Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

CHUYỆN DÀI… RÁC THẢI Ở CẦN THƠ: Kẻ no, người đói... rác

Nhiều cụm đô thị vùng ĐBSCL chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch bãi đổ, khu xử lý rác. Ảnh: NGỌC TÙNG

 

Ngọc Tùng
(TBKTSG) - Thiếu bãi thải và xử lý rác, thành phố Cần Thơ đang dồn ứ khoảng 2.500 tấn rác, trong khi mỗi ngày nội ô vẫn phải thải 400-500 tấn nữa. Bên kia cầu Cần Thơ, dù có nhà máy xử lý rác đang hoạt động dưới công suất, tỉnh Vĩnh Long lại không cho Cần Thơ sang... cung cấp rác.

Nội ô Cần Thơ “bội thực” rác

Rác thải ở Cần Thơ bắt đầu ùn ứ từ khi người dân khu vực bãi rác tạm Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn) kéo nhau chặn không cho xe vận chuyển rác của Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Cần Thơ (gọi tắt là Công ty CTĐT Cần Thơ) về đổ rác hôm 20-4. Người dân sống ở khu vực này nói họ đã hết chịu nổi mùi hôi thối, ruồi nhặng, nước rỉ do rác. Họ yêu cầu lãnh đạo thành phố về đây sống một thời gian để chia sẻ nỗi khổ của dân chúng nếu muốn tiếp tục đổ rác tại bãi rác lộ thiên này.

Trước tình thế đó, ngày 21-4, Công ty CTĐT Cần Thơ đã cấp tốc ký hợp đồng cung cấp khoảng 300 tấn rác/ngày với Nhà máy Xử lý rác Phương Thảo (tọa lạc tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Hợp đồng này được xem là lối thoát cho Cần Thơ giải tỏa rác. Tuy nhiên, hợp đồng vừa nêu chỉ “sống” được vẻn vẹn năm ngày do UBND tỉnh Vĩnh Long gửi công văn cho UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu ngưng thực hiện. Họp báo giải thích việc này, ông Trương Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - người ký công văn, cho rằng nhà máy rác Phương Thảo chưa đủ các điều kiện hoạt động, rác của Cần Thơ sao lại bắt Vĩnh Long phải chịu đựng ô nhiễm.


Thế là Cần Thơ chỉ còn đường duy nhất là đổ rác phân tán tại các bãi rác ở huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt và “phục hồi” bãi rác cũ đã quá tải từ lâu ở phường Ba Láng, quận Cái Răng. Song, cư dân quanh bãi rác này lại tiếp tục phản kháng vì từ lâu nó đã gây ô nhiễm nặng. 


Đã diễn ra cảnh dồn ứ rác khắp nội ô và cảnh xe chở rác phải chạy lòng vòng kiếm chỗ đổ tạm. Theo ông Nguyễn Quốc Bửu, Giám đốc Công ty CTĐT Cần Thơ, các bãi rác tạm ở ven đô hiện nay không đủ sức chứa và điều kiện vận chuyển cũng khó khăn cả về cự ly lẫn tải trọng cầu đường không cho phép. Trong khi đó, theo những người trực tiếp thu gom và vận chuyển rác thuộc Công ty CTĐT Cần Thơ, nếu tình trạng này kéo dài, mấy ngày tới, rác từ Cần Thơ không biết đổ đi đâu!


Nhà máy ở Vĩnh Long lại đang...“đói”

Nhà máy Xử lý rác Phương Thảo (tỉnh Vĩnh Long) chỉ cách Cần Thơ khoảng 20 ki lô mét vừa phải đóng cửa vì không còn được Công ty CTĐT Cần Thơ cung cấp rác. Bà Liêu Cát Phương Thảo, chủ đầu tư Nhà máy Xử lý rác Phương Thảo, bức xúc cho rằng UBND tỉnh Vĩnh Long đã không tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động, nay lại tiếp tục gây khó khi nhà máy nhận rác từ Cần Thơ. “Họ muốn ép cho nhà máy phải đóng cửa”, bà Thảo nói. 

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Vĩnh Long, Nhà máy Phương Thảo còn trong quá trình hoạt động thử nghiệm, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường thì các chỉ tiêu về môi trường chưa đạt và các yêu cầu về trình tự thủ tục chưa hoàn tất.


Về vấn đề này, theo bà Thảo, thời gian vận hành thử nghiệm, từ ngày 1-4 đến 1-10-2013, đã kết thúc. Nhà máy cũng đã mời đơn vị chuyên môn (bên thứ ba) giám định độc lập để đảm bảo sự khách quan nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long không chấp nhận kết quả. Bên cạnh đó, nhà máy có công suất xử lý 300 tấn rác/ngày, nhưng lượng rác do các đơn vị tại Vĩnh Long cung cấp ở những thời điểm cao nhất cũng không đủ công suất và có tới hai phần ba là rác cũ (rác đã đổ tại bãi rác từ nhiều năm trước). Về giá, bà Thảo cho biết, đơn giá xử lý rác Vĩnh Long áp dụng với Nhà máy Phương Thảo là từ 220.000-240.000 đồng/tấn, để tránh lỗ, nhà máy đã đề nghị tăng lên 320.000 đồng/tấn nhưng chưa được thực hiện.


Bà Thảo phân trần, lỗ lã lũy kế quá lớn nên nhà máy đã ngưng nhận rác của Vĩnh Long từ cuối năm 2013 để chốt lỗ. “Hợp đồng nhận rác từ Cần Thơ là để giảm việc xuống cấp nhà máy do ngừng hoạt động dài ngày, đồng thời cũng là cách hỗ trợ Cần Thơ giải quyết lượng rác thải mới phát sinh hàng ngày, nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long lại tiếp tục ngăn”, bà Thảo nói.


Quy hoạch đô thị thiếu... tầm

Sau khi tách tỉnh Hậu Giang vào năm 2004, thành phố Cần Thơ - thành phố loại 1 trực thuộc trung ương - vẫn an phận “đậu nhờ” việc đổ rác thải tại bãi rác Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Mười năm sau, đầu năm 2014, Tân Long đã ngưng tiếp nhận rác từ Cần Thơ vì người dân và chính quyền tỉnh Hậu Giang “hết chịu nổi” cảnh ô nhiễm. Trong mười năm dài ấy, Cần Thơ vẫn loay hoay với việc quy hoạch và đầu tư khu xử lý rác riêng cho nên phải dồn rác thải từ nội thị ra các quận, huyện ven đô nhờ... chịu đựng giùm.

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại khu vực kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ. Theo quy hoạch đã được phê duyệt hồi cuối năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, Cần Thơ có hai khu xử lý chất thải rắn với tổng diện tích gần 170 héc ta được xây dựng tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai. Tuy vậy, tới thời điểm này, khu xử lý chất thải rắn Ô Môn vẫn là một bãi rác lộ thiên, ô nhiễm nặng nên người dân đã phản ứng như đã nêu trên. Còn khu xử lý rác ở huyện Thới Lai, theo Sở Xây dựng Cần Thơ, cả ở giai đoạn 1 chỉ với 2 héc ta, cũng chưa thể hoạt động được trong năm nay.


Mùa mưa đang tới, ngoài nỗi lo ứ rác, người dân Cần Thơ còn phải gồng mình chịu đựng tình trạng nước thải sinh hoạt, công nghiệp... tràn ngập nhiều tuyến đường, khu phố mỗi đợt triều dâng. Theo một đại diện của Sở Xây dựng Cần Thơ, khi cơ quan này còn chưa cập nhật được hồ sơ hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị, thì chuyện nước thải ngập phố đương nhiên là do... triều cường.


Môi trường sống ở Cần Thơ, đang ngày càng bị uy hiếp từ nhiều phía. Người dân các quận trung tâm Cần Thơ vẫn sẵn sàng đóng phí thải rác hàng tháng từ 10.000-30.000 đồng/hộ tùy lượng rác thải. Ngoài ra, người sử dụng nước máy còn phải trả thêm phí nước thải 500 đồng/mét khối mà từ tháng 2-2014 phí này đã chuyển thành “phí bảo vệ môi trường”.


@ Đã đăng TBKTSG Online 2-6-2014:

http://www.thesaigontimes.vn/115521/Ke-no-nguoi-doi-rac.html

CHUYỆN DÀI… RÁC THẢI Ở CẦN THƠ: Người dân phản ứng, Cần Thơ cam kết sớm làm tiếp nhà máy xử lý rác



(TBKTSG Online) - UBND Thành phố Cần Thơ chiều nay (9-5) cho biết đang tìm nguồn vốn hơn 200 tỉ đồng để đền bù giải tỏa làm tiếp giai đoạn 2 dự án nhà máy xử lý rác tại Quận Ô Môn, sau khi người dân đã chặn xe chở rác vào nhà máy giai đoạn 1 trong nhiều ngày qua nhằm phản ứng tình trạng ô nhiễm môi trường và chuyện "quy hoạch treo giai đoạn 2 nhà máy".

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 9-5-2015.


Tại buổi họp báo đột xuất vào lúc 16 giờ chiều nay, đại diện chính quyền thành phố cho biết sẽ sớm triển khai giai đoạn 2 dự án vào tháng 7-2015, sau khi đã ngưng dự án này trước đó vì thiếu vốn.
Chính quyền thành phố sáng nay gởi thư khẩn đến các cơ quan truyền thông mời tham dự buổi họp báo đột xuất này để đưa ra cam kết vì từ hôm 4-5 tới nay, hàng chục hộ dân ở Phường Phước Thới (Ô Môn) đã chặn không cho xe đổ rác cung cấp rác cho lò đốt rác đang chạy giai đoạn 1 nơi đây, buộc xe rác phải đổ ở bãi tạm, gây ô nhiễm môi trường và có thể làm ùn tắc nguồn rác thải khoảng 500 tấn/ngày trong nội ô Cần Thơ.


Ông Nguyễn Quang Nghị, Chánh văn phòng UBND Thành phố Cần Thơ, cho biết người dân nơi đây đặt ra bốn câu hỏi chính: Vì sao dừng dự án này trong khi đã có quy hoạch từ trước? Khi nào làm tiếp? Ai bồi hoàn thiệt hại hoa màu trong vùng đã quy hoạch? Vì sao lò đốt rác giai đoạn 1 vẫn gây ô nhiễm đời sống người dân?. Nếu không giải quyết được bốn vấn đề này, người dân cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy rác đang chạy, ông Nghị nói.


"Bà con phản ảnh là đúng, UBND thành phố sẽ tìm vốn, tìm nhà đầu tư làm tiếp", ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, nói tại họp báo. Ông Dũng cho biết UBND Thành phố Cần Thơ vừa mới họp xong ngay trước cuộc họp báo này và quyết định chiều mai, 10-5, tại Quận Ô Môn, sẽ mời hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi giai đoạn 2 dự án này để trả lời cụ thể từng việc người dân đặt ra.
Theo ông Đào Anh Dũng, đến tháng 7-2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Cần Thơ phải tìm được nguồn vốn hơn 200 tỉ đồng để đền bù giải tỏa, làm tiếp 27 hecta giai đoạn 2 dự án. Thành phố sẽ bồi thường cây trồng, hoa màu, nhà cửa theo biên bản đã được kiểm kê.


Về công nghệ đốt rác của nhà máy đang chạy, thành phố giao Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng và UBND Quận Ô Môn thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư hạn chế thấp nhất ô nhiễm; về lâu dài sẽ tìm công nghệ mới thay thế.


Ông Đào Anh Dũng đề nghị người dân không nên ngăn cản xe vào nhà máy vì hành vi này là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, đây là khu xử lý rác ở giai đoạn 1, không ảnh hưởng đến đất đai, nhà cửa của người dân ở giai đoạn 2 của dự án.


Trước đó, ngày 4-5, UBND Quận Ô Môn họp dân thông báo dừng dự án giai đoạn 2, và điều này khiến người dân phản ứng bằng cách chặn xe rác. Trả lời báo chí về lý do Quận Ô Môn ra thông báo như trên, ông Đào Anh Dũng nói: "Đầu năm 2015, cân đối nguồn thu rất căng nên thành phố có chủ trương dừng dự án nào chưa bức xúc, đồng thời tìm nhà đầu tư mới với công nghệ xử lý rác phù hợp hơn cho dự án này".


Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải Phước Thới khởi công ngày 24-2-2010 trên 47 hecta (giai đoạn đầu 20 hecta), do Công ty Ecotech (Hà Nội) làm chủ đầu tư với công nghệ lò đốt tự nhiên, giai đoạn 1 đốt bảy lò với công suất 350 tấn/ngày.


Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Cần Thơ, đây là dự án ngắn hạn, và Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải công nghệ hiện đại, có thể xử lý được tới 2.900 tấn rác/ngày vào năm 2020 chứ không phải chỉ 500 tấn/ngày như hiện nay.
 

@ Đã đăng TBKTSG Online 9-5-2015:
http://www.thesaigontimes.vn/130088/Nguoi-dan-phan-ung-Can-Tho-cam-ket-som-lam-tiep-nha-may-xu-ly-rac.html