Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

5 thỏa thuận được ký kết tại hội nghị Việt-Pháp




Trung Chánh



Có 5 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết sau hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần 10. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Sáng nay, 16-7, hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10 với chủ đề “Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững” đã bế mạc. Có 5 thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên, theo thông tin từ Ban tổ chức hội nghị.  

Cụ thể, 5 thỏa thuận được ký kết, bao gồm: thành phố Cần Thơ và thành phố La Seyne-sur-Mer; tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Nîmes lần lượt ký bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác; thành phố Hải Phòng và thành phố Brest ký kết dự án lắp đặt thiết bị thu hút cá tại đảo Cát Bà; tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne ký kết dự án hỗ trợ quy hoạch xử lý nước thải tại thành phố Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030 và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng trường Đại học Cần Thơ ký thỏa thuận thành lập không gian Pháp tại trường này.

Ngoài 5 thỏa thuận trên, theo Ban tổ chức, trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 10 cũng đã diễn ra 14 cuộc gặp gỡ song phương giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, do bối cảnh giữa hai nước thời gian qua có sự khác nhau, Pháp thì tập trung vào châu Âu và các nước châu Phi, trong khi đó Việt Nam đẩy mạnh đa phương hóa, cố gắng giữ quan hệ truyền thống nên sự hợp tác giữa hai nước còn nhiều hạn chế.

“Nhưng từ năm 2014, Việt Nam đã nâng quan hệ với Pháp thành quan hệ đối tác chiến lược. Từ đó, cùng với sự hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp, chắc chắn hai nước sẽ nâng cao được quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và chuyển giao công nghệ”, ông Sơn khẳng định.


300 gian hàng tham dự hội chợ Việt-Pháp

Trong khuôn khổ hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10 được tổ chức tại Cần Thơ, tối qua, 15-9, Ban tổ chức đã khai mạc Hội chợ quốc tế Việt Nam-Pháp với quy mô gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp.


Theo đó, phía Pháp có 30 gian hàng trưng bày các sản phẩm như rượu vang, bơ, sữa, nước ép trái cây… và có 320 m2 diện tích cho cuộc thi làm bánh mì Pháp. Phần còn lại là của doanh nghiệp đến từ 23 tỉnh thành trong cả nước.

Theo ban tổ chức, đây sẽ là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp hai nước, qua đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ sẽ kéo dài đến ngày 17-9.


Bài đã đăng tại:

VCCI Cần Thơ: Nhà đầu tư nên đẩy mạnh làm ăn ở ĐBSCL



Trung Chánh


Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp các địa phương trong vùng và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh là một trong những lợi thế của ĐBSCL. Trong ảnh là cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vẫn khuyến khích các doanh nghiệp nên nhanh chân đầu tư vào đây.

Tại buổi tọa đàm “Xúc tiến đầu tư-thương mại Việt-Pháp” tổ chức ở thành phố Cần Thơ vào chiều hôm qua,15-9, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết đây đây là vùng có nguồn nguyên liệu nông, thủy sản phục vụ cho nhu cầu chế biến lương thực, thực phẩm rất dồi dào và ổn định với trên 25 triệu tấn lúa, chiếm trên 56% sản lượng cả nước; 3,62 triệu tấn thủy sản, chiếm 57% sản lượng cả nước với kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra lần lượt đạt gần 3 và 1,7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Ngoài ra, theo ông Lam, đây cũng là vùng có diện tích sản xuất rau quả và cây ăn trái lớn với 300.000 héc ta, gồm xoài, chôm chôm, thanh long, măng cụt, sầu riêng…

Một điểm sáng khác, theo ông Lam, ĐBSCL là thị trường tiêu dùng có sức tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình đạt 19,6%/năm trong giai đoạn 2001-2015, chiếm 19-20% so với cả nước, một con số khá ấn tượng.

Còn xét về lao động và chi phí tiền lương, theo VCCI Cần Thơ, ĐBSCL cũng là một nơi rất đáng để đầu tư, bởi có nguồn nhân lực đông đảo với 10,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 19,5% so với cả nước với mức chi phí tiền lương áp dụng từ vùng II trở xuống vùng IV, tức mức lương tối thiểu đang áp dụng hiện hành chỉ từ 3,1 triệu đồng (vùng II) xuống 2,4 triệu đồng/tháng (vùng IV). Và con số dự kiến áp dụng từ năm 2017 cũng chỉ từ 3,32 triệu đồng xuống 2,58 triệu đồng/tháng, được xem là khu vực có ưu thế hơn so với các vùng, miền khác.

Theo ông Lam, đó chỉ là những lý do điển hình, cho thấy các nhà đầu tư nên đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này. Còn theo một nghiên cứu do VCCI Cần Thơ và Tổ chức GIZ (Đức) thực hiện vào năm 2015, thì có đến tám lý do các nhà đầu tư nước ngoài nên nhanh chóng "làm ăn" ở khu vực này.

Cụ thể, đó là: tăng trưởng kinh tế của vùng khá mạnh; môi trường đầu tư lý tưởng; kết nối giao thông trực tiếp và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; thị trường tiêu dùng có sức tăng trưởng rất nhanh với 17 triệu dân; nguồn lao động dồi dào; ngành nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp phát triển ổn định; biến đổi khí hậu đang diễn ra, nhưng đây là cơ hội cho các nhà đầu tư và cuối cùng là cơ hội mở rộng còn nhiều triển vọng.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 cùng với các hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết sẽ tạo tiền đề cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông, thủy sản.

Còn ở góc độ của một nhà đầu tư, ông Jean Luc Voisin, Tổng giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long (Cần Thơ), một doanh nghiệp Pháp đầu tư vào nông nghiệp ở ĐBSCL, cho rằng cần biến Cần Thơ thành trung tâm chế biến rau quả, bởi với sản lượng rau quả của vùng lớn buộc phải có công nghệ thu gom, chế biến hoàn chỉnh, thì mới mong sản phẩm có chất lượng, dễ dàng xuất khẩu tươi sang các thị trường. “Từ sự quan tâm này, các nhà đầu tư sẽ thấy được điều kiện thuận lợi hơn và sẽ tham gia làm ăn ở khu vực này nhiều hơn”, ông nói.

Bài đã đăng btại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151476/

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

GS. Nguyễn Ngọc Trân: “Tại sao lại coi nước mặn là kẻ thù?”


Trung Chánh


Tại sao lại xem nước mặn là kẻ thù mà không phải là lợi thế để phát huy? Trong ảnh ông Nguyễn Ngọc Trân phát biểu với báo chí bên lề hội thảo sáng nay, 15-9. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thời gian qua, có không ít ý kiến đề xuất nên nhanh chóng xây dựng các giải pháp công trình để ngăn mặn, trữ ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đã đặt ngược vấn đề: “Tại sao chúng ta lại coi nước mặn là kẻ thù?”.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo chuyên đề “Môi trường, biến đổi khí hậu và nông/ngư nghiệp” được tổ chức sáng nay, 15-9, tại thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng bên cạnh việc phải có nhận thức rõ hơn nước không còn là vô tận nên phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, thì cũng cần phải coi nước mặn không phải là kẻ thù.

“Không phải nước mặn tới đâu, thì mình tìm mọi cách chặn, đuổi nó ra, mà mình phải chung sống với nó như từng chung sống với lũ”, ông Trân cho biết.

Theo ông Trân - nguyên Chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983-1990), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - chỗ nào bà con nông dân đã quen canh tác có nước ngọt, thì giữ. Còn những chỗ không thể chống mặn, thì phải chung sống với nó, “đừng coi nước mặn là một kẻ thù, mà phải coi nó là một dạng tài nguyên, như một số nước đã làm”, ông khuyến cáo.

Ông đặt vấn đề, trong lưu vực sông Mê Kông gồm có sáu nước, nhưng chỉ duy nhất ĐBSCL là tiếp giáp với biển, đây là một nét đặc thù, “thì tại sao từ thách thức này, mình không biến nó thành lợi thế, là thời cơ để phát triển, mà phải chống nó?”, ông nêu câu hỏi.

Theo ông Trân, ngoài những tác động tiêu cực đối với ĐBSCL do việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, thì những nguyên nhân nội tại của vùng cũng đã hủy hoại dần vùng đất màu mỡ này.

Dẫn chứng cho điều mình nói, theo ông, thứ nhất, việc quản lý khai thác tài nguyên bất hợp lý, nhất là rừng ngập mặn vùng ven biển và rừng tràm ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đã đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, đa dạng sinh học và khiến các vùng đất ngập nước trở nên nghèo kiệt hơn; thứ hai, khai thác cát dọc sông Tiền, sông Hậu không quản lý được cũng làm trầm trọng hơn sự thâm hụt của các lớp trầm tích, nhất là trong bối cảnh các đập thủy điện ở thượng nguồn được dựng lên ngày càng nhiều; thứ ba, khai thác nước ngầm quá mức cũng đã làm cho mặt đất ĐBSCL bị sụt lún.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường ở ĐBSCL, cho biết 11 đập thủy điện dòng chính dự kiến ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ có tác động rất nghiêm trọng đối với ĐBSCL cả về nước, phù sa và thủy sản.

Cụ thể, ông Thiện dẫn báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010 của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC), thì sau khi 11 đập này hoàn tất, tải lượng phù sa lơ lửng của sông Mê Kông sẽ chỉ còn 42 triệu tấn/năm, tức chỉ bằng 25% số lượng trước năm 1994 và khi đó sạt lở sẽ dữ dội hơn.

Theo ông Thiện, các số liệu về phù sa nói trên là chưa tính đến cát, sỏi di chuyển ở đáy sông, cho nên, không biết các đập ở Trung Quốc đã chặn bao nhiêu cát, sỏi và sự thiếu hụt này vài chục năm nữa mới cảm nhận được ở ĐBSCL vì cát sỏi di chuyển vài chục năm mới đến ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, các nghiên cứu cho đến nay đều thống nhất rằng, khi tất cả 11 đập ở hạ lưu vực hoàn tất, thì 100% cát, sỏi sẽ không còn về ĐBSCL. “Khi đó, đoạn bờ biển nhiều cát ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, sẽ sạt lở dữ dội. Ngoài ra, khi 11 đập ở hạ lưu hoàn tất, 100% cát trắng ở ĐBSCL cũng sẽ không còn”, ông Thiện cho biết.

Để ứng phó với những tác động ở trên, theo ông Trân, cần phải thay đổi nhận thức, thứ nhất, phải xem nước sông Mê Kông là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực; thứ hai, sự khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai, chứ không như trước đây nữa; thứ ba, tại vùng phải chung sống với nước mặn, xem nước mặn là một dạng tài nguyên cần được khai thác; thứ tư, vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển phải đặt trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, và thứ năm là phải khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước. “Đó là những điều kiện tiên quyết để ĐBSCL phát triển và đi tới”, ông Trân nhấn mạnh.

Một số gợi ý hợp tác Việt-Pháp trong ứng phó biến đổi khí hậu

Tại hội thảo hôm nay, ông Nguyễn Ngọc Trân đã nêu một số gợi ý về nội dung hai bên có thể hợp tác như sau:

Thứ nhất, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước các sông quốc tế, tiêu chuẩn của các quốc gia, tiêu chuẩn của châu Âu; thứ hai, trao đổi kinh nghiệm, cơ chế sử dụng nguồn nước lưu vực các sông, hợp tác trong trữ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước ngọt, phát triển nông nghiệp thông minh, ít phát thải khí nhà kính; thứ ba, hợp tác giữa các địa phương có vùng nước ngọt, mặn về quy hoạch phát triển, sản xuất, du lịch, quy hoạch dân cư, cung cấp nước ngọt; thứ tư, xử lý nước thải, biến nước thải, nước biển thành nước ngọt ở các quy mô khác nhau nhằm phục vụ sản xuất và đời sống; thứ năm, trao đổi kinh nghiệm từ bảo vệ bờ biển, các cửa sông; thứ sáu, hợp tác nghiên cứu các nhóm cây, con trên các vùng lợ, mặn; và thứ bảy, hợp tác trong việc xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, chịu lực và bền trong môi trường nước mặn.

Bài đã đăng
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151448/

Chuyên gia Pháp: Cần bảo tồn môi trường Vùng Thủ đô Hà Nội


Huỳnh Kim


Ông Laurent Perrin đang phát biểu tại hội thảo ở Cần Thơ sáng ngày 15-9

(TBKTSG Online) - Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội (VTĐHN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6-5-2016 đang đối diện với nhiều thách thức về môi trường cần được điều chỉnh ở các khía cạnh văn hóa, cảnh quan, không gian..., theo ông Laurent Perrin, kiến trúc sư và là nhà quy hoạch từ Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Vùng Ile-de-France của Pháp.

Trong tham luận “Những thách thức về môi trường đối với Vùng Thủ đô Hà Nội” trình bày tại hội thảo về hợp tác phát triển đô thị Việt – Pháp tổ chức ở Cần Thơ sáng nay, 15-9, ông Laurent Perrin cho biết quy hoạch VTĐHN đang đối diện với nhiều thách thức về môi trường bao hàm các vấn đề về di sản thiên nhiên và văn hóa, cảnh quan, không gian mở, quản lý đất nông nghiệp, đất rừng, ô nhiễm…

“Chúng tôi đã đề xuất cần gìn giữ nguồn đa dạng sinh học phong phú của Hà Nội; bảo tồn những làng xóm hiện hữu; bảo vệ du lịch homestay; bảo vệ canh tác nông nghiệp; giữ lại không gian tự nhiên ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tránh những dự án xây dựng khu đô thị mới, đường giao thông”, ông Laurent Perrin nói.

Kiến trúc sư Laurent Perrin đã giới thiệu chi tiết “các đề xuất đã nêu trong phần quy hoạch chiến lược” cho quy hoạch VTĐHN. Đây cũng là kinh nghiệm của Vùng Ile-de-France (Pháp), địa phương đang hợp tác phát triển đô thị với Hà Nội và Đà Nẵng từ nhiều năm nay trong chương trình hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Cần quy hoạch các “không gian đệm” theo hình thức “không gian cảnh quan”. Không gian đệm này không phải để cấm hoàn toàn các công trình xây dựng mà chỉ nhằm hạn chế ảnh hưởng của tình trạng đô thị hóa tràn làn. Ông Laurent Perrin nói: “Ví dụ như ở tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam dãy Tam Đảo, là nơi mà những vấn đề này được đặt ra đặc biệt gay gắt do áp lực đô thị hình thành từ quá trình phát triển nhanh chóng của TP. Vĩnh Yên, một trong ba trọng điểm phát triển công nghiệp trong vùng”.

Về quy hoạch các hành lang sinh thái nằm xen giữa các độ thị theo hình thức các tuyến sinh thái liền mạch, ông Laurent Perrin cho rằng các hành lang này “nhằm tạo ra các khu dự trữ đa dạng sinh học vốn là các vùng nông thôn bao quanh Hà Nội, giữ gìn một phần nguồn đa dạng sinh học hiện có và chấm dứt tình trạng phát triển đô thị chạy dọc theo các trục đường giao thông”.

Ông Laurent Perrin cũng lưu ý việc chuyển đổi những diện tích còn lại của “hành lang xanh” trong địa giới TP. Hà Nội thành công viên tự nhiên của thành phố hoặc vùng. “Chúng tôi đã đề xuất nên xem xét xếp hạng toàn bộ đất nông nghiệp trải rộng phía Tây Hà Nội tới tận chân núi Ba Vì thành công viên tự nhiên cấp vùng”, ông Laurent Perrin nói.

Theo ông, đây là phần đất tự nhiên của tỉnh Hà Tây cũ đã bị chuyển đổi một phần thành các dự án bất động sản trước khi sáp nhập vào Hà Nội năm 2008. Mặc dù các dự án đó đã được sắp xếp lại, nhưng khu vực này rất dễ bị tác động khi Chính phủ đang dự kiến xây dựng nhiều khu đô thị vệ tinh với nhiều trục đường lớn.

Ông Laurent Perrin cho rằng phải giữ được tính toàn vẹn của vùng nông thôn này trước những áp lực lớn về đất đai bởi trong vùng này còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc. “Từ đó mà hình thành dự án tổng thể phát huy giá trị du lịch, tôn tạo di sản kiến trúc trong các làng nghề, tổ chức tiếp đón du khách và phát triển các mặt hàng nông sản, thủ công nghiệp mở ra thị trường tiêu thụ trực tiếp”, kiến trúc sư Laurent Perrin nhấn mạnh.

Thiếu giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch Việt- Pháp?



Trung Chánh


Thiếu vắng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch Việt-Pháp. Trong ảnh là một góc Chợ Nổi Cái Răng, Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Hợp tác kinh tế và du lịch là một chuyên đề rất quan trọng diễn ra trong khuôn khổ của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10. Thế nhưng, tại hội nghị lại thiếu vắng giải pháp để thúc đẩy mối liên kết, hợp tác này.

Hàng trăm đại biểu của Việt Nam và Pháp với cả chục tham luận được trình bày tại hội nghị chuyên đề “Hợp tác kinh tế và du lịch” đã diễn ra vào chiều nay, 14-9, tại Thành phố Cần Thơ, một sự kiện chính trong khuôn khổ của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10 vừa được khai mạc sáng cùng ngày.

Thế nhưng, điều khiến không ít người phải tiếc nuối, đó là hầu như trong số cả chục tham luận đến từ nhiều địa phương trong cả nước, thì hầu như không một diễn giả nào nói lên được những “điểm nghẽn”, những "nút thắt" đã cản trở việc hợp tác về kinh tế và du lịch giữa hai nước thời gian qua cũng như giải pháp để tháo gỡ.

Thực tế, tuy nhìn nhận lạc quan về triển vọng hợp tác giữa hai nước, nhưng theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch, nếu như năm 2011 có 211.444 khách Pháp đến Việt Nam, chiếm 3,51%/tổng lượng khách quốc tế, thì đến năm 2015, lượng khách Pháp đến Việt Nam đạt 211.636 người, tức chỉ tăng 192 người so với năm 2011. Dù tăng về số người, nhưng tỷ lệ chỉ còn 2,66% so với tổng lượng khách quốc tế đã đến Việt Nam trong năm 2015.

Còn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Pháp, tại phiên khai mạc sáng nay, 14-9, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ - địa phương trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - cho biết tính đến nay, mới có 5 dự án FDI của Pháp vào địa phương với tổng vốn đăng ký đầu tư chỉ gần 5,3 triệu đô la Mỹ và có 2 dự án ODA nhận tài trợ từ Chính phủ Pháp với tổng mức đầu tư là 38,76 triệu euro.

Như vậy, với hội nghị chuyên đề “Hợp tác kinh tế và du lịch” với sự tham dự đông đảo của các đại biểu trong và ngoài nước, thì lẽ ra đây sẽ là cơ hội để chỉ ra "điểm nghẽn" và giải pháp giải quyết “điểm nghẽn”,  bắt tay tăng thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch. Thế nhưng, các địa phương tham dự lại trình bày những vấn đề rất quen thuộc, thậm chí đến mức nhàm chán như về vị trí địa lý, dân số, diện tích sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi…

Là đơn vị tham luận đầu tiên sau phần phát biểu khai mạc của hội nghị này, ông Nguyễn Tự Trọng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hải Phòng, cho rằng sản phẩm chủ lực của địa phương có 36.000 héc ta lúa chất lượng cao với sản lượng hàng năm 230.000 tấn; rau an toàn thực phẩm có bắp cải, dưa hấu, dưa chuột, cà chua, khoai tây…, với diện tích 3.500 héc ta.

Tương tự, về tình hình chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng được ông liệt kê một loạt với các logic như trên.

Không riêng gì Hải Phòng, những tham luận tiếp theo cũng được các địa phương dự hội nghị “đọc” từ báo cáo đã được chuẩn bị sẵn từ trước, chứ không hề có được giải pháp nào để giải quyết những khó khăn vướng mắc như đã nêu ở trên.

Trao đổi với TBKTSG Online về câu hỏi vì sao với một hội nghị quan trọng như thế này, lại thiếu những giải pháp để tăng thu hút đầu tư vào du lịch cho vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho rằng việc kết nối giữa các địa phương Pháp và các tỉnh/thành Việt Nam, thì trong khuôn chuyên để về “kinh tế và du lịch” của hội nghị hôm nay chỉ là bước để giới thiệu về tiềm năng, lợi thế giữa các địa phương với nhau thôi. “Chứ còn đi vào thật sự để kết nối, thì cũng cần phải có cái sự ngồi lại giữa các bên, rồi có những chương trình, những dự án cụ thể mới có thể triển khai được. Còn ở đây, trong hội thảo này, chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu những thông tin giữa các địa phương với nhau, giữa các tỉnh thành với nhau để có sự hiểu biết thôi”, ông Sơn cho biết.

Thiết nghĩ với một hội nghị hoành tráng với sự tham dự của nhiều tỉnh/thành trong cả nước và có sự tham gia của đại biểu quốc tế, mà chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu những thông tin giữa các địa phương với nhau là điều rất đáng tiếc.

Tăng cường hợp tác y tế và giáo dục Việt - Pháp


Cũng chiều nay, 14-9, trong khuôn khổ hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt – Pháp tại Cần Thơ, hai thành phố Hà Nội và Toulouse đã chủ trì hội thảo chuyên đề về hợp tác giáo dục và y tế.


Tới năm 2020, hai lĩnh vực này sẽ được 40 địa phương hai nước tiếp tục đẩy mạnh. Ví dụ, tỉnh Tiền Giang đề nghị Pháp hợp tác nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang (do Pháp xây dựng từ năm 1923) lên qui mô 1.000 giường, kinh phí 2.300 tỉ đồng; TP. Cần Thơ đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực phục vụ dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ (do Chính phủ Pháp tài trợ vốn ODA 19,5 triệu euro) đã hoạt động từ tháng 1-2016.


Tiếp tục dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội sẽ cử 70 công chức, viên chức y tế và quản lý nhà nước sang Pháp học. Riêng TP. Rennes sẽ giúp Hà Nội đào tạo mỗi năm khoảng 40 công chức chuyên về quản lý hành chính, tài chính, tài nguyên - môi trường, xây dựng - đô  thị, nông nghiệp.


Các đại diện từ Hà Nội, Cần Thơ và Tiền Giang báo cáo tại hội thảo cũng đều đề nghị các đối tác Pháp tăng cường hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp cho ngành y tế và giáo dục ở Việt Nam. Đại diện phía Pháp cho biết sẽ sớm mở một trung tâm đào tạo tiếng 

Pháp tại TP. Cần Thơ vì Cần Thơ đang có khoảng 5.000 người muốn học tiếng Pháp trong số khoảng 10.000 người có đang có nhu cầu này tại vùng ĐBSCL.

Huỳnh Kim


Bài đã đăng tại:

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Việt-Pháp hướng tới phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững



Trung Chánh


Việt Nam và Pháp hướng tới phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Trong ảnh là toàn thể đại biểu chụp ảnh tại phiên khai mạc sáng nay, 14-9. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) – Với chủ đề “Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững”, hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần 10 đã chính thức khai mạc sáng nay, 14-9, tại Thành phố Cần Thơ. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững giữa các địa phương hai nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam và Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm để trở thành những người bạn đồng hành, tin cậy “và Pháp là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Theo Phó Thủ tướng, điều đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Pháp là mối quan hệ toàn diện không chỉ ở tầm chính phủ mà còn giữa các địa phương hai nước theo hướng ngày càng mở rộng, sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo ông Đam, thông qua quan hệ hợp tác này, nhiều dự án ở những lĩnh vực như quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục…, đã được triển khai và đem lại kết quả rất tích cục.

“Hội nghị lần này (lần thứ 10) diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, đó là sau chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp và điều này càng minh chứng cho vai trò, triển vọng trong phát triển kinh tế giữa các địa phương hai nước và đây chính là điều lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước đã khẳng định”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đam, trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, thậm chí có lúc rơi vào khủng hoảng, nhưng trong suốt 25 năm qua, Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. “Theo các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam trong 25 năm qua đứng thứ 2 thế giới, đạt xấp xỉ 6%/năm và năm nay chúng tôi hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 6,7%”, ông cho biết.

Trước triển vọng về phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như mục tiêu thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Pháp kinh doanh và phát triển ở Việt Nam. “Việt Nam luôn mong muốn có sự hiện diện ngày càng nhiều của Pháp ở Việt Nam và trong ASEAN vì lợi ích của hai nước và của khu vực. Với chủ đề “hướng tới mối quan hệ kinh tế hiệu quả và bền vững” tôi tin rằng hội nghị của chúng ta sẽ có rất nhiều trao đổi thiết thực và cùng nhau xác định phương hướng để tạo động lực cho phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước và giữa các địa phương của hai nước”, ông Đam nhấn mạnh.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị lần này, cho biết hội nghị lần thứ 10 là sự kiện hết sức ý nghĩa trong việc góp phần thúc đẩy củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia; tiếp tục mở ra cơ hội để các địa phương, tổ chức, cá nhân…, hai nước gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.


7 thỏa thuận được ký tại hội nghị lần 9



Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, cho biết tại hội nghị lần thứ 9 vừa qua, các địa phương hai nước đã ký kết 7 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế và môi trường.


Theo bà Ánh, từ sau hội nghị lần 9 đến nay, các địa phương hai nước đã tiếp tục triển khai ký kết thêm 6 thỏa thuận hợp tác và đang thảo luận để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như: quan hệ kinh tế bền vững, đào tạo, giao lưu văn hóa, đánh bắt- chế biến thủy sản, y tế, xử lý nước thải, chăn nuôi, du lịch.


Trong khi đó, bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh nước Cộng hòa Pháp phụ trách Thương mại, Thủ công và Tiêu dùng, cho rằng hợp tác phi tập trung là nét đặc thù và là lợi thế lớn cho quan hệ Việt- Pháp và điều này đã được ghi nhận trong tuyên bố thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược đã được ký giữa hai nước vào năm 2013.

Theo bà Martine Pinville, tính đến nay đã có 240 dự án hợp tác đã và đang được triển khai với sự tham gia của 19 địa phương Pháp và 17 tỉnh/thành của Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực văn hóa, y tế, đào tạo, phát triển nông thôn, quản lý nước và vệ sinh, phát triển đô thị và Pháp ngữ….

Như TBKTSG Online hôm 5-9-2016 đã thông tin, hội nghị lần này sẽ có năm hội thảo chuyên đề do các địa phương và doanh nghiệp Việt-Pháp tổ chức liên quan tới hợp tác kinh tế và du lịch; hợp tác giáo dục - y tế (ngày 14-9); biến đổi khí hậu và nông ngư nghiệp; phát triển đô thị; hợp tác văn hóa - di sản (ngày 15-9).

Ngoài ra, hội nghị còn có các hoạt động bên lề như tọa đàm xúc tiến đầu tư - thương mại Việt-Pháp với chủ đề “Hợp tác phát triển nông nghiệp và du lịch bền vững” vào chiều ngày 15-9; những ngày Văn hóa Việt-Pháp (từ 15 đến 17-9).

Riêng hội chợ quốc tế Việt-Pháp với chủ đề “Hợp tác phát triển kinh tế Việt-Pháp” diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ từ 15 đến 17-9-2016.


Tuyên bố chung của hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp lần thứ 10



Các địa phương Việt Nam và Pháp đã nhất trí và ra tuyên bố chung ở hai nội dung như sau:


Thứ nhất, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, trong đó, xúc tiến du lịch là một trọng tâm, để lĩnh vực này trở thành bộ phận then chốt trong hợp tác giữa các địa phương. Hợp tác giữa các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho trao đổi kinh tế giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế. Sự hợp tác giữa các địa phương cần coi trọng các yếu tố trên cũng như việc chia sẻ kinh nghiệm để có thể ứng phó một cách lâu dài với những thách thức trong thời gian tới và đảm bảo sự phát triển của các địa phương trên tinh thần cùng có lợi.


Thứ hai, chúng tôi nhấn mạnh các chương trình giáo dục- đào tạo và y tế là những điểm sáng của hợp tác giữa các địa phương. Đó là những đòn bẩy cho sự sáng tạo, phát triển kinh tế của địa phương và thể hiện tính năng động cũng như sự đa dạng trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Chúng tôi cảm ơn vai trò tổ chức tuyệt vời của Thành phố Cần Thơ góp phần vào thành công của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam- Pháp lần thứ 10 và sẽ cùng nhau hướng tới hội nghị lần 11 tại Toulouse (Pháp) vào năm 2019.


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151381/

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Nông thôn mới là của ai?



Hà Anh


Cần nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

LTS: Tiếp theo bài viết Xây dựng nông thôn  mới - cần thực chất hơn trên TBKTSG số ra ngày 1-9-2016, trong số báo này, TBKTSG xin giới thiệu bài viết Nông thôn mới là của ai? Một khi đã xác định đúng đắn mục tiêu của chương trình thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ sát với nhu cầu thực tế hơn và khả thi hơn, không phải tốn quá nhiều tiền cũng có thể làm được.


Nông thôn mới là của ai?


Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai một thời gian dài. Xã thi đua với xã, huyện thi đua với huyện, tỉnh này thành nọ cũng thi đua. Biết bao buổi lễ “mừng công” xã đạt chuẩn, huyện đạt chuẩn được đưa lên báo đài, đưa vào trong các báo cáo thành tích. Bỗng dưng, đùng một cái, báo đài đưa tin, các hội nghị đánh giá, bên cạnh mặt được thì còn biết bao là bất cập, nhất là chuyện nợ nần vì lỡ “vung tay quá trớn”, không biết “liệu cơm gắp mắm” như ông bà mình từng cảnh tỉnh.

Tất cả, có lẽ bắt đầu từ nhận thức về mục tiêu của chương trình. Nông thôn mới là gì, cho ai, vì ai? Có lẽ bắt đầu từ sự suy nghĩ rằng nông thôn mới là phải có hình thức mới - những thứ có thể đong, đo, đếm được: con đường, cây cầu, kênh mương, trụ sở, chợ búa, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa... Và thế là rơi vào cái mà có người gọi là “tư duy cái hộp đựng”,  ám chỉ đến việc khi đầu tư thường chỉ chú ý đến công trình xây dựng - “cái vỏ”, mà không chú ý đến cái “ruột” - hoạt động vận hành của công trình đó, hay cũng có thể nói chỉ lo phần “xác” mà thiếu nghĩ đến phần “hồn”. Nhìn đây đó, không khó để nhận ra nhiều công trình xây dựng rất quy mô, nhưng hoạt động thì nghèo nàn, đơn điệu, sai chức năng. Mà cái “vỏ” lớn thì chi phí vận hành cũng lớn: điện nước, bảo trì, sơn sửa... còn hiệu quả hoạt động và ai sử dụng thì... bỏ ngỏ.

Tất nhiên, xã nông thôn mới cần đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là phần “xác”- là điều kiện cần. Phần “hồn” - điều kiện đủ - là nội dung hoạt động mới là cái đáng quan tâm ngay từ bước chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thật sự được coi trọng.


Vẫn có cách thức tổ chức tốt hơn nếu biết thay đổi cách nghĩ. Nhất là, người lãnh đạo phải nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân.


Không phải là trường học mới, mà là chất lượng dạy và học. Không phải là trạm y tế mới, mà là thái độ tận tụy của người thầy thuốc, là sự thuận tiện trong khám chữa bệnh cho người dân. Không phải là thiết chế văn hóa mới, mà là sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Không phải là trụ sở làm việc mới, phương tiện làm việc hiện đại, mà chính là tinh thần mẫn cảm, thân thiện, là nụ cười, là tiếng cám ơn, là lời xin lỗi thật lòng của cán bộ, công chức với người dân. Không phải là cổng làng hoành tráng, mà trong đó người dân có tinh thần tương thân tương ái, biết tự chủ, tự lực, tự cường, biết hợp tác với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất, chứ đừng đeo đẳng mãi nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng”.

Có như vậy bà con mình mới có điều kiện giúp nhau để từ nghèo nàn lên khấm khá, rồi từ khấm khá trở nên giàu có hơn. Đó chính là phần “hồn”, là mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đi về cơ sở, người viết thường nghe lãnh đạo địa phương than vãn không có “sân chơi” cho thanh thiếu niên, nên các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao không phát triển được, và thường quy kết đó là nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn trong xã hội nông thôn. Có phải như vậy không?

Người viết cũng có dịp tham dự đêm giao lưu của thầy trò một trường đại học ở một xã cù lao. Chỉ với vài băng ghế học sinh ghép vào nhau, trải một tấm nhựa lên, treo một cái phông là đã có một sân khấu ca hát vui vẻ, người xem hòa mình vào buổi sinh hoạt sôi động. “Sân chơi” đâu phải là công trình quy mô gì hoành tráng lắm đâu. Có thể chỉ là một bãi đất trống, có thể là sân trụ sở ủy ban nhân dân xã, có thể là sân một ngôi trường. Chưa có sân bóng đủ tiêu chuẩn thì một khuôn viên nhỏ cũng có thể chơi bóng đá 5-7 người, chơi bóng chuyền, cầu lông... Mỗi khóm, ấp không quá khó để tìm ra những khuôn viên như vậy. Ở bất kỳ đô thị nào đều chắc chắn không thiếu quảng trường, hoa viên để cộng đồng đến sinh hoạt, vui chơi.

Mỗi khi tổ chức các hoạt động thì trong tiềm thức chúng ta hay nghĩ đến sự hoành tráng, phải tập hợp được vài trăm người. Sao không nghĩ đến việc chỉ vài chục người đã là một cuộc sinh hoạt được rồi, quy mô ít thì dễ linh hoạt, chi phí tốn kém ít hơn. Càng làm lớn thì nào là huy động người, sân khấu, phông màn, bàn ghế, mỗi thứ một chút, tốn kém ngân sách, muốn vận động tài trợ cũng khó.

Đã qua rồi cái thời của những cuộc mít - tinh hàng ngàn người, hình thức, lãng phí - lãng phí kinh phí tổ chức, lãng phí thời gian của người dự. Nhìn trên truyền hình thường thấy ở các nước, tại các cuộc gặp gỡ chính khách, đôi khi chỉ vài mươi người, khách mời, đại biểu ngồi ghế một, thậm chí đứng nghe, sao mà đơn giản đến thế, nhẹ nhàng thế, gần gũi thế.

Thời nay là thời của công nghệ thông tin, của các trang mạng xã hội, còn nhiều hình thức truyền thông hiệu quả hơn, nhanh hơn, tương tác hơn cơ mà.

Mình chưa có nhiều nguồn lực để đầu tư các thiết chế đủ chuẩn, hoành tráng, khi nào khá giả hơn thì hãy tính đến sự quy mô, hoành tráng. Nguồn lực thì hữu hạn nhưng nhu cầu thì vô hạn mà. Ông bà mình dạy: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đây đó còn cần những cây cầu kiên cố, những con đường rộng rãi, bằng phẳng, những khu vệ sinh sạch sẽ trong các ngôi trường, và còn vô vàn cái “cần” khác.

Suy cho cùng, vẫn có cách thức tổ chức tốt hơn nếu biết thay đổi cách nghĩ. Nhất là, người lãnh đạo phải nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân. Không nên nghĩ rằng, đạt chuẩn nông thôn mới là để báo cáo hoàn thành chỉ tiêu “trên giao”, để được treo cái bảng công nhận danh hiệu. Còn người dân, người được xác định là chủ thể của chương trình này, thì vẫn thờ ơ, coi đó là chuyện của “mấy ổng”, chứ không phải của mình đâu mà lo.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151076/