Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

STF: đã có 1.053 sinh viên được vay tiền học không tính lãi



(TBKTSG Online) - Ngày 9-9-2009, Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation – STF) phối hợp với Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (TP.HCM) và trường Đại học Cần Thơ ra mắt dự án Mekong thuộc “Chương trình Cho vay tiền học không tính lãi”, cho sinh viên ĐBSCL. Đến nay chương trình này đang có thêm hai dự án hoạt động tại miền Trung và TP.HCM


Tiếp bước Mekong



Sinh viên ĐBSCL với chương trình Mekong
Dự án Mekong do Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng tài trợ 4 tỉ đồng, cho sinh viên 3 trường đại học Cần Thơ, An Giang, Cửu Long và Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau vay theo mức học phí của mỗi trường.

Giao lưu với sinh viên tại Đại học Cần Thơ hôm 17-2-2012, ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng nói rằng, đồng hành cùng với STF làm chương trình này, ông chỉ mong hỗ trợ cho nhiều sinh viên quê ở ĐBSCL thành công trong việc học và có việc làm ổn định để góp phần xây dựng quê hương. Còn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ vào thời điểm đó thì tin là “Chương trình này sẽ được mở rộng hơn vì nó đã và đang giúp cho hằng trăm sinh viên ĐBSCL có tiền để đóng học phí học tới ngày tốt nghiệp”.  


Chương trình Cho vay học phí không tính lãi của STF bắt đầu với Chương trình Mekong tháng 9-2009.

Chương trình Cho vay học phí không tính lãi của STF bắt đầu với Chương trình Mekong tháng 9-2009.
Tiếp bước dự án Mekong, ngày 23-3-2012, dự án miền Trung của chương trình “Cho vay tiền học không tính lãi” được STF triển khai tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Kinh phí đầu tiên 300 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng do TBKTSG gây quỹ từ chương trình hòa nhạc Saigon Times Concert năm 2011 và 100 triệu đồng do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tài trợ. 30 sinh viên đầu tiên, mỗi sinh viên được vay 5 triệu đồng, tương đương mức học phí một năm học.

Đến ngày 27-12-2012, tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam và STF giới thiệu tiếp chương trình “Manulife – điểm tựa tương lai”. Chương trình trị giá 500 triệu đồng, do Manulife tài trợ, cho 100 sinh viên năm 3 và 4 thuộc 3 trường, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Cần Thơ vay học phí không tính lãi, mỗi suất 5 triệu đồng. Tổng giám đốc Công ty TNHH Manulife Việt Nam, ông Chung Bá Phương, nhận xét: “Đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội và rất thiết thực, nhằm giúp các bạn sinh viên khắc phục những khó khăn tài chính trước mắt, an tâm học hành để chuẩn bị cho việc tốt nghiệp đại học. Năm 2012 cũng là năm đầu tiên Manulife triển khai chương trình này và nhận được nhiều phản hồi rất tích cực”.

Đến nay, dự án Mekong đã có 994 sinh viên ĐBSCL vay hơn 4,1 tỉ đồng và đã có 198 sinh viên ra trường hoàn trả món vay gần 1 tỉ đồng cho lớp sau vay tiếp. 8 tháng đầu năm 2013, có thêm 23 sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng vay tiếp từ dự án miền Trung. Ở  TP.HCM, trong 8 tháng qua, STF có 35 sinh viên Đại học Bách Khoa vay từ chương trình. Như vậy sau 4 năm, tổng số sinh viên vay tiền từ “Chương trình Cho vay tiền học không tính lãi” đã lên đến 1.053 sinh viên với tổng số tiền vay là 4,318 tỷ đồng.


"Tôi đã đạt được ước mơ"


Bạn Cao Thị Hồng Nhung, cựu sinh viên Đại học An Giang, đã trả món vay 8,4 triệu đồng khi ra trường vào tháng 9-2012. Hiện đang làm việc ở Công ty TNHH MTV Bao bì Vemedim (Cần Thơ), Hồng Nhung tâm sự: “Nguồn tiền vay từ chương trình đã giúp tôi rất nhiều, ở thời điểm gia đình tôi đang gặp khó khăn, chi phí học tập là một gánh nặng lớn đối với ba mẹ. Nhờ có nguồn vốn vay từ chương trình, tôi đã theo đuổi đến đích ước mơ của mình là một chuyên viên kinh doanh. Đã có lúc khó khăn, tưởng chừng ước mơ đó phải dừng lại, nhưng dự án Mekong đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh vật chất lẫn tinh thần. Điểm đáng quí của dự án là hỗ trợ không lãi suất, sinh viên tự vay bằng tín chấp và giúp sinh viên có trách nhiệm hơn”. Hồng Nhung kỳ vọng: “Tôi rất mong chương trình được tiếp tục để truyền sức mạnh, hỗ trợ cho các bạn sinh viên khóa sau. Quê hương An Giang còn nhiều sinh viên khó khăn, rất cần nguồn vốn vay này để học tập”.

Cựu sinh viên Đại học Cần Thơ, Ngô Văn Xuân Phong, đang làm việc tại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thuận Thành Phú (Long Xuyên, An Giang), đã trả món vay 7,4 triệu đồng khi tốt nghiệp vào năm 2011. Xuân Phong cho biết: “Dự án Mekong có ý nghĩa thiết thực. Nếu như không có số tiền vay này thì cuộc sống của tôi sẽ gặp thêm nhiều khó khăn do hoàn cảnh gia đình tôi không được như những bạn khác. Nếu có thể, thì chương trình nên bỏ qua điều kiện sinh viên đã vay tiền của ngân hàng chính sách thì không được vay từ chương trình. Khi đó, chương trình chỉ xét cho vay đối với những sinh viên có chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo và những trường hợp đặc biệt”.

Chia sẻ với các bạn sinh viên lớp sau đang vay từ các dự án Mekong, miền Trung và TP.HCM của STF, cả hai bạn Hồng Nhung và Xuân Phong đều mong muốn, tới ngày tốt nghiệp, người vay nên “hoàn trả vốn vay cho dự án, để dự án có thể quay nguồn vốn kịp thời đến các bạn sinh viên khó khăn khác”.



Năm nay, Manulife tài trợ tiếp 500 triệu đồng

Manulife trao giấy chứng nhận cấp vay cho sinh viên Đại học Bách Khoa TPHCM
Trao đổi với TBKTSG, ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Manulile Việt Nam, cho biết: “Năm nay, với mong muốn biến chương trình này thành một hoạt động thường niên, Manulife sẽ tiếp tục tài trợ số tiền 500 triệu đồng cho 100 sinh viên có hoàn khó khăn tại một số trường đại học khác”.


Với các bạn sinh viên, ông chia sẻ: “Đây cũng là cơ hội để các bạn dần có ý thức quản lý chi tiêu cũng như hoạch định tài chính cho tương lai sau này của mình. Tôi mong các bạn sinh viên luôn giữ vững niềm tin, nhiệt huyết và sức mạnh của tuổi trẻ để vượt qua những khó khăn trước mắt, sớm gặt hái những thành công sau này”. 

Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/101864/STF-da-co-1053-sinh-vien-duoc-vay-tien-hoc-khong-tinh-lai.html

Nhớ…


Tác giả cuốn sách này, nhà báo Trần Thanh Phương, tâm sự: 'Tôi cầm bút đã 45 năm. Nhưng chưa có trang viết nào tôi thấy ngòi bút mình khó khăn như soạn cuốn sách này. Tôi tự dặn lòng, phải thật cẩn thận từng câu từng dòng, vì chữ nghĩa ở đây đã chạm đến những giây phút cuối cùng của một đời văn. Cho nên, trước khi ngồi vào bàn viết, tôi có sửa soạn mâm cơm, thắp nén nhang xin hương hồn các nhà văn, nhà thơ quá cố cho phép tôi được làm cái việc ghi chép lại giờ phút lâm chung và việc hậu sự của họ'. Và ông đã chọn nửa câu Kiều, Còn là tinh anh, để đặt tên cho cuốn sách này; sách được NXB Văn hóa - Văn nghệ in 2.000 cuốn bìa cứng, giá 120.000 đồng/cuốn, vào quý 2.2013.




Trần Thanh Phương đã sắp xếp theo thời gian qua đời của 50 nhà văn, nhà thơ hiện đại mà tác giả có đủ tư liệu, để soạn cuốn sách này. Đó là Vũ Trọng Phụng (mất năm 1939), Hàn Mặc Tử (1940), Trần Đăng (1949), Thâm Tâm (1950), Thôi Hữu (1950), Nam Cao (1951), Nguyễn Huy Tưởng (1960), Lê Văn Trương (1964), Nguyễn Bính (1966), Nguyễn Thi (1968), Lê Anh Xuân (1968), Dương Thị Xuân Quý (1969), Chu Cẩm Phong (1971), Nguyên Hồng (1982), Đặng Thai Mai (1984), Xuân Diệu (1985), Vũ Ngọc Phan (1987), Nguyễn Tuân (1987), Thanh Tịnh (1988), Xuân Quỳnh (1988), Lưu Quang Vũ (1988), Quang Dũng (1988), Nguyễn Minh Châu (1989), Đoàn Giỏi (1989), Thế Lữ (1989), Chế Lan Viên (1989), Lưu Trọng Lư (1991), Hoàng Trung Thông (1993), Phùng Quán (1995), Yến Lan (1998), Nguyễn Văn Bổng (2001), Trinh Đường (2001), Ngân Giang (2002), Tố Hữu (2002), Nguyễn Đình Thi (2003), Thu Bồn (2003), Bảo Định Giang (2005), Huy Cận (2005), Anh Thơ (2005), Trần Bạch Đằng (2007), Bàn Tài Đoàn (2007), Phạm Tiến Duật (2007), Nguyễn Khải (2008), Sơn Nam (2008), Thảo Phương (2008), Tế Hanh (2009), Hữu Loan (2010), Hoàng Cầm (2010), Hoài Anh (2011) và Chim Trắng (2011).

Với mỗi tác giả, trước khi kể chuyện về “phút lâm chung” và “việc hậu sự”, nhà báo Trần Thanh Phương đều chọn in ảnh chân dung, tóm tắt thân thế, sự nghiệp, các tác phẩm chính và đặc biệt là chọn đăng một đoạn văn, câu thơ hay một đoạn phê bình văn học để đời của họ làm đề từ. Thí dụ về nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông chọn câu nói nổi tiếng của nhân vật chính trong tiểu thuyết Số đỏ, đó là câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Kể chuyện chữa bệnh lao phổi thời đó, Vũ Trọng Phụng đã phải nghe lời bác sĩ, hút thuốc phiện để kéo dài sự sống, rồi nói với bạn văn: “Nghiện thuốc phiện thì đê hèn thật, nhưng còn hơn chết chứ. Tôi, trên còn bà, dưới còn vợ, và con. Bằng ấy người trông vào tôi”. Nhưng rồi nhà văn đã ra đi khi mới 27 tuổi, vào ngày 13.10.1939, tại Hà Nội. Sách kể tiếp: “Hố huyệt của nhà văn được đào từ hôm trước, cách mộ Tản Đà vài bước chân. Linh cửu vừa từ từ hạ xuống thì bà Vũ Trọng Phụng vì quá thương chồng đã lăn xuống huyệt”. Sau khi nhà thơ Lưu Trọng Lư đọc điếu văn, nhà văn Bùi Huy Phồn đọc hai câu đối có lồng tên 6 tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng: Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua Giông tố tưởng nên Số đỏ/ Số độc đắc văn chương vừa túng thế, nỡ Dứt tình, Không một tiếng vang.

Chuyện về nhà văn Nam Cao, ông hy sinh năm 1951 trong vùng địch hậu ở Ninh Bình, được người dân địa phương chôn cất chung với đồng đội trong cùng một nấm mồ. Vì vậy, mãi tới năm 1998, gia đình mới tìm được hài cốt nhà văn đưa về quê Hà Nam cải táng. Và đây là một câu chuyện ly kỳ, phải nhờ đến nhà ngoại cảm phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an công phu tìm kiếm và xét nghiệm mới có kết quả.

Nhà văn Sơn Nam mất ngày 13.8.2008 tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, thọ 82 tuổi. Lễ viếng nhà văn vào sáng hôm sau tại nhà tang lễ TP.HCM. Sách kể: “Nhiều nhà văn và bạn đọc yêu mến ông, sau khi thắp nén nhang trước quan tài ông, lại kéo nhau ra quán rượu gần nhà tang lễ nhắm ly rượu tiễn biệt người quá cố. Buồn thương, nhưng không bi lụy”. Trước đó 2 trang, sách viết: “Tự dưng thấy sức khỏe của mình không được như trước, năm 2003, ông đã đến phòng công chứng làm tờ di chúc. Biết tôi thích lưu giữ tài liệu về ông, ông tặng tôi bản sao tờ di chúc đó, nội dung có đoạn: “Hôm nay, ngày 20.11.2003, tại phòng công chứng số 5 thành phố Hồ Chí Minh, tôi tự nguyện tuyên bố nội dung di chúc của tôi và do công chứng viên ghi chép chính xác, đánh máy lại như sau: Tôi tên là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926, chứng minh nhân dân số 021144502 cấp ngày 26.6.1978 tại công an thành phố Hồ Chí Minh…”.

Kể chuyện nhà thơ Chim Trắng (mất ngày 28.9.2011 tại nhà riêng ở Bình Dương), có đoạn: “Khi chứng ung thư gan bộc phát, ông vẫn kiên quyết không vào bệnh viện. Cô con dâu út phải năn nỉ ông”. Và: “Khi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, ông đã bứt hết dây truyền dịch thuốc, hét lên: “Tôi là người tự do…”. Rồi lịm dần”. Ở trang cuối, 472, tác giả cuốn sách này trích thơ của nhà thơ Lê Chí ở Cần Thơ, tiễn biệt Chim Trắng: Ông là con chim của vườn dừa thăm thẳm/ Lượn thong dong trên sóng Hàm Luông/ Vỗ cánh miệt mài đất nước. ■



Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130910/nho%E2%80%A6.aspx