GS B. Chellaney |
Theo Giáo sư Brahma, hiện nay các nền kinh tế của châu Á đang chịu áp lực về nước có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - dù ba thập kỷ qua, chuyện này chưa xảy ra. Không chỉ là nước sông hồ mà cả với nước ngầm; ông nói: “Ở nhiều thành phố, nguồn nước này có nguy cơ cạn kiệt trong vài năm tới” và: “Những nơi tìm được nước ở tầng sâu hơn, hàng triệu giếng khoan sẽ hút cạn những tầng trữ nước cuối cùng ở châu Á”.
Lý do, vẫn theo Giáo sư Brahma, có bảy yếu tố: kinh tế tăng quá nhanh; mức tiêu thụ trên đầu người tăng vọt; mở rộng tưới tiêu; nhu cầu xài nước của đô thị và công nghiệp tăng; quá tải trong việc xây đập ngăn sông; gia tăng tác động môi trường; thiếu cơ chế ngăn ngừa xung đột. Về kinh tế, ông cho biết với mức tăng trưởng 7% vào năm 2000, châu Á đã sử dụng tới 92% tổng lượng nước thế giới mỗi năm. Về xây đập, là “nguồn gốc tranh cãi” của những nước ở thượng và hạ lưu, Giáo sư Brahma nói: “Chỉ một nước Trung Quốc, tính sơ đã chiếm hơn một nửa trong số gần 50.000 đập lớn trên hành tinh chúng ta”. Ông cho rằng châu Á không chỉ là trung tâm tưới tiêu của thế giới mà còn là trung tâm đập của toàn cầu. “Đây là châu lục có nhiều đập nhất thế giới và như vậy chỉ làm tồi tệ thêm những thách thức về nước ở nơi này”, ông nhấn mạnh.
Giáo sư Brahma nói nhiều tới yếu tố “thiếu cơ chế ngăn ngừa xung đột”, một nguyên nhân làm mất an ninh nguồn nước. Mới chỉ có 4/57 lưu vực sông ở châu Á có sự chia sẻ nguồn nước hoặc thỏa thuận hợp tác; đó là sông Mekong, sông Ganges, sông Indus và sông Jordan. Nhưng ở lưu vực Mekong thì: “Sự không tham gia của Trung Quốc, quốc gia chiếm ưu thế ven sông, đã gây cản trở nghiêm trọng đến thể chế hợp tác”, ông nhấn mạnh và dự báo việc quản lý cạnh tranh nguồn nước ở châu Á sẽ càng trở nên khó khăn: “Tiềm năng của các cuộc xung đột về nước giữa các quốc gia châu Á được nhấn mạnh bởi việc đơn phương đắp đập ngăn dòng các con sông quốc tế và sự chia sẻ nguồn nước thiếu phù hợp trong hầu hết các lưu vực xuyên quốc gia. Căng thẳng lâu dài giữa các quốc gia và bất ổn nội bộ, cùng với nhu cầu về nước tăng cao trong một thời đại suy thoái môi trường, tạo ra điểm nóng tiềm ẩn cho các cuộc xung đột nguồn nước nghiêm trọng ở một số lưu vực xuyên quốc gia ở châu Á”.
Khô hạn ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Dẫn kinh nghiệm hợp tác của châu Âu về xây dựng thể chế nguồn nước, Giáo sư Brahma cho biết châu Âu dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ nước sạch và “nắm giữ chìa khóa cho một tương lai an toàn hơn cho thế giới”. Từ kinh nghiệm này, ông đặt câu hỏi: “Làm thế nào các quốc gia châu Á có thể ngăn chặn các cuộc tranh giành quyết liệt về nguồn nước để dẫn tới các cuộc xung đột công khai?” và tự trả lời: “Để ngăn chặn các nguy cơ an ninh, các nước châu Á phải đầu tư nhiều hơn về việc thể chế hóa hợp tác về tài nguyên lưu vực sông xuyên biên giới nhằm củng cố sự ổn định chiến lược, tiếp tục bảo vệ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững môi trường”.