ích đầu tư thì không đáng gì so với những tổn thất mà ĐBSCL sẽ phải gánh chịu. Nếu Việt Nam vì lợi ích nhỏ của việc đầu tư thì câu chuyện sẽ chấm dứt và chúng ta không còn nói được gì về tác động của thượng nguồn đối với ĐSBCL và sau này cũng không thể bàn đến chuyện đền bù thiệt hại.
TBKTSG: Nhưng các đập này được xây dựng trong lãnh thổ của các nước khác, thì Việt Nam có thể làm gì để gây ảnh hưởng đến quyết định có đắp đập hay không?
- Thật ra “quả bóng” đang nằm trong chân 2 nước là Thái Lan và Việt Nam vì 12 đập này được thiết kế để bán 90% sản lượng điện sang Thái Lan và Việt Nam, chỉ 10% là để cho sử dụng nội địa ở Lào và Campuchia. Nếu Thái Lan và Việt Nam không mua điện từ các đập này thì các đập này khó có thể khả thi vì làm ra điện thì bán cho ai.
Chúng ta lưu ý rằng nguồn đầu tư cho 12 đập này chủ yếu là từ các nhà đầu tư tư nhân. Báo cáo này nói rõ rằng Lào và Campuchia sẽ không có khả năng xây dựng các đập này nếu không có các nhà đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân thì đầu tư vì lợi nhuận, nếu không có thị trường bán điện thì họ chắc chắn không đầu tư.
TBKTSG: Nhưng Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng, thì vẫn cần mua điện từ các đập này?
- Báo cáo đã nêu rõ, nếu Thái Lan và Việt Nam mua được 90% điện từ 12 đập này thì tính đến năm 2025 lượng điện đó cũng chỉ đáp ứng được 4,4% nhu cầu của Việt Nam. Nếu cân nhắc những thiệt hại to lớn đối với vựa lúa lớn nhất của mình, thì Việt Nam không nên xem nguồn điện từ các đập này là quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng.
TBKTSG: Trong trường hợp các đập này vẫn được xây, thì đối với ĐBSCL có thể có những biện pháp thích nghi nào?
- Nếu trong trường hợp các đập này vẫn được xây dựng thì đối với ĐBSCL có thể nói rằng đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất. Mọi mặt của đời sống ĐBSCL, một vùng sông nước trù phú do chính dòng sông mẹ Mekong tạo ra và nuôi dưỡng hàng ngàn năm nay sẽ bị thay đổi, cả về môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tốt nhất là các đập này không nên được xây. Còn nếu các đập này vẫn được xây thì biện pháp thích nghi nào cũng khó, hoặc là không khả thi, hoặc là quá đắt cho ĐBSCL, vì ba lí do:
Thứ nhất là danh sách các rủi ro tổn thất rất dài và chưa có rủi ro nào được hiểu tường tận và định lượng được cả.
Thứ hai là không phải tổn thất nào cũng có thể khắc phục được. Giảm phù sa thì có thể tăng lượng phân bón để duy trì năng suất, nhưng cũng chỉ đến một lúc nào đó mà thôi. Trong mấy thập kỷ vừa qua, theo Tiến sĩ Lê Phát Quới (Viện Tài nguyên & môi trường TP.HCM), vùng trù phú nhất của ĐBSCL là vùng đất xám gần sông Mekong cũng đã có dấu hiệu biến thành đất xám bạc màu do sử dụng thâm canh vượt mức phù sa bồi đắp. Bây giờ lại thiếu phù sa thì đất sẽ bạc màu nhanh hơn. Số liệu của Thạc sĩ Dương Văn Nhã ở Đại học An Giang so sánh năng suất lúa trong đê bao (ít phù sa) và ngoài đê bao (nhiều phù sa) ở An Giang cho thấy, ngoài đê năng suất lúa ổn định ở mức 5,86-6,74 tấn/héccta trong khi trong đê bao do thiếu phù sa thì chỉ đạt 5,28 tấn/héc ta mặc dù phân bón sử dụng nhiều hơn đến 131-134 kilôgam/hécta. Vậy phân bón không thể thay thế phù sa được. Mà tăng sử dụng phân bón còn gây ra muôn vàn hệ lụy môi trường khác như gây ô nhiễm nước.
Thủy sản nuôi cũng không thể dùng làm biện pháp thay thế thủy sản tự nhiên được bởi vì thủy sản nuôi phụ thuộc vào thủy sản tự nhiên, bột cám, bột cá biển để làm thức ăn và tất cả những thứ này đều phụ thuộc vào phù sa sông Mekong. Khi thiếu phù sa thì sản lượng thủy sản biển vùng ĐBSCL cũng sẽ suy giảm. Ta có thể nhìn sang Australia làm ví dụ. Australia có bờ biển dài 31.218 ki lô mét và một vùng biển rộng 16 triệu ki lô mét vuông, nhưng không đứng nổi hàng top 50 về sản lượng thủy sản quốc gia trên thế giới, là vì giữa lục địa Australia là sa mạc, dòng chảy nghèo dinh dưỡng, nên biển Australia cũng là “biển sa mạc”, năng suất thủy sinh thấp. Nếu dòng chảy song Mekong không tiếp tục mang phù sa ra biển, thì vùng biển ĐBSCL có thể là “biển sa mạc” trong tương lai.
Thứ ba, ngoài tác động của các đập thủy điện thì ĐBSCL lại là một trong 5 nơi được xác định là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đối phó với riêng biến đổi khí hậu thôi đã là vất vả và tốn kém lắm rồi.
TBKTSG: Vậy có thể tính tới chuyện chia sẻ lợi ích hay đền bù thiệt hại không?
- Trên thế giới cũng có những thí dụ về những cơ chế thành công trong những điều kiện cụ thể nào đó trong việc chia sẻ lợi ích hoặc đền bù thiệt hại do thủy điện gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp thủy điện Mekong, xem ra vấn đề sẽ rất phức tạp. Sự thành công của một cơ chế chia sẻ lợi ích hay đền bù thiệt hại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm việc tính toán ai bị thiệt hại, thiệt hại bao nhiêu, ai gây ra thiệt hại, gây ra bao nhiêu, và trong việc tổ chức thực hiện đền bù hay chia sẻ lợi ích thì phải có năng lực quản lý, hành chính, kỹ thuật, thể chế ở tất cả các cấp từ địa phương đến quốc gia và khu vực để đảm bảo được sự minh bạch, công bằng, và hiệu quả.
Thiệt hại do các đập Mekong gây ra là trên một vùng rộng lớn, xuyên biên giới, ảnh hưởng hàng chục triệu người và thiệt hại đối với mỗi người hay mỗi ngành là khác nhau. Một nông dân bị giảm năng suất lúa hay tăng chi phí sản xuất do giảm phù sa sẽ bị thiệt hại khác với, ví dụ, một cơ sở chế tạo nước mắm khi nguồn cá biển bị giảm sút do thiếu phù sa sông Mekong đưa ra. Vậy làm sao tính toán cho công bằng và làm sao đảm bảo tiền thiệt hại sẽ đến từng người bị thiệt hại? Trong số 12 đập này thì mỗi đập gây thiệt hại là bao nhiêu và nhà đầu tư nào phải chi trả đền bù bao nhiêu?
Ngoài ra muốn tính toán đuợc thiệt hại thì phải đo số liệu nền (baseline) ngay từ bây giờ trước khi các đập được xây dựng. Ví dụ, cần phải biết năng suất lúa hiện nay là bao nhiêu, thu nhập nông dân hiện nay bao nhiêu, tiêu thụ cá bình quân đầu người là bao nhiêu, các cảng vận chuyển lúa hàng năm bao nhiêu, sản xuất nước mắm hàng năm bao nhiêu… Sau đó phải có hệ thống quan trắc, theo dõi tác động trong quá trình xây các đập và vận hành các đập, và còn phải loại trừ tất cả các yếu tố ảnh hưởng khác như thời tiết, kinh tế thế giới,v.v thì mới tính ra được những con số thiệt hại.
Với tất cả những vấn đề này thì xem ra việc đền bù thiệt hại là khó có thể thực hiện được và việc đền bù hay chia sẻ lợi ích xuyên biên giới lại càng khó hơn.
Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/49002/Dap-Xayabury-la-mo-dau-nhung-tac-hai-kho-luong-cho-DBSCL.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét