Đức Tuân
(Chinhphu.vn) - Không cải cách, đổi mới thì sẽ tự thụt lùi, lạc hậu; cải cách thì phải hành động quyết liệt, không chùn tay, nản chí. Thủ tướng muốn cả bộ máy hành chính cùng chuyển động.Tổng kết cải cách hành chính phải sát thực tiễn,...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, vì một nền hành chính phục vụ kiến tạo liêm chính phải nghiêm túc kiên quyết cải cách hành chính. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trước sự theo dõi các cán bộ, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt tinh thần “nói đi đôi với làm” và phải làm hết sức, trách nhiệm vì nhân dân.
Thủ tướng đánh giá công tác cải cách hành chính thời gian qua đã đạt một số kết quả bước đầu. Bộ máy đỡ chồng chéo hơn, bớt giao thoa chồng lấn, thể chế đổi mới hơn.
Bên cạnh đó, tin học hóa áp dụng tại một số bộ, ngành, địa phương, giúp cho cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ, như thuế, hải quan, điện, thủ tục đất đai, giấy phép đầu tư. Bước đầu xây dựng thành phố thông minh ở một số nơi như TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội. Một số địa phương đã đặt ra chỉ số hài lòng của người dân; trung tâm dịch vụ hành chính công; văn bản giải quyết thủ tục qua mạng và trả tận nhà. Những mô hình nay tuy chưa phổ biến, nhưng là tốt, có thể nghiên cứu nhân rộng.
Bộ máy đông nhưng chưa mạnh
Tuy nhiên, “Chúng ta phải có thái độ, trách nhiệm trước nhân dân về những tồn tại, bộ máy cồng kềnh, thể chế còn phức tạp. Trong đội ngũ còn nhiều cán bộ, viên chức, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực. Bệnh quan liêu chưa giải quyết được”, Thủ tướng nêu rõ. Cán bộ công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, chưa hết lòng phục vụ nhân dân. Còn nhiều trường hợp có tình trạng xin-cho, nhũng nhiễu dân, nhất là những cấp liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng quán triệt mọi cấp, ngành, cơ quan đều phải làm cải cách hành chính. Không cải cách đổi mới thì chúng ta tự thụt lùi, lạc hậu. Thời gian tới, phải cải cách mạnh mẽ đồng bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh xếp trong nhóm đầu ASEAN, xóa bỏ mọi rào cản để phát triển sản xuất kinh doanh.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nêu ra đầu tiên là giải pháp về con người. Đó là cán bộ phải giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục vụ nhân dân, phải thấm nhuần 3 xin là "Xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn" cũng như cả xin lỗi.
“Thậm chí Thủ tướng mà đi vào đường phố, mặc dù đã đi trước, đi bộ hàng cây số rồi, xe vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết được. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm", Thủ tướng nhắc lại sự việc đoàn xe tháp tùng đi vào phố đi bộ ở Hội An vừa qua.
Thủ tướng nêu rõ, việc thi tuyển công chức để chọn người tài, có phẩm chất đạo đức vào bộ máy hành chính là rất quan trọng. Đi liền đó là xã hội hóa mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công lập.
“Cải cách hành chính thời gian tới là nhiệm vụ nặng nề để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ nói riêng và cả bộ máy hành chính Nhà nước nói chung, cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Công việc này không dễ dàng, vì bản chất là thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức của từng cá nhân trong bộ máy công quyền”, Thủ tướng nêu rõ.
Thay đổi tư duy đẩy việc khó về phía người dân
Thủ tướng cho rằng trước đây chúng ta chỉ quan tâm ban hành chính sách quản lý chặt chẽ mọi mặt xã hội, theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, chưa quan tâm đến đối tượng chịu tác động cũng như ảnh hưởng của chính sách đó trong xã hội; cái dễ thì dành cho cơ quan nhà nước còn cái khó thì đẩy về phía người dân. Tư duy này không thể kéo dài. Bối cảnh hiện nay hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ và các cơ quan hành chính phải là "bà đỡ" cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Đây là điều kiện để phát triển.
Vì vậy phải tập trung cao nhất hoàn thiện thể chế, hạn chế tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho, loại bỏ sự can thiệp của cơ quan chức năng vào hoạt động của doanh nghiệp, thông qua minh bạch, công khai hóa mọi thủ tục hành chính.
Về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải luôn toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chung của đất nước. Mọi chính sách, mọi việc làm của cán bộ công chức đều phải vì lợi ích của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối. Các thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ công chức các cấp chính quyền đều phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch, không vì lợi ích cá nhân. Việc ích nước lợi dân thì phải kiên quyết làm, việc chỉ đem lại lợi ích cho riêng bản thân thì phải kiên quyết từ chối.
Chính phủ phải quản lý bằng pháp luật, bản thân Chính phủ đó cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đây là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất cứ cán bộ công chức nào đều phải nghiêm túc thực hiện pháp luật, phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Mọi việc làm phải công khai minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình. Trong đó cán bộ là khâu then chốt, do đó phải lựa chọn cán bộ có năng lực, đủ phẩm chất để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Và khi có sai phạm dù cấp nào cũng phải xử lý nghiêm.
Để làm việc này phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức, từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm. Có chính sách phù hợp để thu hút, sử dụng người tài.
Đi liền với đó là thực thi nghiêm túc việc tinh giản biên chế, gắn với cải cách tiền lương, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu.
“Khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử. Việc này nói thì dễ nhưng làm rất khó. Phải làm sao qua mạng, từ Thủ tướng tới Bộ trưởng đến Chủ tịch UBND các cấp đều biết được, quản lý được toàn bộ quy trình xử lý văn bản của cả hệ thống. Cán bộ, chuyên viên ai làm chậm, ai ngâm văn bản lâu, ai làm tốt, làm nhanh, chính xác đều phải công khai. Việc này giúp cho công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và qua mạng này, người dân có thể tham gia phản biện, góp ý với cơ quan nhà nước. Tôi đang cầm cái máy điện thoại này, bao nhiêu cán bộ nhũng nhiễu người ta đều nhắn tin cho Thủ tướng biết hết”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề xã hội hóa, Thủ tướng nhấn mạnh những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm. Tổ chức bộ máy cần phải gọn nhẹ, hiệu quả hơn, qua đó, giúp tinh giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách. Làm rõ thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. “Việc nào thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thì các đồng chí phải làm chứ không đẩy lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng ký vào đó để các đồng chí đỡ trách nhiệm. Thủ tướng, Phó Thủ tướng thức đến 12h đêm là chuyện bình thường, quá nhiều giấy tờ phải đọc. Làm sao chúng ta tập trung trí tuệ làm thể chế, chứ ký việc này việc kia còn nhiều quá. Cần tiếp tục làm rõ, phân cấp rõ việc này hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng bày tỏ.
Chính phủ và chính quyền địa phương phải hành động quyết liệt. Cải cách thì phải hành động quyết liệt, chứ chùn tay, nản chí thì không làm cải cách được.
Thủ tướng yêu cầu cần đổi mới tư duy, từ Chính phủ đến cán bộ công chức cấp cơ sở đều phải hành động quyết liệt, làm việc tận tụy, hết mình vì sự nghiệp chung, lời nói đi đôi với việc làm, không nói suông, không hứa hẹn rồi lãng quên. Đó chính là Chính phủ nghiêm minh, có kỷ cương, kỷ luật. Mọi kế hoạch, chiến lược đề ra đề phải có lộ trình, thời gian cụ thể, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể. Thủ tướng nhấn mạnh “còn biết bao nhiêu việc mà người dân đang mong chờ chúng ta phải hành động”.
Không phải vì việc nhỏ mà không quan tâm
“Tôi có nói trước Quốc hội là phải chăm lo cho con cháu chúng ta trong học hành, trong đó có việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các nhà vệ sinh ở trường học. Nhiều ý kiến rằng việc nhỏ anh đưa ra Quốc hội làm gì. Việc nhỏ nhưng thiết thực với dân chúng ta phải làm. Nhân đây, tôi cũng hoan nghênh TP. Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đã đặt vấn đề này, bỏ ra nhiều tỉ đồng bằng các nguồn lực khác nhau để làm việc thiết thực cho con em chúng ta, cho người dân chúng ta. Cái đó phải cải cách đổi mới, việc nhỏ mà liên quan tới dân, chúng ta cần phải quan tâm”, Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ phục vụ.
Theo Thủ tướng, cần thay đổi tư duy quan liêu, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ. Bộ máy hành chính hoạt động bằng tiền thuế của dân, do đó phải phục vụ người dân, phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá mọi cơ chế, mọi chính sách được ban hành và thực hiện đều lấy sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp làm mục đích tối thượng. Phải chấp nhận khó khăn về phía nhà nước, về phía cán bộ quản lý đồng thời phải tạo được thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả việc giảm thanh tra, kiểm tra, điều tra đột xuất. Chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thực hiện kiểm tra liên ngành mỗi năm một lần. “Không thể làm tùy tiện, doanh nghiệp bị thanh tra không còn hồn vía nào để sản xuất kinh doanh, dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu”, Thủ tướng cho biết.
Trân trọng từng đồng tiền bát gạo của dân
Các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương cần thực hiện đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn. Chính vì thế, chính quyền phải gần dân, hiểu dân, phục vụ tốt nhất ý muốn của người dân, doanh nghiệp.
“Cũng liên quan tới vấn đề này, tôi nhấn mạnh với các đồng chí, Chính phủ phục vụ không phải Chính phủ hưởng thụ. Không phải dân nộp thuế để ta muốn làm gì thì làm, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công để từng đồng tiền thuế của dân đều phải sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của xã hội. Mọi khoản chi tiêu công do ngân sách nhà nước cấp phải bảo đảm đúng quy định công khai, minh bạch. Chúng ta không thể vô trách nhiệm trước đồng tiền hạt gạo của dân. Đó là cải cách hành chính công, một nội dung quan trọng của cải cách hành chính”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, cần gương mẫu nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hình thức.
“Nhân đây tôi cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng không tặng hoa, không chúc mừng thành viên Chính phủ khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Tôi mong rằng, mỗi việc làm tuy nhỏ nhưng tạo thành ý thức lớn trong toàn xã hội để chống xa hoa, lãng phí, hình thức, cái gì cũng dùng tiền ngân sách cả, có phải tiền túi đâu, đó chính là cải cách hành chính công, tài chính công một cách thiết thực hiệu quả”.
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phải có chương trình hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cách làm và đặc biệt xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt.
Bài đã đăng tại:
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-muon-lay-chuyen-bo-may/284253.vgp