Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa

Huỳnh Kim

Thứ Sáu, 18/11/2022

(KTSG Online) – Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế để bảo đảm nâng cao giá trị lúa gạo, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL – câu chuyện này một lần nữa được giới chuyên gia, nhà quản lý tiếp tục bàn thảo tại hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa”.

Sự kiện do báo Thanh Niên phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức sáng 18-11 tại Đồng Tháp, hướng tới mục tiêu góp phần kiến tạo chiến lược dài hạn hơn cho ngành sản xuất là sinh kế của hàng chục triệu nông dân. 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên, cho biết Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó cho phép giảm 88.560 hecta trong tổng số 3,9 triệu hecta đất trồng lúa đồng thời tổ chức lại không gian sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.

GS.TS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo “Phát triển bền vững ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa”. Ảnh: HUỲNH KIM
Theo ông Toàn, nhiều thập niên qua, ĐBSCL đã gánh và làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực, đặc biệt là vừa qua, khi hạn hán, đại dịch Covid-19 cùng chiến sự Nga – Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực – thực phẩm ở nhiều quốc gia. Ông Toàn cho rằng, là vựa lúa của cả nước, thậm chí cả khu vực, nên bất kể một giải pháp nào liên quan đến phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cũng phải bắt đầu từ cây lúa.

Tuy vậy, thị trường lương thực – thực phẩm thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Nhu cầu về tinh bột giảm, yêu cầu về chất lượng tăng. Trong nước, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và nghiêm trọng đã tác động sâu sắc đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh miền Tây, đến sinh kế của người dân.

Bối cảnh đó đòi hỏi nông nghiệp ĐBSCL phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. “Nhưng, chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của ĐBSCL; để các sản vật ở các địa phương bứt phá, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân? Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới của Việt Nam?”, ông Toàn đặt vấn đề.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Khát vọng cho một vùng đồng bằng nhiều tiềm năng, thoát trũng, phát triển bền vững là khát vọng của nhiều thế hệ trong khu vực.

Trích dẫn Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL mới được công bố, ông Lê Quốc Phong cho biết, điểm sáng nhất năm 2021 là nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng 3,4%; xuất khẩu nông sản, thủy sản đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. Ảnh: TRUNG CHÁNH
Riêng với Đồng Tháp, cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong năm ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Để nâng cao giá trị cây lúa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như “1 phải – 5 giảm”, “3 giảm – 3 tăng”, ứng dụng cơ giới hóa toàn diện, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, giảm phát thải khí nhà kính, canh tác hữu cơ với các mô hình xen canh, hợp canh như lúa – cá, lúa – sen… đã được triển khai. Nhờ đó, đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân từ 5,3 – 7,7 triệu đồng/héc-ta.

Ngoài ra, giá trị ngành hàng chế biến lúa gạo liên tục tăng trưởng với nhiều sản phẩm đa dạng, nâng cao giá trị cây lúa, mở ra nhiều chuỗi giá trị mới, mang lại thu nhập cao hơn. Đồng Tháp cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao lợi nhuận trên cùng một diện tích đất, từ 30 – 550 triệu đồng/héc-ta.

Tuy vậy, ông Lê Quốc Phong chia sẻ, thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững.

Đề xuất giải pháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, ngày 24-9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Theo đó, việc chuyển sang cách trồng lúa giảm phát thải là giải pháp tiềm năng để tối ưu hóa việc sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, giúp giảm chi phí đầu vào từ 20-30% và tăng sản lượng từ 5-10%. Qua đó lợi nhuận ròng tăng khoảng 25%, đạt mục tiêu cắt giảm 30% sản lượng khí mê-tan vào năm 2030, tăng khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu.

Hạt gạo dành cho xuất khẩu. Ảnh: TRUNG CHÁNH
Ông Lê Quốc Phong nói: “Ngoài giải pháp này, chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều giải pháp có thể cùng kết hợp để giúp người nông dân trồng lúa nâng cao thu nhập, để người dân an tâm sản xuất lúa vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa có cuộc sống sung túc hơn”.

Trong phát biểu ghi hình gửi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất lấy sản lượng làm mục tiêu và làm mọi cách để tăng sản lượng nhưng vẫn không giúp tăng thu nhập, thậm chí là ngược lại.

Dẫn chứng hình ảnh “Think rice – Think Thailand” tại một hội chợ ở Thái Lan, ông Hoan nói, người Thái đã tiếp cận một tư duy khác đối với ngành hàng lúa gạo trong khi chúng ta đang tiếp cận ở tư duy sản lượng.

“Tôi nói lại một lần nữa là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đó là chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông cũng nhắc lại lời một lão nông ở Đồng Tháp nhắn gửi trước khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, là: “Nếu lúa có giá, thì nông dân chúng tôi sẵn sàng ra ngoài đồng để giăng mùng, để ngủ giữ lúa cho Chính phủ, để làm an ninh lương thực. Còn nếu lúa không có giá, thu nhập của người trồng lúa không sống nổi thì chúng tôi sẽ bỏ ruộng, lúc đó mới là vấn đề đối với an ninh lương thực”.

Theo ông Hoan, nông nghiệp ĐBSCL không phải một loại nông sản để buôn chuyến, mà nó đã trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế. Bởi vì đến lúc, sản lượng sẽ nhỏ lại, diện tích sẽ giảm nhưng phải tăng về chất và về giá trị.

“Mục tiêu của chúng ta nằm ở chỗ đó. Chúng ta phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ từ các nhà khoa học, các viện, các trường, các hợp tác xã tới người nông dân rồi chính quyền địa phương vào cuộc. Đó là một chuỗi để nâng hình ảnh của ngành lúa gạo lên, nâng thương hiệu của lúa gạo ĐBSCL lên, nâng cái chuỗi giá trị lên. Tôi tin rằng chúng ta làm được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

GS.TS Võ Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế nông nghiệp, cho rằng từ năm 1989 đến nay, nông dân trồng lúa đã giúp cho Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thế nhưng người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới.

Theo GS Xuân, hiện cây lúa nước ta phải sống chung với biến đổi khí hậu, tăng phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị bảo đảm an ninh lương thực vừa làm nhiệm vụ kinh tế cho xã hội. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất cây con khác không phải cây lúa.

Giải pháp căn bản nhất, theo GS Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần quy hoạch lại ba vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững ờ ĐBSCL.

Một là ở vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không có nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được trang bị đầy đủ thì có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao, hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Hai là ở vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều, khô hạn trong mùa nắng đang sản xuất 3 vụ lúa/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi, thì hướng tới sẽ giảm diện tích lúa.

Còn với vùng ven biển thì đây là vùng sản xuất bền vững nhất. Phải quy hoạch để trồng lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn trong mùa nắng.

Nhấn mạnh thêm cho giải pháp thứ ba này, GS Võ Tòng Xuân nói: “Để tạo điều kiện cho nông dân sử dụng hữu hiệu nước mặn trong mùa nắng, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi lấy nước mặn vào và đưa nước thải ra khu xử lý. Đồng thời phải tiếp tục đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi để thiết lập những vườn cây ăn trái hiện đại ở các diện tích lúa trong vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và ở vùng lúa – tôm ven biển để nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận lớn hơn”

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/phat-trien-dbscl-giai-phap-tu-cay-lua/

Hội chợ nông nghiệp quốc tế khép lại với 100.000 lượt khách, 20 tỉ đồng doanh số

Huỳnh Kim 

Chủ Nhật, 6/11/2022

(KTSG Online) – Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) kết thúc tối nay, 6-11, đã thu hút hơn 100.000 lượt khách tham quan, các tổ chức và doanh nghiệp ký kết gần 70 hợp đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA, qua 5 ngày tổ chức, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 đã thu hút hơn 100.000 lượt khách tham quan và giao dịch; doanh số bán hàng khoảng 20 tỉ đồng. Có gần 70 hợp đồng được ký kết về ngành hàng máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hàng nông sản chế biến, hàng hóa tiêu dùng và bán lẻ.

Gian hàng drone của Công ty ZenMuse (Singapore) tại Hội chợ Cần Thơ. Theo dự kiến, ngày 16-11, công ty này sẽ mở chi nhánh đầu tiên ở Việt Nam đặt tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Đây là hội chợ chuyên ngành nông nghiệp lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức thường niên tại thành phố Cần Thơ. Hội chợ năm nay thu hút 250 gian hàng với 100 doanh nghiệp từ 17 tỉnh, thành trong nước cùng gian hàng danh dự thuộc các Tổng lãnh sự quán tại TPHCM của Campuchia, Ấn Độ, Phillipines, Indonesia và các doanh nghiệp Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tham gia.

Hội chợ đã giới thiệu các sản phẩm mới, tiên tiến như máy móc thiết bị nông nghiệp công nghệ cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật – vật tư kỹ thuật nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thuỷ hải sản chế biến, sản phẩm OCOP, giống cây trồng đạt tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm thương mại…

Trong khuôn khổ hội chợ, đã diễn ra nhiều chương trình hoạt động thiết thực. Trong đó, đáng chú ý là bốn cuộc hội nghị, hội thảo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học – Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức. Các sự kiện này nhằm tăng cường năng lực giao thương, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử các loại hàng hóa nông lâm thủy sản; đưa ra giải pháp công nghệ, thiết bị, các mô hình phù hợp để phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Cần Thơ theo hướng xanh, bền vững…

Khách quan tâm cây giống của gian hàng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tại hội chợ Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Chợ công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Techmart Nông nghiệp 2022) đã thu hút hơn 1.500 lượt khách tham quan; 42 lượt tư vấn, kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ và quy trình công nghệ; được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.

Một trong những sự kiện thu hút đông đảo sự chú ý là “Ngày hội lá”, giới thiệu các sản phẩm làm từ lá nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên, truyền tải thông điệp sống xanh, lối sống thân thiện môi trường. Sự kiện mở ra không gian để cộng đồng gặp gỡ, gắn kết cùng trải nghiệm những hoạt động sáng tạo và bổ ích, truyền tải thông điệp sống xanh, lối sống thân thiện môi trường.

Trong 5 ngày hội chợ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước đã tham gia giao lưu hợp tác, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương; tiếp cận thị trường và tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, Ban Tổ chức đã tiếp đón đoàn doanh nghiệp các nước Bắc Âu tìm hiểu cơ hội hợp tác, phát triển giao thương với doanh nghiệp Cần Thơ nhằm nắm bắt thông tin về các sản phẩm để kết nối cung – cầu, thúc đẩy hợp tác, phát triển xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và thị trường châu Âu nói chung.

“Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 thực sự là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, giao lưu và ký kết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên nói.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/hoi-cho-nong-nghiep-quoc-te-khep-lai-voi-100-000-luot-khach-20-ti-dong-doanh-so/

Máy bay nông nghiệp tiếp thị nông dân vùng đồng bằng

Huỳnh Kim 
Chủ Nhật, 6/11/2022

(KTSG Online) – Tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 đang diễn ra ngày cuối ở Cần Thơ, có tới bảy gian hàng “máy bay nông nghiệp” tiếp thị nông dân miền Tây. Chủ một gian hàng nói: “Cạnh tranh dữ quá, nhưng nông dân có lợi”.

Khách hàng tham quan drone tại một số gian hàng ở hội chợ Cần Thơ sáng ngày 5-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Nhiều gian hàng không xài chữ “phương tiện bay không người lái” hay drone, mà in hẳn chữ “máy bay nông nghiệp” trong tài liệu và trên gian hàng để bà con nông dân dễ nhớ. Một máy bay loại này, có thể làm ba việc là gieo hạt, rải phân bón, phun thuốc.

Anh Trần Văn Minh Tiến, phụ trách kỹ thuật ở Công ty Nicotex Cần Thơ, cho biết so với lao động thủ công, máy này có thể giúp giảm 30 % chi phí về phân, thuốc, lúa giống, 50-60% tiền công lao động; bà con ít bị độc hại và chủ động với thời tiết hơn.

Theo ông Đỗ Trường Giang, chủ gian hàng Nicotex, so với năm ngoái, giờ các công ty sản xuất máy bay nông nghiệp mở đại lý tại miền Tây ngày càng nhiều. Ông nói: “Cạnh tranh dữ quá, nhưng nông dân có lợi. Trước mình làm dịch vụ bay một hecta 350.000 đồng, giờ có nơi chỉ còn 120.000 đồng nên không làm nữa, để cho nông dân tự sắm máy làm dịch vụ này có lợi hơn”. Nicotex Cần Thơ bán hai loại máy hiệu dji với giá từ 300 đến 370 triệu đồng/bộ. Chín tháng đầu năm nay, công ty đã bán được hơn 70 máy cho nông dân ở An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Nông dân Chín Út ở Phong Điền (bìa phải) nói tại hội chợ Cần Thơ sáng 5-11-2022: “Chắc sang năm tui sắm máy bay không người lái để phun thuốc cho 13 công vườn”. Ảnh: Huỳnh Kim
Chủ gian hàng của Công ty XAG Mekong (trụ sở tại TPHCM, văn phòng đại diện ở Đồng Tháp), anh Nguyễn Ngọc Hiếu, cho biết công ty chuyên phân phối và bảo trì dòng sản phẩm hiệu XAG, đào tạo kỹ thuật và phi công miễn phí. Giá một bộ XAG P100 là 649 triệu đồng (gồm thân máy, thùng rải hạt, thùng phun thuốc, 2 máy phát điện, 2 thùng làm mát pin, 6 pin thông minh, 1 gậy điều khiển, 1 điện thoại). Ngoài dòng máy P100, vẫn có những dòng máy nhỏ hơn, giá thấp hơn.

Theo anh Hiếu, khách hàng của anh chuộng máy XAG P100 vì P100 tích hợp 3 trong 1 vừa rải phân, rải giống, phun thuốc. Với tải trọng thùng rải 40 kg và thùng phun 40 lít nước, thêm máy tích hợp động cơ li tâm nên không bị kén thuốc, mọi loại thuốc đều dùng được hết và tốc độ bay lên đến 13,8 m/s, cao nhất đối với các dòng máy bay không người ở Việt Nam hiện nay.

Một drone đang bay phun thuốc tại Tam Nông, Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Hiếu
Lâu nay XAG Mekong bán máy cho bà con ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bình Phước. Anh Hiếu nói, thông thường nông dân và các doanh nghiệp đại lý mua máy để bay dịch vụ, có nông dân mua để phục vụ đất nhà. Công ty chỉ bán máy và nhận bay dịch vụ, bảo trì, bảo dưỡng máy chứ không cho thuê.

“Làm thủ công so với drone, thí dụ phun thuốc, mỗi ngày một người chỉ phun được 5 hecta lúa trong khi hai người sử dụng drone thì phun được 50 hecta, lại về sớm hơn mà khỏi phải lội ruộng, chỉ việc ngồi bên trong bờ kênh xem máy bay là được”, anh Hiếu nói.

Trước gian hàng drone của Nicotex Cần Thơ tại hội chợ Cần Thơ sáng ngày 5-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Gian hàng Công ty TNHH Kỹ thuật nông nghiệp Minh Ngọc, từ Long An mang đến hội chợ dòng máy bay nông nghiệp hiệu Top X Gun, giá 370 triệu đồng/bộ. Anh Văn Thanh Liêm, giám đốc công ty, cho biết khách hàng của mình ưa loại này vì chỉ hơn sáu tháng là thu hồi vốn. Khoảng 80% nông dân mua về làm dịch vụ. Công ty Minh Ngọc đã mở chi nhánh tại An Giang; từ năm ngoái tới giờ đã bán hơn 50 máy cho bà con ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang và Tây Ninh. Mua máy ở đây, bà con được tập huấn miễn phí sử dụng drone.

Cũng như ở các gian hàng vừa kể đều bán sản phẩm drone nhập từ Trung Quốc, anh Liêm đánh giá nhu cầu tới đây của bà con nông dân với sản phẩm này là cao vì xu hướng làm nông thời nay cần công nghệ cao, sản phẩm chất lượng, tăng lợi nhuận. Tuy vậy anh Liêm băn khoăn giá drone chưa phù hợp với đa số nông dân và chi phí thay thế linh kiện cao với tỷ lệ hao mòn tới 10%.

“Hy vọng hãng Top X Gun cải tiến tối ưu máy bay nông nghiệp để giảm giá thành xuống còn 270 triệu đồng một bộ và mình có chính sách giúp nông dân mua trả góp được thì tốt quá”, anh Văn Thanh Liêm nói.

Tiếp thị drone tại một số gian hàng ở hội chợ Cần Thơ sáng ngày 5-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Sáng hôm đó (5-11), sau khi nghe kỹ thuật viên tiếp thị máy bay nông nghiệp tại gian hàng này, ông Chín Út (Trần Văn Chính), nông dân trồng hơn 13 công sầu riêng xen bưởi da xanh ở huyện Phong Điền (Cần Thơ), trả lời chúng tôi: “Chắc qua sang năm tôi mua máy. Giờ sầu riêng đang làm bông. Mùa năm ngoái thu hơn 800 triệu, sang năm chắc được hơn một tỉ”. Ông nói trồng sầu riêng phải xịt rầy xanh hàng tuần, mà xịt tay thì rất mệt và chi phí cao quá so với phun máy từ trên trời xuống nhẹ nhàng khoẻ mạnh hơn nhiều.

Hội chợ này có gian hàng của Viện Lúa ĐBSCL, giới thiệu “Máy bay không người lái HLD-18”, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hoà Lạc sản xuất. Tài liệu bướm giới thiệu sản phẩm này ghi: “HLD-18 dễ sử dụng, chi phí thấp không gây ô nhiễm môi trường, khả năng tải 10 kg; có thể thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thuốc men, đồ cứu hộ nhanh chóng, kịp thời; hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, phun thuốc bảo vệ thực vật; trình sát, giám sát mục tiêu biển, đảo; hỗ trợ phòng chống buôn lậu, ma tuý, bảo vệ biên giới…”.

Chủ gian hàng này cho biết Viện Lúa ĐBSCL đang sử dụng 10 máy HLD-18 này phục vụ cho việc phun thuốc bảo vệ hàng trăm hecta lúa tại Viện. “Giá cả thì không biết vì loại máy này chưa được thương mại hoá”, vị này nói.

Xin khép câu chuyện này tại gian hàng của Công ty TNHH Kỹ thuật ZenMuse Singapore với câu slogan tiếp thị to đùng: “ZenMuse – chuyên gia về máy bay không người lái nông nghiệp chuyên nghiệp”. Chị Nguyễn Thuỳ Trang, nhân viên tiếp thị của gian hàng, cho biết công ty mở gian hàng này để tìm đại lý, chuẩn bị ngày 16-11 này khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại khu Vincom, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Chị trao cho chúng tôi tờ bướm, ghi rõ hồ sơ công ty với hai dòng máy giá 285 triệu và 310 triệu đồng/bộ. Tài liệu này in rõ những dòng chữ to, bên cạnh ảnh sản phẩm: “Mua máy không đồng – Miễn phí đào tạo – Dịch vụ cho thuê – Chất lượng tốt – Dễ dàng tháo lắp – Miễn phí sửa chữa – Đào tạo mở tiệm – Chiếc khấu cao – Đào tạo nhân viên – Đơn hàng liên tục – Bảo hành kỹ thuật trọn đời – Cho thuê và kinh doanh”.

Không trả lời thẳng câu hỏi của chúng tôi về đánh giá tính cạnh tranh của thị trường drone tới đây ở Việt Nam, chị Trang sôi nổi: “Zen Muse muốn phát triển rộng ra cả vùng ĐBSCL. Khả năng là vô hạn, có cầu là có cung”.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/may-bay-nong-nghiep-tiep-thi-nong-dan-vung-dong-bang/

Hạt gạo - drone - máy chà

 Bài, ảnh: HUỲNH KIM

10/11/2022 - 10:40

Tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2022 tuần rồi ở Cần Thơ, có tới 7 gian hàng drone và 4 gian hàng “máy chà gạo” tham gia triển lãm. Một cuộc cạnh tranh về công nghệ sản xuất và chế biến gạo giúp tăng chất lượng, lợi nhuận, bảo vệ môi trường.

Một góc gian hàng máy xay xát gạo của Công ty Bùi Văn tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2022 Cần Thơ.

 

Các gian hàng này thay chữ “drone” (phương tiện bay không người lái) thành chữ “máy bay nông nghiệp” cho bà con nông dân dễ hiểu. Một máy bay loại này, có thể làm 3 việc là gieo hạt, rải phân bón, phun thuốc. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, chủ gian hàng Công ty XAG Mekong (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện ở Ðồng Tháp), nói: “Làm thủ công, thí dụ phun thuốc, mỗi ngày một người chỉ phun được 5ha lúa trong khi 2 người sử dụng máy bay này thì phun được 50ha, lại về sớm hơn mà khỏi phải lội ruộng, chỉ việc ngồi bên bờ kênh xem máy bay”.

Chủ gian hàng Công ty Nicotex Cần Thơ tính rằng máy bay này giúp giảm 30% chi phí về phân, thuốc, lúa giống, 50-60% tiền công lao động; bà con ít bị độc hại và chủ động với thời tiết hơn. Lại nói: “Cạnh tranh dữ quá, nhưng nông dân có lợi. Trước mình làm dịch vụ bay 1ha giá 350.000 đồng, giờ có nơi chỉ còn 120.000 đồng nên không làm nữa, để cho nông dân tự sắm máy làm dịch vụ này có lợi hơn”.

Họ đều nhập các dòng drone của Trung Quốc (vì giá thấp hơn giá drone nước khác), như: DJI, XAG, Top X Gun… Tùy loại, một bộ drone có giá từ 300-700 triệu đồng, bán kèm tập huấn sử dụng miễn phí. Hầu hết, họ đã mở văn phòng hay chi nhánh tại một số tỉnh làm lúa nhiều ở ÐBSCL. Và ai cũng đặt kế hoạch sẽ mở rộng thị trường vì tin chắc đây là xu hướng canh tác mới mà bà con nông dân cần. Anh Nguyễn Văn Hoàng Nguyên, ở gian hàng của Công ty Trường Thịnh (TP Hồ Chí Minh), nói: “Tới đây, Trường Thịnh vẫn tập trung thị trường miền Tây và mở thêm thị trường miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên, phục vụ cho cả cây sầu riêng và cây công nghiệp”.

Còn anh Văn Thanh Liêm, chủ gian hàng drone Công ty TNHH Minh Ngọc (Long An), bán dòng máy hiệu Top X Gun, giá 370 triệu đồng/bộ, lại băn khoăn: “Hy vọng hãng Top X Gun cải tiến tối ưu máy bay nông nghiệp để giảm giá thành xuống còn 270 triệu đồng một bộ và mình có chính sách giúp nông dân mua trả góp được thì tốt quá”.

Có một gian hàng của Công ty ZenMuse (Singapore), dán slogan: “ZenMuse - chuyên gia về máy bay không người lái nông nghiệp chuyên nghiệp”. Chị Thùy Trang, phiên dịch của gian hàng, cho biết họ mở gian hàng để tìm đại lý, chuẩn bị ngày 16-11 này khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Cần Thơ. Họ bán hai dòng máy ZenMuse, giá 285 triệu đồng và 310 triệu đồng/bộ. Chị Trang nói: “ZenMuse muốn phát triển rộng ra cả vùng ÐBSCL”.

Có người nói “máy chà gạo” bây giờ quá hiện đại, khi tham quan hệ thống máy xay xát và máy tách hạt, tách màu của các thương hiệu Bùi Văn Ngọ, Bùi Văn, DCT và CNC. Ðó là những cỗ máy xay xát nặng cả tấn, nhập thiết bị điện cơ tiên tiến của Nhật Bản; khi vào dây chuyền, có thể chiếm trọn một tòa nhà 2 tầng. Ví dụ: máy bóc vỏ lúa, máy tách trấu, máy tách thóc, máy xát trắng gạo, máy xát trắng thử mẫu gạo, máy đánh bóng gạo, máy sàng tạp chất, máy sàng tạp chất gạo, sàng rung, sàng đá, sàng đảo, trống phân hạt, trống trộn gạo, trống tách hạt lép, lò trấu, máy lọc bụi, mấy sấy, phụ kiện. Giá bán tùy loại, từ 98-617 triệu đồng/máy. Còn với cả dây chuyền chế biến từ lúa ra gạo, tùy công suất từ 8, 12, 14, 15, 24 tấn/giờ, có giá từ 3,4-38,5 tỉ đồng một dây chuyền.

Theo ông Bùi Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty Bùi Văn, các cỗ máy này giúp cho hạt gạo đạt tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, máy phải cho thu hồi gạo nhiều nhất, ở mức 67-69% sau khi bỏ cám, trấu và gạo không gãy, vỡ. Ông Bùi Trọng Hiếu kể, khách hàng của ông mong được tiếp tục thay đổi công nghệ. Sao cho giảm điện năng hơn, thu hồi thành phẩm cao hơn, thu hồi được hết phụ phẩm (tấm, trấu, cám) và góp sức bảo vệ môi trường. Như vậy mới tiết kiệm chi phí cho nhà máy chế biến gạo, vì cũng là sản xuất gạo như bà con nông dân nhưng chi phí cao sẽ không có lời. “Gạo còn bán được thì hệ thống máy xay xát còn đổi mới. Tôi kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam ổn định giá để giúp ngành chế biến xuất khẩu gạo phát triển”, ông Hiếu nói.

Với máy tách hạt, tách màu DTC thì theo ông Dương Hoàng Tín ở Công ty DTC, sau khi gạo được xay xát, đánh bóng, dòng máy này sẽ tách tiếp phế phẩm của gạo để hạt gạo chất lượng tốt hơn, có giá hơn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Máy nhập từ Trung Quốc, công suất 10-15 tấn/giờ, giá bán 1,3 tỉ đồng. Nhu cầu này là từ thị trường, DTC đã có khách hàng ở 13 tỉnh, thành ÐBSCL từ hơn 8 năm nay. Ông Tín nói: “Tôi hy vọng ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng phát triển, có lợi nhuận tốt hơn cho nông dân, doanh nghiệp chế biến gạo và cho cả chuỗi cung ứng gạo”.

Cũng nhập từ Trung Quốc là cỗ máy tách hạt hiệu CNC giá 1,1 tỉ đồng của Công ty Smart Sort. Ông Trương Phước Toàn, phụ trách kinh doanh của công ty này giải thích, quá trình sản xuất, do sấy, xay xát, lau bóng hoặc bị ẩm… gạo còn lẫn hạt xanh, non, bạc bụng, vàng hoặc còn đá, sỏi nên mới có dòng máy công nghệ cao này. “Sản phẩm này có tiềm năng trở thành sản phẩm chính trong dây chuyền sản xuất sau cùng của hạt gạo”, ông Toàn nhận định.

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/hat-gao-drone-may-cha-a153099.html

Nghĩ về hạt gạo Việt từ hội chợ nông nghiệp ở Cần Thơ

Huỳnh Kim
(SGTT) – Tham quan, tìm hiểu về những cỗ máy xay xát, đánh bóng, tách hạt, tại triển lãm Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm nay ở Cần Thơ, mới biết công đoạn để có một bát cơm trắng thơm lành phức tạp và tốn kém ra sao. Từ đây, người tiêu dùng cũng hiểu thêm giá trị của hạt gạo dẻo thơm mà bà con nông dân đã một nắng hai sương làm ra qua lời kể từ chủ nhà máy xay xát.
Từ xay xát

Hai gian hàng ngoài trời lớn nhất hội chợ là của hai nhà máy xay xát Bùi Văn Ngọ và Bùi Văn từ TPHCM về. Bùi Văn ra đời năm 2020, tách từ nhà máy Bùi Văn Ngọ đã có tiếng lâu năm trong ngành máy xay xát gạo. Sản phẩm của họ đều chung một xưởng ở Long An, đều nhập thiết bị điện cơ theo công nghệ tiên tiến Nhật Bản.

Theo ông Bùi Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất công nghiệp cơ khí Bùi Văn, các cỗ máy này giúp cho hạt gạo đạt tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, máy phải cho thu hồi gạo nhiều nhất, ở mức 67-69% sau khi bỏ cám, trấu và gạo không gãy, vỡ.

Gian hàng Bùi Văn chiều 6-11. Ảnh: Huỳnh Kim
Đó là những cỗ máy nặng hàng tấn, khi vào dây chuyền chiếm trọn một tòa nhà hai tầng. Có thể kể đến như máy bóc vỏ lúa, máy tách trấu, máy tách thóc, máy xát trắng gạo, máy xát trắng thử mẫu gạo, máy đánh bóng gạo, máy sàng tạp chất, máy sàng tạp chất gạo, sàng rung, sàng đá, sàng đảo, trống phân hạt, trống trộn gạo, trống tách hạt lép, lò trấu, máy lọc bụi, mấy sấy, phụ kiện.

Một cỗ máy xay xát trắng gạo tại hội chợ Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Giá bán các loại máy dao động từ 98 – 617 triệu đồng/máy. Với cả dây chuyền chế biến từ lúa ra gạo, tùy công suất từ 8, 12, 14, 15, 24 tấn/giờ, có giá bán từ 3,4 – 38,5 tỉ đồng/dây chuyền.

Ông Bùi Trọng Hiếu cho biết, các sản phẩm này đã phủ khắp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và cả ở 7 tỉnh miền Trung, 7 tỉnh miền Bắc. Riêng tại hội chợ Cần Thơ lần này, có 12 máy dự triển lãm thì đã bán được 8 máy.

Tại hội chợ, nhiều khách hàng đã tới tham quan và góp ý. Ông Hiếu kể, họ mong được tiếp tục thay đổi công nghệ để làm sao giảm điện năng hơn, thu hồi thành phẩm cao hơn, thu hồi được hết phụ phẩm (tấm, trấu, cám) và góp sức bảo vệ môi trường. Như vậy mới tiết kiệm chi phí cho nhà máy chế biến gạo vì cũng là sản xuất gạo như bà con nông dân nhưng chi phí cao sẽ không có lời.

“Họ thấy thị trường cạnh tranh nhưng gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tốt. Gạo còn bán được thì hệ thống máy xay xát còn đổi mới. Tôi kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam ổn định giá để giúp ngành chế biến xuất khẩu gạo phát triển”, ông Hiếu nói.

Đến tách màu, tách hạt

Kế gian hàng Bùi Văn là gian hàng của Công ty TNHH TM DV DTC (TPHCM). Đây là cỗ máy tách màu gạo, cân đóng gói, làm công việc nâng cao hơn giá trị hạt gạo sau xay xát.

Gần chiều tối ngày cuối của hội chợ mà vẫn thấy nhân viên DTC thao tác tách màu cho khách xem. Nhìn hai sàng đựng gạo, một trắng toát, một có lẫn những hạt ươm vàng sau khi máy tách xong, một người khách tham quan thốt lên: “Giờ mới hiểu làm sao để có gạo trắng đều cơm”.

Tại gian hàng máy tách hạt DTC ở hội chợ Cần Thơ chiều ngày 6-11. Ảnh: Huỳnh Kim

Khách xem gạo đã tách màu tại gian hàng DTC chiều 6-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Ông Dương Hoàng Tín, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty DTC, cho biết dòng máy này nhập từ Trung Quốc, công suất 10-15 tấn/giờ, giá 1,3 tỉ đồng. Máy tách được tất cả phế phẩm từ gạo trắng, gạo màu, gạo lứt để cho hạt gạo chất lượng tốt hơn, bán được giá hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo ông Tín, nhu cầu này là từ thị trường, DTC đã có khách hàng ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL từ hơn 8 năm nay, chiếm 50% thị phần ở vùng này. Ông cũng mong máy móc cải tiến công nghệ để có năng suất cao hơn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Ông Tín nói “Tôi hy vọng ngành lúa gạo Viêt Nam ngày càng phát triển, có lợi nhuận tốt hơn cho nông dân, doanh nghiệp chế biến gạo và cho cả chuỗi cung ứng gạo”.

Gần đó là gian hàng máy tách hạt gạo hiệu CNC, cũng nhập từ Trung Quốc có giá 1,1 tỉ đồng của Công ty TNHH thiết bị Smart Sort (TPHCM). Ông Trương Phước Toàn, phụ trách kinh doanh của công ty này giải thích về quá trình tách hạt và phế phẩm từ gạo “Trong quá trình sản xuất, do sấy, xay xát, lau bóng hoặc bị ẩm… gạo còn lẫn hạt xanh, non, bạc bụng, vàng hoặc còn đá, sỏi nên mới có dòng máy công nghệ cao này”.

Thao tác máy tách màu ở gian hàng Công ty Smart Sort tại hội chợ Cần Thơ chiều ngày 6-11. Ảnh: Huỳnh Kim
Ông Toàn cho biết gần 10 năm nay các doanh nghiệp chế biến gạo ở ĐBSCL đã sử dụng máy này. Riêng Công ty Smart Sort đang có khách hàng ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Công ty không sản xuất mà nhập máy về bán và lo bảo trì, bảo dưỡng. “Sản phẩm này có tiềm năng trở thành sản phẩm chính trong dây chuyền sản xuất sau cùng của hạt gạo”, ông Toàn nhận định.

Nhìn lại những cỗ máy hiện đại này, nghĩ về quá trình hạt gạo Việt Nam đi từ cánh đồng lúa của bà con nông dân tới nhà máy chế biến, càng trân quý giá trị của chuyện làm ra hạt gạo, ăn sao cho ngon cho lành, bán sao cho được giá.

Đã đăng trên: Saigon Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/nghi-ve-hat-gao-viet-tu-hoi-cho-nong-nghiep-o-can-tho/

Rộn ràng Ngày hội Lá ở Cần Thơ

Huỳnh Kim

(SGTT) – Sân khấu Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 sáng nay, 3-11, rộn ràng với Ngày hội Lá.

Từ cổng chào vào đến sân khấu, đều được trang trí bằng lá chuối, lá dừa, lá tre, lá trúc… những sản vật dân dã, quen thuộc, gần gũi của miền Tây sông nước. Một loạt nội dung của ngày hội cũng gắn với hồn cốt của cây và lá, như trải nghiệm vẽ tranh trên áo dài bằng lá; thắt đồ chơi lá dừa; têm trầu; học gói bánh dân gian; thi thiết kế thời trang lá…

Các gian hàng ẩm thực mini giới thiệu nhiều loại bánh sử dụng lá như bánh tét, bánh chưng, bánh ít, bánh ú lá tre, bánh lá dừa, bánh phu thê, bánh lá mơ, lá mít… Có cả những món ăn liên quan đến lá như gỏi cuốn, bánh xèo gói lá chuối, nước rau má, trà xanh, trà lá sen… Một số gian hàng trưng bày toàn sản phẩm thân thiện môi trường và nhiều mô hình sản xuất sử dụng lá làm nguyên liệu, bao bì, trang trí.

Khách tham quan sáng nay hoà mình với các hoạt động này, rộn ràng “được ăn, được nói, được gói, được mở, được… chụp hình lưu niệm”. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ Cần Thơ (CPA) phối hợp cùng Bảo tàng Áo dài Việt Nam và Thành Đoàn TP Cần Thơ tổ chức.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA, cho biết Ngày hội Lá hôm nay gửi thông điệp sống xanh, sống thân thiện với môi trường; khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường.

“Ngày hội giới thiệu các sản phẩm làm từ lá nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các sản phẩm lá để làm thực phẩm, bao bì, trang trí. Đồng thời cũng để quảng bá kiến trúc, ẩm thực và các sản phẩm nghệ thuật liên quan đến lá. Ban tổ chức mong muốn, đây cũng là nơi để mọi người đi hội chợ gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với nhau, cùng trải nghiệm các hoạt động sáng tạo, bổ ích”, bà Kiều Duyên nói. Sau đây là một số hình ảnh do phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận tại ngày hội.

Gian hàng ẩm thực mini của bà Chín Chiều luôn hút khách; mua hàng xong, nhiều khách xin chụp ảnh lưu niệm với bà Chín.


Do vậy, ngày hội vừa tan, bà Chín Chiều đã quảy gánh không ra về.

Trải nghiệm thắt lá dừa.
Ai muốn tem trầu thì ghé đây!

Gian hàng nón lá, túi xách lá sen.

Gian hàng túi xách, giỏ xách lục bình.

Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (Cần Thơ) thi vẽ tranh từ lá.

Các em nhận giải thưởng.

Đội Trường Quốc tế Hòa Bình (Cần Thơ) đoạt giải Nhất.

Giúp thí sinh giải Nhất thi thiết kế thời trang lá lên sân khấu.

Đã đăng trên: Saigon Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/ron-rang-ngay-hoi-la-o-can-tho/

Cần Thơ mở rộng giao thương hàng nông thuỷ sản

Huỳnh Kim

02/11/2022

(SGTT) – Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ năm 2022, chiều ngày 2-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Cần Thơ với các tỉnh, thành phố năm 2022 và ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025.
Quang cảnh hội thảo chiều 2-11-2022 tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo Ban tổ chức, hội nghị này nhằm tạo sức lan tỏa, tăng cường năng lực giao thương các loại hàng hóa nông lâm thủy sản; hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử nông lâm thủy sản và ứng dụng triển lãm nông nghiệp thực tế; bảo đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa Cần Thơ và các tỉnh, thành phố khác giai đoạn 2023-2025.

Báo cáo của Sở NN & PTNT TP Cần Thơ cho biết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) gắn với nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần gia tăng tổng sản phẩm khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 ở Cần Thơ lên 3,29%.

Cần Thơ hiện có có 561 hecta lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hơn 500 hecta cây ăn trái và rau màu làm theo chuẩn VietGAP. Thành phố đã xây dựng và quản lý 46 mã vùng trồng của 16 đơn vị đối với nhãn, vú sữa, xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc, EU. Về thuỷ sản, có hơn 282 hecta nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, BMP, BAP, ASC. Trong 274 trang trại chăn nuôi, có bốn mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi và bốn mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP.

Cần Thơ cũng phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn và đã có 92 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Trong giao thương, đang có 53 sản phẩm nông lâm thủy sản giao thương giữa Cần Thơ với 12 tỉnh, thành trong nước và đề xuất 32 sản phẩm của các địa phương trong nước có tiềm năng giao thương với Cần Thơ.

Ký kết hợp tác giao thương giữa Cần Thơ với các địa phương chiều 2-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Các địa phương đã gửi danh sách hơn 460 sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn và sản phẩm chủ lực đặc trưng vùng miền từ các địa phương giới thiệu với Cần Thơ để phối hợp kế hoạch giao thương trong thời gian tới.

Giai đoạn 2022-2025, có 14 tỉnh, thành sẽ ký kết hợp tác giao thương với TP Cần Thơ trong lĩnh vực này. Chiều 2-11, đại diện các Sở NN & PTNT và Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng và các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Long An, Lâm Đồng, Bạc Liêu, An Giang, Trà Vinh đã ký kết trước với Cần Thơ.

Ngoài ra các đơn vị này cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử và ứng dụng triển lãm nông nghiệp thực tế ảo (Virtual Exhibition) với Công ty TNHH Truyền thông số MekongExpo.

Theo đó, các bên hợp tác thúc đẩy giải pháp số hóa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu và một số sản phẩm đặc trưng tại ĐBSCL. Các bên sẽ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số bền vững; tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, giúp tăng thu nhập nhờ hiệu quả kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Thống, Tổng Giám đốc Công ty MekongExpo, cho biết trong hai năm tới, sàn https://mekongexpo.vn/ hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp cho nông dân, làng nghề, tổ hợp hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hội phụ nữ có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu đặc trưng vùng miền trong cả nước, từ các thành phố lớn đến các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL và đưa thông tin sản phẩm lên sàn https://mekongexpo.vn/.

“Mục tiêu cốt lõi của chúng tôi là triển khai các lớp tập huấn thương mại điện tử đến từng từng tỉnh, huyện thông qua việc kết hợp với các nhân tố trẻ từ Đoàn TNCS tại địa phương. Từ nay đến hết quý 3 năm 2023, Công ty MekongExpo quyết tâm thực hiện triển khai thương mại điện tử cho toàn khu vực ĐBSCL”, ông Thống cam kết.

Ký kết hợp tác giữa Công ty MekongExpo với các địa phương chiều 2-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) phụ trách Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, cho rằng để việc ký kết hôm nay trở thành hiện thực, cần có ba yếu tố liên hoàn.

Một là, sự lựa chọn chuỗi nông sản an toàn, chất lượng tham gia ký kết giao thương cần mang đậm sự khác biệt của địa phương.

Hai, sản phẩm phải được bảo đảm ổn định về thời gian, số lượng, đồng đều, chất lượng, giá cả.

Ba là, phải có sự quan tâm thật sự đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cả ba yếu tố này phải được thực hiện đồng bộ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người tiêu dùng và rất cần được truyền thông lan toả.

“Phải xem công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giao thương vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của người sản xuất, doanh nghiệp, người quản lý và cả người tiêu dùng”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Mục tiêu chương trình ký kết giao thương

– Số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của thành phố Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL và các địa phương khác trong nước giai đoạn 2022-2025: ít nhất 250 chuỗi.
– Số chuỗi giá trị ngành hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL với các tỉnh, thành phố trong cả nước đạt chuẩn mực quốc tế: ít nhất 30 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Đã đăng trên: Saigon Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/can-tho-mo-rong-giao-thuong-hang-nong-thuy-san/

Vietnam International Agriculture Fair opens in Can Tho

By Huynh Kim

November 2, 2022

Bui Van's booth showcases machine tools at the fair - PHOTO: HUYNH KIM
HCMC – The Vietnam International Agricultural Fair 2022 kicked off at the Can Tho Promotion Agency (CPA) this morning, November 2, with 250 booths from over 100 domestic and international enterprises and a series of important events lasting until November 6.

The fair aims to support enterprises in restoring their production, promoting their brands and reinforcing connections with their partners after the pandemic, according to Nguyen Thi Kieu Duyen, director of CPA.

The fair will have some 250 booths from over 100 firms and agencies in localities such as Hanoi, HCMC, Hai Duong, Ben Tre, Tay Ninh, An Giang, Tien Giang, Ha Nam, and Lao Cai, and other countries such as India, Cambodia, Indonesia, the Philippines, South Korea and China.

These firms are introducing a variety of high-tech agricultural machinery and equipment, production and processing lines, as well as industrial-agricultural products.

Other agricultural materials, fertilizers, pesticides, technology for agricultural production, preservation techniques, forest products, handicrafts and agro-forestry-aquatic processed products are also on display at the fair.

Moreover, the fair is showcasing many products of the One Commune, One Product Program and others with the potential to join the program, high-quality plant varieties, commercial and consumer goods for farmers and rural areas, and regional specialties.

The fair will last five days with various activities to attract visitors. For example, the product traceability management system in Can Tho City was unveiled at the opening ceremony this morning.

The Techmart for Agriculture 2022, which introduces agricultural equipment and post-harvest technology, will be held by the Can Tho Department of Science and Technology and CPA every day at the fair.

On November 3 morning, CPA will partner with the Ao Dai Museum and Can Tho Youth Union to organize the “Leaf Festival” to promote architecture, cuisine and artworks, as well as stipulate environmental conservation activities through the use of leaf-based products.

Visitors can enjoy music performances and learn how to make traditional cakes and handicraft products from coconut leaves, as well as draw pictures on leaves, etc.

During the fair, enterprises will organize many trade promotion activities to boost their connection with other manufacturers and distributors. Every night, visitors can also enjoy the performance of bands from Can Tho City and Dance Sports clubs such as Fox Band, Moc Band and Thien Nam Band.

Some five conferences and seminars will take place at the fair, including a scientific conference on the “Application of technology for urban agriculture’s sustainable development”, a preliminary conference on “Coordination program for the quality improvement of agriculture-forestry-fishery products in Can Tho and other localities in 2022” on November 2, and the seminar “Promoting the commercialization of the research results, products, technology and equipment from institutes, universities, enterprises, science and technology organizations” on November 3.

Speaking at the opening ceremony of the fair, Can Tho chairman Tran Viet Cuong said, “This fair plays an essential role in the development of the agricultural sector in Vietnam, especially the Mekong Delta, as it creates good opportunities for enterprises to apply and exchange innovative and advanced technology. This is especially true for mechanical technology, biological technology, circular technology, technology 4.0 and digital transformation in production and environmental protection.”

Đã đăng trên: The Saigon Times

https://english.thesaigontimes.vn/vietnam-international-agriculture-fair-opens-in-can-tho/

250 gian hàng dự Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022

Huỳnh Kim 

Thứ Tư, 2/11/2022

(KTSG Online) – Sáng nay, 2-11, Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (Cantho Promotion Agency – CPA). Hội chợ thu hút 250 gian hàng từ 100 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước với hàng loạt sự kiện, kéo dài đến ngày 6-11.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA, hội chợ này nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối các đối tác kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo TP Cần Thơ và các nước tham gia hội chợ khai trương Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ tại lễ khai mạc hội chợ sáng ngày 2-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Ban tổ chức cho biết, dự hội chợ có 250 gian hàng của 100 đơn vị, doanh nghiệp đến từ Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Bến Tre, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang, Hà Nam, Lào Cai… và từ Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tổng lãnh sự quán tại TPHCM các nước Campuchia, Ấn Độ, Phillipines, Indonesia tham gia gian hàng danh dự tại hội chợ.

Một góc gian hàng cơ khí Bùi Văn Ngọ. Ảnh: Huỳnh Kim.
Các đơn vị này trưng bày tại hội chợ nhiều loại máy móc, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao, dây chuyền sản xuất, chế biến và các sản phẩm công nghiệp – nông nghiệp.

Họ cũng giới thiệu các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các công nghệ hỗ trợ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch; các sản phẩm lâm nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến từ nông sản, lâm sản, thủy sản.

Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP; giống cây trồng, sản phẩm trái cây chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; sản phẩm thương mại, hàng tiêu dùng phục vụ nông dân và nông thôn; các đặc sản vùng miền gắn với ẩm thực.

Gian hàng công nghệ cao của TPHCM tại hội chợ. Ảnh: Huỳnh Kim.
Trong 5 ngày hội chợ, có nhiều hoạt động thu hút khách tham quan. Tại lễ khai mạc sáng nay, ban tổ chức đã khai trương Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ. Hàng ngày tại hội chợ còn có chợ công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Techmart Nông nghiệp 2022), do Sở Khoa học – Công nghệ thành phố Cần Thơ và CPA tổ chức.

Sáng ngày 3-11, CPA phối hợp với Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức “Ngày hội lá”, nhằm quảng bá kiến trúc, ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các sản phẩm làm từ lá. Khách tham quan có thể giao lưu văn nghệ, học gói các loại bánh dân gian làm từ lá, thắt lá dừa, vẽ tranh từ chất liệu lá…

Gian hàng cơ khí Bùi Văn. Ảnh: Huỳnh Kim.
Suốt thời gian hội chợ, các doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều chương trình hoạt động xúc tiến thương mại để kết nối với nhà sản xuất và nhà phân phối. Khách tham quan hội chợ còn được thưởng thức và giao lưu văn nghệ hằng đêm với các nhóm nhạc của thành phố Cần Thơ và Câu lạc bộ Dance sport như Fox Band, Mộc Band, Thiên Nam Band…

Phát biểu khai mạc hội chợ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh: “Hội chợ lần này hết sức cần thiết cho ngành nông nghiệp Việt Nam và riêng vùng ĐBSCL, vì đây là cơ hội giúp ứng dụng và chuyển giao những công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ cơ giới, công nghệ sinh học, công nghệ tuần hoàn, công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất hàng hoá lớn gắn với bảo vệ môi trường”.

Hội chợ lần này có đến 5 gian hàng máy bay nông nghiệp drone tham gia trưng bày. Ảnh: Huỳnh Kim.

5 hội nghị, hội thảo tại hội chợ

  • Chiều ngày 2-11, có hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững” và hội nghị sơ kết “Chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm nâng cao chất lượng nông, lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố năm 2022”.
  • Chiều ngày 3-11, tọa đàm “Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ”.
  • Chiều ngày 4-11, có hội thảo Dataconnect Cần Thơ 2022, chủ đề “Phát triển nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp” và hội thảo “Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành phố Cần Thơ”.
  • Trong hai ngày 5 và 6-11, Sở Khoa học – Công nghệ Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, Quỹ Dariu của Thụy Sỹ phối hợp CPA và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Cần Thơ tổ chức hội thảo “Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử”.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/250-gian-hang-du-hoi-cho-nong-nghiep-quoc-te-viet-nam-2022/

Can Tho University puts two ODA-funded buildings into service

By Huynh Kim 

October 30, 2022

The Hi-tech Building at Can Tho University in Can Tho City – PHOTO: HUYNH KIM
CAN THO – Can Tho University in the Mekong Delta city of Can Tho held an inauguration ceremony this morning, October 30, for two buildings using official development assistance (ODA) loans from the Japanese government.

The Hi-tech Building and Integrated Research Laboratory Building are part of the Can Tho University Enhancement project.

The project is aimed at upgrading and developing Can Tho University into an educational institution that will receive international recognition for its strengths in agriculture, fishery, the environment and other relevant fields, thus contributing to efforts to promote socioeconomic growth, climate change adaptation, environmental protection, and to raise the value of the agro-fishery sector in the delta.

The project cost was US$105.9 million, funded by of ODA loans, with VND338 billion of reciprocal capital from Can Tho University, and was implemented in seven years, from 2015 to 2022.

Speaking at the inauguration ceremony, Prof. Dr. Ha Thanh Toan, president of Can Tho University, said that the Can Tho University Enhancement project tapping the ODA loans from the Japanese government was completed on schedule.

He added that the two buildings with modern architecture are the largest projects at the university so far.

Watanabe Shige, Deputy Ambassador of Japan to Vietnam, said that the ODA project was launched at a time when the Vietnamese Government has formulated the National Green Growth Strategy that sets an ambitious goal of reducing greenhouse gas emissions by 30% by 2050. Also, the local agriculture sector has mapped out a green growth action plan which aims to reduce greenhouse gas emissions by 10% by 2030.

“I am convinced that Can Tho University, including the Hi-tech Building and Integrated Research Laboratory Building which were inaugurated today, will play an extremely important role to achieve these ambitious goals set by the Vietnamese Government and will further continue to solving critical issues Vietnam is facing, such as food security and climate change,” the Japanese deputy ambassador said.

Đã đăng trên: The Saigon Times

https://english.thesaigontimes.vn/can-tho-university-puts-two-oda-funded-buildings-into-service/