Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bảo tàng lịch sử tự nhiên


Đề án Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Trường Đại học Cần Thơ soạn thảo và chủ trì thực hiện. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Trưởng ban vận động thành lập đề án này, cho biết:




Mới đây, hai ngày 25 và 26-9, một hội thảo giới thiệu đề án này đã được Viện Nghiên cứu Động vật Hoang dã Patuxent và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonians tổ chức tại Washington DC (Hoa Kỳ). Sau hội thảo, phía Hoa Kỳ sẽ cử một cơ quan làm đối tác chính thức với Trường Đại học Cần Thơ về đề án. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Nam, Ted Osius, đã nhận lời hỗ trợ đề án này. Viện Nghiên cứu Động vật Hoang dã Patuxent và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonians cũng sẵn sàng hỗ trợ thực hiện đề án. Trường Đại học Cần Thơ rất muốn xây dựng bảo tàng này tại Cần Thơ vì đây là thành phố trung tâm của ĐBSCL.

 Thưa ông, được biết Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Cần Thơ cũng đã có ý kiến về đề án này?

- PGS.TS Hà Thanh Toàn: TS Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, rất ủng hộ đề án và đã cử cơ quan chuyên môn của Bộ hợp tác cùng thực hiện đề án. Với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Trưởng ban thường trực, ông Nguyễn Phong Quang, cũng rất ủng hộ và hứa sẽ vận động các bộ ngành Trung ương cũng như các tỉnh, thành ĐBSCL giúp thành lập bảo tàng theo đề án này. Còn với TP Cần Thơ, ngày 17-6 vừa qua, Ban vận động đề án đã làm việc với ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo ý tưởng và mục tiêu xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL. Nhìn chung, các sở ban ngành đều thống nhất bảo tàng này có ý nghĩa rất lớn về nghiên cứu khoa học, đời sống, kinh tế, xã hội của TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối làm việc với Trường Đại học Cần Thơ và yêu cầu sở này đánh giá lại tính khả thi của đề án để chính quyền thành phố sớm trả lời chính thức với Đại học Cần Thơ.

 Theo đề án thì việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL đã là chuyện cấp thiết. Thưa ông, vì sao như vậy?

- PGS.TS Hà Thanh Toàn: Bởi vì cha ông ta đã dày công khai phá và đã để lại một ĐBSCL, sau gần 300 năm, nay đang là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần lớn cho xuất khẩu. Nhưng hiện nay, thiên nhiên và xã hội đang có những thay đổi nhanh chóng, nhất là về biến đổi khí hậu, khiến cho nhiều tài nguyên tự nhiên và kho tàng kiến thức của cha ông đang bị mai một từng ngày. Vì vậy, việc nghiên cứu, thu thập, đánh giá và sắp xếp trình bày lại những nội dung này để mọi người học tập và giáo dục cho con cháu mai sau là điều cấp bách hiện nay.


 Hệ sinh thái tự nhiên vùng ĐBSCL rất đa dạng, phong phú. Ảnh: Q.THÁI

Nhìn rộng ra cả lưu vực sông Mê Công, cũng đang chịu nhiều xáo trộn về thâm canh và mở rộng đất nông nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung, khai thác rừng quá mức, hay xây dựng nhiều đập thủy điện... Những tác động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loài sinh vật trên lưu vực sông Mê Công đã bị tuyệt chủng hay đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thí dụ cá ông nược (cá heo nước ngọt), hiện chỉ còn khoảng 100 con ở vùng Stung Streng - Campuchia. Nếu ở đó họ xây hai đập thủy điện nữa thì nhóm cá heo này sẽ mất vĩnh viễn.

 Có phải vì vậy mà các nước hạ lưu sông Mê Công cũng sẽ xây dựng bảo tàng lịch sử tự nhiên theo hướng này?

- PGS.TS Hà Thanh Toàn: Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mê Công là công việc hết sức cần thiết cho các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công. Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mê Công là một hệ thống gồm năm bảo tàng ở Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Riêng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL của Việt Nam dự kiến sẽ đặt tại TP Cần Thơ, do đây là trung tâm của ĐBSCL và là phần cuối nguồn của lưu vực sông Mê Công.

 Vậy có thể hình dung hoạt động của bảo tàng này như thế nào?

- PGS.TS Hà Thanh Toàn: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐBSCL được xây dựng theo hướng bảo tàng lịch sử tự nhiên hiện đại, đóng góp vào phát triển khoa học, tham quan du lịch, giáo dục cộng đồng và nâng cao kinh tế xã hội của TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Bảo tàng lịch sử tích hợp nhiều chủ đề và bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan đến tự nhiên, con người và cả quá trình phát triển chứ không chỉ trưng bày chuyện của quá khứ. Riêng nội dung thu thập mẫu vật, phải làm ở ĐBSCL và cả khu vực Mê Công vì ĐBSCL gắn liền với lưu vực này.

Bảo tàng sẽ gồm bốn hạng mục chính: khu lưu trữ thông tin dữ liệu; khu lưu trữ mẫu vật; các sản phẩm học thuật như sách báo, phim ảnh, trang web… và khu trưng bày hiện vật. Các hạng mục như thông tin dữ liệu, mẫu vật, sản phẩm học thuật đòi hỏi tính chuyên môn cao; còn khu trưng bày hiện vật là nơi hấp dẫn mọi người và mang tính giáo dục cao. Đại học Cần Thơ đã lo được ba nội dung đầu; thí dụ như với riêng cây lúa, trường đã thu thập bảo tồn gần 4.000 giống lúa mùa đặc trưng của ĐBSCL, một bộ nông cụ canh tác nông nghiệp của nền văn minh lúa nước vùng ĐBSCL... Chỉ còn lại khu trưng bày mẫu vật, cần có đất và kinh phí.

 Như vậy, ai sẽ tham gia đề án này?

- PGS.TS Hà Thanh Toàn: Tham gia đề án này, ngoài Trường Đại học Cần Thơ, nơi sẽ đóng vai trò chính về quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở nghiên cứu, sưu tầm, còn có Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, hệ thống các trường đại học lưu vực sông Mê Công, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

 Thưa ông, đến nay, đề án có gặp trở ngại gì không?

- PGS.TS Hà Thanh Toàn: Khó nhất là tìm quỹ đất xây dựng khu trưng bày mẫu vật, cần chừng 20 hecta. Ở nơi đó sẽ trình diễn lịch sử tự nhiên phong phú của ĐBSCL và sức sáng tạo của người dân, từ thuở cha ông ta đi mở cõi cho đến ngày nay, đồng thời sẽ dự báo những tác động trong tương lai đến ĐBSCL, và sẽ thành điểm thu hút mọi người đến tham quan học tập và vui chơi giải trí rất ý nghĩa.

 Xin cảm ơn ông!


Bài đã đăng tại:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&id=169660

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Cần Thơ lập Trung tâm Phát triển du lịch

(TBKTSG Online) - Thành phố Cần Thơ chính thức thành lập Trung tâm Phát triển du lịch, xem đây là một mũi nhọn phát triển kinh tế Cần Thơ trong 5 năm tới.
Một áp phích mới về du lịch Cần Thơ - Ảnh: Trần Kim Đính
Trả lời TBKTSG Online tại buổi họp báo vào chiều ngày 30-9, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ, nói: “UBND Thành phố Cần Thơ đã quyết định tách bộ phận du lịch khỏi Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Cần Thơ để thành lập Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Thành phố Cần Thơ.”

Lý do là vì, theo ông Lê Văn Tâm, cơ cấu kinh tế của Thành phố Cần Thơ trong 5 năm tới vừa được Đại hội Đảng bộ Cần Thơ họp vào tuần rồi chọn là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó dịch vụ du lịch được xem là mũi nhọn góp phần làm cho Cần Thơ phát triển theo hướng là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.

Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ có trụ sở riêng tại số 98, đường Phan Đình Phùng, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ, trong 5 năm tới, trung tâm có một nhiệm vụ mới là tư vấn về kinh doanh dịch vụ du lịch và thị trường du lịch địa phương cho các nhà đầu tư muốn xây dựng các dự án du lịch tại Cần Thơ.

Cũng theo ông Ơn, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp du lịch ở Cần Thơ đã đón hơn 1,36 triệu lượt khách lưu trú, đạt 99,3% kế hoạch năm, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có gần 150.000 lượt khách quốc tế; doanh thu ngành du lịch Cần Thơ đạt 1.418,6 tỉ đồng, vượt 13,5% kế hoạch, tăng 67% so với cùng kỳ.


Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/136434/Can-Tho-lap-Trung-tam-Phat-trien-du-lich.html