Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Kết nối mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao


Huỳnh Kim thực hiện

(TBKTSG) -  Nhiều chương trình, dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang được trường Đại học Cần Thơ tích cực triển khai, trong đó huy động nhiều nguồn lực tham gia, bao gồm nhân lực, vật lực, tài lực, kể cả việc liên kết, hợp tác với các địa phương, tổ chức trong và ngoài nước. TBKTSG đã phỏng vấn GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.

TBKTSG: Chủ trương của trường Đại học Cần Thơ về việc ứng dụng NNCNC ra sao, thưa giáo sư?

- GS.TS. Hà Thanh Toàn: Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với chủ trương phải tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chúng ta phải ứng dụng NNCNC trong canh tác nông nghiệp và thủy sản.

Trường Đại học Cần Thơ đang chuẩn bị đồng thời về con người, cơ sở vật chất và kế hoạch liên kết để thực hiện được các chương trình, dự án liên quan tới vấn đề này phục vụ cho ĐBSCL và nhiều địa phương khác trong nước. Tất cả đầu tư của trường về NNCNC là phải gắn liền với thực tiễn để thầy cô và sinh viên thực hành, đồng thời liên kết với các địa phương và doanh nghiệp.

TBKTSG: Cụ thể, trường đang làm những gì?

- Trường đã tập hợp đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và chuyên viên liên quan lĩnh vực này, lập Ban Chỉ đạo ứng dụng NNCNC, do một phó hiệu trưởng phụ trách. Ban này sẽ tư vấn cho nhà trường việc hỗ trợ cho các tỉnh, thành, các doanh nghiệp, nhất là ở ĐBSCL, để triển khai về NNCNC.

Như vậy là chuẩn bị đội ngũ quản lý trước. Sau đó xây dựng chương trình đào tạo mới cho năm học 2019, đào tạo kỹ sư NNCNC. Chương trình sẽ đào tạo bốn năm, do khoa Nông nghiệp và Ứng dụng sinh học cùng với khoa Thủy sản và nhiều đơn vị khác xây dựng để bắt đầu tuyển sinh vào năm sau. Ngoài ra, trong dự án ODA về nâng cấp nhà trường đạt chuẩn xuất sắc (giai đoạn 2016-2022, trị giá 106 triệu đô la Mỹ) cũng có ba chương trình đào tạo thạc sĩ NNCNC. Đó là chương trình nông nghiệp, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường ĐBSCL, đặc biệt với vùng ven biển ngập mặn.

Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hành thực tập và giảng dạy cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Trường Đại học Cần Thơ đang xây dựng các trung tâm NNCNC để sinh viên và thầy cô giáo được liên kết với các địa phương và doanh nghiệp thực tập.

Những trung tâm này cũng sẽ nối kết trực tiếp với nhiều trường đại học trên thế giới. Thí dụ Đại học Won Kwang của Hàn Quốc sẽ cùng Đại học Cần Thơ xây dựng trung tâm NNCNC tại Măng Đen, tỉnh Kon Tum, nơi mà Đại học Cần Thơ vừa nhận được 25 héc ta đất để xây dựng khu NNCNC, trong đó trích một phần đất để liên kết với Đại học WonKwang làm. Tháng 10 tới sẽ xây dựng trước các trạm trại, nhà lưới theo công nghệ của Hàn Quốc và họ sẽ cử một giáo sư qua vận hành trung tâm này.

Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang liên kết với Đại học Cần Thơ xây dựng một khu chuyên trồng các loại cây theo nhu cầu nhập khẩu của Nhật. Thí dụ như cà chua mini Cobi, vì Nhật không có điều kiện trồng vào mùa đông; họ sẽ qua khu này để canh tác cà chua Cobi rồi xuất thẳng về Nhật. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ nối kết với Đài Loan và Thái Lan trong việc này.

Quan trọng hơn là qua đó chúng ta xây dựng được thị trường cho sản phẩm NNCNC do chúng ta sản xuất và xuất khẩu thẳng qua các nước.

TBKTSG: Riêng việc liên kết với các tỉnh ĐBSCL thì sao?

- Các tỉnh hiện đang đồng hành với trường Đại học Cần Thơ trong xây dựng các mô hình ứng dụng NNCNC. Như thành phố Cần Thơ cũng giao cho trường 10 héc ta đất trong khu NNCNC 100 héc ta ở huyện Cờ Đỏ để trường xây dựng mô hình gắn với trình diễn và gắn với du lịch sinh thái để phát triển những sản phẩm đặc sản của ĐBSCL, đặc biệt là Cần Thơ.

Hiện Đại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác toàn diện với 5 tỉnh, thành và 20 huyện ở ĐBSCL, đó là thành phố Cần Thơ và 4 tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang; sắp tới có thêm Bạc Liêu và Sóc Trăng. Với huyện, chẳng hạn vừa rồi chúng tôi đã ký với huyện Cù Lao Dung của Sóc Trăng. Nơi đây cây mía đang chuẩn bị phá sản, chỉ còn khoảng 4.000 héc ta so với hơn 9.000 héc ta trước đây vì không bán được, phải tái cơ cấu nông nghiệp. Trường đang kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để khai thác đất đai ở đây trồng cây khác thay cho mía. Thí dụ có doanh nghiệp muốn trồng mỗi năm khoảng 50.000 tấn ớt thì phải bố trí sản xuất thế nào cho phù hợp để kết nối với địa phương xây dựng hợp tác xã, giải quyết theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hay với huyện Hồng Dân của Bạc Liêu, ở đây hiệu quả từ kỹ thuật nông nghiệp cao đã giúp thay đổi lớn, như mô hình trồng lúa Một Bụi Đỏ, nuôi cá chình... đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/héc ta/năm.

Rồi xây dựng các chuỗi giá trị từ giống cây trồng, canh tác ứng dụng những kỹ thuật công nghệ mới và nối kết với doanh nghiệp thế giới để xuất khẩu.

Tôi nghĩ mỗi vùng ở ĐBSCL sẵn có sản phẩm đặc thù mà thế giới không có, chúng ta cần áp dụng kỹ thuật NNCNC để sản phẩm có giá cao, có lợi cho nông dân.

TBKTSG: Đã có bài học nào từ thực tiễn cần nhấn mạnh, thưa giáo sư?

- Cần có diện tích đất đủ lớn để các doanh nghiệp cùng với nhà trường triển khai được các mô hình hợp tác xã kiểu mới để nông dân có cổ phần trong đó ngoài việc họ cho thuê đất. Như ở Cù Lao Dung, sắp có trung tâm thủy sản hơn 10 héc ta làm mô hình trình diễn sản xuất giống gắn với du lịch sinh thái.

Chúng ta đang cố gắng chuyển đổi một phần diện tích lúa không hiệu quả qua những mô hình canh tác đa dạng hơn và cây lúa không thể làm 3 vụ như trước. Sẽ xen canh giữa lúa - tôm, lúa - cá, lúa - hoa màu, rau quả có hiệu quả. Thí dụ đang xây dựng mô hình lúa - tôm ở U Minh, Cà Mau và Bạc Liêu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/héc ta.

Với NNCNC mà vẫn làm nông theo kiểu riêng lẻ thì khó phát triển. Nhật Bản là nơi làm rất tốt mô hình NNCNC trong hợp tác xã. Dù diện tích đất từng cá nhân của nông dân Nhật cũng thấp nhưng họ biết liên kết nhau để sản xuất ra sản phẩm đồng loạt, để được đầu tư kỹ thuật, công nghệ, nguồn lực con người gắn với phân phối sản phẩm.

NNCNC không chỉ là kỹ thuật mà quan trọng là tạo ra sản phẩm an toàn và sạch với chất lượng cao. Sản phẩm không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học độc hại. Và sản phẩm phải có chất lượng tốt, dinh dưỡng cao, có bao bì mẫu mã đẹp để đáp ứng các thị trường xuất khẩu khó tính.

Còn chọn công nghệ nào thì tùy thuộc thị trường nhập khẩu. NNCNC hiện nay phổ biến nhất là của Israel và Nhật Bản nhờ việc đầu tư nhà lưới và kỹ thuật canh tác phù hợp. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã đáp ứng được nhu cầu này.

TBKTSG: Vậy giáo sư có đề xuất gì để việc liên kết này thực sự hiệu quả?

- Tôi đã dự 4 hội nghị xúc tiến đầu tư của 4 tỉnh, thấy rằng tỷ lệ đầu tư cho NNCNC đang chiếm khá cao, hơn 20-30% so với trước đây vài năm là 1-2%. Hiện nhiều doanh nghiệp đang muốn khai thác đất đai phì nhiêu của ĐBSCL để làm ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị từ NNCNC. Vậy thì trước hết, trách nhiệm của chính quyền trong việc quy hoạch sản xuất là rất quan trọng. Các tỉnh phải chuẩn bị kỹ từ nguồn nhân lực, chính sách quản lý, hỗ trợ để đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp.

Những cơ chế về hợp tác, xuất nhập khẩu, bao tiêu sản phẩm... thì Chính phủ đã có. Chúng ta phải biết liên kết làm nghiêm những quy định đó để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân bằng kỹ thuật công nghệ cao và bằng việc bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.

* Đã đăng TBKTSG Online 20-8-2018:



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói gì tại Đại học Cần Thơ?


Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Thăm trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vào chiều ngày 10-8, nói chuyện với hơn 1.000 thầy cô giáo và sinh viên nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chất lượng đào tạo phải được xã hội công nhận.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ giới thiệu trường với
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 10-8.

Sau khi nghe GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐHCT, báo cáo ngắn về 52 năm hoạt động của nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “ĐHCT hoàn toàn có thể định vị với vai trò là nơi khởi nguồn các ý tưởng sáng tạo, phát kiến, khởi nghiệp. Trường nên mạnh dạn thay đổi sứ mệnh phụng sự xã hội, thông qua đổi mới trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu sáng tạo”.

Để làm được điều đó, Thủ tướng đã “đặt hàng chất lượng” với ĐHCT ba việc chính: sự cam kết của trường; sự công nhận của xã hội; và chất lượng giáo dục được kiểm định. “Đào tạo theo nhu cầu thị trường đang đặt ra gay gắt, anh không thể đào tạo cái anh có mà phải đào tạo cái xã hội đang cần”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, để nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hội nhập, giảng viên phải có trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đặc biệt là trình độ tiếng Anh và trình độ chuyên môn sâu. “Tôi xin nhắc lại là nhiều sinh viên ra trường không có khả năng thích ứng và hòa nhập được với thị trường lao động, một phần do năng lực của sinh viên yếu nhưng đằng sau đó là trách nhiệm của giảng viên, của những người thầy. Ta phải làm rõ trách nhiệm này để nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Thủ tướng nói.

Về thu nhập của thầy cô giáo, Thủ tướng yêu cầu: “Tôi đề nghị bên cạnh bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập, ĐHCT cần có kế hoạch bảo đảm thu nhập và đời sống cho giảng viên, để giảng viên không phải lo “chạy sô” mà tập trung nghiên cứu cập nhật kiến thức. Cần xóa bỏ suy nghĩ bận giảng dạy, quên nghiên cứu”.

Theo ông, không ít giảng viên có khả năng và tâm huyết nghiên cứu khoa học nhưng do khó khăn trong cuộc sống nên phải dạy thêm hoặc làm nhiều việc không theo sở trường, thậm chí có khi làm những việc trái với lương tâm, chỉ để kiếm sống. “Cần xem đây là vấn đề then chốt bởi nếu không thì những mục tiêu như đẳng cấp quốc tế hay những giá trị cao mà nhà trường đặt ra sẽ phi thực tế”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng mong rằng ĐHCT là đại học khởi nghiệp, nghiên cứu, chứ không chỉ là “đại học giải quyết việc làm”. Ông đề nghị đến năm 2020, chậm nhất là 2025, ĐHCT đứng vào nhóm trường đại học hàng đầu ở châu Á. Trong 5 năm tới, ĐHCT cũng phải tự cam kết về số lượng bằng xác minh, sáng chế; về số dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên; về số đề tài, công nghệ chuyển giao thành công cho doanh nghiệp.

Về mối liên kết với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ĐHCT nên là đầu mối tổ chức các diễn đàn thường niên về phát triển giáo dục đại học ở vùng này.

Riêng với vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Thủ tướng mong rằng ĐHCT là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. “Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”, ông nói.

Nhấn mạnh với sinh viên ĐHCT, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ: “Sinh viên không chỉ là công dân toàn cầu mà còn mang bản sắc văn hóa Việt Nam, yêu quê hương đất nước. Sinh viên ĐHCT cần có ý thức giữ gìn truyền thống cha ông, truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, giữ gìn non sông bờ cõi. Trước mắt, sinh viên ĐHCT không để bị kẻ xấu lôi kéo, kích động trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước”.     



Theo GS.TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, sau 52 năm thành lập, ĐHCT đã đào tạo 98 chuyên ngành bậc đại học, 45 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành tiến sĩ. Số sinh viên theo học năm nay gần 47.000 người, ngang với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM.

ĐHCT đứng trong tốp đầu các trường đại học của Việt Nam về số lượng công bố quốc tế. Theo xếp hạng Webo, ĐHCT xếp thứ 3 của Việt Nam; thứ 57 của khu vực Đông Nam Á; 701 của châu Á và thứ 2.704 trong số gần 12.000 trường đại học và học viện đại học trên thế giới.



* Đã đăng TBKTSG Online 11-8-2018: