Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Cần Thơ cần làm nhiều hơn nếu muốn "cất cánh"


(TBKTSG Online) - Cho dù đã có nhiều đổi mới về cả hạ tầng giao thông, cảng biển, cơ cấu kinh tế... nhưng Cần Thơ vẫn chưa thể là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như mục tiêu mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định.

Cuối ngày hôm nay (23-12), kết luận hội nghị của Chính phủ về việc xây dựng TP Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 17-2-2005), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Vai trò của TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL vẫn còn giá trị như Nghị quyết 45 đã xác định. Và chúng ta vẫn phải thực hiện tiếp các nội dung mà Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009 nhằm thực hiện nghị quyết này”.
Trước đó, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư thành ủy TP Cần Thơ, tỏ ra bức xúc: “Rất buồn là Cần Thơ lên thành phố đã 10 năm rồi mà đến giờ một số bộ ngành gởi công văn vẫn ghi gởi “tỉnh Cần Thơ” và cơ chế chính sách cho TP Cần Thơ thì không khác các tỉnh trong vùng”.


Quang cảnh hội nghị
 Ông Mẫn phân trần: “Nói vai trò Cần Thơ là trung tâm, là động lực của ĐBSCL thì các đồng chí trung ương nói chớ thành phố chưa bao giờ dám nói”, rồi cho biết sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 45, năm nay TP cần Thơ là một trong số 13 tỉnh, thành phố của cả nước điều tiết ngân sách về trung ương, ở mức 800 tỉ đồng (trong số 13.000 tỉ đồng), chiếm 22% ngân sách vùng ĐBSCL.

Vào đầu giờ sáng nay, sau khi nhắc lại tinh thần Nghị quyết 45 (xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia; là thành phố cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế - văn hóa; là đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh của ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hỏi: “Các trung tâm này đã hình thành thế nào? Hình hài ra sao? Cần Thơ tự thấy mình đã trở thành trung tâm chưa?”, rồi nói tiếp: “Vai trò của các bộ ngành ở đây rất quan trọng; nếu không có cơ chế chính sách của trung ương thì rất khó thực hiện Nghị quyết 45. Các bộ phải thấy được trách nhiệm của mình”.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Lê Hùng Dũng quả quyết: “Trở thành thành phố loại 1 trước năm 2010, các trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, y tế giáo dục, khoa học công nghệ đặt ra trong Nghị quyết 45 đang dần hình thành”. Tuy vậy, ông Dũng đã nêu rõ nhiều hạn chế của TP Cần Thơ khi phát triển theo tinh thần nghị quyết này, trong đó có bốn điểm yếu: môi trường đầu tư, kết cấu hạ tầng, liên kết vùng ĐBSCL và chất lượng nguồn nhân lực.


Về kết cấu hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho rằng, sau 10 năm, TP Cần Thơ nay đã cơ bản liên thông cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không với các tỉnh ĐBSCL, với TP.HCM và cả nước qua những công trình quốc lộ, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng biển Cái Cui…


Nhiều đại biểu không đồng tình với ý kiến này, cho rằng nhiều tuyến đường quốc lộ chưa thông, cảng Cái Cui không hoạt động bao nhiêu vì cửa Định An bồi lắng, tàu 5.000 tấn không vào được, hàng hóa ĐBSCL chủ yếu phải về TPHCM để xuất khẩu; còn sân bay quốc tế Cần Thơ thì vắng khách vì chỉ mới nối với vài tỉnh, thành trong nước.


Ông Thế cho biết tới giữa năm 2017, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sẽ xong; thời điểm đó, cũng sẽ xong công trình kênh Quan Chánh Bố, tàu 10.000 – 30.000 tấn sẽ ra vào sông Hậu tới Cần Thơ, An Giang… Về đường cao tốc nối Cần Thơ với TP.HCM, ông Thế thông báo: “Hôm qua, bộ đã chọn được nhà đầu tư. Đầu năm 2015, chúng tôi sẽ khởi động lại dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ở giai đoạn 1. Còn đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ dự kiến đến tháng 6-2015 bắt đầu nhưng lại đang thiếu 4.000 tỉ đồng, mới có 2.000 tỉ từ nguồn xã hội hóa”. 


Cầu Cần Thơ, một trong những công trình quan trọng giúp giao thông giữa Cần Thơ và các tỉnh dễ dàng hơn. Ảnh: TL.


Riêng về sân bay Cần Thơ, ông Thế cho rằng Vietnam Arlines thiếu chính sách cạnh tranh về giá nên không chịu mở đường bay mới trong khi VietJet Air lại thành công khi mở hai đường bay nối Cần Thơ với Hà Nội và Đà Nẵng.


Phó ban Kinh tế trung ương, ông Lê Vĩnh Tân, nói: “Cần Thơ vẫn chưa bảo đảm vai trò là động lực phát triển của ĐBSCL. Trước đây, khi có cầu Mỹ Thuận, đồng bằng hi vọng sẽ cất cánh, giờ có thêm cầu Cần Thơ, rồi sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng biển quốc tế Cái Cui, đồng bằng vẫn chưa cất cánh được. Cả ĐBSCL chưa có dự án FDI lớn nào đạt tới một tỉ đô la. TP Cần Thơ chưa có cơ chế chính sách thu hút đầu tư và liên kết hiệu quả”.


Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tự nhận rằng, “Bộ Công Thương còn chậm giúp TP Cần Thơ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để Cần Thơ phát triển theo Nghị quyết 45”.
Về đề nghị của TP Cần Thơ thành lập Viện Công nghệ sinh học, đại diện Bộ Khoa học – công nghệ cho biết sẽ xây dựng Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ ĐBSCL tại Cần Thơ trên cơ sở nâng cấp hai cơ sở công nghệ sinh học ở trường Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL.


Tương tự, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga không khuyến khích TP Cần Thơ tiếp tục đề xuất lập ba trường đại học công mới cho ngành kiến trúc, luật và ngoại ngữ vì hiện nay “việc tuyển sinh đã bão hòa” và “nên xã hội hóa để có trường mới”. Thay vào đó, ông Ga báo tin: “Tuần rồi, bộ đã kí với JICA của Nhật Bản dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ lên chuẩn quốc tế, đầu tư vào 5 ngành rất cần cho ĐBSCL là kĩ thuật công nghệ, công nghệ sinh học, nông nghiệp, thủy sản và môi trường”. Ông Ga nói, dự án này trị giá 106 triệu đô la Mỹ, trong đó có 90 triệu đô vay ODA của Nhật, và: “Rất mong Chính phủ ủng hộ, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao vùng ĐBSCL thông qua dự án này”.


Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nói: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, hướng tới, Cần Thơ sẽ điều chỉnh cơ cấu kinh tế là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao”. Ông Mẫn cho biết khu vực dịch vụ ở Cần Thơ những năm qua tăng 15,4%/năm; riêng năm 2014, tới giờ đã tăng 16,4%.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với định hướng này, nhưng nói rõ: “Năm năm tới thì được nhưng 10 năm tới, Cần Thơ vẫn phải hướng đến công nghiệp; phải ứng dụng khoa học kĩ thuật chất lượng cao vào sản xuất nếu không muốn thua thế giới”.


Riêng với dự án Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ (dự án đầu tiên ở Việt Nam về loại hình này) do hai chính phủ Việt – Hàn đầu tư nhằm tăng giá trị xuất khẩu hàng nông, thủy sản và cơ khí cho cả vùng ĐBSCL (dự kiến hoạt động vào quí 1 năm 2015), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu: “Bộ Công Thương chủ trì đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng chính phủ duyệt”.


____________________________________
Đã đăng TBKTSG Online 23-12-2014:
http://www.thesaigontimes.vn/124423/Can-Tho-can-lam-nhieu-hon-neu-muon-cat-canh.html

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Hụt hẫng nguồn lực du lịch ở Phú Quốc





Ngày 15-10 rồi, lễ khai giảng lớp cao đẳng nghề quản trị khách sạn niên khóa 2014-2017 được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc. Đây là khóa đầu tiên của chương trình “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Phú quốc”, theo cam kết giữa trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và công ty cổ phần Sài Gòn - Phú quốc. Lớp học có 30 học viên với 50% là học sinh và 50% là người đang đi làm trong ngành này. 

Trước đó nửa tháng, hai đơn vị này đã tổ chức hội thảo “Hướng nghiệp - ngành lưu trú & khách sạn – tương lai trong tầm tay” dành cho học sinh đang học cấp 2 và 3 tại huyện Phú Quốc và TP. Rạch Giá, không ngoài mục đích tìm kiếm nguồn lực bù đắp phần nào cho lổ hổng hiện nay trong ngành này ở Phú Quốc. 

Hội thảo cho thấy áp lực về nhân sự lao động, từ phổ thông đến quản lý cấp trung, cao của hàng chục dự án khách sạn đang mọc lên ở Phú Quốc. Chỉ với bảy dự án resort, khách sạn 4-5 sao ra đời giai đoạn 2014 - 2017 (đa phần ở hai khu Bãi Trường và Bà Kèo), đã nâng tổng số phòng từ 600 lên 2.136, tăng 371% so với hiện tại. Theo đó, cần có 4.272 nhân viên và cán bộ quản lý khách sạn các cấp đến định cư tại Phú Quốc. Riêng công ty cổ phần Vinpearl Phú Quốc, dự kiến sẽ khai trương khu nghỉ dưỡng 5 sao rộng 304 hecta ở bắc đảo vào ngày 1-11-2014 với 750 phòng và cần có 1.500 lao động. Nhu cầu này đã vượt tầm cung ứng nhân lực từ các nguồn cung cấp lâu nay ở Phú Quốc,  Rạch Giá, Cần Thơ. 

Theo ông Phùng Xuân Mai, tổng giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn – Phú Quốc, (đơn vị đã được Tổng cục Du lịch công nhận 4 sao đầu tiên trên đảo từ năm 2005): “Thực tế này đã và đang dẫn đến sự giành giật thô bạo về lao động du lịch”. Ông Mai kể, chỉ một thời gian ngắn, Saigon – Phuquoc Resort & Spa đã “bị mất” 18 nhân sự quản lý trung, cao cấp. Thậm chí, có lần, đại diện ban tổng giám đốc một doanh nghiệp đã tổ chức phỏng vấn tuyển người của Sài Gòn – Phú Quốc ngay tại sảnh khách sạn này với lời hứa tăng thu nhập gấp đôi.

Ngoài lớp học vừa khai giảng với số học viên còn khiêm tốn ấy, tới giờ, chưa thấy có thêm khóa đào tạo bài bản nào khác về chuyện này ở Phú Quốc. Trong khi đó, theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, đến tháng 4-2014, huyện Phú Quốc mới đáp ứng được khoảng 0,75 lao động/phòng trong khi tiêu chuẩn cần có từ 1,3-1,8 lao động/phòng. Theo một báo cáo khác của UBND huyện Phú Quốc, sáu tháng đầu năm 2014, có 267.996 lượt du khách đến Phú Quốc, tăng 25,99% so với cùng kỳ; trong đó có 72.617 khách quốc tế, tăng 34%; doanh thu đạt 1.014 tỉ đồng, tăng 52,48% so với cùng kỳ.  

Hiện nay, trước cổng Saigon – Phuquoc Resort & Spa có treo tấm bảng lớn quảng bá chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc. Đây là liên kết tay ba giữa khu nghĩ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc với trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và Elite Hospitality Group JSC, đại diện độc quyền của Viện Đào tạo khách sạn & lưu trú Hoa Kỳ (EI) tại Việt Nam. Nhưng phải sang năm 2015, phía Elite Hospitality Group JSC mới bắt đầu đào tạo cán bộ quản lý du lịch theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, do EI thẩm định và cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Hiện nay họ đang dành 6 tháng đào tạo giáo viên cho hai đơn vị liên kết phía Việt Nam.

Việc đào tạo nguồn lực thì tiến chậm như vậy nhưng việc xây khách sạn mới thì không dừng lại. Theo ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phú Quốc, tới tháng 9-2014, Phú Quốc đã có khoảng 4.200 phòng khách sạn và sang năm sẽ có thêm hơn 2.000 phòng nữa, chủ yếu là loại 4-5 sao. Ông Hưng còn cho biết: “Đến hết năm 2015, nhu cầu lao động mới của ngành này ở Phú Quốc cần tới 8.000 người nhưng hiện nay mới chỉ có những trung tâm đào tạo ngắn hạn”.

Lý giải cho thực trạng này, ông Huỳnh Quang Hưng nói: “Do phát triển nóng, năm năm gần đây, Phú Quốc tăng trưởng 25-26%/năm với khối lượng công việc không thua một tỉnh nhưng cơ chế bộ máy lại như một huyện bình thường”. Ông Hưng nói tiếp: “Chúng tôi đề xuất trung ương có cơ chế đặc biệt cho nguồn nhân lực Phú Quốc”. 

Bài đã đăng Báo Cần Thơ ngày 3-11-2014:



 

Đại học Nam Cần Thơ có ký túc xá khép kín



Trường đại học tư thục Nam Cần Thơ vừa khánh thành ký túc xá 2.000 chỗ ở hôm 31-10 nhân dịp khai giảng khóa 2, tại Cần Thơ. Theo ông Đỗ Quốc Anh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Gia1o dục và đào tạo: “Đây là mô hình hiếm hoi ở vùng kinh tế nông nghiệp ĐBSCL đang còn nhiều khó khăn”. 


Cần Thơ có kí túc xá khép kín

    GS.TS Võ Tòng Xuân, quyền hiệu trưởng nhà trường cho biết ký túc xá làm theo mô hình khép kín với nhiều loại hình dịch vụ như siêu thị mini, thư viện, phòng Internet… gắn với công viên, sân chơi thể thao với diện tích hơn 10.000 m2 nhằm hỗ trợ cho triết lý giáo dục của trường là vì sự phát triển và học tập thành đạt của học sinh, sinh viên. “Đến khóa 2 này, DNC đào tạo hơn 2.000 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở 13 ngành khác nhau theo mô hình đại học cộng đồng Hoa Kỳ, nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực ngắn hạn và dài hạn thiết thực ở ĐBSCL”, ông Xuân nói.

    TS Nguyễn Tiến Dũng, đại diện hội đồng quản trị nhà trường cho biết kinh phí công trình này là gần 80 tỉ đồng và DNC đang miễn phí cho 500 học sinh, sinh viên đầu tiên đăng ký ở.

* Đã đăng tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị 3-11-12014:




Và trang 2 báo Saigon Times Daily 3-11:
 




Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Cần Thơ muốn có cơ chế đặc thù phát triển Vườn ươm công nghệ




(TBKTSG Online) - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đã yêu cầu Sở Công thương  thành phố kiến nghị với Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Cần Thơ.

Ông Nam đã nêu yêu cầu trên tại buổi họp bàn về cơ chế chính sách đặc thù đối với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP Cần Thơ), được tổ chức ngày 27-10 tại Cần Thơ.




Các đại biểu tham gia buổi khởi công KVIP Cần Thơ vào tháng 11-2013

"Nếu tới tháng 3-2015, Chính phủ chưa kịp bàn hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vườn ươm thì UBND TP Cần Thơ phải có tờ trình HĐND TP Cần Thơ quyết định đối với những vấn đề nằm trong thẩm quyền của địa phương để đảm bảo vườn ươm hoạt động hiệu quả", ông Nam nói.

TP Cần Thơ đề xuất trung ương hỗ trợ các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, về sử dụng đất, hỗ trợ vay vốn, phát triển thị trường… Phía Cần Thơ sẽ đảm bảo kinh phí hoạt động của Trung tâm phát triển KVIP Cần Thơ đến hết năm 2017, sau đó trung tâm tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên; hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong thời kỳ ươm tạo tại vườn ươm và các doanh nghiệp sau khi được ươm tạo thành công tại vườn ươm.

Đến nay, KVIP Cần Thơ đã hoàn thành được 56,37% kế hoạch xây dựng; dự kiến tới cuối quí 1 năm 2015, vườn ươm sẽ bắt đầu hoạt động.

Khi hoàn thành, dự án KVIP Cần Thơ sẽ có hai tòa nhà rộng hơn 13.000 mét vuông lắp đặt thiết bị phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc ba ngành công nghiệp chính là chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo.

Tổng kinh phí của dự án là 21,13 triệu đô la Mỹ, trong đó Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu đô la Mỹ, còn lại là vốn của Việt Nam. Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KITECH) giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ, phối hợp với Đại học Cần Thơ và Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ đưa ra danh sách thiết bị cần thiết phục vụ dự án này.



Bài đã đang tại:
http://www.thesaigontimes.vn/121911/Can-Tho-muon-co-co-che-dac-thu-phat-trien-Vuon-uom-cong-nghe.html

và tại TheSaigontimes Daily:



Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Chuyện rác thải ở Phú Quốc

   
Rác thải, nước thải vẫn đang là nỗi lo lớn tại Phú Quốc (Kiên Giang) khi hòn đảo ngọc này đang thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch.

Bãi rác chính của Phú Quốc hiện nay
Từ góp ý của du khách…

Nhớ hôm 16.5.2009, tại khu nghỉ dưỡng Sao Biển (thị trấn Dương Đông), hai vợ chồng Marilyn và Alan (du khách Anh Quốc) đã góp ý với Phú Quốc về chuyện này. Là người dân của xứ sở bao bọc tứ bề là biển, nhưng cả hai đều tỏ ra rất thích thú với thiên nhiên Phú Quốc. Hôm đó, dù sắp rời Sao Biển vào chuyến bay cuối giờ buổi sáng nhưng nhiều người vẫn thấy cả hai phơi trần trên cát, nằm đọc sách. Tôi hỏi họ về Phú Quốc, vợ chồng trao đổi với nhau một chút, rồi chị Marilyn ghi vào sổ tay của tôi mấy dòng: “Tôi không nghĩ rằng mọi người VN đã nhận ra đất nước mình đẹp đến mức nào, vì nếu họ nhận ra thì họ đã giữ cho nó sạch sẽ hơn; ở Phú Quốc, chỗ nào cũng gặp rác. Tôi hy vọng nơi này sẽ không phát triển theo hướng “Tây phương hóa” và làm biến dạng nó. Nên giữ cho các khu nghỉ dưỡng nhỏ vừa phải, phù hợp với bản sắc của đất nước mình”.

Hôm 9.9 vừa rồi, quay lại Sao Biển, dù đang mùa biển động, trời mưa gió, vẫn thấy có du khách nước ngoài thăm viếng đảo. Gặp hai anh chị du khách Đức rất trẻ là Nadine và Jonas nghỉ ở phòng bên cạnh, chúng tôi lại hỏi họ về Phú Quốc. Bạn Nadine nói: “Chúng tôi khó tìm được thứ gì để làm trong khi trời cứ mưa hoài. Cho nên tôi nghĩ nếu muốn hấp dẫn du khách, Phú Quốc nên có vài thay đổi thích ứng khi thời tiết xấu. Mặt khác, Phú Quốc cần thận trọng đừng để phát triển du lịch quá nhanh. Tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề đối với thiên nhiên đáng yêu trên đảo”. Về chuyện rác thải, Nadine bộc bạch: “Tụi tôi yêu những bờ biển ở Phú Quốc lắm nhưng thật đáng tiếc là chỗ nào cũng có rác”. Chủ một khu nghỉ dưỡng ở Dương Đông chia sẻ nhận xét của các du khách nước ngoài này và nói thêm: “Gần đây, Phú Quốc lại nổi lên chuyện làm vựa phế liệu, cũng đổ tùm lum như rác thải vậy”.

… đến bức xúc ô nhiễm môi trường

Chúng tôi đi lòng vòng quanh trung tâm đảo để kiểm chứng thì thấy chỉ riêng ở thị trấn Dương Đông đã mọc lên hơn chục vựa phế liệu trên những trục đường du lịch chính. Như một đoạn chưa đầy 200 m ở đường Trần Hưng Đạo (khu phố 7) đã có 3 vựa phế liệu, chứa đủ thứ từ sắt thép, tôn thiếc, ve chai, bao bì… Đường ở đây không có lề, nhưng có chỗ người ta quăng bao phế liệu ra mé lộ, xe chạy phải né nói chi người đi bộ. Trong một con hẻm chật chội thuộc khu phố 1 cũng có một vựa phế liệu chất cao nghệu.

Ông Nguyễn Văn Bé (81 tuổi, dân cố cựu ở thị trấn Dương Đông) nói: “Đường Trần Hưng Đạo thẳng xuống sân bay hầu như không có cống, nước thoát chảy tràn qua lộ. Dân làm nhà, sửa chữa đụng đâu thải đó, cát, gạch, sỏi… tràn hết ra đường”.

Sáng hôm sau, dạo quanh bãi biển Bà Kèo nơi có các khu nghỉ dưỡng và khách sạn san sát nhau, xém chút nữa tôi giẫm phải xác một con chuột cống. Nhiều thứ rác thải đô thị khác cũng theo sóng biển tấp lên bờ cát mỗi ngày trong khi người thu dọn làm không sạch. Còn theo lời ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc, hiện nay nước thải ở hầu hết các cơ sở sản xuất, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều xả hết ra sông, biển. Về đơn vị mình, ông Mai kể: “Mỗi ngày ở đây có khoảng 70 m3 nước sinh hoạt thải ra đều được xử lý thành nước thải loại A, chưa đủ tưới cho 3 ha cây xanh và bãi cỏ của khu resort”.

Phú Quốc nay vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải. Có một bãi rác tập trung cho cả đảo ở gần Gành Dầu, mỗi ngày nhận từ 70 - 80 tấn rác. Bãi rác rộng 50 ha lại nằm trùm lên khu đất của một dự án du lịch 200 ha. Rác được đổ tràn từ rừng ra mé lộ, bốc mùi hôi thối. Đáng tiếc là bãi rác này lại nằm ngay ở cửa ngõ khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc rộng 304 ha đang được xây dựng ngày đêm để kịp khai trương vào đầu tháng 11 tới.

Khi được hỏi về chuyện thời sự này, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nói: “Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại Phú Quốc, có thể trong năm nay sẽ có”.




Bài đã đăng tại: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141009/chuyen-rac-thai-o-phu-quoc.aspx


Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Tác phẩm mới: Một cẩm nang bổ ích cho nghề điện - điện tử


Tủ sách “Nhất nghệ tinh” do Saigon Times Foundation phối hợp với Ủy ban tương trợ Người VN tại CHLB Đức và NXB Trẻ vừa ấn hành cuốn sách Chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử (9.2014). Đây là cuốn thứ hai trong tủ sách này, sau cuốn Chuyên ngành cơ khí đã đoạt giải “Sách hay” năm 2013.

Một cẩm nang bổ ích cho nghề điện - điện tử
Một cẩm nang bổ ích cho nghề điện - điện tử

Ngay ở lời nói đầu, người làm sách đã nhấn mạnh: “Quyển sách Chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử phục vụ cho việc đào tạo và nâng cao trình độ trong lĩnh vực ngành nghề kỹ thuật điện - điện tử. Nó giúp đỡ tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này, từ các em học sinh cấp 3, trung cấp nghề, các trường cao đẳng, các sinh viên đại học đến các giáo viên trong các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học và nhất là các kỹ thuật viên, kỹ sư, các nhà khoa học”.

Về bối cảnh sách ra đời, trong lời giới thiệu, PGS-TS Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề và TS Horst Sommer - Điều phối viên Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại VN, cho biết: “Chiến lược phát triển dạy nghề VN thời kỳ 2011-2020 đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng dạy nghề nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề, trong đó xác định CHLB Đức là một trong các đối tác chiến lược về phát triển dạy nghề của VN”.

Bản gốc của Chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử do NXB Europa-Lehrmittel xuất bản bằng tiếng Đức, hiện được sử dụng rộng rãi ở các trường kỹ thuật tại Đức và đã được tái bản 27 lần. Bản dịch tiếng Việt lần này do 21 chuyên gia kỹ thuật làm việc ở Đức và VN đảm trách.

Nội dung sách gồm các thông tin quan trọng: công nghệ thông tin, kỹ thuật chiếu sáng, bảo vệ chống sét, điện tử, cảm biến, các mạch điện cơ bản, các biện pháp bảo vệ, an toàn lao động, kỹ thuật hệ thống tòa nhà, bộ biến tần, hệ thống báo trộm báo nguy, động cơ servo, điều khiển học logic có lập trình (PLC), linh kiện điện tử, các loại động cơ và máy điện, động cơ ba pha, kỹ thuật tự động, kiến thức cơ bản về điện trường và từ trường, kỹ thuât đo, hệ thống thiết bị điện, vật liệu điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nghề nghiệp và giao tiếp.

Những nội dung này được sắp xếp theo ngành chuyên môn với đầy đủ hình ảnh minh họa. Sách khuyến khích việc tự học với những phần ôn tập và “mẹo thực hành” bổ ích. Sách còn có 23 trang thuật ngữ điện - điện tử bằng 3 thứ tiếng Việt - Đức - Anh. Riêng phần thông tin (info) ở cuối sách, rất sát với việc thực hành và có ích cho việc định hướng nghề sau khi học.

Sách Chuyên ngành điện - điện tử dày 652 trang, in 4 màu, giá 560.000 đồng/cuốn. Sách có bán tại Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn và NXB Trẻ.


Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141004/tac-pham-moi-mot-cam-nang-bo-ich-cho-nghe-dien-dien-tu.aspx

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Phú Quốc hụt hẫng nguồn lực du lịch



Phú Quốc (Kiên Giang) đang bùng nổ việc xây dựng khách sạn; hai năm nay đã có thêm 500 phòng nghỉ. Trong khi đó, môi trường du lịch và nguồn nhân lực cho ngành này thì không theo kịp. Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn- Phú Quốc – doanh nghiệp đầu tiên đầu tư khu resort 4 sao ở đảo Phú Quốc, xung quanh chuyện này.
Ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn-Phú Quốc.
Ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn-Phú Quốc.

Ông thường nghe du khách than phiền nhiều nhất chuyện gì ở Phú Quốc?

– Ông Phùng Xuân Mai: Du khách kêu nhiều nhất và chúng tôi cũng bức xúc nhất về chuyện rác thải, nước thải, vệ sinh thực phẩm và an toàn bãi tắm.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

– Nước thải thì hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất, khách sạn, resort đều thải ra sông ra biển. Phú Quốc cũng chưa có nhà máy xử lý rác thải. Chỗ quy hoạch sân golf 200 ha của Saigontourist cách đây 9 cây số trên trục lộ Dương Đông-Cửa Cạn hiện nay là bãi đổ rác trung tâm của Phú Quốc với 70-80 tấn/ngày. Tệ hơn là giờ đây nó nằm ngay cửa ngõ vào khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc đang được xây dựng.

Vệ sinh an toàn thực phẩm thì có khá hơn nhưng nguy cơ vẫn tiềm tàng. Hàng tuần, khách sạn chúng tôi vẫn phải cấp cứu vài khách ăn ở hàng quán bên ngoài. Có lần 20 người ăn tại nhà hàng Z. bị ngộ độc thực phẩm, phải chở vào bệnh viện cấp cứu cả đêm.

Về chuyện an toàn bãi tắm, mới bốn tháng đầu năm nay đã có bốn người chết; năm nào cũng chết 4-5 người. Tổ cứu hộ của khách sạn, resort nhiều nơi chưa có. Đúng ra mỗi đơn vị dọc bãi biển phải có 1-2 người trực chiến liên tục trong thời gian khách tắm. Nhưng ngoài đội cứu hộ năm người được thành lập từ năm 2000 ở chỗ chúng tôi thì không thấy ai khác làm việc này. Vừa rồi chúng tôi đã “kêu cứu” chuyện này trong các hội nghị, chính quyền mới lấy mô hình Sài Gòn-Phú Quốc nhân rộng ra, yêu cầu các resort, khách sạn phải ký cam kết tổ chức đội cứu hộ trên biển.

Vậy resort Sài Gòn-Phú Quốc xử lý nước thải và rác thải ra sao?

– Là khu du lịch 4 sao đầu tiên tại Phú Quốc được Tổng cục Du lịch công nhận từ năm 2003, chúng tôi xử lý rác thải và nước thải đúng quy trình kỹ thuật. Thí dụ suốt 10 năm nay, mỗi ngày ở đây có khoảng 70 m3 nước sinh hoạt thải ra đều được xử lý thành nước thải loại A, chưa đủ để tưới cho 4 ha cây xanh và bãi cỏ của khu resort.


Sáu tháng đầu năm 2014, có 267.996 lượt du khách đến Phú Quốc, tăng 25,99% so với cùng kỳ, trong đó có 72.617 khách quốc tế (tăng 34%). Doanh thu du lịch đạt 1.014 tỉ đồng, tăng 52,48% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo của UBND huyện Phú Quốc

Còn về nguồn lực cho khách sạn, nghe nói đang căng thẳng lắm?

– Chưa nói tới hàng chục khách sạn, resort hạng 1-3 sao đang xây dựng, Phú Quốc sắp có năm khách sạn 5 sao ra đời. Ngày 1-11 tới khánh thành khu Vinpearl Phú Quốc, rồi Salinda; gần 700 phòng, cần có 1.500 nhân viên. Sang năm thêm hai khách sạn 5 sao nữa, cần thêm 1.500 nhân viên. Mà nguồn lực, từ quản lý cấp trung cho đến lao động phổ thông, lấy đâu ra? Ai lo chuyện này? Không có. Thế là kẻ mới chụp giựt người cũ. Có đơn vị đã dám vô thẳng nhiều khách sạn để tuyển, hứa trả lương gấp đôi để kéo nhân viên giỏi đi, gây ra sự xáo trộn kinh khủng cho thị trường lao động trên đảo. Hôm trước, ban tổng giám đốc của một resort lớn vô đây đặt phòng, tôi không cho nhận. Vì họ đã làm một lần ở đây rồi, tập hợp nhân viên của tôi để… phỏng vấn ngay tại sảnh tiếp tân này.

Thế nhưng resort Sài Gòn-Phú Quốc vẫn được mở rộng. Làm sao có đủ nguồn lực cho dự án này?

– Dự án sẽ sớm khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2017. Từ 100 phòng 4 sao, Saigon Phuquoc Resort & Spa sẽ thành Saigon Phuquoc Hotel & Resort 250 phòng 5 sao ngay tại mảnh đất vàng của Phú Quốc. Để lo cho dự án này và góp sức cùng cả đảo, tôi vận động mở chương trình “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc”. Đây là liên kết tay ba, giữa khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc với trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và Elite Hospitality Group JSC, là đại diện độc quyền của Viện Đào tạo khách sạn & lưu trú Hoa Kỳ (EI) tại Việt Nam.

Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang đào tạo ngắn ngày sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Elite Hospitality Group JSC đào tạo cán bộ quản lý ngắn ngày theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, do EI thẩm định và cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Địa điểm đào tạo là tại resort Sài Gòn-Phú Quốc và trường cao đẳng nghề trong Rạch Giá. Lớp cao đẳng và trung cấp nghề đầu tiên sẽ khai giảng vào tháng 10-2014 cùng với các lớp nâng cao khác, để sớm có ngay đội ngũ nhân viên và quản lý cấp trung cho các khách sạn 5 sao ở Phú Quốc. Riêng Sài Gòn-Phú Quốc vẫn duy trì lớp đào tạo tại chỗ cho nhân viên của mình để nâng cao trình độ và được cấp sổ Kỹ năng nghề cho người đã học được 250-300 giờ mỗi năm.

Ngoài ra, chúng tôi đang vận động thành lập Hội Quảng bá du lịch Phú Quốc. Hội sẽ có đại diện của ngành khách sạn, lữ hành và ngành hàng không để có thể liên kết quảng bá du lịch Phú Quốc, thí dụ như ra nước ngoài mở gian hàng Phú Quốc với tiếng nói chung. Không thể như 15 năm nay, chúng tôi một mình phải lặn lội đi các hội chợ du lịch quốc tế từ Berlin, Moscow, Tokyo, Sydney, New York… để dựng gian hàng du lịch Phú Quốc. Các hoạt động tiếp thị này tốn 1-2 tỉ đồng mỗi năm, oải lắm mà hiệu quả không cao.

Vậy là ông vẫn lạc quan về thị trường du lịch trên đảo Phú Quốc?

– Tôi đã “cất cánh cùng du lịch Phú quốc” 16 năm rồi, chứng kiến sáu đời lãnh đạo huyện và các anh đã rất cố gắng. Nhưng tôi hiểu ước mơ lớn nhất của doanh nghiệp du lịch trên đảo Phú Quốc là thượng tầng kiến trúc phải dẫn dắt tương lai đảo Phú Quốc bằng những bước đi phù hợp, từ thấp như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… lên cao dần theo dân trí như ứng xử văn minh, dân chủ trong giao tiếp và kinh doanh chứ không phải bằng thông báo, nghị quyết. Chính quyền và doanh nghiệp cũng cần có nhiều kênh đối thoại với nhau để cùng nhau làm cho Phú Quốc phát triển.



Bài đã đăng tại:
http://www.sgtiepthi.vn/phu-quoc-hut-hang-nguon-luc-du-lich/

Phú Quốc, cuối mùa biển động



Ông Hai Bé “chốt lại” câu chuyện Phú Quốc đang đón đầu “dự án đặc khu kinh tế” với mấy lời ngắn ngủi: “Bây giờ biển cạn kiệt hết, phải đi khơi đánh mới có ăn. Phú Quốc giờ làm du lịch mạnh lắm, tiền vô nhiều. Nhưng Phú Quốc cần giữ lại cây xanh, không giữ thì mai chiều này không có nước uống đâu”.

Ông Nguyễn Văn Bé (Hai Bé) - Ảnh: Kim Đính

 Tiềm năng

Tuần trước, ngày nào mưa cũng mờ mịt trên đảo Phú Quốc. Sóng ầm ào suốt chiều dài bờ Tây đảo, hướng vịnh Thái Lan. Hiếm thấy bóng dáng du khách dám xuống biển tắm. Ông Nguyễn Văn Bé, 81 tuổi, dân cố cựu Phú Quốc, nói: “Giác này là cuối mùa Nam, Phú Quốc sắp chuyển gió Đông”.

Ông Hai Bé sống ở Bà Kèo từ thời “ông cố tôi quê Cà Mau ra, tới tôi là đời thứ tư, ở đây chỉ toàn bùn lầy cỏ cây”. Anh Phạm Mỹ, người con rể ông Hai, là chủ khu nghỉ dưỡng (resort) Sao Biển nằm trên “miếng đất Bà Kèo” ấy, tiếp lời cha: “Hồi năm 1988, ra khỏi bờ chừng trăm mét đã câu được mực, giờ thì tàu 40 ngựa phải đi ba tiếng mới có”.
  
Bà Kèo giờ là khu phố 7 thuộc thị trấn Dương Đông, đang mọc lên san sát những  khách sạn, nhà hàng, resort. Sao Biển có 49 bungalow từ hơn chục năm rồi, giờ đang xây thêm một khu khách sạn ba tầng 31 phòng, hai tháng nữa đón khách. Anh Mỹ nói 6 tháng đầu năm nay, Phú Quốc đón gần 268.000 du khách, doanh thu 1.014 tỉ đồng, tăng hơn cùng kì năm ngoái 52%; riêng khách quốc tế tăng hơn 34%. Giờ chuẩn bị làm đặc khu kinh tế, chưa biết chuyện gì sẽ đến, nhưng khắp nơi trên đảo đang rần rần đầu tư làm du lịch. Trên hai con đường chính của thị trấn, Trần Hưng Đạo và 30 tháng 4, mọc lên hàng chục khách sạn mới do người dân Phú Quốc đầu tư. Còn nhà đầu tư lớn, phần nhiều từ nước ngoài về và từ đất liền ra.


Sát nách Sao Biển, một nhà đầu tư quê Ninh Bình vừa mua lại gần ba héc ta đất xây Godavi Phuquoc Resort & Spa. Cách đó không xa, hai doanh nhân từ Cần Thơ và Sài Gòn hùn nhau thuê khu khách sạn Kim Nam Phương đã xuống cấp, đầu tư 32 tỉ đồng làm lại thành Orange Resort. Họ thuê 15 năm, giá 2 tỉ đồng/năm trong 5 năm đầu với “bài toán”, như lời một trong hai nhà đầu tư ấy: “Mình không có 200 tỉ để mua 8.600 mét vuông đất này, nhưng thuê 15 năm, với cái đà du lịch này, chỉ 7 năm tới, mình thu hồi vốn”.
 
Trước bãi biển Sea Star Resort ngày 7-9-2014 (Ảnh: Kim Đính)
 
Dưới mưa dầm và gió mạnh, hàng chục công nhân vẫn cặm cụi làm việc ở hai công trình này. Cả ba khu Sao Biển, Godavi, Orange vốn có chung bờ cát trắng nối lên Dinh Cậu và chạy dài xuống phía Nam đảo. Tiếc là mặt cát mịn màng ấy giờ đây không còn liền lạc bên nhau nữa.

Bãi biển trước Godavi Resort (Phú Quốc)
Chỗ công trình Godavi, bờ cát đã lõm xuống hơn một thước vì như lời anh Lâm, nhân viên bảo vệ một resort gần đó: “Tối họ đưa xe cạp ra lén móc cát lên đổ cho cao ráo mặt tiền; lấy cả ngàn khối cát mà hổng thấy ông tài nguyên môi trường lên tiếng”. Anh Mỹ nói: “Phú Quốc hiện nay lộn xộn về qui hoạch, xây dựng không phép; còn môi trường thì rác thải, phế liệu tùm lum”.
  
Lộn xộn, ngổn ngang

Chờ lúc dứt mưa, chúng tôi đi quanh thị trấn rồi lên Bắc đảo tìm hiểu chuyện này. Những “vựa phế liệu” mới xuất hiện gần đây trên đảo. Chỉ riêng Dương Đông đã có hơn chục vựa. Ở một đoạn hơn trăm mét trên đường Trần Hưng Đạo, đã thấy ba vựa phế liệu đổ tràn ra lộ. Trong con hẻm chật ở khu phố 1, đường 30 tháng 4, có một vựa phế liệu chất cao như núi. Bác tài tên Dương Quý, nói: “Dân làm nhà, sửa chữa khách sạn, thứ gì cũng đổ ra lộ, đụng đâu thải đó. Rác thải sinh ra phế liệu, đem về Rạch Giá bán”.
 

Bãi rác chính trên đảo Phú Quốc

Một vựa phế liệu trên đường Trần Hưng Đạo – Phú Quốc


  
Lên tới Gành Dầu, ngay ở cửa ngõ vào khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc đang xây dựng là bãi rác chính của đảo Phú Quốc rộng 50 héc ta nằm cặp lộ, bốc mùi không chịu nổi. Anh Dương Quý nói: “Bãi rác này nằm trùm lên một dự án du lịch 200 héc ta nên dự án này bất động. Mỗi ngày Phú Quốc có từ 70 - 80 tấn rác thải chở lên đây. Đã có một người muốn làm nhà máy xử lý rác thải trên đảo nhưng không hiểu sao, họ vừa chuyển ra đầu tư ở Đà Nẵng”.
 
Một góc công trường khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc ngày 9-9-2014
 
Tới “đại công trường” Vinpearl Phú Quốc đang thi công, chợt nhớ lời ông Hai Bé, “Phú Quốc cần giữ lại cây xanh”. Cặp lộ, ẩn sau một lớp rừng còn thưa thớt là một sân golf dài cả cây số vừa làm xong. Không xa là những khu khách sạn, công viên nước…  còn ngổn ngang xây dựng. Không rõ có bao nhiêu vạt rừng bị mất đi trong số 304 héc ta đất dành cho dự án này. “Vinpearl Phú Quốc nhắm tới đặc khu kinh tế, là dự án du lịch lớn nhất ĐBSCL hiện nay. Hàng ngàn công nhân đang làm ngày làm đêm để kịp khai trương vào đầu tháng 11 tới và tổ chức thi hoa hậu quốc gia”, bác tài Dương Quý nói.
  
Quay về Dương Đông, chúng tôi ghé khu Saigon Phuquoc Resort & Spa 4 sao, nơi mở đầu loại hình này trên đảo và nay đang chuẩn bị dự án nâng cấp thành Saigon Phuquoc Hotel & Resort 5 sao, sẽ xong vào cuối năm 2017. Ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phú Quốc, cho biết hai năm nay Phú Quốc có thêm 500 phòng khách sạn và tới sang năm có năm khách sạn 5 sao với khoảng 2.000 phòng.

 
Chương trình đào tạo nhân lực du lịch của Saigon Phuquoc Resort & Spa

Thế nhưng, ông Mai bức xúc: “Hãy khoan nói chuyện quản lý đặc khu kinh tế. Nguồn lực ở đâu cho khách sạn đây? Không chuẩn bị cho nên gần đây có người dám xộc cả vào khách sạn Sài Gòn Phú Quốc hứa trả lương gấp đôi để tuyển nhân sự”. Phần mình, chuẩn bị cho dự án mới, và cho cả đảo, Saigon Phuquoc Resort đang liên kết với trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và Elite Hospitality Group thuộc Viện đào tạo khách sạn & lưu trú Hoa Kỳ, mở các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
  
Tàu tránh biển động ở sông Dương Đông

Rời sông Dương Đông trước cảnh hằng trăm tàu đánh cá đang đậu san sát bên nhau tránh biển động, chúng tôi ghé UBND huyện Phú Quốc. Phó chủ tịch huyện, ông Huỳnh Quang Hưng, nhắc tới những “cú hích” gần đây với Phú Quốc như sân bay và cảng biển quốc tế; điện cáp ngầm ra đảo; đường trục Bắc - Nam - quanh đảo; tài nguyên rừng và biển còn hoang sơ… rồi nói: “Do phát triển nóng, 5 năm gần đây, khối lượng công việc của huyện Phú Quốc không thua một tỉnh nhưng cơ chế và bộ máy làm việc vẫn như của một huyện bình thường”. Ông Hưng nói tiếp: “Trước tiên tôi đề xuất trung ương có cơ chế đặc biệt cho nguồn nhân lực Phú Quốc”■

Tụi tôi khó tìm được thứ gì để làm trong khi trời cứ mưa hoài. Cho nên tôi nghĩ nếu muốn hấp dẫn du khách thì Phú Quốc nên có vài thay đổi thích ứng khi thời tiết xấu. Mặt khác, Phú Quốc cần thận trọng đừng để phát triển du lịch quá nhanh. Tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề đối với thiên nhiên đáng yêu trên đảo.

Tụi tôi yêu những bờ biển ở Phú Quốc lắm nhưng thật đáng tiếc là chỗ nào cũng có rác.

Nadine & Jonas

(Trích ý kiến của hai du khách Đức nghỉ tại Sao Biển Resort, ngày 9-9-2014)

***

It was hard for us to find something to do while it was raining. So I think if the island wants to be more touristic there should be some alternatives for bad weather. On the other hand, Phu Quoc has to be careful that tourist sector is not growing too fast. I think this will be a problem for the lovely nature on the island.

We loved the beach but it’s a real pity that there is so much garbage everywhere.

Nadine & Jonas


* Bài đã đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 25-9-2014:
http://www.thesaigontimes.vn/120461/Phu-Quoc-cuoi-mua-bien-dong.html