Trung Chánh
Hy vọng KVIP sẽ giúp kinh tế ĐBSCL phát triển mạnh. Trong ảnh là ông Nguyễn Minh Toại (đứng), Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (Korea Vietnam Incubator Park, gọi tắt là KVIP) sẽ chính thức hoạt động từ ngày 14-11, và được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cất cánh, nhất là ở ba lĩnh vực được ưu tiên, gồm cơ khí chế tạo máy nông nghiệp; chế biến nông sản và thủy sản.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin “Khánh thành vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ” được tổ chức tại địa phương này vào chiều nay, 12-11, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, nói: “Vườn ươm này ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển từ sản xuất thô, sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn gấp 5-10 lần hiện nay.”
Về hình thức hỗ trợ, theo ông Toại, khi một người nào đó (phải là doanh nghiệp, nếu người có ý tưởng không phải là doanh nghiệp, thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp) có ý tưởng sẽ được hỗ trợ vào vườn ươm thông qua hình thức xin vào vườn ươm làm đề án thực hiện ý tưởng dưới sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn của KVIP.
Tuy nhiên, chỉ khi đề án được chọn thông qua một hội đồng xét tuyển thì ý tưởng đó mới nhận được hỗ trợ từ KVIP như bố trí một phòng làm việc; bố trí các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ người có ý tưởng xây dựng quy trình thực hiện.
Một khi đã vào được vườn ươm, doanh nghiệp sẽ được đăng ký tham gia hội chợ miễn phí trong và ngoài nước, tùy theo trường hợp; được hỗ trợ đào tạo ở trong và ngoài nước; được hỗ trợ vay vốn; được miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ công tác ươm tạo tại vườn ươm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có ý tưởng được chọn vào KVIP sẽ được miễn hoặc giảm tiền thuê đất; miễn hoặc giảm tiền thuế doanh nghiệp…
Theo ông Toại, các ý tưởng sẽ được thực hiện dưới sự hỗ trợ của KVIP trong thời gian là ba năm hoặc lâu hơn đối với những trường hợp đặc biệt.
Với sự hỗ trợ như vậy từ KVIP, một số nhà chuyên môn kỳ vọng kinh tế của ĐBSCL sẽ cất cánh, nhất là ở ba lĩnh vực nêu trên.
Theo Ban tổ chức cuộc họp báo, tính đến thời điểm này, đã có năm doanh nghiệp đăng ký vào vườn ươm, trong đó có ba doanh nghiệp đã được xét chọn vào, gồm hai doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp của Hàn Quốc.
Còn theo ông Toại, KVIP sẽ tiếp nhận tất cả các doanh nghiệp có ý tưởng tốt, không phân biệt quốc gia, nhưng khả năng tiếp nhận tối đa là 40 doanh nghiệp.
Dự án vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (KVIP) được xây dựng từ cuối tháng 11-2013 tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, Phường Phước Thới, Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Dự án do Sở Công Thương thành phố Cần Thơ trực tiếp quản lý và vận hành.
KVIP được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 21 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn viện trợ chính thức (ODA) không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là gần 17,7 triệu đô la Mỹ và nguồn vốn đối ứng do UBND thành phố Cần Thơ bố trí từ ngân sách hàng năm là trên 3,4 triệu đô la Mỹ.
KVIP được xây dựng trên tổng diện tích 4,5 héc ta, gồm ba khu vực chính: thứ nhất, khu nhà 4 tầng với diện tích sàn là 9.000 mét vuông, gồm văn phòng điều hành, hơn 30 phòng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ươm tạo và một hội trường với sức chứa 160 người; thứ hai, khu nhà thí nghiệm với diện tích sàn 4.000 mét vuông được trang bị các thiết bị hiện đại nhằm phục vụ công tác nghiên cứu thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm; thứ ba, khu nhà xưởng với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu tại KVIP.
Bài đã đăng tại: