Nguyễn Hữu Thiện
Làm liên tục, đất nghỉ có vài tuần, nên dịch bệnh, côn trùng luôn có chỗ trú ẩn. Cây lúa ăn phân mà thiếu phù sa, không cứng cáp nên dễ bệnh. Chi phí phân, thuốc tăng lên... Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
(TBKTSG) - Trên TBKTSG ngày 6-10 có bài Câu chuyện “Gạo Sóc Miên” nêu vấn đề người Việt chuộng ăn gạo Campuchia và chuyện gạo Sóc Miên sạch, ngon, rẻ tràn xuống ĐBSCL. Đây là một thực tế. Bài này xin bàn thêm nguyên nhân vì sao nên nỗi.
Từ thiếu ăn đến đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo
ĐBSCL có thể chia ra làm ba vùng: vùng ngập lũ sâu ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, vùng phù sa giữa và vùng ven biển. Nói về làm lúa, hệ thống canh tác ở ĐBSCL đã trải qua ba giai đoạn. Trước khi có lúa Thần nông vào đầu thập niên bảy mươi, ông bà ta cấy một vụ lúa mùa dài ngày vào mùa nước ở vùng giữa và vùng lợ ven biển, thu hoạch cận hoặc sau Tết. Còn ở vùng ngập sâu thì canh tác lúa mùa nổi - loại lúa có thể vươn kịp nước dâng mùa nước nổi, cao cả tấc một ngày đêm.
Từ khi có lúa Thần nông ngắn ngày, người dân trồng hai vụ, một vụ Lúa mùa thêm một vụ lúa Thần nông, thu hoạch xong cỡ tháng Năm là mùa mưa tới, nước lên, đất nghỉ, người nghỉ, nước tràn đồng, cá tôm, chim cò sinh sôi. Lúa mùa dài ngày, cơm ngon hơn lúa thần nông, nhưng một công đất chỉ được chừng 15 giạ (3 tấn/héc ta), còn lúa Thần nông được 5-6 tấn/héc ta.
Sau chiến tranh, dân đông thiếu ăn nên vụ lúa mùa bị bỏ hẳn, chuyển sang canh tác hai vụ lúa ngắn ngày. Ở vùng ngập sâu phía An Giang, Đồng Tháp, người ta làm đê thấp, gọi là đê tháng Tám để ngăn lũ đầu mùa. Thu hoạch xong, nước tràn qua đê vào đồng, phù sa, cá tôm vào theo. Cánh đồng được nghỉ, dịch bệnh bị lũ rửa sạch, không nơi trú ẩn. Cây lúa ăn phù sa cũng chắc khỏe, ít bệnh, nên ít xài thuốc. Lúc này gạo còn sạch, ngon bởi được phù sa bồi bổ đủ chất.
Từ năm 1989, nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, năm sau cao hơn năm trước. Sẵn đà đó, chừng hai mươi năm nay, lúa tăng lên ba vụ, thêm một vụ vào mùa lũ. Canh tác mùa lũ thì phải làm đê cao khép kín, chống lũ triệt để. Lúc đầu ở những nơi gò cao, vài người thử trồng thêm vụ ba thấy có ăn nên dần dần hàng xóm làm theo, rồi đệ đơn xin chính quyền hỗ trợ đắp đê chung cho đỡ tốn. Một vài ô đê bao chưa thấy vấn đề gì. Năm năm đầu rất vui. Xung quanh chưa ai làm đê nhiều nên cá còn nhiều, nước còn sạch; đất thiếu phù sa thêm phân bón thì lúa vẫn tốt, lại có chỗ khô ráo làm vườn, có đường cho con trẻ đi học, có thêm thu nhập xây nhà, thích quá.
Mười năm sau thấy lúa hơi thất, chi phí tăng lên, cũng chưa sao. Mười lăm năm sau, lúa thất hơn, chi phí tăng hơn, cũng chưa sao. Hai mươi tới hai mươi lăm năm sau, lúa ăn hết chất bổ trong kho của đất thì đất bắt đầu chai cứng, bạc màu. Làm liên tục, đất nghỉ có vài tuần, nên dịch bệnh, côn trùng luôn có chỗ trú ẩn. Cây lúa ăn phân mà thiếu phù sa, không cứng cáp nên dễ bệnh. Chi phí phân, thuốc tăng lên, tiền lời không còn bao nhiêu.
Bây giờ xung quanh mần ba vụ đều trời hết, chỗ nào cũng khép kín, cá đâu mà còn nữa. Nước sông thì ngứa làm sao tắm sông và hát “quê hương tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà” (1) nữa. Tiền lời bây giờ phải chi mua cá ăn, tiền nước, tiền điện, thêm tiền nạp cái thẻ điện thoại cùi bắp nữa. Nhà năm người mần một mẫu ruộng vị chi không đủ xài, phải “đi Bình Dương”(2) bớt.
Tiền lời bây giờ phải chi mua cá ăn, tiền nước, tiền điện, thêm tiền nạp cái thẻ điện thoại cùi bắp nữa. Nhà năm người mần một mẫu ruộng vị chi không đủ xài, phải “đi Bình Dương” bớt.
Lỡ vô đê hơn 20 năm rồi, muốn ra cũng không được. Một ô đê bao chung vậy có cả trăm đến năm trăm nhà, muốn phá ra phải “trưng cầu dân ý”, người chịu người không. Vì ở trong đê lâu năm, mồ mả ông bà, vườn, ao, chuồng, nhà cửa đều thấp, làm sao phá ra. Xả lũ định kỳ thì cũng được, nhưng xả chỉ chừng 5 tấc, cuối mùa, ít cá, ít phù sa.
Chuyện làm ba vụ lúa, lúc đầu là do người dân muốn nhưng sau này mở rộng ào ạt thì phải có Nhà nước mới làm được. Trong 11 năm (2001-2012), diện tích lúa vụ ba ở bốn tỉnh vùng trũng đầu nguồn là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An đã tăng hơn bảy lần, từ 53.000 héc ta lên 400.000 héc ta.
Một ô đê bao khổng lồ cả trăm đến năm trăm mẫu, đê cao bốn năm thước, chân đê rộng vài chục thước, dân đâu có tiền làm. Tiền đê là của Nhà nước, dân chỉ hùn chút ít để đền bù cho nhau tiền mở rộng chân đê mất đất. Vậy nên mấy ngàn tỉ tiền đê gần như là tiền miễn phí, không có tính vào giá lúa hay bài toán kinh tế quốc gia. Như ở An Giang, tiền duy tu bảo dưỡng đê riêng năm 2012 đã là 133,5 tỉ đồng (3). Còn tính trong 15 năm thì chi phí đắp đê để làm lúa vụ ba ở An Giang là 15 triệu đồng/héc ta.
Bây giờ cũng còn nhiều nơi người dân muốn làm lúa vụ ba lắm, cũng mong Nhà nước đắp đê để làm vì xung quanh cũng hết cá rồi, nước tắm ngứa thì cũng ngứa rồi, dịch bệnh thì cũng dịch bệnh rồi. Chuyện đất bạc màu hai mươi năm sau mới thấy, bây giờ cần tiền cho con đi học liền. Chừng nào đất bạc màu thì “đi Bình Dương”, lo gì. Ngược lại, nhiều người không muốn làm lúa vụ ba nhưng có đất trong vùng, đa số họ muốn đắp đê thì cũng phải theo.
Nhờ mần lúa liền tù tì không nghỉ, bây giờ nước mình đứng nhất nhì về xuất khẩu gạo. Mỗi năm đồng bằng sản xuất ra hơn 25 triệu tấn lúa, xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, tương đương 14 triệu tấn lúa, hơn phân nửa. Có người bảo đó là an ninh lương thực, cả cho ta và cả cho thế giới nữa, cao cả lắm. Nhưng mà nghĩ, an ninh lương thực phải tính cho con cháu nữa chứ, vài chục năm sau đất bạc màu thì con cháu mình sao an ninh lương thực được. Với lại một bữa cơm thì cần gạo mà cũng cần rau, cá nữa chứ.
Còn an ninh lương thực cho thế giới thì cao cả thật, nhưng có ai nhờ hay cám ơn ta đâu. Bán cho người ta, người ta còn chê ỏng chê eo nữa là. Ngược lại, thế giới người ta sản xuất điện thoại thông minh bán cho mình, có tiền thì mua xài, không tiền thì xài điện thoại cùi bắp, chứ có ai lo “an ninh xì - mát phôn” cho dân mình đâu.
Làm lúa ba vụ dân có thoát nghèo không?
Ở xã Bình Thành (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), người dân trồng hai vụ lúa, vụ đầu lời 20 triệu, vụ sau lời 11 triệu, tổng cộng 31 triệu. Ở huyện Tháp Mười làm ba vụ, vụ đầu lời 18 triệu, vụ hai lời 10 triệu, vụ ba lời 9 triệu, tổng cộng 37 triệu. Làm thêm vụ tưởng tăng thu nhập, ai dè nó kéo hai vụ kia xuống, còn lời có 6 triệu đồng, chưa tính tiền đê, tiền mất cá, tăng ngập chỗ khác, rồi mùa khô tăng xâm nhập mặn vùng ven biển. Nước đâu có nén được, không vào đồng được thì nó tìm chỗ khác mà ngập, rồi chảy ra biển. Mùa khô không có nước bổ sung cho sông đẩy mặn thì mặn lấn sâu.
Một cô tiến sĩ trẻ ở Đại học Cần Thơ (4) nghiên cứu ở An Giang kết luận xanh rờn là làm lúa ba vụ mỗi năm thì trong 15 năm, cộng hết lời lãi, tính luôn tiền đê, tiền mất cá, mất phù sa này nọ xã hội bị lỗ 47,8 triệu đồng/héc ta.
Ông Tiến sĩ Charles Howie (5), người Anh, làm việc lâu năm ở Đại học An Giang nói là sau 10 năm trong đê, đất có vẻ bạc màu, người dân nói phân bón tăng lên gấp đôi từ 25 ki lô gam một công đất lên 50 ki lô gam(6).
Rồi mới gần đây, có tin gạo của Việt Nam xuất qua bị Hoa Kỳ trả lại(7) vì họ sợ dư lượng thuốc cao, càng thêm băn khoăn. Vậy nên chuyện “Gạo Sóc Miên” tràn xuống ngay chính cái vựa lúa của mình cũng có cái lý của nó. Người dân đồng bằng nào giờ chân chất thiệt thà, nhưng đã lỡ làm lúa ba vụ nhiều quá, đất đai bạc màu rồi, dịch bệnh nhiều rồi, đành phải dùng phân thuốc nhiều, chứ biết làm sao.
Tiền đắp đê đó rồi tiền phải chi phí mua cá ăn, phải chi dùng làm gì đó nâng giá trị hạt gạo, hay tạo việc làm khác, để cho đất nghỉ, người nghỉ, chắc khỏe hơn mà “an ninh lương thực” lâu dài hơn.
(1) Lời bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
(2) “Đi Bình Dương” là từ để chỉ chung cho việc người nông thôn ra thành thị tìm việc làm, dù không phải là đi tới tỉnh Bình Dương.
(3) Tống Yên Đan (2015) Bảng 8, trang 25. http://www.eepsea.org/pub/rr/2015-RR11_Tong_digital_final.pdf
(4) Tống Yên Đan (2015) http://www.eepsea.org/pub/rr/2015-RR11_Tong_digital_final.pdf
(5) https://www.royalholloway.ac.uk/geography/documents/pdf/ourcourses/postgraduate/howiepub.pdf
(6) Charle Howie (2005) Trang 17. https://www.royalholloway.ac.uk/geography/documents/pdf/ourcourses/postgraduate/howiepub.pdf
(7) http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/gao-viet-dat-chan-den-my-nhung-van-bi-tra-ve-a164241.html
Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152831/