Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Mở ra cuộc sống




Lạc Long


Trong cuộc sống cũng như trong giao tiếp hằng ngày, đôi khi ta bắt gặp những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, những điều tín ngưỡng hay những nhân vật, địa danh… chưa quen hoặc đã bị lãng quên khiến cho ta bối rối. Lúc đó, ta thường nghĩ đến việc nhanh chóng tìm được câu trả lời từ một quyển từ điển hay là từ bạn bè, người thân. Như một cuốn từ điển bỏ túi, quyển sách Cửa sổ tri thức (NXB Văn hóa - Văn nghệ, quý 2.2013) của PGS-TS Lê Trung Hoa có thể giúp chúng ta giải quyết được những “bối rối” này một cách thú vị và bổ ích.




Cuốn sách tập hợp 159 câu hỏi - đáp được bạn đọc báo chí quan tâm liên quan tới nhiều lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, địa chí, ngôn ngữ… Để trả lời được những câu hỏi này, tác giả phải dựa vào một kiến thức sâu rộng từ một sở học bài bản. PGS-TS Lê Trung Hoa sinh năm 1947, chuyên môn trong lĩnh vực ngôn ngữ học và văn hóa học; là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành như: Mẹo luật chính tả (1984), Thú chơi chữ (1990), Địa danh ở TP.HCM (1991), Họ và tên người Việt Nam (1992), Từ điển TP.Sài Gòn - Hồ Chí Minh (2001), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam bộ và tiếng Việt văn học (2003), Địa danh học Việt Nam (2006)…

Với cuốn Cửa sổ tri thức này, tác giả dường như muốn mở ra những căn nguyên của cuộc sống ở quanh ta với một văn phong nhẹ nhàng, lắm khi duyên dáng. Xin trích vài câu:

Tại sao ở đầu ghe thuyền, người ta thường vẽ hai con mắt? - “Điều này bắt nguồn từ một tín ngưỡng dân gian. Người xưa cho rằng ghe thuyền cũng là một sinh vật dưới nước, cần có mắt để nhìn, tránh được thuồng luồng, quái vật làm hại. Mặt khác, mắt ghe thuyền có thể giúp những người đánh cá phát hiện những ngư trường có nhiều cá. Sau cùng, các con mắt này có thể giúp những người đi buôn bằng ghe thuyền tìm được những bến bờ có nhiều tài lộc. Mắt thuyền có thể thay đổi tùy theo địa phương. Ở vùng Sài Gòn - Gia Định, mắt thuyền có màu đen và trắng vẽ trên nền đỏ; ở vùng Rạch Giá - Phú Quốc, mắt thuyền có màu đen và đỏ vẽ trên nền màu xanh”.

Tại sao gọi là “làm thinh”? -  “Âm gốc của từ tổ làm thinh là hàm thinh. Đây là từ tổ Hán Việt. Hàm có nghĩa là “ngậm” và thinh là “âm thanh”. Vậy hàm thinh có nghĩa là “ngậm âm thanh trong miệng”, tức không nói ra”.

Xin cho biết nguồn gốc cụm từ “chủ xị”? - “Nước ngọt xá xị được chế biến từ trái cây salsepreille (cây thổ phục linh). Người Việt đã gọi tắt salse thành xá xị. Dung tích của một chai xá xị là 1/4 lít. Do đó ban đầu người ta nói “một chai xá xị rượu”, rồi rút gọn thành “một xị rượu”, tức 1/4 lít rượu. Và người bỏ tiền mua rượu cho nhiều người cùng uống là chủ xị”.

Xin giải thích thành ngữ “lặng như tờ”? - “Lặng như tờ là thành ngữ rút gọn từ thành ngữ lặng như tờ giấy trải, nghĩa là rất tĩnh lặng (theo Đại Nam quấc âm tự vị, 1895-1896 của Huỳnh Tịnh Của). Vì bị rút gọn hai từ giấy trải khiến chúng ta ngày nay không rõ tờ là gì”.

Tại sao người miền Nam hay gọi đấng sinh thành là “ba”, “má”? - “Người Nam bộ cũng như Nam Trung bộ gọi cha mẹ là ba má. Ba má là hai từ có nguồn gốc từ tiếng Quảng Đông. Từ ba gồm từ phụ (nghĩa là “cha”) ở trên và từ ba (chỉ âm) ở dưới ghép lại; từ má gồm từ nữ (nghĩa là “đàn bà”) ở bên trái và từ mã (chỉ âm) ở bên phải ghép lại. Đây là kết quả của hiện tượng tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Quảng Đông với tiếng Việt”.

Tại sao để chỉ những nơi xa xôi, vắng vẻ, người Nam bộ thường gọi là “Hóc Bà Tó”?  - “Theo nhà văn Sơn Nam, Hóc Bà Tó là một địa danh cổ, chỉ một vùng đất thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Hóc là một từ cổ chỉ dòng nước nhỏ, đồng nghĩa với xẻo. Hóc trong Hóc Môn, Hóc Hươu (TP.HCM), Hóc Ớt (giữa TP.HCM và Tây Ninh), Hóc Bà Tó mang ý nghĩa này. Vậy ban đầu hóc Bà Tó chỉ dòng nước nhỏ mang tên Bà Tó (chưa rõ lý lịch bà này). Sau biến thành địa danh vùng Hóc Bà Tó. Vì Hóc Bà Tó ở một nơi xa cách khu dân cư nên dần dần trở thành tên gọi nơi xa xôi, vắng vẻ, ít người lui tới”.

 Câu nói dân gian “Ông già Ba Tri” do ai đặt? - “Câu chuyện về “Ông già Ba Tri” được ghi chép trong tác phẩm Monographie de la province de BenTre (Địa phương chí tỉnh Bến Tre - 1929), Kiến Hòa xưa và nay (1965) của Huỳnh Minh, Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (1757-1945) của Nguyễn Duy Anh. Câu chuyện đại khái như sau: Dân làng Ba Tri và dân làng bên cạnh bất đồng nhau về việc đắp một con đập. Nếu có cái đập này, kinh tế làng Ba Tri sẽ không phát triển được nên dân Ba Tri đi kiện. Quan xử ép dân Ba Tri. Do đó, dân làng cử một ông già ra tận kinh đô Huế để khiếu nại với vua. Từ Bến Tre, ông đi bộ mấy tháng ra đến Huế và cuối cùng thắng kiện. Từ đó có thành ngữ “Ông già Ba Tri” để ca ngợi tinh thần cương trực, tôn trọng sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải của các cụ già. Nhưng dần dần, thành ngữ này cũng chỉ những ông già khó tính, hay tranh chấp”.

Sao kêu là “nhậu ve kêu”? - “Nhậu ve kêu là nhậu lai rai, rỉ rả, kéo dài như tiếng ve kêu suốt ngày, từ sáng đến tối”. ● 

Đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130507/mo-ra-cuoc-song.aspx