Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

“Ðời là một cuộc hành trình”

14/01/2024 - 10:56

Giáo sư Bùi Chí Bửu:

“Ðời là một cuộc hành trình” 

Bộ ba ký sự “Ði và học” dày hơn 1.000 trang của GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL và Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, vừa hoàn thành. Tập 1 do NXB Giáo dục in năm 2022; hai tập sau do NXB Nông nghiệp ấn hành vào quý IV-2023. Ðây là chuyện kể về 63 tỉnh, thành trong nước và ở nhiều nước khác sau hơn 40 năm làm việc của một người chuyên nghiên cứu về lúa gạo - những câu chuyện chuyên môn lồng trong dòng lịch sử, văn hóa, du lịch với bao tình tự quê hương.

GS.TS Bùi Chí Bửu và tác giả. Ảnh: Lạc Long


Dịp này, GS.TS Bùi Chí Bửu dành cho Báo Cần Thơ một cuộc trao đổi, xoay quanh 3 tập sách này.

Thưa Giáo sư, ý tưởng nào để ông viết xong bộ sách “Ði và học”?

- Thật sự thì không có ý tưởng đầu tiên. Tôi ra trường năm 1977, đi khắp các tỉnh ÐBSCL trong 3 năm đầu. Lúc đó mình đi, ghi chép, đam mê ca dao tục ngữ, nhất là các bản đàn ca tài tử có những câu rất hay. Ngoài ÐBSCL tôi còn tham gia đi tìm lúa hoang trên Tây Nguyên rồi lang thang cả duyên hải Nam Trung Bộ, sưu tập lúa bản địa. Tới năm 2006, tôi được giao nhiệm vụ chủ nhiệm “chương trình giống” cả nước. Tôi có điều kiện đi kiểm tra các đề tài trồng trọt, chăn nuôi, cây rừng, đi suốt từ 2001-2006.

Sau này, tôi được đồng nghiệp mời đi thăm vùng Ðông Bắc, Tây Bắc. Tôi đam mê những câu chuyện của sông Hồng và sông Ðà. Việc đi tìm sự khác biệt ở đồng bằng sông Hồng mất 15-20 năm, nhưng lý thú.

Tôi tham gia Chương trình Bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật, được các tổ chức quốc tế tổ chức đi thăm rừng Cúc Phương và nhiều công viên quốc gia ở Quảng Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Ðắk Nông…

Tôi tham gia công tác lãnh đạo Viện Lúa từ 36 tuổi. Do vậy, khi đi nước ngoài họp hội nghị khoa học thì phải viết báo cáo cho lãnh đạo Bộ. Hồi ấy, tôi hổng nghĩ sau này sẽ viết thành sách. Khi nghỉ hưu tôi thấy các báo cáo này có nhiều tư liệu hay. Bỏ bớt nội dung hành chính, thêm một chút văn học. Riêng ở những nước đi nhiều như Philippines, Thái Lan, Ấn Ðộ, tôi học được nhiều điều, đặc biệt là văn hóa đạo Hindu và đạo Phật. Sau này tìm hiểu về văn hóa Óc Eo, tôi thấy rất giống nhau. Ðiều này minh chứng giao dịch của các thương nhân từ mấy ngàn năm trước đã cởi mở rồi. Và tôi cũng ngộ ra một điều là cây lúa, ngoài chuyện an ninh lương thực thì nó còn là văn hóa của những cư dân Á châu.

Ði và học trong quá trình 40 năm như vậy, tôi phải cảm ơn ngành nông nghiệp đã cho tôi điều kiện đi nhiều như vậy, để tôi kể lại những câu chuyện bổ ích này.

►​ Vì sao ngoài chuyện chuyên môn, chuyện kể trong 3 tập sách này lại bàng bạc tính văn học với rất nhiều ca dao, tục ngữ?

- Từ nhỏ, tôi đã nghe ba tôi kể chuyện văn thơ của cụ Nguyễn Du, cụ Ðồ Chiểu, của bà Hồ Xuân Hương, rồi những câu chuyện của cụ Nguyễn Trãi - Thị Lộ. Còn mẹ tôi thì dù không đi học bà vẫn thuộc lòng cả Chinh phụ ngâm khúc. Nên tôi đam mê văn học mặc dù hồi nhỏ chuyên ngành của tôi là toán và sinh học.

Cho nên khi mình đi thì những ký ức đó bật dậy. Ngoài văn học bác học còn có nền văn học dân gian, tức ca dao tục ngữ, rất sâu lắng. Bên cạnh đó là chuyện kể dân gian truyền khẩu. Ở Tây Nguyên, Trung Bộ và Tây Bắc có quá nhiều chuyện hay. Tối mình uống vài ba cốc rượu với mấy ông già làng rồi ổng kể chuyện cho mình nghe. Còn về ÐBSCL thì khỏi phải nói, chuyện Nam Bộ đa dạng lắm! Tôi ghi lại hết và tôi lưu trữ rất tốt nên tài liệu còn đủ, khi viết sách cũng gặp thuận lợi.

Tôi chịu ảnh hưởng của nhà văn Sơn Nam nhiều lắm. Tôi gặp bác năm 1983, 1984 ở Thốt Nốt, hai bác cháu nói chuyện suốt đêm. Hồi nhỏ đọc “Hương rừng Cà Mau” của bác rất thích. Tôi thích cái văn hóa la cà của nhà văn Sơn Nam. La cà thì cái nào viết được cứ viết. Học cái phong cách Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam rất thích. Nhà văn Hồ Biểu Chánh và nhà thơ Ðông Hồ ở Kiên Giang cũng có ảnh hưởng lớn.

►​Và tác giả cũng muốn giới thiệu như sổ tay du lịch với một số tỉnh thành?

- Ðúng rồi. Sang Thái Lan tôi thấy họ làm du lịch giỏi hơn mình. Phong cảnh Thái Lan không hơn cảnh đẹp ở ÐBSCL, Quảng Bình và nhiều nơi khác. Như ở Cao Bằng có thành nhà Mạc, nhìn vào đó mình nhớ về lịch sử, lại có một thế núi hình cánh cung với những con sông đổ về tạo nên phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bờ biển miền Trung dài, đẹp vô cùng. Những năm 1979 đi xe lửa dọc bờ biển miền Trung, thấy cảnh những xác xe tăng, đạn pháo còn nằm ngổn ngang trên bờ biển, thấy rõ một cuộc chiến tranh 20 năm tàn khốc. Bây giờ không còn cảnh đó nữa vì đất nước đã hồi sinh…

Hay như mỗi lần đi thăm hoàng thành Huế thì tôi lại như cảm nhận còn có điều bí ẩn trong dòng lịch sử, và hiểu rằng nhà Nguyễn giỏi thật. Cho nên nhìn vào lịch sử không nên nhìn một chiều, thành kiến. Mà lịch sử đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn người xưa, đối xử công bằng với tổ tiên của mình. Công tội đầy vơi mà… Thì đó là những câu chuyện của người làm du lịch. Cho nên tôi đã lồng ghép tất cả vào các bài ký sự của mình.

Bìa 3 tập sách “Ði và học”. Ảnh: Lạc Long


►​ Giáo sư có thể giới thiệu ngắn về mỗi tập?

- Tập 1 chủ yếu kể chuyện đi nước ngoài, 30% là nói về các tiến bộ khoa học trong từng hội nghị quốc tế; còn lại là văn học, là những câu chuyện kể về đặc điểm nước đó. Và chuyện về một số tỉnh trong nước, trong đó có 2 tỉnh tôi nặng nợ nhứt là Ðồng Tháp nơi sinh ra và Tây Ninh, nơi tôi tản cư, trưởng thành và lớn lên.

Tập 2 nói về ÐBSCL, Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, là nơi tôi đi nhiều nhứt trong ba, bốn chục năm qua. Ðặc biệt là duyên hải Trung Bộ từ 1979, từ Quảng Trị trở vào, nghèo quá nghèo. Nhưng từ năm 2000 trở đi, từ Nha Trang, Bình Ðịnh ra Ðà Nẵng thì phát triển, tới giờ phát triển mạnh, mừng ghê lắm. Mừng nhứt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, thời đó nghèo vô cùng; giờ ngồi viết lại khi tỉnh đã phát triển, mình chảy nước mắt nhớ lúc đó khổ quá. Quyển 2 tình cảm nhiều.

Quyển 3 là một khao khát tìm hiểu về vùng đất của tổ tiên, hơn ba trăm năm trước. Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Biết vậy thôi chớ phải đi để biết sự thật. Sử sách thì viết nhà Mạc rất lằng nhằng nhưng tôi đánh giá nhà Mạc rất cao. Ví dụ như trong số người đậu trạng nguyên thời phong kiến thì thời nhà Mạc đã chiếm gần 1/3. Tiếp theo dòng lịch sử thì tôi thấy các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang chuyển đổi về nông nghiệp rất lạc quan. Như Hải Dương, hồi xưa nghèo lắm nhưng hiện nay Hải Dương đang đứng thứ 3 về thu nhập trên 1 héc-ta nông nghiệp, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhờ xuất khẩu cà rốt và các loại rau vụ đông cho các nước lớn, thu ngoại tệ rất cao dù diện tích rất nhỏ. Tôi rất tâm đắc câu: “Nếu không làm được điều vĩ đại thì hãy làm điều nhỏ bằng cách làm vĩ đại”. Tôi ghi chép trong tập 3 những điều đó về đồng bằng sông Hồng.

►​ Vậy tâm huyết của tác giả với người trẻ ở bộ sách này là gì?

- Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là làm nông nghiệp không chỉ nên ở trong tháp ngà của phòng thí nghiệm. Mà hãy đi nhiều trên ruộng tiếp cận với nông dân. Học được nhiều lắm. Kiểm nghiệm lại lý thuyết nhiều lắm! Làm nông nghiệp phải có 2 điều, có kiến thức chuyên môn sâu và có thực tế.

Và phải hiểu rằng hạt gạo mình ăn, không chỉ là vấn đề an ninh lương thực. Lúa mình ăn nó còn là văn hóa, truyền thống dân tộc nữa. Ăn cơm là văn hóa. Câu hỏi: Mày ăn cơm chưa hàm ý mày khỏe không.

►​Dường như giáo sư lạc quan về ÐBSCL?

- Tôi rất lạc quan về ÐBSCL. Riêng ÐBSCL thì thỏa sức mà viết. Tôi am hiểu đồng bằng khá kỹ và khi viết tôi dùng phương ngữ là chính. Ðồng bằng mình có tiềm năng lớn lắm. Tôi ghi lại đánh giá của Viện Nông nghiệp Quốc gia Pháp (INRA) năm 2006, họ có một so sánh rất thú vị, nếu như nông sản của nước Pháp có khả năng phục vụ 450 triệu người tiêu dùng ở châu Âu/năm, thì riêng ÐBSCL của Việt Nam, lúa gạo, cây ăn quả nhiệt đới, rừng ngập mặn, thủy sản có thể phục vụ 900 triệu người tiêu dùng ở châu Á, theo mô phỏng sinh học. Cho nên những bài viết về ÐBSCL mỗi tỉnh một vẻ, không tỉnh nào giống tỉnh nào.

Người ta nói đồng bằng mình chỉ “lấy giạ đong lúa không lấy giạ đong chữ”. Ðó là chuyện xưa rồi. Nếu mình quan tâm tới chuyện học thì ÐBSCL sẽ lên rất nhanh. Và mình phải chấp nhận điều kiện thiên nhiên của đồng bằng. Ðây là vùng đất biển lùi, cao trình chỉ khoảng 0,6-0,7 mét so với mặt nước biển; đất sét rất nặng thuộc nhóm 2:1, nắng thì co lại, mưa thì giãn ra, không có cây trồng nào có thể phát triển mạnh bằng cây lúa.

Nể nhứt là kỹ năng của nông dân mình. Năm 2022, tôi sang Ấn Ðộ họp, đồng nghiệp tôi đánh giá cao nông dân Việt Nam với kỹ năng ấn tượng lắm; học cấp 1, 2 thôi mà biết điều khiển máy bay tự động, chế máy suốt lúa, máy gặt, máy cày… Kỹ năng đó không phải nông dân quốc gia nào cũng có. Không những tiếp thu cái mới rất nhanh, mà còn sáng tạo. Máy suốt lúa, máy sạ hàng, máy gặt lúa liên hợp được chế lại một cách hiệu quả. Người đồng bằng sống hòa hợp với nhau, không xét nét nghèo giàu, ai cũng có thể kiếm ra tiền nếu siêng năng. Quan hệ không dựa nhiều vào gia tộc như ở đàng Ngoài mà lấy bạn bè tâm giao làm gốc.

►​Chốt lại, có thể nói đi và học là để sống cho có ý nghĩa?

- Suy cho cùng chúng ta đang vừa sống, vừa tìm cách giải thích thế giới này để “Sống sao cho có ý nghĩa”. Trong sách, ý tưởng xuyên suốt là cuộc đời không có đích đến, chỉ có cuộc hành trình luôn tiếp diễn.

Huỳnh Kim (thực hiện)

Đã được đăng trên:

https://baocantho.com.vn/-oi-la-mot-cuoc-hanh-trinh--a168979.html