Anh tên Trịnh Công Phát, năm nay 48 tuổi, quê gốc Chợ Gạo, Tiền Giang, nhưng cuộc sống đẩy đưa khiến anh chọn Phú Quốc làm nơi lập nghiệp. Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm dịch vụ du lịch, sản xuất rượu mang nhãn hiệu Sim Sơn, bây giờ anh lại say mê với dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây sim rừng đảo Phú Quốc”. TTCT vừa có cuộc trò chuyện thân tình với anh...
Khởi nghiệp từ... rau
* Cơ duyên gì khiến anh, một nông dân gốc Tiền Giang, lại trở thành doanh nhân gắn bó với đảo Phú Quốc?
- Năm 1979 tôi đang đi học thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Tôi được tuyển vào quân chủng hải quân về công tác tại Vùng 5 hải quân đóng ở Phú Quốc. Năm 1983 tôi chuyển ngành về dạy học trên đảo Phú Quốc và ở lại lập nghiệp luôn tới bây giờ.
* Nhưng khởi nghiệp của anh hình như đâu phải từ cây sim Phú Quốc?
- Đúng, tôi khởi nghiệp từ... vườn rau. Cuối những năm 1980 kinh tế rất khó khăn, tôi và bà xã dạy học trên đảo lương không đủ sống nên tụi tôi phải trồng rau màu, chăn nuôi gà bán để cải thiện kinh tế gia đình. Vừa làm nông dân vừa làm thầy giáo, lúc đó có hai chú nhóc chào đời nên phải tích cực tăng gia cải thiện.
Trong một lần về Tiền Giang thăm gia đình, thấy bà con trồng táo tốt quá nên tôi mua 200 cây về trồng trong vườn nhà. Ngày táo có trái dân trên đảo vô thăm vườn rất đông vì trên đảo không có ai trồng loại trái cây này. Từ vườn táo tụi tôi trồng thêm vườn mận, vườn ổi, vườn sim. Khách vô tham quan ngày một đông, lại có nhu cầu giải khát tại chỗ nên tụi tôi bán thêm dừa tươi, nước đá chanh, nước ổi cho khách. Sau này khách đòi mua gà nuôi trong vườn nấu cháo, mình bán luôn. Từ đó hình thành quán Vườn Táo lúc nào không hay. Nói là quán cho oai chứ thật ra khách muốn ăn cháo gà phải cùng chủ xắn quần rượt gà để bắt rồi phụ nhổ lông làm thịt, sau đó trải chiếu ngoài gốc cây ăn chứ đâu có nhà ăn như bây giờ.
* Từ táo qua sim... phải có nguyên nhân gì đó chứ?
- Anh đến Phú Quốc rồi chắc cũng thấy rừng sim giống như chiếc áo đẹp khoác lên hòn đảo. Tháng chín tháng mười là mùa sim trổ hoa, trên sườn núi, dọc các con suối trong rừng và hai bên đường đâu đâu cũng tím ngắt một màu hoa.
Dưới góc nhìn kinh doanh, rừng sim còn là nơi cung cấp nguyên liệu cho nghề sản xuất rượu sim, một loại rượu độc đáo của Phú Quốc. Rừng sim cũng là nơi hàng ngàn nông dân nghèo trên đảo kiếm sống mỗi khi mùa sim chín, họ thu hoạch trái bán cho những nhà sản xuất rượu trên đảo mà không phải bỏ vốn đầu tư hay bỏ công chăm sóc... Thấy nhiều nước nổi tiếng với nghề trồng nho để sản xuất rượu cung cấp cho cả thế giới, tôi nghĩ vì sao chúng ta không làm cho Phú Quốc trở thành nơi trồng sim, sản xuất rượu sim và các loại rượu làm từ trái sim rừng của Việt Nam. Tôi tin là nó sẽ chinh phục thế giới như rượu nho của châu Âu.
... và giấc mơ sim
“Tôi thấy cây sim rừng của Phú Quốc rất đặc biệt, khác những loại sim trong đất liền ở miền Trung và miền Bắc. Nhiều sản phẩm độc đáo chỉ Phú Quốc mới có được từ cây sim và dân nghèo cũng nhờ cây sim để thoát nghèo. Vì vậy tôi đã giúp anh Trịnh Công Phát xây dựng đề án “Xây dựng mô hình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây sim rừng đảo Phú Quốc”. Chủ yếu lập ra cho được một kiểu sử dụng đất rừng Phú Quốc, vừa bảo vệ môi trường rừng vừa tạo ra của cải phi gỗ để giúp dân xóa đói giảm nghèo, vừa sản xuất ra đặc sản Phú Quốc đem lại nguồn thu cho ngân sách”. GSTS VÕ TÒNG XUÂN
* Dự án bảo tồn rừng sim của anh cũng xuất phát từ ý định này?
- Dự án này nhằm mục đích bảo tồn và phát triển những khu rừng sim hiện có, nghiên cứu toàn diện giống sim rừng ở Phú Quốc, phân lập, xác định những giống cho năng suất, chất lượng cao để bảo tồn và phát triển giống, xây dựng mô hình thâm canh, xen canh cây sim với các loại cây khác có giá trị kinh tế cao, sau đó chuyển giao quy trình sản suất cho nông dân trong vùng.
Mô hình này là sự hợp tác của bốn “nhà”: Nhà nước xây dựng chủ trương chính sách quản lý phát triển rừng; nhà khoa học nghiên cứu chuyển giao công nghệ; nhà doanh nghiệp định hướng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhà nông trồng và xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở áp dụng những thành tựu khoa học đã đạt được.
* Nông dân có được lợi gì từ dự án này không?
- Có chứ, đó là lợi ích từ một loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư thấp phù hợp năng lực tài chính của các hộ nông dân nghèo trên đảo. Môi trường cảnh quan thiên nhiên trên đảo được bảo vệ và phát triển bền vững. Doanh nghiệp có được một vùng nguyên liệu tập trung rộng lớn nhưng ít vốn đầu tư. Nhà nước có thêm nguồn thu ngân sách lớn từ thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu sim. Những cánh rừng sim này được người dân tự quản lý vì rừng chính là nguồn thu nhập của họ.
* Được đánh giá cao tại hội thảo của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ở Phú Quốc tháng 3-2009, dự án đã tiến triển tới đâu rồi?
- Hiện nay các nhà khoa học và tôi đã thỏa thuận thống nhất một số đề tài sẽ triển khai nghiên cứu trong thời gian tới, bao gồm nghiên cứu cây sim rừng, định hướng nghiên cứu một số sản phẩm khác ngoài rượu, nhằm mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm từ cây sim. Đối với chính quyền địa phương, sau hội thảo tại Phú Quốc hôm 6-3, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Các nhà khoa học cũng bắt tay vào thực hiện theo các chương trình riêng của họ.
Chúng tôi đã mua 6ha đất để trồng sim và chuẩn bị xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh làm nhiệm vụ nghiên cứu giống, quy trình công nghệ sau thu hoạch, quy trình trồng trọt thâm canh và xen canh cây sim trên nền đất rừng của Phú Quốc. Những kết quả nghiên cứu ở đây sẽ được chuyển giao cho các hộ nông dân về kỹ thuật, nhằm hình thành vùng chuyên canh cây sim cho Phú Quốc để phục vụ ngành công nghiệp rượu sim trong tương lai.
* Nghe đâu anh còn mời được GSTS Võ Tòng Xuân ở Đại học An Giang viết dự án và sau đó một số nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ tham gia dự án?
- Tôi gặp thầy Xuân một lần ở Cần Thơ qua sự giới thiệu của một người bạn nhân dịp tôi vào quảng bá các món ăn đặc sản của Phú Quốc và rượu Sim Sơn. Khi chuẩn bị xây dựng vùng nguyên liệu cho rượu sim Phú Quốc, tôi tìm đến thầy Xuân để trình bày ý tưởng, sau đó mời thầy ra Phú Quốc tìm hiểu thực tế. Qua khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng cũng như lợi ích mà cây sim mang lại cho nông dân nghèo trên đảo và cho ngân sách địa phương, thầy Xuân đã đồng ý cùng tôi xây dựng dự án này, đồng thời giới thiệu một số nhà khoa học khác để cùng kết hợp nghiên cứu một số đề tài phục vụ việc xây dựng mô hình nghiên cứu phát triển cây sim sắp tới.
* Anh tính bao nhiêu năm sẽ thu hồi vốn và có lãi?
- Đó là cái lợi bền vững, không phải có được trong ngày một ngày hai. Tôi muốn san sẻ một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh của gia đình mình cho bà con nông dân nghèo tại đảo qua việc đầu tư và phát triển mô hình nông nghiệp mới này. Tôi cũng muốn thông qua dự án này làm cho rừng ở Phú Quốc được bảo tồn tốt hơn, trên cơ sở cộng đồng dân cư tại địa phương cùng tham gia bảo vệ và cùng chia sẻ lợi ích từ rừng mang lại. Như vậy, Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Sơn Phát không phải bỏ ra một số vốn lớn để xây dựng vùng nguyên liệu khắp đảo cho rượu sim, nhưng vẫn có nguyên liệu ổn định do chúng tôi cùng những người nông dân Phú Quốc đồng hành trong chương trình này.
* Xin tò mò một chút về thương hiệu rượu Sim Sơn trong chuỗi kinh doanh nhà hàng - công ty cung cấp dịch vụ hậu cần của gia đình anh trên đảo?
- Trước đây chúng tôi sản xuất rượu chủ yếu phục vụ trong nhà hàng Vườn Táo của mình. Sau này do nhu cầu phát triển, du khách mua về làm quà tặng nên cần có thương hiệu cho sản phẩm rượu sim. Một người bạn của tôi trong đất liền đã đề nghị lấy tên bà xã tôi ghép với chữ sim thành chữ Sim Sơn để làm tên cho loại rượu này.
* Ở tuổi này với cơ ngơi này, rõ ràng anh là một người thành đạt. Anh nghĩ gì về chặng đường đã qua và sắp tới?
- Gần đây tôi nghĩ nhiều về sự phát triển bền vững và tuân thủ pháp luật trong kinh doanh. Theo tôi, cuộc sống này giống như một ngôi trường mà mỗi người chúng ta phải đến để học cả đời. Có người thi đậu cũng có kẻ thi rớt, người thành công kẻ thất bại, nhưng cuối cùng cũng cảm ơn cuộc sống này vì đã cho ta cơ hội được làm người.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Ảnh: Dương Thế Lộc, Mỹ Xuyên
■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■■
Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 24.4.2009URL: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=313669&