Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Bến Tre


Tuần rồi, chúng tôi chia làm hai nhóm, một từ Sài Gòn xuống, một từ Cần Thơ lên, hẹn gặp nhau tại chân cầu Rạch Miễu lúc 10 giờ trước khi vào thị xã Bến Tre làm lễ trao học bổng vào đầu giờ chiều. Trong thời gian chờ đợi, mua một tour du lịch sông nước miệt vườn để coi thử từ sau khi có cầu Rạch Miễu “ốc đảo Bến Tre” ra sao.






Nhóm Sài Gòn theo quốc lộ 1A đi bằng ô tô từ 6 giờ 30, mang theo 40 suất học bổng của Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation). Nhóm Cần Thơ xuất phát lúc 5 giờ; nhà tài trợ Trần Kim Đính, Giám đốc Công ty Metinfo, góp 30 suất học bổng và tôi làm một chuyến “bụi đời xe ôm”. Kết quả là, dù đi trước và theo đường tắt hương lộ, tỉnh lộ - ngắn hơn từ Sài Gòn - nhưng do phải qua ba chuyến phà Cần Thơ, Đình Khao, Hàm Luông, nhóm của tôi cũng tới đích chậm hơn nửa giờ. Anh Đính nói vui: “Thời buổi này, đi tắt đón đầu chưa chắc đã nhanh”.



Mới hai năm xa trở lại, không ngờ thị xã Bến Tre bây giờ thay đổi quá. Đường sá phong quang, ít thấy khẩu hiệu mà gặp nhiều cây xanh. Cuối tháng Tư, phượng đỏ tưng bừng gối đầu lên những tán hoàng hậu vàng rực rỡ. Rồi những con đường tím ngắt bằng lăng bên những khu phố rợp bóng dừa xanh và những con hẻm mát rượi bóng cây sao cổ thụ. Chợ đông đúc, xe cộ rộn ràng nhưng hiếm khi gặp cảnh vượt đèn đỏ, cải vã, rác rến. Hai bên đường, đi chừng vài trăm bước là gặp một “cô nàng chim cánh cụt” đứng há miệng “cho tôi xin rác”.




Giống như nhiều hương lộ ở Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri… đi trong thị xã này, khách lạ không sợ lạc đường vì các giao lộ đều có bảng chỉ đường đúng chuẩn. Dạo quanh phố phường thị xã, gặp nhiều nhà vườn, nhà phố hiện đại xanh um hoa cảnh và nhiều ngôi chùa, nhà thờ vẫn giữ nguyên kiến trúc trầm tư của mấy mươi năm trước.


Thích nhất là trường học; hầu hết các trường từ tiểu học đến phổ thông trung học đều rộng rãi, mát mẻ. Học sinh vẫn nô đùa ầm ĩ trong sân trường nhưng khi ra đường thì đồng phục gọn gàng, chạy xe trật tự. Hai ngày ở đây, tôi không gặp một người ăn xin nào và chỉ có hai lần được mời mua vé số.


Anh Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch Bến Tre, nói rằng từ trước khi làm cầu Rạch Miễu, tỉnh đã lo tới những chuyện này. Bến Tre bây giờ học ở nước ngoài nhiều, không còn là ốc đảo nữa.

Anh lấy thí dụ, khu du lịch sinh thái Vàm Hồ bên bờ sông Ba Lai ở huyện Bình Đại lúc mới mở thu hút du khách đông tới nỗi chim cò bỏ những cánh rừng chà là ra đi. Thế là lãnh đạo tỉnh yêu cầu đóng cửa luôn khu du lịch ấy. Hèn chi mà ở trước công viên Hoàng Lam mới mở bên bờ sông Bến Tre, bên cạnh tượng đài “Chiến thắng trên sông”, người ta vẫn giữ lại một đám bần hoang dã đã mọc từ bao đời.



Chiều hôm đó, sau lễ trao học bổng, anh Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Tỉnh ủy, và thầy Lê Ngọc Bửu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, rủ mọi người đi viếng mộ cụ Đồ Chiểu và thăm trường Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri. Chúng tôi hỏi về chuyện học của con em nông dân bây giờ và thắc mắc nhờ đâu đất Bến Tre lại có được những con người lỗi lạc như nhà bác học Trương Vĩnh Ký, cụ Võ Trường Toản, cụ Nguyễn Đình Chiểu, cụ Phan Thanh Giản hay nữ tướng Nguyễn Thị Định. Thầy Bửu nói đang có khoảng 14% trong số hơn 230.000 học sinh của tỉnh còn nghèo lắm nhưng rất ham học. Nhiều em đạp xe cả chục cây số để tới trường vẫn không bỏ học.






Kinh tế Bến Tre vẫn dựa vào nông thôn, lấy nông nghiệp, du lịch, thủy sản làm cái đà đi lên. Anh Phong kể, hồi anh lên Sài Gòn thi đại học phải ở trọ khổ lắm nên sau này khi làm Bí thư Thành đoàn TPHCM, anh đã đề xuất một cách hỗ trợ thí sinh nghèo mà giờ đã thành phong trào “Tiếp sức mùa thi”.

Một người bạn ở Sài Gòn cảm kích trước vẻ đẹp của những ụ rơm vàng ở hai bên đường mà anh nói là lâu lắm rồi mới thấy. Anh Phong bảo, nhưng đó là nỗi lo lớn của tỉnh. Ba Tri có đàn bò hơn 60.000 con, cần có rơm làm thức ăn. Trước mặt nhà thì rơm rạ sạch như vậy nhưng đằng sau nhà thì phân bò đang làm ô nhiễm dần môi trường sống.


…Xin được kết thúc câu chuyện nhỏ về Bến Tre bằng hình ảnh mà anh Trần Kim Đính chụp được khi chúng tôi chạy xe gắn máy lên gần tới giữa cầu Rạch Miễu - cây cầu nối Bến Tre với Tiền Giang và cả nước. Không thể tưởng tượng nổi những cô gái nhỏ nhắn như vậy có thể đạp xe lên tới giữa cầu, ở tít trên cao đầy nắng gió…



Ảnh: Trần Kim Đính

Bài đã đăng tại: