Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

ĐBSCL bắt tay nhau kích cầu du lịch

Huỳnh Kim
Thứ Sáu,  29/5/2020, 21:12


(TBKTSG Online) - 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt tay nhau cam kết kích cầu du lịch nội địa sau đại dịch Covid-19 bằng một chương trình giảm giá và tăng chất lượng dịch vụ từ ngày 1-6 đến tháng 12-2020.

Các chương trình biểu diễn văn hóa cũng là một nét hấp dẫn của hoạt động du lịch tại khu vực ĐBSCL. Trong ảnh là Liên hoan Đờn ca tài tử - Dân ca Nam Bộ thành phố Cần Thơ năm 2019. Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị “Triển khai các nhiệm vụ chủ yếu phục hồi và kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19” do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ chiều ngày 29-5, đại diện các đơn vị liên quan tới du lịch của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TPHCM đã đồng thuận với danh sách 100 doanh nghiệp lưu trú và làm dịch vụ du lịch ở ĐBSCL cam kết giảm giá từ 5-20 % theo chương trình kích cầu do hiệp hội này khởi xướng. Hội nghị cũng đồng thuận về các giải pháp hợp tác, liên kết khác, trong đó có giải pháp tăng cường truyền thông, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm mới.

TS Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết chương trình này bắt đầu từ 1-6, kéo dài đến hết năm 2020. “Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức chương trình kích cầu du lịch sau dịch Covid-19 để khôi phục hoạt động du lịch, trước tiên là ưu tiên du lịch nội địa, thu hút khách từ các vùng miền đến ĐBSCL tiến tới khôi phục hoạt động du lịch quốc tế”, ông Hiệp nhấn mạnh. 

Theo ông Trần Hữu Hiệp, hiệp hội sẽ tiếp tục vận động và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng chương trình và tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp với các tổ chức hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên hợp tác, liên kết với TPHCM và chọn các địa phương, trung tâm du lịch cụm phía Đông, phía Tây (Cần Thơ, Kiên Giang – Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm. Ngoài ra, còn kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị du lịch có tiềm lực, mạnh về thương hiệu để du lịch xây dựng “trục xương sống” triển khai chương trình kích cầu này. 

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết địa phương này “đã có kế hoạch dài hơi với Sở Du lịch TPHCM về gói kích cầu du lịch theo nhóm lưu trú, nhóm lữ hành và nhóm vận chuyển”. 

Với các địa phương khác, ông Tùng đề xuất một số tour như Hà Nội - Cần Thơ - Kiên Giang - Phú Quốc; Hà Nội - Cần Thơ - Côn Đảo;  Hà Nội - Cần Thơ - Cà Mau; Cần Thơ - Hậu Giang… 

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, ngoài các sản phẩm mới đã phục vụ du khách từ đầu tháng 5 tại các khu du lịch cộng đồng và sinh thái như Cồn Sơn, Mỹ Khánh, Ông Đề… Từ ngày 1-7 tới, sẽ khai trương tuyến tàu du lịch cao tốc Mai Linh nối Cần Thơ với Côn Đảo và du thuyền Victoria Mekong nối Cần Thơ với Châu Đốc. 

Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh ĐBSCL, doanh nghiệp quan tâm tới sản phẩm du lịch an toàn mà du khách chọn như biển đảo hoặc những vùng quê thoáng mát ở ĐBSCL. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ liên kết với các địa phương để phục vụ du khách thích đi tour liền tuyến giữa nhiều tỉnh; hoặc tập trung dịch vụ riêng lẻ với những nhóm khách gia đình, khách trẻ, khỏe thích đi máy bay và nghỉ dưỡng riêng. Với các đối tượng này, doanh nghiệp sẽ kích cầu bằng cách giữ giá để tăng chất lượng dịch vụ. 

Về phía doanh nghiệp vận chuyển, theo ông Đặng Minh Việt, Trưởng Chi nhánh Viêt Nam Airlines tại Cần Thơ, du khách bắt đầu đi du lịch trở lại từ tháng 5 và đã tăng từng ngày. Xu hướng chung là du khách thích đi đến những nơi nắng ấm trong nước.
 
“Chỉ riêng hôm qua, 28-5, TPHCM đã có 15 chuyến và Hà Nội có 13 chuyến bay đưa hơn 4.000 khách đến Phú Quốc. Nếu mỗi khách ở lại 3 ngày 2 đêm thì Phú Quốc đã có 12.000 lượt khách đang lưu trú trên đảo từ phương tiện là đi máy bay”, ông Việt nói. 


Ông Việt cho biết, riêng Vietnam Airlines, từ 17-4 đã mở các đường bay kích cầu Cần Thơ – Hà Nội với giá 810.000 đồng vé, Cần Thơ – Đà Nẵng vé 700.000 đồng. Từ ngày 2-6 tới, hãng này sẽ mở tiếp các đường bay như TPHCM – Tuy Hòa, Vinh – Buôn Mê Thuộc, Đà Lạt – Vinh, Hải Phòng – Nha Trang, Hải Phóng – Phú Quốc, Hải Phòng – Buôn Mê Thuộc, Hải Phòng – Đà Lạt, Tuy Hòa – Buôn Mê Thuộc và nối Cần Thơ với Hải Phòng, Vinh, Buôn Mê Thuộc. 

“Trước khi lên máy máy bay, hành khách phải đeo khẩu trang, khai báo y tế bắt buộc, và đo thân nhiệt. Riêng tại sân bay Cần Thơ, khách phải đo thân nhiệt thêm một lần khi lên máy bay. Ai không làm thì không được lên máy bay”, ông Đặng Minh Việt nhấn mạnh về việc bảo đảm an toàn trong giải pháp kích cầu du lịch vì dịch Covid-19 vẫn đang còn hoành hành ở nhiều nước bên ngoài Việt Nam. 

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 giảm 68,1% và tháng 4-2020 giảm 98,2% so với cùng kỳ 2019. Các cơ sở lưu trú, du lịch lữ hành, các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí… từ hoạt động cầm chừng đến đóng cửa, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, 100% hướng dẫn viên du lịch phải tạm ngưng hành nghề, nhiều người lao động phải nghỉ việc do doanh nghiệp tạm dừng và thu hẹp hoạt động. 

Riêng ĐBSCL, kết quả hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019, về tổng số khách đến giảm 41,6%, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42% (nguồn khách chủ yếu tập trung vào tháng 1 và 2 của năm 2020.
 
Đã đăng trên: TBKTSG Online
 

https://www.thesaigontimes.vn/304111/-dbscl-bat-tay-nhau-kich-cau-du-lich.htm

Hậu Giang: Phát triển đô thị bền vững, thích ứng tự nhiên

Huỳnh Kim lược ghi
Thứ Năm,  28/5/2020, 13:40


(TBKTSG) - Tuần rồi, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với TBKTSG và Đài Phát thanh-Truyền hình Hậu Giang (HGTV) tổ chức hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị”. TBKTSG lược ghi một số ý kiến tại hội thảo này.

Quang cảnh hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” tổ chức ngày 20-5-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:
Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển đô thị


- Hậu Giang hiện nay có 16 đô thị gồm một đô thị loại 2 (thành phố Vị Thanh), hai đô thị loại 3 (thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ). Theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, dự kiến đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 19 đô thị.

Để đạt mục tiêu nêu này, nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí từng loại đô thị là rất lớn trong khi điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn. Tỉnh đã tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị. Đến nay, Hậu Giang đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án.

Hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh trao đổi, chia sẻ với các nhà đầu tư về những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang; những chính sách ưu đãi đầu tư cũng như quy hoạch, định hướng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; nhu cầu thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị, góp phần phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường, tạo diện mạo mới cho đô thị.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, Chủ nhiệm CLB Địa ốc Saigon Times, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Mong muốn chính sách đầu tư tốt

- Việc thu hút các nhà đầu tư uy tín là cơ hội cho các doanh nghiệp khác ở TPHCM đến Hậu Giang tìm hiểu đầu tư, vì địa bàn TPHCM hiện đang chật chội và có sự cạnh tranh rất cao. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm môi trường mới; tỉnh nào có chính sách đầu tư tốt, sẽ thu hút được doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư cần gì ở Hậu Giang? Chúng tôi cần thông tin chính xác từ nguồn cung cấp chính thống; cần sự cam kết, tính thực thi của cơ quan quản lý nhà nước địa phương và cần nhận được sự hỗ trợ về giải phóng mặt bằng ở các khu dự án đã được quy hoạch. Hậu Giang đã có những tín hiệu tốt về các nhu cầu này để thu hút các nhà đầu tư từ TPHCM.

Ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang:

Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp

- Đồng hành cùng với doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Nhằm khuyến khích các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư (PPP) vào các dự án phát triển đô thị, ngành ngân hàng có các thỏa thuận cho vay và tài trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.

Để việc này lan tỏa hiệu quả, đòi hỏi các chủ đầu tư dự án và hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh phải đáp ứng các điều kiện và nguyên tắc về tín dụng, về tổ chức triển khai và phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của dự án.

Ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc đầu tư khu vực phía Nam, Công ty cổ phần tập đoàn FLC:

Kiến nghị chính quyền đẩy nhanh hơn

- FLC đang làm thủ tục đầu tư bốn dự án tại Hậu Giang gồm dự án khu đô thị mới Vị Thanh 39,4 héc ta, khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh 190 héc ta, khu đô thị mới Nam Vị Thanh 120 héc ta và dự án quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành 619 héc ta.

Với dự án Khu đô thị mới Vị Thanh, FLC kiến nghị chính quyền đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất.

Với các dự án đang nghiên cứu, nhà đầu tư kiến nghị tỉnh Hậu Giang thống nhất ý tưởng quy hoạch để tập đoàn FLC hoàn thiện đồ án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng dự án sân golf, FLC kiến nghị tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định hướng dẫn nhà đầu tư về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc đầu tư khu vực miền Tây Công ty cổ phần tập đoàn Đất Xanh:

Nên mở mang đô thị trong thế liên kết

- Hậu Giang nằm trên tuyến lưu thông huyết mạch của tiểu vùng Tây sông Hậu, kết nối với Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và liền kề thành phố Cần Thơ - trung tâm ĐBSCL. Chủ trương “Hậu Giang mở mang đô thị” sẽ thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị cùng với các chương trình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch xanh.

Hậu Giang cần chú trọng phát triển loại hình bất động sản công nghiệp - là nền tảng phát triển bền vững cho kinh tế địa phương về thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng dân cư sinh sống. Tỉnh cũng cần phát triển cân bằng và đa dạng hóa các loại hình bất động sản khác như bất động sản nhà ở, thương mại - dịch vụ; phát triển các khu phức hợp với quy mô lớn và đa dạng loại hình giải trí; chú trọng tính tiện ích để thu hút dân cư từ các địa phương khác đến ở và lưu trú.

Đi theo định hướng trên, hiện tập đoàn Đất Xanh đang tham gia ba dự án, đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đó là dự án khu đô thị mới thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành), khu đô thị mới khu vực 1, phường 5 (thành phố Vị thanh) và khu đô thị mới xã Vị Trung (huyện Vị Thủy).

Ông Lê Tiến Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Ba quan điểm phát triển đô thị Hậu Giang

- Phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu, quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang. Theo đó, quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong phát triển đô thị gồm:

Thứ nhất, phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khỏe cho người dân.

Thứ hai, phát triển đô thị phải thật sự bền vững, thích ứng với tự nhiên. Phát triển đô thị phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước. Không phát triển ồ ạt vượt quá nhu cầu thực tiễn, gây ra lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của các thế hệ mai sau. Cùng với đó, xây dựng và phát triển đô thị phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, các đô thị của tỉnh Hậu Giang phải mang đặc sắc của vùng ĐBSCL, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của người dân. Mục tiêu là hướng đến xây dựng một mô hình đô thị kiểu mới kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bền vững.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ về ngành nghề, địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực, các cơ hội kinh doanh, như:
- Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
- Công khai các thủ tục hành chính, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại bộ phận một cửa để mọi người dân dễ dàng tiếp cận.
- Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư, hệ thống doanh nghiệp trên cổng thông tin của đơn vị.
- Đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Xây dựng và ban hành chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm giải quyết mọi thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về cách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
- Đặc biệt, tỉnh có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi định kỳ hàng quí, hàng năm nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như công tác phối hợp triển khai của các sở, ngành tỉnh và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.



Đã đăng trên: TBKTSG Online
https://diaoc.thesaigontimes.vn/303981/hau-giang-phat-trien-do-thi-ben-vung-thich-ung-tu-nhien-.html

Saigon Times gives relief to 225 poor people in Ben Tre

Monday,  5/25/2020, 14:31
By Huynh Kim

Representatives of Ben Tre government, Ben Tre Women’s Union and The Saigon Times Group pose for a photo with some beneficiaries - PHOTOS: HUYNH KIM

CAN THO - The Saigon Times Group collaborated with the Women’s Union of the Mekong Delta province of Ben Tre to give relief to 225 disadvantaged people in An Phuoc Commune, Chau Thanh District, on May 24.


The event was part of the “Saigon Times - Noi Vong Tay Lon” program, which aims to help people affected by the Covid-19 pandemic and saltwater intrusion. Each gift set contained VND300,000 in cash, 3 kilograms of rice and other necessities worth VND200,000.

Nguyen Thi Yen, 62, said her husband had passed away, leaving her to raise their disabled son alone. She has been out of work due to the pandemic for several months and lives on support from her neighbors. “I’m very happy to receive the package,” she noted on receiving the gifts from Pham Thi Phuong Thao, chairwoman of the Women’s Union of Ben Tre.
“It’s our honor to join the program. Many thanks to our generous donors and the Saigon Times Group for organizing this meaningful event. We expect more support for other charitable programs run by the Ben Tre Women’s Union such as, loving meals and zero-dong groceries, so that more disadvantaged people can be helped,” Thao remarked.

With the motto “No one is left behind - Ben Tre women contribute to fighting Covid-19 and saltwater intrusion,” the union has carried out many charitable programs, through which it has donated 20 water purifying machines, over 50,000 face masks, 10,000 hand sanitizer bottles, 10,000 gift sets, 60 tons of rice and many other necessities to poor people in the province.

Addressing the handover ceremony, Tran Minh Hung, editor-in-chief of the Saigon Times Group, said that since early April, the group has called on businesses, organizations and individuals to join the Saigon Times - Noi Vong Tay Lon program. “Although the gifts are not of very high value, they are a token of our sentiments, as journalists, for disadvantaged people, with the hope that they can overcome this difficult time,” he stated.

A local woman (R) receives a donation from Pham Thi Phuong Thao, chairwoman of the Women’s Union of Ben Tre

Ben Tre Province Party Secretary Phan Van Mai (C) tells Tran Minh Hung, editor-in-chief of The Saigon Times Group, (L) and Phan Chien Thang, deputy editor-in-chief of the group, about the Covid-19 and saltwater intrusion situation in the province

Đã đăng trên: The Saigon Times
 

https://en.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/76885/

“Saigon Times – Nối vòng tay lớn” về với bà con Bến Tre

Huỳnh Kim
Chủ Nhật,  24/5/2020, 18:35


(TBKTSG Online) - 225 bà con lao động gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và hạn mặn tại tỉnh Bến Tre đã nhận quà từ chương trình “Saigon Times - Nối vòng tay lớn”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) phối hợp với Hội Phụ nữ Bến Tre tổ chức tại UBND xã An Phước, huyện Châu Thành, vào sáng nay, 24-5.

Mỗi suất quà gồm 300.000 đồng tiền mặt từ chương trình “Saigon Times - Nối vòng tay lớn”, 3 kg gạo và một túi nhu yếu phẩm trị giá 200.000 đồng do Hội Phụ nữ Bến Tre quyên góp. Bà con nhận quà, đa phần là công nhân và người lao động tự do bị mất việc vì Covid-19 và hạn mặn tác động trong hơn 2 tháng qua.


Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (thứ 2 từ phải sang), chị Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bến Tre (áo xanh), ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập và ông Phan Chiến Thắng, Phó tổng biên tập TBKTSG (áo cam) trao quà “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” cho bà con Bến Tre sáng ngày 24-5-2020.


Bà Nguyễn Thị Yến, 62 tuổi, ở ấp 2, xã Quế Sơn, huyện Châu Thành, cho biết chồng mất, bà phải làm mướn nuôi người con trai bị teo não nằm một chỗ nhưng mấy tháng nay không có ai mướn làm cỏ vườn, sống nhờ tương trợ của xóm làng. “Nhận được món quà này mừng lắm, giờ ai cho gì cũng mừng”, bà Yến nói sau khi nhận được quà trao trực tiếp từ chị Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Yến nhận quà từ chị Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bến Tre sáng 24-5-2020.

Trong số nhiều công nhân bị mất việc có bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, 41 tuổi, nhà ở ấp 3, xã Quế Sơn, huyện Châu Thành. Bà Hương làm thợ phụ ở Công ty Bông Cúc, Khu Công nghiệp Giao Long, nhà có hai vợ chồng và thằng con nhỏ đều bị bệnh, bà mới đi làm lại làm gần đây. “Giờ ở nhà khổ lắm. Đi làm được ngày nào hay ngày đó. Phải khỏe để đi làm kiếm tiền. May nhận được món quà này, mừng quá”, bà Hương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương trao đổi với ông Phan Chiến Thắng, Phó Tổng biên tập TBKTSG, trước khi nhận quà “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” sáng ngày 24-5-2020  tại Bến Tre.

Trao đổi với chúng tôi sau khi trao quà cho bà con, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, nói: “Tôi thấy với uy tín của mình, TBKTSG nhân dịch Covid này đã kết nối được các doanh nghiệp, độc giả, những nhà hảo tâm để mang sự sẻ chia đến với bà con và khơi dậy được lòng nhân ái, sự tương thân tương ái, vốn là giá trị rất đáng quý của người Việt Nam mình.


Với Bến Tre, không chỉ bị dịch Covid-19 mà còn bị mặn nữa, cho nên khó khăn chồng khó khăn. Hôm nay TBKTSG đến với Bến Tre, thì vừa giúp cho mấy trăm gia đình tạm vượt qua khó khăn cũng vừa động viên Bến Tre trong thời gian sắp tới phải tiếp tục khắc phục khó khăn, tổ chức lại sản xuất, ổn định sinh hoạt”.

Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (áo trắng), trao đổi với Ban biên TBKTSG về tác động của dịch Covid-19 và xâm nhập mặn tại Bến Tre.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Bến Tre Phạm Thị Thanh Thảo, chia sẻ: “Đồng hành với chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” của TBKTSG, Hội Phụ nữ các cấp và chị em phụ nữ Bến Tre rất vui và cảm ơn sự hỗ trợ của Ban biên tập báo và những người thực hiện chương trình.


Chúng tôi đặc biệt tri ân các mạnh thường quân đã đồng hành với chương trình này và kết nối với Hội Phụ nữ Bến Tre. Đây là sự sẻ chia thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" trong đợt đại dịch Covid-19 và hạn mặn này.


Chúng tôi hy vọng, thời gian tới Bến Tre tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ tiếp của các đơn vị và các mạnh thường quân tham gia những chương trình do Hội Phụ nữ các cấp ở Bến Tre thực hiện như “Bữa cơm yêu thương”, “Bách hóa 0 đồng”… để hỗ trợ người nghèo tiếp tục vượt giai đoạn khó khăn”.


Chị Thảo cho biết với phương châm "Không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau - Phụ nữ Bến Tre chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 và ứng phó hạn mặn”, thời gian qua, Hội Phụ nữ Bến Tre đã quyên góp hỗ trợ kịp thòi cho hàng nghìn người nghèo. Hội đã hỗ trợ gần 20.000 thùng chứa nước, 15.000 lốc nước uống, 5.000 khối nước ngọt với 300 điểm cấp nước, 20 máy lọc nước RO, gần 100 giếng khoan, hơn 50.000 khẩu trang các loại, 10.000 chai gel rửa tay khô, 10.000 phần quà cho phụ nữ bán vé số, 500 suất cơm, 10 tấn rau củ quả các loại, 60 tấn gạo, hơn 5.000 phần quà nhu yếu phẩm.


Nói về mục tiêu và ý nghĩa của chương trình "Saigon Times - Nối vòng tay lớn", ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập TBKTSG, cho biết từ đầu tháng 4 năm nay, ghi nhận những khó khăn của nhiều người dân trong dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là những người lao động tự do và người khiếm khuyết, báo đã tổ chức chương trình này nhằm kết nối các doanh nghiệp, độc giả cùng những nhà hảo tâm cùng góp sức để chia sẻ khó khăn đối với những người bị ảnh hưởng.


“Những món quà tuy có giá trị thấp nhưng đó là tấm lòng mà TBKTSG muốn gửi đến bà con, như một sự chia sẻ và khích lệ của những người làm báo dành cho bà con, mong mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn thời dịch bệnh”, ông Trần Minh Hùng nói.

Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập TBKTSG, trả lời phỏng vấn của đồng nghiệp Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre về chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” sáng ngày 24-5-2020.
Đến nay, chương trình "Saigon Times - Nối vòng tay lớn" đã cùng bạn đọc, doanh nghiệp trao hơn 10.000 phần quà, trị giá hơn hai tỉ đồng tại TPHCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Cần Giờ, Bình Thuận và Bến Tre. 


Đã đăng trên: TBKTSG Online 
https://www.thesaigontimes.vn/303906/saigon-times-%e2%80%93-noi-vong-tay-lon-ve-voi-ba-con-ben-tre.html