1.
Trao em những trái xoài cát Hòa Lộc cuối mùa
vàng ươm nâng niu từ Cần Thơ ra Hà Nội. Giọng
con gái Bắc có tiếng ve đong đưa trên vòm sấu
xanh cong cái nắng đầu hè khô khát: “Ôi, anh…”.
Hơn hai mươi năm trở lại. Sắc áo lính ngày xưa
của chàng trai phương Nam đã tan trong hồn cây
cỏ thủ đô. Ngày ấy ta thèm xoài nhưng xoài chưa
là hàng hóa Bắc - Nam. Mỗi chủ nhật rời doanh
trại Gia Lâm lang thang hồ Gươm, em dúi vào tay
ta tấm phiếu ăn cơm “quốc doanh mậu dịch”. Giờ
em thong thả chọn trái cây bốn mùa Nam - Bắc
sau mỗi bận dan díu đãi đằng bạn bè từ xứ nào
cơm lam, ốc Tây Hồ, chả cá Lã Vọng, ô mai…
2.
Hàng hóa tưng bừng tràn ngập phố phường.
Hàng Tây, Tàu, ta… chộn rộn chen chân giảm giá.
Tha hồ mặc cả. Dẫu khách không mua em vẫn nở
nụ cười, vẫn kèo nài mời mọc. Hai bàn tay trân
trọng nâng món hàng trao cho khách; khác hẳn
ngày xưa ta chỉ nhận từ em…”chuyên trị” một
bàn tay.
3.
Dưới những tòa cao ốc khách sạn, văn phòng liên
doanh sang trọng, vẫn còn những tầng thấp xanh
um cổ thụ và công viên. Thích nhất là ta đã lạc
đường dăm bảy bận, trong những đêm lang thang
cùng cây xanh.
Và những mẹ nhà quê, thầm lặng sáng trưa chiều
quảy những gánh hàng rong; nải chuối, mớ rau,
chùm hoa, trái ổi…cũng lang thang khắp phố
phường Hà Nội vòm xanh. Ta chép vào sổ tay:
“Chợ đồng quê Hà Nội lang thang”.
4.
Em đưa ta đi thăm người bạn cũ còn tại ngũ.
Bạn tặng “Thơ và tranh” vừa mới in xong. Rồi
bày rượu đọc thơ, dẫn khách xem tranh cho
tới nửa đêm. Bạn đã đeo quân hàm thượng
tá, mái tóc đã muối tiêu.
Bạn không còn sống ở Bắc Ninh. Trong
những khu gia binh của Hà Nội mới tháng
năm, có những người Hà Nội mới như anh.
(Anh đã sống được bằng thơ và tranh; một
đôi lần triển lãm, có những bức tranh hòa
bình anh bán được vài trăm đô la Mỹ).
5.
Đêm đưa em về giữa lòng Hà Nội. Cố tình
chạy lạc những con đường đã quen. Và nói
lời chia tay bên hồ Gươm: “Phải chi em là
người tôi yêu”.
Hà Nội, tháng 5-1998