Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Cần Thơ: du khách tăng nhờ có đường bay mới


(TBKTSG Online) - Tại cuộc họp báo quý 3-2014 của UBND TP Cần Thơ sáng nay (26-9), ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết nhờ mở thêm đường bay mới nên khách du lịch đến Cần Thơ tăng lên đáng kể.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại họp báo ngày 26-9-2014

Trả lời TBKTSG Online, ông Dũng nói: “Cả ngành du lịch Cần Thơ khởi sắc từ khi có những chuyến bay Cần Thơ – Đà Nẵng của hãng VietJet Air. Hai tháng qua, tuyến Đà Nẵng – Cần Thơ có tỷ lệ lấp đầy 96% số ghế, tuyến Cần Thơ – Đà Nẵng lấp đầy 93% số ghế”.

Tuy nhiên, ông Dũng không cho biết tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch so với cùng kỳ là bao nhiêu.

Theo bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó giám Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, doanh thu ngành du lịch từ đầu năm đến nay tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 847,4 tỷ đồng. Đã có hơn 1,04 triệu du khách đến với Cần Thơ, trong đó có 165.718 khách quốc tế.

Ông Dũng nói tiếp: “Ngày 17-10 tới, VietJet Air sẽ khai trương thêm tuyến bay Cần Thơ – Hà Nội với tần suất ba chuyến/tuần và tăng tần suất tuyến bay Cần Thơ – Đà Nẵng lên năm chuyến/tuần so với ba chuyến/tuần hiện nay.

Đến cuối năm nay, VietJet Air có thể sẽ mở tiếp chuyến bay quốc tế nối Cần Thơ với Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Sang năm 2015, có thể mở thêm đường bay đi Đà Lạt, Khánh Hòa”.

Tuyến bay Cần Thơ – Đà Nẵng cũng là đường liên vận quốc tế nối Cần Thơ – miền Tây Nam bộ với Đà Nẵng – miền Trung vì Đà Nẵng có nhiều du khách quốc tế muốn đi thẳng tới Cần Thơ thay vì tới TPHCM rồi đi tiếp ba tiếng đồng hồ đường bộ.

Hãng VietJet Air mở tuyến bay nối Đà Nẵng với Cần Thơ vào ngày 22-7 vừa qua với máy bay Airbus 320, bay ba chuyến khứ hồi/tuần, cung ứng gần 1.100 chỗ/tuần với giá vé từ 480.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/lượt.

Trước đó, chỉ có hãng Vietnam Airlines khai thác các đường bay nối Cần Thơ với Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc, Côn Đảo, và với Đài Loan vào dịp tết.



Bài đã đăng tạI http://www.thesaigontimes.vn/120569/Can-Tho-du-khach-tang-nho-co-duong-bay-moi.html

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Chữ nghĩa Nam bộ

   
 

Sau Từ điển từ ngữ Nam bộ; Ấn tượng văn hóa vùng đồng bằng Nam bộ; Văn chương miền sông nước Nam bộ; Đặc trưng văn hóa Nam bộ qua phương ngữ; Tiếng Sài Gòn... TS Huỳnh Công Tín cho ra mắt tiếp Chuyện chữ nghĩa (NXB Văn hóa - Văn nghệ, tháng 7.2014), dày 189 trang, giá 45.000 đồng.


 

Sách gồm 131 bài viết ngắn, như những câu chuyện nhỏ, giải thích 131 từ ngữ đời thường gắn với cuộc sống, sinh hoạt của người dân Nam bộ. Tác giả chọn những phương ngữ Nam bộ phổ biến, hình thành trong quá trình cha ông ta rời miền Bắc, miền Trung đi mở đất phương Nam từ hơn 300 năm trước.

Tỉ như từ Áo chim cò, tác giả giải thích: “Áo chim cò trong phương ngữ Nam bộ chỉ các trường hợp sau: 1. áo mặc có hình chim cò in trên nền vải; 2. áo có nhiều hoa văn, đường vẽ in trên nền vải; 3. áo có nhiều màu sắc rực rỡ, lòe loẹt”. Và: “Hiện tượng mặc áo chim cò không đến mức phải bị phê phán, dù xuất hiện ở đâu. Tuy nhiên, nói người mặc áo chim cò là có hàm ý chê “quê mùa, dân ruộng vườn”,“không biết thời trang”; với người lớn tuổi mặc áo chim cò còn bị chê là không hợp tuổi tác”.

Hay với từ Ăn cơm hớt ở nghĩa bóng có ý nói “người nhanh nhẩu trả lời, nói thay cho người khác hay giành nói trước một điều gì người khác định nói”. Tác giả dẫn một câu nói đời thường làm thí dụ: “Ai có hỏi mày đâu mà mày tài khôn trả lời. Đồ ăn cơm hớt!”. Nghĩa khác: “Quán ngữ ăn cơm hớt còn hàm nghĩa “giành phần trước, chiếm phần của người khác”, khi một người chưa đến phiên được nhận hoặc không có tiêu chuẩn nhưng vẫn tranh lấy mất phần của người khác”.

Ta vẫn thường nghe hoặc đọc nhiều từ Nam bộ khác như Anh Hai, Ba Tàu, Ba rọi, Bắt địa, Búng, Bưng, Cầu khỉ, Chành, Chém vè, Có giang, Dậm cá, Dân cậu, Dân chơi miệt vườn, Dân hàng xáo, Dân thương hồ, Dân tứ chiếng, Đá cá lăn dưa, Khỉ dọc, Loạn cào cào, Miệt dưới, Miệt trên, Mùa len trâu, Nấu cù lao, Tắc chàng hảng, Tân cổ giao duyên, Thị thiềng, Trất, Xà neng… Trong cuốn sách này, mỗi từ như vậy thường được cắt nghĩa từ ngữ, lấy thí dụ thực tế, rồi “chốt” lại cho dễ hiểu. Tỉ như từ Tắc chàng hảng được chốt lại như vầy: “Như vậy tắc chàng hảng là con rạch đi tắt, nhưng lại có hình dạng chia hai, giống như người đứng dạng hai chân ra, mà dân Nam bộ quen gọi là “đứng chàng hảng”. Lâu dần lối đi tắt chàng hảng trở thành địa danh Tắc Chàng Hảng”.

Là người gắn bó tha thiết và say mê tìm hiểu, phổ biến văn hóa Nam bộ, TS Huỳnh Công Tín đã giải thích thêm về sự ra đời của cuốn sách này: “Qua các mục “chuyện” này, bạn đọc sẽ hình dung được tính đặc thù của vùng đất phương Nam - một vùng đất sông nước, nông nghiệp, biết tận dụng những cái thiên nhiên ban tặng với sự cố gắng cần cù của đôi tay lao động và đầu óc thực tế mà tạo được một vùng đất không chỉ có lúa, cá, trái cây, lại còn có cả nếp sống “Văn minh miệt vườn”, với những tao đàn văn chương và những danh nhân khoa học, văn hóa không làm hổ danh đất “Chín Rồng”. Đó còn là lối tư duy và cách thể hiện ngôn từ mang “tính riêng”, thiên hẳn về lối tư duy hình ảnh, gắn sát với thực tiễn môi trường, mang một tâm lý “thủ thường”, chú trọng hiệu quả công việc hơn những phát kiến viễn vông”.


Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140909/chu-nghia-nam-bo.aspx