Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

“Thuận thiên” với bốn “miệt” đồng bằng

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh (*)

Ảnh: Trung Chánh
(TBKTSG) - Kết luận Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Cần Thơ tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng ĐBSCL phải phát triển “thuận thiên” là chính.

Phát triển “thuận thiên” là phát triển hài hòa với đất - nước - con người ĐBSCL. Hài hòa với các giá trị văn hóa riêng của ĐBSCL đã hình thành từ hàng trăm năm nay trong tiến trình khai khẩn vùng đất non trẻ đầy tiềm năng và nhiều thử thách này, không phải đến thời BĐKH thì mình mới kể ra. Đó là giá trị văn hóa cốt lõi về bốn “miệt” - theo cách nói dân dã của người dân miền Tây Nam bộ: miệt đồng, miệt vườn, miệt bưng, miệt biển. Từ xưa, bốn miệt này đã rất hài hòa về đất - nước - con người theo lợi thế của năm tiểu vùng sinh thái.

Miệt bưng

Miệt bưng mang ý nghĩa là “túi chứa nước” hay còn gọi là “má khỉ” của ĐBSCL, do 10% lượng nước sông Mê Kông chảy vào sông Tiền, sông Hậu cùng với lượng nước mưa hàng năm, sau khi san sẻ với hệ thống kênh rạch chằng chịt, đã đổ vào hai túi nước khổng lồ là vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Trước năm 1980, Đồng Tháp Mười chứa khoảng 9,5 triệu mét khối/năm và Tứ Giác Long Xuyên chứa khoảng 9 triệu mét khối/năm (nay chỉ còn khoảng một nửa).

Từ xưa, miệt bưng này là vùng đầm lầy và trũng. Người dân khai thác thủy sản tự nhiên và nguồn lợi đa dạng sinh học từ rừng tự nhiên hoặc chăn nuôi theo nguồn cỏ tự nhiên (ví dụ mùa len trâu). Đó là các cơ hội sinh kế chính của họ. Vì thế người dân miệt bưng rất quý giá trị sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học.

Nhưng rồi vì nhu cầu kinh tế - xã hội thời nay, miệt bưng này được khai thác phát triển trồng lúa và thủy sản (cá tra) là chính để đóng góp cho an ninh lương thực và xuất khẩu. Miệt bưng đang mất đi tính tự nhiên của vùng chứa, điều tiết nước và đa dạng sinh học. Đất đai dần bị xói mòn và ô nhiễm môi trường đã tác động rất lớn đến sinh kế của người dân.

Miệt bưng này được chia thành hai tiểu vùng sinh thái rất rõ là Tứ giác Long Xuyên (đồng lụt mở) bao gồm An Giang, một phần Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Đồng Tháp Mười (đồng lụt kín) bao gồm ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.
Với tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tuần rồi, chính quyền ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An đã cùng các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ và TPHCM hội thảo bàn chuyện liên kết để cố gắng bảo tồn các giá trị về hệ sinh thái và văn hóa thích ứng với BĐKH, nhằm phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Lãnh đạo ba tỉnh này đã đồng thuận về quy hoạch không gian - tích hợp - liên ngành với bốn chương trình hành động. Cụ thể, phải biết phát triển sản phẩm chủ lực và sản phẩm bản địa, phải dựa vào nhu cầu thị trường và sinh thái đất ngập nước - đa dạng sinh học - du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Phải biết quản lý và sử dụng nước hiệu quả cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và dân sinh. Và phải biết phát triển cơ sở hạ tầng tổng hợp để thích ứng với BĐKH.

Từ đó, ba tỉnh đang làm tiếp việc tạo ra cơ chế, tổ chức và chính sách thích hợp để liên kết với doanh nghiệp và người dân theo ngành hàng. Rồi liên kết giữa chính quyền ba tỉnh với trung ương và giới khoa học; liên kết trong vùng ĐBSCL với TPHCM và ra nước ngoài.

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên cũng đang vận hành tương tự như vậy để liên kết hai vùng miệt bưng này nhằm góp sức “ổn định vùng lũ thượng nguồn ĐBSCL”, một nội dung lớn mà Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL vừa đặt ra.

Miệt biển

Là vùng bán đảo Cà Mau, bao gồm ba tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và vùng ven biển Đông thuộc các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Từ lâu, người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tự nhiên là chính. Họ hiểu rõ nước mặn, nước lợ, nước ngọt cùng với đất đai và đa dạng sinh học vùng này đã giúp họ sinh tồn ra sao.

Họ đã nuôi trồng các loại thủy sản khác nhau tùy nước ngọt, mặn, lợ theo mùa. Họ hiểu rừng ngập mặn và biết chung sống tự nhiên, hài hòa với hai mùa mưa nắng ở đây. Độc đáo là người dân biết giá trị của nước mặn và nước ngọt để khai thác phục vụ sinh kế của mình. Ví dụ, bà con đã trồng lúa trong mùa mưa và nuôi tôm trong mùa khô trên cùng một cánh đồng; hoặc làm mô hình lúa - cá đồng... Họ biết tính toán sử dụng nước mưa hoàn hảo qua việc phát triển các mô hình vườn dừa, vườn cây ăn trái dựa hoàn toàn vào nước trời ở vùng mặn; hoặc trữ nước mưa xài quanh năm cho sinh hoạt hàng ngày bằng giếng tròn, lu, khạp, mái... Đồng thời, họ khai thác kinh tế biển như phát triển nuôi trồng, đánh bắt, làm dịch vụ biển, du lịch biển.

Do vậy, ai bảo vệ tài nguyên tổng hợp ven biển và trên biển để nâng cao sinh kế của người dân thì người dân rất vui và sẵn sàng chia sẻ.

Miệt vườn

Có năm “tiểu vùng giữa”, là những tiểu vùng trù phú về cây ăn trái cặp sông Tiền, sông Hậu thuộc Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Dân số và đời sống vật chất, văn hóa ở năm tiểu vùng này phát triển cao hơn các tiểu vùng khác vì từ thời kỳ đầu khai hoang, người dân đã biết chọn chỗ có nước ngọt quanh năm và những vùng trù phú ven sông để sống.

Miệt đồng

Còn gọi là miệt ruộng, là tiểu vùng của nghề trồng lúa là chính. Trong đó, nơi nào ngập sâu (60 cen ti mét) thì nông dân trồng “lúa mùa muộn - cấy hai lần”, gặt lúa sau Tết hàng năm. Nơi nào ngập vừa (30-40 cen ti mét) thì nông dân cấy “lúa mùa trung” và gặt ngay Tết. Nơi nào đất nông thì trồng “lúa mùa sớm” và gặt trước Tết. Nơi nào gần sông và thuận tưới tiêu thì phát triển “lúa cao sản” như IR8; IR5...

Ở miệt đồng này, người dân miền Tây Nam bộ đã làm nên một nền văn hóa lúa nước vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, đã có hơn 2.000 giống lúa mùa với gen rất quý cho chọn tạo giống chống chịu với BĐKH.

Cần nói thêm giá trị cốt lõi về ngành hàng chủ lực ở bốn miệt thuộc năm tiểu vùng sinh thái ĐBSCL hiện nay. Năm 1985, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL chỉ đạt 400 triệu đô la Mỹ. Đến năm 2012 là 15,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó, nông sản 7,8 tỉ đô la Mỹ, thủy sản 4,2 tỉ đô la Mỹ, lâm sản 2,74 tỉ đô la Mỹ. So với cả nước, riêng lúa gạo, đồng bằng này đã sản xuất hơn 50% sản lượng, với hơn 90% xuất khẩu, thu 3 tỉ đô la Mỹ/năm; thủy sản hơn 60% sản lượng và góp khoảng 80% xuất khẩu, thu trên 3 tỉ đô la Mỹ/năm. Ngành chăn nuôi, trồng cây ăn trái và rau màu đã cung cấp một lượng lớn cho thị trường trong và ngoài nước.

Tuy vậy, hiện nay miệt đồng đã không còn rõ về ranh giới sinh thái như ông bà để lại. Vì phải phục vụ cho an ninh lương thực, việc phát triển thủy lợi và xây dựng đê bao nay đã lấn sâu vào vùng bưng và cả vùng biển để trồng lúa.

Người dân ĐBSCL đã đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng hiện có khoảng 1,4 triệu hộ trồng lúa đang bị tổn thương vì nghèo khó khi sống trong miệt đồng này. Cần sớm có chính sách cụ thể để nâng cao sinh kế của họ. Qua đó, tái tạo được các giá trị cốt lõi của các tiểu vùng sinh thái trong bốn miệt bưng - biển - vườn - đồng như vừa nêu.

Phát triển “thuận thiên” là phát triển hài hòa với đất - nước - con người ĐBSCL. Hài hòa với các giá trị văn hóa riêng của ĐBSCL đã hình thành từ hàng trăm năm nay trong tiến trình khai khẩn vùng đất non trẻ đầy tiềm năng và nhiều thử thách này. 

(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ

* Đã đăng TBKTSG Online 8-10-2017:

Thủ tướng: ĐBSCL phải phát triển “thuận thiên”

Huỳnh Kim - Trung Chánh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ chiều tối 27-9. Ảnh: Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Kết thúc hai ngày Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Cần Thơ, chiều tối 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh ĐBSCL cần phát triển “thuận thiên”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ ba quan điểm phát triển ĐBSCL của Chính phủ tới năm 2050.

Một là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống của ĐBSCL.

Hai là thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Lương thực không phải là chống đói mà phải là lương thực phòng chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng.

Ba là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, với hạn, mặn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Quá trình đó phải có sự tham gia của các bên liên quan, đảm bảo sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như liên kết chặt chẽ với phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mê Công.

Thủ tướng nói: “Phải giữ được đất, nước và con người thì mới thích ứng với thiên nhiên ĐBSCL. Nơi này không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà còn là nền nông nghiệp thông minh bền vững có giá trị giá tăng cao ở khu vực và ở châu Á trong tương lai”.

Theo Thủ tướng, chiến lược phát triển ĐBSCL là lấy con người làm trung tâm, chú trọng về chất lượng hơn số lượng; tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) với việc khai thác sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công và các điều kiện tự nhiên khác.

Xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, Thủ tướng nói: “Phải sống chung và thích nghi; biến thách thức thành cơ hội. Phải coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn lực của tài nguyên bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt. Phải tăng cường quản lý tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng; áp dụng công nghệ mới để thuyết phục nhân tai và đối phó với thiên tai”.

Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải bảo đảm hài hòa với điều kiện tự nhiên về đất, về nước, về đa dạng sinh học và văn hóa và tri thức bản địa phù hợp với quy luật tự nhiên, chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Chú trọng liên kết phát triển trong vùng và giữa ĐBSCL với TPHCM, miền Đông Nam bộ, giữa Việt Nam và các nước, trước hết là các nước tiểu vùng sông Mê Công.

Mọi hoạt động đầu tư phải liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên cho các công trình cấp bách trước mắt có tính chất “không hối tiếc”. “Phải chú trọng chủ yếu là giải pháp phi công trình như các nhà khoa học đã nêu chứ không phải cứ làm những con đê dài là được”, Thủ tướng nói.

Giải pháp hàng đầu, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm xong quy hoạch phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. “Quy hoạch mới phải làm từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, mặn, ngập; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cao nguồn nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Quy hoạch phát triển ĐBSCL phải làm cả cho vùng nước biển xa bờ. Mọi dự án chương trình phải tính toán được - mất trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường”, Thủ tướng nói.

Riêng với nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải chọn cây trồng ít sử dụng nước và không tiếp tục gia tăng diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ĐBSCL theo hướng liên vùng, sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh cao, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ, không chọn cây trồng sử dụng nước nhiều nhưng giá trị thương mại rất thấp. Và phải có doanh nghiệp tham gia từ đầu vào quá trình này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong phiên họp buổi sáng 27-9 tại hội nghị này, một số đại biểu quốc tế đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản lý ĐBSCL thích ứng với BĐKH và sự hợp tác với Việt Nam.

Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Christian Berger, khẳng định vì sự phát triển của ĐBSCL, Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết những thách thức từ BĐKH, nhất là trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện các dự án chống sạt lở, sụt lún; thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn nước; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả. Ông cũng đồng tình với việc thành lập Hội đồng phát triển vùng để điều phối chung sự hợp tác này.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đề nghị phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa chính quyền với khu vực tư nhân để đáp ứng linh hoạt với thực tế và tìm được giải pháp thu hút, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này, kể cả việc xây dựng quỹ phát triển ĐBSCL.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, kiến nghị đẩy mạnh hợp tác liên chính phủ; xây dựng cách tiếp cận tổng thể và chiến lược, tránh trùng lặp chính sách; có cách tiếp cận về tài chính phù hợp giữa công và tư; huy động mạnh hơn các nguồn vốn nước ngoài và tư nhân; đẩy mạnh chia sẻ thông tin; xây dựng mô hình thích ứng rủi ro; sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm; ngăn chặn hạn hán, xâm nhập mặn; phát huy được các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng; chú trọng tới nhóm người dễ bị tổn thương.

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mê Công, nhấn mạnh các giải pháp sử dụng hiệu quả lâu dài tài nguyên nước; thực hiện Hiệp định sông Mê Công về phân phối, chia sẻ nguồn nước; điều chỉnh phát triển ĐBSCL phù hợp với sự phát triển của lưu vực; sử dụng hiệu quả các sáng kiến của Ủy hội về phát triển bền vững sông Mê Kông.

Những tác động đến ĐBSCL

Báo cáo kết quả tổng kết của phiên thảo luận tại hội nghị toàn thể “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra hôm 27-9 tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, khu vực ĐBSCL đang chịu tác động tổng hợp giữa các nhân tố “đất, nước và con người” ở quy mô toàn cầu, khu vực và cả địa phương. Điều này, đang tạo ra các xu hướng chuyển đổi lớn, có ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến toàn bộ hệ thống tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học và cả kinh tế, sinh kế của người dân.

Theo ông Hà, tổng dòng chảy vào ĐBSCL có xu hướng giảm với trung bình mỗi năm khoảng 1,87 tỉ m3 (tương đương khoảng 120 m3/giây), gây sụt giảm lượng nước trữ trong mùa khô. Ngoài ra, tổng lượng lũ giảm và thời gian lũ có thể kéo dài hơn khiến nhiều nơi sẽ không có lũ hoặc có nhưng không đáng kể.

Dưới tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn, dự báo sẽ dẫn đến tài nguyên nước ngọt giảm, nước mặn, lợ tăng. Đặc biệt, tổng lượng trầm tích về ĐBSCL có thể giảm đến 70-90% của tổng lượng trầm tích được chuyển về ĐBSCL hàng năm là 160 triệu tấn khi tất cả các đập thủy điện được xây dựng.

Các vấn đề sụt lún đất, mất rừng ngập mặn, xói lở bở biển, bờ sông cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo sẽ gia tăng. Song song đó, kinh tế, sinh kế dựa vào hệ sinh thái nước ngọt giảm và nước mặn tăng lên, dẫn đến di cư ra khỏi ĐBSCL tăng.

Ngoài ra, theo ông Hà, suy thoái đa dạng sinh học sẽ có xu hướng tăng mà cụ thể là các vùng đất ngập nước tự nhiên bị thu hẹp nhanh về diện tích. Trong khi đó, đất nhiễm phèn thời gian tới sẽ tăng mạnh và dự báo xảy ra ở những khu vực thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh do bản chất đất ở các khu vực này có chứa các vật liệu sinh phèn dưới tác động của quá trình canh tác nông nghiệp.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những tác động tiêu cực như trên có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi ranh giới hành chính của một địa phương. “Tuy nhiên, các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch và giải pháp đã, đang được thực hiện lại theo góc nhìn riêng lẻ của từng bộ, ngành, địa phương…, không dựa trên xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng”, ông cho biết.

Dẫn chứng cho điều này, theo ông Dũng, khu vực ĐBSCL hiện có đến 2.500 quy hoạch độc lập, trong đó quy hoạch cấp vùng có đến 22 bản quy hoạch.

Ông Dũng nói rằng, việc lập quy hoạch riêng lẻ nhiều, nhưng thiếu tầm nhìn, không gắn với khả năng cân đối nguồn lực sẽ dẫn đến thiếu tính khả thi khi thực hiện, thậm chí cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội và nguồn lực của đất nước.

Vì vậy, để đảm bảo cho phát triển bền vững của ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu, ông Dũng nhấn mạnh: “Phải xử lý vấn đề một cách tổng thể dựa trên quy hoạch vùng theo hướng tích hợp”.

Trước đó, trong phiên thảo luận diễn ra hôm 26-9, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất khu vực ĐBSCL nên hướng tới quy hoạch tích hợp, thay vì là quy hoạch riêng lẻ như hiện nay. Theo ông, việc tiến tới quy hoạch tích hợp sẽ giúp ĐBSCL ứng phó tốt hơn với biến đối khí hậu và đây cũng được xem là một giải pháp giúp vùng huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả hơn.

ĐBSCL dễ bị tổn thương

Báo cáo kết quả, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 30 năm đổi mới, ĐBSCL từ vùng nông nghiệp đơn gian đã hình được một trung tâm nông nghiệp lớn trong cả nước. “Đây là vùng trọng điểm tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, có đóng góp chung cho kim ngạch toàn ngành nông nghiệp đến nay đạt khoảng 32 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Cường, hiện ĐBSCL lại đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây nên. “Ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng với địa hình thấp và trong bối cảnh biến đổi khí hậu như vậy sẽ là một trong những nơi bị tổn thương lớn nhất ở nước ta”, ông cho biết.

Ông Cường cho rằng những vấn đề nêu trên có tác động trực tiếp đến sinh kế và mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ bị tổn thương lớn nhất.

“Bởi vì sao?”, ông Cường nêu câu hỏi và giải thích do 80% dân cư hiện sống ở khu vục nông thôn và 36% tổng sản phẩm nội địa (GDP) là từ khu vực nông nghiệp. “Do đó, đây là khu vực sẽ bị tổn thương đầu tiên”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Cường, trong bối cảnh như vậy, nếu các bên liên quan không có hành động tích cực và thống nhất với nhau, vùng này sẽ không còn là vùng trù phú về nông nghiệp, dẫn đến sinh kế của nông dân bị ảnh hưởng, kinh tế phát triển chậm lại. “Thậm chí, các hình thái biên giới như ở Cà Mau cũng sẽ khác đi vì sạt lở”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Cường nói rằng ông có niềm tin rất lớn là ĐBSCL sẽ ứng phó được và vùng này tiếp tục trở thành vùng trù phú về nông nghiệp.


Theo dẫn chứng của ông Cường, một số quốc gia trên thế giới đã chứng minh được điều ông đã đặt niềm tin. Chẳng hạn, Israel là quốc gia mưa ít và mặn nhiều, nhưng họ vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại. “Hà Lan có 4 triệu héc ta đất tự nhiên, trong đó, có 2/3 diện tích thấp hơn mực nước biển, nhưng bằng chương trình hành động tổng thể, phù hợp họ vẫn có được nền nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, đưa xuất khẩu đến 120 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết.

Năm đề xuất cho ĐBSCL

Tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp đã nêu ra năm đề xuất giúp ĐBSCL phát triển thời gian tới.

Vấn đề đầu tiên được ông Hoan nêu ra là Chính phủ cần có những chính sách đồng bộ hỗ trợ hình thành các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng, thay vì chỉ hỗ trợ đầu vào là người sản xuất. Nói cách khác, sự phát triển bền vững không còn dựa vào tăng sản lượng, mà phải dựa vào việc hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, lấy chi phí và chất lượng quyết định cạnh tranh. Gắn kết sản xuất với công nghệ bảo quản, chế biến, dịch vụ logistics, thương mại điện tử.

"Từ đó, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp biết tiếp cận nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để tăng giá trị vào từng công đoạn của chuỗi giá tri, tiếp cận các phương pháp quản trị để xây dựng chiến lược phát triển", ông cho biết.

Thứ hai là Chính phủ cần xác định rõ hơn về tầm quan trọng, sống còn của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL. Nếu không có kinh tế hợp tác sẽ không giảm được chi phí sản xuất, không nâng cao chất lượng, độ đồng đều nông sản và sẽ khó có thể hình thành chuỗi giá trị. Không có kinh tế hợp tác, mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ sẽ không bền vững và sẽ không triển khai được các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ. "Kinh tế hợp tác cũng là cấp chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu ngay trên từng cánh đồng", ông nói.

Thứ ba, ngoài vấn đề liên kết các tiểu vùng, Chính phủ cần định hướng và hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành hàng cấp vùng. Các hiệp hội này hoạt động theo thiết chế "tổ chức đa chức năng", có sự tham gia giữa các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, khu vực tư và đại diện nông dân.

Thứ tư, trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sẽ có những xung đột nhất định về thể chế và các quy định của pháp luật. Vì vậy, ông Hoan đề nghị Chính phủ cho các địa phương mạnh dạn thí điểm sắp xếp các tổ chức thuộc ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng chuyển từ "hỗ trợ kỹ thuật sản xuất sang hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị và các hoạt động hỗ trợ năng lực thích ứng với kinh tế thị trường cho nông dân".

Cuối cùng, tư duy chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần sớm điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích đất trồng lúa. Đồng thời, Chính phủ cần ưu tiên các nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư công cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phục vụ sản xuất, sinh kế của người dân để thích ứng với những thách thức về biến đổi khí hậu. 

* Đã đăng TBKTSG Online 27-9-2017:

* Và tại Saigon Times Daily 28-9-2017:

Tìm mô hình phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Huỳnh Kim


Người dân nghèo mưu sinh trên sông nước Cần Thơ đang cần có cuộc sống ổn định.
Ảnh: Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị “Chuyển đổi mô hình, phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”, được tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 26 và 27-9-2017.

Ngày 26-9, có ba hội thảo chuyên đề song song về chiến lược phát triển bền vững. Đó là hội thảo “Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL”; hội thảo “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”; và hội thảo “Quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng, điều phối vùng và nguồn lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL”. Ngày 27-9 sẽ hội nghị toàn thể thảo luận mở ba phiên chuyên đề này; cuối ngày Thủ tướng sẽ kết luận.

Trả lời chinhphu.vn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, người chủ trì hội thảo “Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL”, cho biết đây là hội nghị đầu tiên Chính phủ xem xét, đánh giá toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đối với ĐBSCL, nhận diện cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.

Theo ông Hà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất trăn trở trước những thách thức, đe dọa đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL từ tác động kép của quá trình phát triển nội tại chưa bền vững, của biến đổi khí hậu, của các hoạt động từ thượng nguồn làm cho sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Hồi tháng 7-2017, Thủ tướng đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá trên cơ sở kết hợp khoa học và công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức hội nghị này nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến xem xét một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống nhằm nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng được mô hình phát triển, huy động được sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động trong toàn xã hội để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên; các phương án, giải pháp phải căn cơ, có tính khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động. Có biện pháp, giải pháp thu hút được tối đa các nguồn lực nhằm phát triển bền vững bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.

“Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mô hình phát triển phải thích ứng, chủ động trước xu thế biến đổi về tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Các quyết sách, chuyển đổi lớn phải trên cơ sở vai trò trung tâm của người dân”, ông Hà nói.


Hội nghị này có sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.