Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”

“Báo chí và truyền thông về xây dựng gia đình văn hóa” là đề tài rất cơ bản, quan trọng, đã được nhiều nhà chuyên môn đào xới. Trong phạm vi Tọa đàm hôm nay, 15-10-2019 tại Sở VH-TT-DL Cần Thơ, chúng tôi xin đề cập tới “cái Tôi đáng ghét” - một trong những nguyên nhân gây ra sự rạn vỡ của gia đình; đồng thời “cái Tôi đáng ghét” có thể cản trở hiệu quả báo chí, truyền thông về đề tài xây dựng gia đình văn hóa...

Huỳnh Kim



Mở đầu, mời quí vị đại biểu dự tọa đàm nghe ý kiến trên Facebook của một bạn nữ trẻ về quan niệm ứng xử của mình liên quan tới tình yêu :


Bạn ấy khẳng định, đa phần người nữ thời nay chẳng thể nào yêu thương được một bạn nam nghèo khó, thiếu tiền! Clip này do một đồng nghiệp trẻ vừa chia sẻ với tôi.
***

“Cái Tôi là cái đáng ghét”

Quí vị thấy ý kiến của bạn trẻ này như thế nào? Khi tôi chia sẻ tiếp ý kiến này cho một số bạn, thì có khoảng 90% bạn trẻ đồng tình, còn khoảng 90% bạn trung niên và già thì nói, “không phải ai cũng thực dụng và chủ quan như vậy, vì còn có tình thương và đạo lí”.

Như vậy thì vì sao trong cuộc sống ngày nay, chuyện li thân, li dị, chuyện người thân trong gia đình, bạn bè chia rẽ nhau… lại xảy ra nhiều hơn so với xã hội ngày xưa?

Câu hỏi này được nhiều chuyên gia trả lời dễ hiểu: “Cuộc sống càng phát triển thì cái Tôi của mỗi người càng lớn ra. Mà cái Tôi là cái đáng ghét”.

Cụ thể là ở ngay trong phạm vi gia đình, cũng như trong các ứng xử ngoài xã hội, cái Tôi ấy thường phình to ra theo đà phát triển của xã hội thị trường. Cái Tôi ấy càng đáng ghét hơn khi nó được tung hoành trong môi trường mạng xã hội ngày càng phát triển.

Mạng xã hội đang giúp cho mọi người trên thế giới có thể kết nối với nhau dễ dàng để chia sẻ bao điều trong cuộc sống và nâng cao hiểu biết từng giờ, từng ngày. Và đây cũng là mảnh đất mà Cái Tôi Đáng Ghét trong con người tha hồ nẩy nở, nếu không biết làm chủ mình. Trên Facebook chẳng hạn, trước bất kì thông tin gì, ta thường thấy xuất hiện ngay nhiều lời nhận xét, bình luận… chủ quan, suy diễn. Cốt để cho thiên hạ biết mình đang tồn tại. Cốt để thỏa mãn cái Tôi của mình.

Khi đó, dường như không ai còn nhớ Cái Tôi Là Cái Đáng Ghét cả.

Trong bữa cơm gia đình bây giờ, nhất là ở thành thị, nhiều nơi không còn là bữa cơm có đủ thành viên trong nhà, vì công việc hoặc vì nhiều lí do khác của từng người, chi phối.

Cơm nước xong, lại dễ thấy cảnh, mạnh ai nấy sống, nhất là những người trẻ, thu mình trong phòng riêng với cái điện thoại thông minh, để “chơi với cả thế giới”.
Hiếm khi thấy cả nhà quây quần bên nhau, ông bà cha mẹ con cái cháu chắt nói chuyện với nhau, chơi đùa với nhau, chia sẻ với nhau những chuyện riêng tư, đạo lí… như ngày xưa.

Ngay trong quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, tôi thấy có gia đình, mà những dịp lễ tết con cháu lại không chịu về quê thăm ông bà cha mẹ của mình, chỉ vì… công việc riêng! Có nhà, tới bữa, phải gọi điện thoại cho con cháu ở trên lầu xuống nhà dưới ăn cơm!

Tôi vẫn tự hỏi, có phải sự cô lập của mỗi cá nhân trong gia đình - sự tự ngăn cách yêu thương và chia sẻ - là cội nguồn của cái ác, sự dã man, vô nhân tính, thờ ơ, ích kỷ của con người mà chúng ta thường chứng kiến trên mặt báo, trong cuộc sống hôm nay?

Trong cuộc sống bây giờ, đôi khi, chỉ vì tranh chấp một thước đất, một cái chái nhà… mà bà con ruột thịt trong gia đình ngày nào còn thương yêu gắn bó với nhau, giờ thành chia rẽ, không nhìn mặt nhau! Câu chuyện người anh chém chết 4 người trong gia đình người em ở Đan Phượng, Hà Nội hồi tháng trước, là một thí dụ.

Hậu quả của việc phô diễn cái Tôi, nhiều khi dẫn đến những rạn nứt trong gia đình, xã hội, thậm chí gây tội ác. Chẳng hạn, xuất phát từ sự công kích lẫn nhau trên thế giới ảo, hay nói cách khác, thể hiện cái Tôi trong thế giới ảo, có khi lại dẫn đến những cuộc hẹn gặp nhau để giải quyết ở… ngoài đời thực và dẫn đến những cuộc đâm chém nhau!

Ở Cần Thơ, tôi cũng từng chứng kiến lí do li dị của một cặp vợ chồng trẻ sống chung nhà, chung phòng. Vì nhiều lẽ, trong đó có chuyện anh chồng “không quan tâm chăm sóc vợ”; tới ngày sinh nhựt của vợ anh không thích nhắn tin chúc mừng, trong khi cô vợ thì rất thích chăm chút việc này!

Trong những trường hợp đó, cái Tôi đáng ghét lớn tới nỗi, đã dẫn đến đổ vỡ tất cả.

Đây rốt cuộc là ranh giới của ích kỉvị tha trong thái độ ứng xử trong cuộc sống. Mặc dù, bình tâm nghĩ lại, ta sẽ thấy, mỗi người có một cái “đồng hồ sinh học” khác nhau. Tôi thích mặc áo màu xanh còn bạn thích mặc áo đỏ; tôi không thích nhậu hoặc không nhậu được như bạn... Vậy thì, nếu hiểu đúng về cái “đồng hồ sinh học” khác nhau này thì xin bạn đừng có chê tôi, ép tôi phải ăn mặc hoặc nhậu nhẹt theo ý bạn. Trong ứng xử gia đình, nhứt là giữa vợ chồng với nhau, đây là những chuyện ta thường dễ bỏ qua, nhưng nó lại hết sức cần được quan tâm để ý để chăm sóc cho nhau. Để gia đình không bị đổ vỡ chỉ vì cái Tôi đã phình to đáng ghét!

Mà với văn hóa Á Đông và văn hóa Việt Nam, gia đình là cái tổ ấm. Gia đình bể thì thường dẫn tới đổ bể bao điều khác.

Cái Tôi đáng ghét ấy không đem lại bình an cho chính mình và cũng không tạo ra tình thương cho nhau.


Vậy thì vì sao cái Tôi lại có thể là cái đáng ghét?

Trong một bài đăng báo Người Lao Động năm 2017, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức ở ĐH Quốc gia Hà Nội,cho biết trong ca khúc xuân nổi tiếng Happy New Year của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA sáng tác năm 1980, thứ tự của 2 đại từ YouI làm cho ông thắc mắc: Sao không viết "I and You" (Tôi và Anh) mà lại là "You and I" (Anh và Tôi)?

Rồi ông tự hỏi: Vì sao ở hai nước Anh và Pháp, với nền giáo dục tôn trọng và phát huy năng lực cá nhân, nhưng khi nói và viết họ luôn đặt đại từ "tôi" đứng sau người khác, trong khi giáo dục nước ta hướng đến việc tôn trọng tập thể, nhưng ta thường diễn đạt "tôi" đứng trước?

Theo TS Đức, con người từ khi ra đời, đã tồn tại cái tôi. Sống trên đời, thế nào cũng có lúc ta đặt ra câu hỏi: "Cái tôi là gì?". Cái tôi còn được gọi bằng nhiều tên khác: cái ta, ngã, tự ngã, bản ngã… Cái tôi được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cái tôi dần học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. Cái tôi là sự tin tưởng mạnh mẽ rằng bạn là một cá nhân riêng lẻ.

Cái tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội. Nhưng vì sao cái tôi lại có thể là cái đáng ghét? Bởi vì cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự. Vì vậy con người luôn phải canh chừng cái tôi, để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành.

Ông Thalès de Milet (624 – 545 TCN), triết gia Hy Lạp cổ, cho rằng: "Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình". Bởi vì chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất, như lông mày, lông mi ở trước mắt ta… Cũng vậy, khó nhận biết vì cái tôi có quá nhiều lớp vỏ bao bọc: nghề nghiệp, chức quyền, tiền tài, của cải, nhất là ảo tưởng về chính mình… và nó còn được nuôi dưỡng bằng tự ái, tự mãn, mặc cảm…

Còn triết gia người Pháp Blaise Pascal (1623 – 1662), thì nói thẳng: "Cái tôi là cái đáng ghét". Bởi vì, do tự ái và tưởng tượng, người ta thường cho mình là "cái rốn của vũ trụ". Vì vậy, cuộc đời của nhiều người chỉ là một ảo tưởng liên tục; vì ảo tưởng, người ta lừa dối nhau và tâng bốc nhau. Cũng vì cái tôi, người ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và muốn người khác làm nô lệ cho mình. Mỗi người, vì thế, là kẻ thù và là bạo chúa của những người khác.

Từ những dẫn chứng trên, TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định: “Sai lầm nếu cho rằng cái tôi là cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại trong sự vật mà không phụ thuộc vào cái khác. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người gây ra biết bao đau khổ bởi vì cái tôi phóng đại quá lớn của mình. Trong cuộc sống của mỗi con người, hắn ta có thể làm hại người và cả hại mình chỉ vì cái tôi không có thật do hắn dựng nên”.

Quả thật, "Cái Tôi là cái đáng ghét"! Với ý kiến của bạn trẻ mà chúng ta nghe khi mở đầu câu chuyện này, tôi cầu chúc cho bạn ấy lấy được một anh chồng giàu có và hạnh phúc. Nhưng tôi cũng băn khoăn, liệu bạn ấy có giữ được hạnh phúc bền vững hay không, nếu suốt đời bạn ấy vẫn cho là tình bạn, tình yêu dứt khoát phải luôn đồng hành cùng tiền bạc?



Vậy thì báo chí giúp được gì trong truyền thông về xây dựng gia đình văn hóa?

Theo chúng tôi, trước hết, người làm báo phải luôn tự nhắc mình Cái Tôi là cái đáng ghét. Để khi thông tin, tuyên truyền, nhất là trong đề tài mà hội thảo hôm nay bàn đến, anh không phạm sai lầm khi áp đặt những thông tin chủ quan do mình nghĩ ra. Nghĩa là, trước hết, nhà báo phải thực sự khách quan, làm gương và có tấm lòng khi thông tin về việc xây dựng văn hóa gia đình.

Muốn vậy, nhà báo phải hiểu biết căn bản về lãnh vực này.

Trước hết, cần khẳng định: gia đình là tế bào của xã hội. Do vậy, xây dựng văn hóa gia đình phải được coi là cái gốc của việc xây dựng con người và xã hội.

Nếu mọi người cảm nhận được tình cảm thiêng liêng trong gia đình; tin nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn thì sẽ hiểu nhau; sẽ giảm bớt cảnh chia tay mà không chỉ những người trong cuộc chịu đau mà cả những người thân cũng đau không kém.

(Quí vị còn nhớ, trong ca khúc Ba Ngọn Nến Lung Linh của nhạc sĩ Ngọc Lễ, có một điệp khúc tha thiết về tình cảm thiêng liêng này: “Lung linh lung linh cùng một mái nhà. Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui. Lung linh lung linh hai tiếng gia đình”).

Riêng lãnh vực hôn nhân thì càng là vấn đề hết sức quan trọng đối với từng cá nhân, từng gia đình và cả xã hội. Nhưng trong thực tế, khi lập gia đình, có nhiều bạn trẻ, do chủ quan và chưa được trang bị những kiến thức nền tảng từ giáo dục phổ thông, nên đã phạm nhiều sai lầm: ham vui, ham chơi, không dành thời gian nhiều cho gia đình; không có nhận thức xây dựng sự nghiệp bản thân để ổn định tài chính lo cho gia đình đầy đủ và do vậy, cũng không tạo được cho con cái của mình những ký ức thật sự tươi đẹp về cuôc sống gia đình.


Ở Cần Thơ cũng như ở bất kì nơi nào trong nước ta, không ai khác mà chính những thành viên trong gia đình (trong đó có ông bà, cha mẹ đóng vai trò quan trọng) là chủ thể trong việc hình thành văn hóa gia đình. Ở đó, dù xã hội có phát triển tới đâu đi nữa thì tình thương yêu vẫn luôn là cái gốc trên nền tảng ứng xử nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của việc xây dựng văn hóa gia đình.

Trong việc ứng xử này, mỗi thành viên trong gia đình phải luôn cố gắng nhớ rằng, cái Tôi là cái đáng ghét!

Giữ gìn, vun đắp cái gốc này song hành với việc chăm lo cho kinh tế - giáo dục… phát triển mỗi ngày thì khó có gia đình nào có thể bị đổ bể hạnh phúc giữa đường.

Gia đình tốt thì cộng đồng tốt, xã hội tốt. Đồng thời, cộng đồng tốt, chính quyền tốt, xã hội tốt thì gia đình càng hạnh phúc, văn minh.

Ngoài ra, văn hóa gia đình còn phụ thuộc vào hàng loạt vấn đề khác về thiết chế xã hội, luật pháp, lịch sử, truyền thống, giáo dục, cơ sở vật chất… liên quan tới đời sống hằng ngày của mỗi người.

Những điều căn bản này là hành trang giúp nhà báo tác nghiệp hiệu quả trong lĩnh vực truyền thông về xây dựng gia đình văn hóa.

Từ đây, nhà báo và các cơ quan báo chí (gồm cả báo giấy, báo điện tử, báo hình, báo nói…), tùy theo tôn chỉ mục đích của mình, cần phối hợp thật tốt với các ngành chức năng, nhứt là ngành văn hóa, thông tin, để có kế hoạch thông tin, truyền thông cụ thể, bổ ích.

Theo đó, các cơ quan báo chí cần có nhiều chuyên mục với hình thức và nội dung hấp hẫn phù hợp với thực tiễn cuộc sống gia đình. Trong đó cần gia tăng phê phán tính tham lam, thói hư tật xấu, những điều lệch chuẩn trong gia đình, ngoài xã hội, nhứt là khi nó đã lan tràn trên mạng xã hội – mà phần lớn đều phát sinh từ cái tôi ích kỉ, cái tôi đáng ghét như đã nói ở trên.

Đồng thời, và quan trọng hơn, cần thông tin, truyền thông nhiều hơn, thường xuyên hơn về những điều tốt đẹp liên quan tới việc ứng xử trong xây dựng văn hóa gia đình. Bởi vì, những điều tốt đẹp vẫn đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày trong mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng trong cuộc sống của chúng ta.

Riêng với hôn nhân - gia đình, thông tin báo chí là kênh truyền thông hữu hiệu giúp nâng cao dân trí trong lãnh vực này. Thí dụ có thể làm diễn đàn, thảo luận về những điều kiện cần thiết, những kiến thức cần biết, những khó khăn phải đối phó, những cạm bẫy cần tránh... (Ở Mỹ, học sinh cấp 2 đã được học kỹ về giáo dục giới tính, trong đó có việc sử dụng bao cao su để ngừa thai). Những việc này nhằm giúp cho mọi người, nhất là các bạn trẻ, khi bước vào hôn nhân là đã đủ trưởng thành, đủ bản lĩnh cùng nhau xây dựng một gia đình êm ấm. Và cũng từ đây, có thể để lại cho con cái mình những kỷ niệm tươi đẹp về những ngày sống chung dưới mái nhà với ông bà, cha mẹ, anh chị em…

Thí dụ như với trường hợp về quan niệm sống của bạn nữ trên clip mở đầu câu chuyện hôm nay - đó có thể là một mục diễn đàn của một cơ quan báo chí nào đó. Theo tôi, đây là điều bổ ích về mặt truyền thông trong tình hình mạng xã hội đang phát triển nóng.

Thông tin như là thực phẩm hằng ngày không thể thiếu với mỗi người. Thông tin tốt tạo nên con người tốt, gia đình tốt, cuộc sống tốt.

Báo chí là một kênh quan trọng trong thông tin, truyền thông về xây dựng gia đình văn hóa./.




Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Bác sĩ Việt - Nhật trao đổi kiến thức và thực hành về an toàn sản - nhi


Hội nghị khoa học thường niên của Bệnh viện quốc tế Phương Châu mở rộng (ACP) được tổ chức tại Cần Thơ vào sáng nay, 29-9, với chủ đề “Cấp cứu sản khoa và sơ sinh”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ, Tổng Giám đốc Bệnh viện quốc tế Phương Châu, ACP năm nay đặc biệt tập trung cập nhật kiến thức và thực hành về an toàn sản - nhi theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Chủ đề này được trình bày bởi các giáo sư đến từ Tập đoàn Y tế Kishokai (Nhật Bản), đơn vị đang ký kết hợp tác toàn diện với Bệnh viện quốc tế Phương Châu vì Nhật Bản hiện là nước có tỷ lệ sinh non và tử vong chu sinh thấp nhất thế giới.

Tại hội nghị ACP của Bệnh viện quốc tế Phương Châu sáng ngày 29-9-2019. Ảnh: Huỳnh Kim

Có hơn 1.000 đại biểu tham dự ACP 2019 tại 6 phiên làm việc với 37 báo cáo của nhiều bác sĩ và chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về các lĩnh vực sản- phụ khoa, hiếm muộn, nhi- sơ sinh, đa khoa, nam khoa, quản lý chất lượng, điều dưỡng…

Báo cáo viên tham gia ACP năm nay, có GS.BS Masahiro Hayakawa (Đại học Nagoya, Nhật Bản); TS.BS Mitsui Takashi, NHS. Hiroko Hatanaka và BS Takashi Ichikawa (Tập đoàn Y tế Kishokai, Nhật Bản); BS Karim Mohammad Zakirul  (Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, Ấn Độ); BS Võ Hồng Thanh (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế); BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi (Bệnh viện Từ Dũ); PGS.TS Dương Văn Hải (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM); PGS.TS Phạm Văn Năng (Bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ); PGS.TS BS Võ Minh Tuấn, TS Bùi Chí Thương và TS Trần Thụy Khánh Linh (Đại học Y dược TPHCM); TS Lý Quốc Trung (Sở Y tế Sóc Trăng); BS Mai Bá Tiến Dũng (Bệnh viện Bình Dân); BS Nguyễn Duy Linh (Bệnh viện quốc tế Phương Châu).

·        Đã đăng TBKTSG Online 29-9-2019: