Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Học bổng STF-GIBC-Thái Bình đến với An Giang


Anh Thư


Ông Trần Anh Tuấn (bìa trái), Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình trao “Học bổng STF – GIBC – Thái Bình” tại Đại học An Giang sáng ngày 19-9. Ảnh: Thanh Loan

(TBKTSG Online) - 10 sinh viên và 10 học sinh ở An Giang đã nhận 20 suất học bổng trị giá 150 triệu đồng từ chương trình “Học bổng STF – GIBC – Thái Bình” vào sáng 19-9, nhân lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 của trường Đại học An Giang.

Lễ trao học bổng được tổ chức nhân lễ khai gỉang năm học mới của Đại học An Giang. Mỗi sinh viên Đại học An Giang nhận được 10 triệu đồng/năm học và mỗi học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền nhận được 5 triệu đồng học bổng/năm học.

Tại buổi lễ, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình đã động viên sinh viên, học sinh: “Học bổng này sẽ giúp cho các em vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để đạt thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, trở thành những công dân hữu ích cho gia đình và xã hội”.

“Học bổng STF – GIBC – Thái Bình đã kịp thời củng cố niềm tin cho các em học sinh, sinh viên, nuôi dưỡng, thúc đẩy những ước mơ, hoài bão của các em và cùng với nhà trường khích lệ các em thực hiện ước mơ của cuộc đời”, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học An Giang phát biểu tại buổi lễ. 

Học bổng này thuộc Chương trình “Học bổng STF – GIBC – Thái Bình” trị giá một tỉ đồng dành cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nỗ lực học tập trong năm học 2016-2017.

Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình (TPHCM) đồng hành cùng Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation - STF) trong chương trình “Học bổng STF& doanh nghiệp, nhà hảo tâm” do STF khởi xướng từ năm 2007. Đến nay, đã có 6.472 sinh viên, học sinh trong nước nhận được 11,1 tỉ đồng học bổng này.

Bài đă đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151586/

Khai trương Vincom Plaza ở Cần Thơ


Vincon Plaza Xuân Khánh nhìn từ sông Cần Thơ.


(TBKTSG Online) - Khu Vincom Plaza Xuân Khánh nằm bên bờ sông Cần Thơ thuộc Tập đoàn Vingroup vừa được khai trương sáng nay, 20-9.

Vincom Plaza Xuân Khánh thuộc tổ hợp khách sạn 5 sao - trung tâm thương mại - nhà phố shophouse tọa lạc trên đường 30-4 bên bờ sông Cần Thơ, gần bến Ninh Kiều và Chợ Nổi Cái Răng.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tổ hợp này được thiết kế theo mô hình “một điểm đến – mọi nhu cầu” của hệ thống trung tâm thương mại Vincom, với những dịch vụ và tiện ích đa dạng. Riêng khu Vincom Plaza Xuân Khánh nằm tại khối đế của tòa tháp cao 30 tầng với 3 tầng hầm, 5 tầng nổi, tổng diện tích hơn 25.000 mét vuông.

Vincom Plaza Xuân Khánh hội tụ các ngành hàng phục vụ đời sống hiện đại. Tại đây có không gian thời trang với các thương hiệu lần đầu có mặt tại Cần Thơ như Valentino Creations, Valentino Rudy’s, đồng hồ Tissot…

Trong trung tâm điện máy & ITC VinPro có các sản phẩm điện tử, điện lạnh với dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. Ở tầng hầm 1 có siêu thị VinMart rộng hơn 2.000 mét vuông, cung cấp hàng nghìn mặt hàng, trong đó có các sản phẩm nông sản sạch mang thương hiệu VinEco.

Vincom Plaza Xuân Khánh còn có các dịch vụ giải trí, ẩm thực tại tầng 3, tầng 4, tầng 5 với hệ thống phòng tập gym California Fitness, khu vui chơi trẻ em Play Time, khu vui chơi giải trí Speedbowl, hệ thống phòng chiếu phim quốc tế CGV và các nhà hàng thương hiệu Crystal Jade, Kichi Kichi, Gogi House, kem Buds, 2!Yummy…

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151595/

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Chuyên gia: "Không để có thêm Formosa thứ hai"



Quang cảnh hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường - từ chính sách đến thực tiễn”.

(TBKTSG Online)-  Khẳng định không muốn có thêm thảm họa môi trường Formosa thứ hai, các chuyên gia từ Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức tại Cần Thơ hôm nay 19-9, cuộc hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường - từ chính sách đến thực tiễn”.

Sau khi cùng các chuyên gia của GreenID và Đại học Cần Thơ đi khảo sát thực tế các báo cáo đánh giá tác động môi trường của Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) và dự án điện gió ở Bạc Liêu, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, khẳng định tại hội thảo: “Vì không muốn có một Formosa thứ hai nên chúng ta tổ chức hội thảo này để góp thêm cho Chính phủ những kiến nghị chung về hai công cụ đánh giá tác động và quản lý môi trường là đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”.

Nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây là Việt Nam dứt khoát không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế, thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh là thực tế trong nước đang có nhiều chương trình, dự án tác động đến môi trường kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội. “Trong khi đó, hầu hết chúng ta mới chỉ cảm nhận, kiểm chứng sơ bộ; đa số cán bộ các cấp thiếu công cụ giám sát, đánh giá chính xác ở tất cả các giai đoạn của dự án để đưa ra cảnh báo và chiến lược ứng phó hợp lý”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp mong muốn nắm bắt tốt hơn về thực trạng, kinh nghiệm và kiến thức liên quan tới vấn đề này để giúp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tiếp tục cùng các cơ quan hữu trách và các địa phương nghiên cứu, triển khai hàng loạt dự án tại ĐBSCL liên quan tới nhiệt điện, hạ tầng giao thông thủy lợi, nước sạch, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và liên kết vùng, theo các quyết định của Chính phủ.

Ông Phạm Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giới thiệu các quy định pháp lý về quan hệ giữa đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và đánh giá tác động môi trường ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và cho rằng thực tế là nhiều dự án nằm ngoài ĐMC và chỉ "làm cho có" ĐTM. Trong đó, riêng những quy định về tham vấn cộng đồng trong đánh giá môi trường chiến lược là điều bắt buộc thì theo ông Dũng, cần phải được tiếp tục hoàn thiện trong ĐMC.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, với những cụm dự án cỡ lớn như Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, cần phải có đánh giá môi trường chiến lược ĐMC. Vì nếu dự án chỉ có những đánh giá tác động môi trường ĐTM riêng rẽ thì không giúp cho lãnh đạo nhìn thấy tác động của dự án trong bối cảnh trên bờ sông Hậu từ Cần Thơ ra biển, qua Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng có đến 15 nhà máy nhiệt điện đang xây dựng. Cả vùng ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện như Long An 1 và 2, Bạc Liêu và Cà Mau 1, Cà Mau 2. “Các nhà máy nhiệt điện cỡ lớn này có thể tích lũy tác động rất lớn đối với ĐBSCL; lẽ ra phải có đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và đánh giá tác động tích lũy để có quyết định sáng suốt ở tầm chiến lược”, ông Thiện nói. 

Ông Thiện còn nêu một loạt giải pháp bổ sung cho ĐMC và ĐTM như nên tham vấn cộng đồng có ý nghĩa vì các quy định hiện nay quá sơ sài; nên quy định bắt buộc công khai thông tin và có quy chế khiếu nại; tránh mâu thuẫn lợi ích; nên quy định bắt buộc có phản biện độc lập; phải kiểm chứng các dự báo và các hứa hẹn bảo vệ môi trường; và  nên khuyến khích tính độc lập, minh bạch, chịu trách nhiệm của hội đồng thẩm định dự án.

Nhận xét về báo cáo ĐTM nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 2, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết tham vấn cộng đồng là khâu sơ sài, chiếu lệ, đối phó. Theo ông, người dân trong khu vực than phiền là không được cung cấp thông tin tác động của nhà máy lên cuộc sống và sinh kế. Chỉ có những người bị mất đất là được mời họp, nhưng chỉ thông báo mức bồi thường và kế hoạch giải tỏa. “Hiện nay người dân ở đây rất bi quan về sinh kế và tương lai của gia đình”, ông Tuấn nói.

Với dự án điện gió Bạc Liêu, TS Lê Anh Tuấn nhận xét: “Điểm yếu là phần tham vấn cộng đồng chỉ có 1 trang; chủ đầu tư dự án chỉ hỏi qua ý kiến UBND và MTTQ xã Vĩnh Trạch Đông. Không có tham vấn cộng đồng và thiếu sự tham gia ý kiến của người địa phương”.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151567/

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Chuyện “giày dép còn có số”


Lê Minh Hoan


(TBKTSG) - Cái “số” ở đây hổng phải là số đếm 1, 2, 3... mà cũng hổng phải số quần áo, giày dép. “Số” ở đây được hiểu là số phận, vận mệnh của con người.

Hôm rồi gặp một anh nông dân, thuyết phục anh ráng mà vươn lên, thay đổi cách mần ăn để mà khá giả trong thời buổi cạnh tranh khó khăn này. Ảnh thở dài: “Thôi anh ơi, giàu nghèo là có số cả rồi. Mấy anh hổng nhớ ông bà mình nói sao, làm cho lắm tắm cũng hổng có quần thay, làm lai rai cũng bữa thay bữa đổi. Có người còn nói giày dép còn có số huống chi tui, rồi bôn ba hổng qua thời vận mà”.

Đây đó không ít bà con mình nghĩ giống như anh nông dân này.

Mà đâu chỉ có vậy. Không ít bà con còn mặc cảm với người khá giả, giàu có hơn mình. Nông dân thì cho rằng do thương lái, doanh nghiệp chận chẹt mình mới nghèo, mới khổ như vầy. Lại than thở, lại oán trách.

Chợt ngẫm nghĩ lại nhiều tấm gương cần mẫn, không cam chịu, tự tin để vươn lên. Này nhé, chị Phạm Thị Huân ở Long An trước khi trở thành đại gia trong nghề trứng vịt sạch là một người nghèo, rất nghèo. Chị lặn lội mua chịu từng chục trứng từ người nuôi vịt trong làng rồi bán ra chợ xã, từ chợ xã bán ra chợ huyện, chợ tỉnh, bán tuốt lên Sài Gòn. Rồi tích cóp dần từ chút vốn liếng, chị đầu tư nuôi vịt đẻ trứng. Mới đầu thì chỉ vài trăm, sau lên vài ngàn con, giờ là những trang trại hoành tráng cung cấp vài triệu trứng sạch với thương hiệu “Ba Huân” nổi tiếng cả nước, còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa chứ.

Hay như chị Võ Thị Lấn ở Lâm Đồng đó, mười đứa con, từ một người bán rau dưa ở chợ làng, chịu khó học hỏi, mà nhất là không cam chịu, không ngồi đó mà than mà trách, giờ trở thành bà chủ thương hiệu trà “Tâm Lang” nổi tiếng cả nước, sản phẩm bán ra cả nước ngoài mới đáng phục làm sao.

Rồi đến chị Võ Thị Cúc ở Trà Vinh, người phụ nữ cũng không cam chịu cái nghèo, chế biến trái bần - một loài trái cây dại thành những đặc sản ưa chuộng của mọi người: lẩu bần, kẹo bần, mứt bần, bột bần... nổi tiếng cả nước với thương hiệu “cô Tư Cúc” và đang “lục đục” bán ra xứ ngoại quốc đó. Chị không những thoát nghèo mà còn hỗ trợ giảm nghèo cho bà con vùng cù lao của chị nữa.

Đó là chuyện ở Long An, ở Lâm Đồng, ở Trà Vinh. Còn nói đâu xa, ngay ở Đồng Tháp mình đây, chuyện anh Phạm Văn Bên, cố giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May mà ở trong và ngoài nước đều biết đến. Ảnh cũng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, rồi mày mò với nghề sản xuất xà bông, gặp bao nhiêu lần lao đao, lận đận nhưng vẫn không bỏ cuộc trong những lúc tưởng chừng kết thúc cuộc đời. Rồi ảnh chuyển sang làm nghề thu mua, chế biến lúa gạo, rồi cũng tiếp tục “lên bờ, xuống ruộng” trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt mà khi mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn của biết bao người.

“Trời sinh voi sinh cỏ”, không ít bà con mình nghĩ như vậy. Thế là phó mặc cho sự đời, vẫn tự hào, thậm chí là hơi bảo thủ với cái kinh nghiệm bao đời mà nay đã lạc hậu với sự thay đổi nhờ khoa học, kỹ thuật, nhờ biết tiếp cận thông tin thị trường.

Thời buổi ngày nay cả thế gian này đều thay đổi. Người người, nhà nhà tìm cách thay đổi phương cách sản xuất chớ hổng còn tự hào với cái kinh nghiệm ba bốn đời nữa rồi. Họ làm giàu bằng sự thay đổi tư duy để thích nghi với thị trường. Nào là nông nghiệp thông minh. Nào là sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Nào là hợp tác với nhau trong sản xuất, mua bán. Nào biết tiết kiệm từng loại vật tư đầu vào, nào giống, nào phân, nào thuốc, nào nhân công... để giảm chi phí. Rồi còn phải giao lưu để biết thiên hạ người ta mần ăn ra sao, có cái gì hay hơn mình không?... Vậy sao còn nhiều người vẫn cố hữu trong tiềm thức là mình nghèo là vì cái số do ông trời định đoạt?

Nhiều người trở nên khá giả do biết chắt chiu, cần mẫn, không phó mặc cho số phận đẩy đưa. Nhiều người trở nên giàu có do biết nắm bắt cơ hội, biết quy luật của cuộc sống, của thị trường, biết thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu nhờ vận dụng kiến thức của nhà khoa học, nhà tư vấn. Ngược lại, trong xã hội không hiếm gặp những trường hợp đã nghèo nhưng không biết cần kiệm, sống sĩ diện, làm gì cũng muốn “bằng chị, bằng em”, mà không biết “liệu cơm gắp mắm”. Thậm chí có không ít người nghèo còn sa vào tệ nạn, rượu chè, bài bạc, sống bê tha, sống nay không cần biết đến ngày mai là gì. Rồi ngước nhìn lên mà than trời trách đất và đổ thừa cho cái duyên, cái số.

Trước khi ngồi đó mà luận bàn “nghèo một chiều”, “nghèo đa chiều” thì hãy làm sao để bà con mình nhận ra cái nghèo đôi khi cũng do chính mình gây ra. Bà con hãy nghĩ rằng: “Trời nào có phụ ai đâu/Hay làm thì giàu, có chí thì nên”. Và, “Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi” kia mà!

Thì ngay trước mắt chúng ta: bà con ở miệt cồn An Hòa, Đồng Tháp mình đang vượt qua suy nghĩ cũ kỹ, tự ti, phó mặc để thay đổi rồi đó, đang “canh tân” rồi đó! 

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151360/