Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Liên kết vùng ĐBSCL còn nằm… trên giấy!


Trung Chánh


Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội nghị hôm nay, 5-11 Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Vấn đề liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được đặt ra từ rất lâu, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ có đề án và Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương thí điểm, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn nằm… trên giấy, theo ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre.

Tại hội nghị “Giao ban hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về liên kết vùng” được tổ chức ở Bến Tre vào ngày hôm nay 5-11, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đặt vấn đề: “Vì sao liên kết vùng trở thành vấn đề sống còn của ĐBSCL? Làm thế nào, cơ chế nào để thực hiện mục tiêu liên kết đó?”.

Theo ông Hạo, ở trên là những câu hỏi lớn mà rất nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn đã đề cập đến, nhưng chưa lần nào các cơ quan quyền lực cùng các địa phương trong vùng trao đổi với nhau về vấn đề này.

Theo ông, ngoài các lợi thế về nông, thủy sản, ĐBSCL còn được biết đến là vùng có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp chế biến nông thủy sản, năng lượng tái tạo...

Tuy nhiên, hiện ĐBSCL lại là vùng “trũng” của cả nước ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư… “Đặc biệt, vùng này đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt, trong khi đó, nguồn lực tài chính lại yếu kém, trừ thành phố Cần Thơ, còn lại tất cả các địa phương khác đều phải lệ thuộc vào ngân sách trợ cấp của Trung ương”, ông Hạo cho biết.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Hạo “hành động” liên kết vùng - vốn được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL - lại tồn tại nhiều bất cập, chủ trương liên kết còn nằm trên giấy; chưa có cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm nhằm tạo sự phát triển lan tỏa trong vùng; sự kết kết giữa các địa phương còn hạn chế, thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh gây bất lợi cho phát triển trong nội vùng…

Theo ông Hạo, nói như vậy không có nghĩa là không có chương trình liên kết diễn ra, nhưng kết quả nhìn chung còn rất mờ nhạt. “Nhiều năm qua, với sự tác động, giúp sức của Trung ương, chúng ta (ĐBSCL) cũng có những mô hình liên kết song phương, đa phương mà tiêu biểu là Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, tuy nhiên, sản phẩm liên kết sau diễn đàn này vẫn chưa thấy rõ”, ông dẫn chứng.

Theo ông Hạo, từ những thực trạng được nêu ra ở trên cùng với hạn chế trong tư duy nhận thức đã tạo ra những lực cản cho liên kết vùng, làm chậm quá trình phát triển của từng địa phương cũng như việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng của khu vực.

Trong khi đó, ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho biết ngoài "nút thắt" do quy định của luật hiện nay, thì việc liên kết vùng ở ĐBSCL thời gian qua chưa đi vào thực tế còn do các tỉnh/thành trong vùng vẫn có tư duy quá chú trọng vào lợi ích riêng của địa phương. “Ai cũng tận dụng mọi cơ hội, mọi nguồn lực để phát triển cho kinh tế-xã hội riêng của địa phương mình, thì làm sao liên kết trên bình diện toàn vùng được”, ông nêu vấn đề.

Trước thực trạng liên kết diễn ra quá chậm chạp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu các địa phương phải hành động ngay, chứ không cần chờ bàn bạc, chỉnh sửa rồi mới đưa vào triển khai thực hiện. “Bây giờ phải đẩy mạnh ngay, chứ mà còn ngồi bàn phải làm như thế nào sẽ rất lâu. Bàn riết tôi sợ không thực hiện được. Chúng ta phải hành động và trong khi làm vướng chỗ nào, thì sửa chỗ đó”, ông cho biết.

Bài đăng tạ:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153502/

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Mời DN Nhật đến Cần Thơ để giới thiệu, kêu gọi đầu tư


Trung Chánh


Ông Trương Quang Hoài Nam (đứng), Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) –  “Đưa đoàn đi nước ngoài xúc tiến, kêu gọi đầu tư là tốt, nhưng không thể nào bằng mời họ (doanh nghiệp) đến tìm hiểu về văn hóa, kinh tế và được nghe chính những doanh nghiệp đã đầu tư chia sẻ. Theo tôi, đó mới là cách giới thiệu, kêu gọi đầu tư khôn ngoan”, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, nhận định.

Trưa nay 1-11, phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu “Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam-Nhật Bản lần 2 tại Cần Thơ” được tổ chức tại địa phương này, ông Trương Quang Hoài Nam, cho rằng rằng sự khác biệt về văn hóa là rào cản lớn trong thu hút vốn đầu tư của Nhật vào Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

Theo ông Nam, những năm qua, Cần Thơ đã đầu tư rất nhiều về hạ tầng giao thông, xây dựng khu công nghiệp, y tế, giao dục…, để hỗ trợ các nhà đầu tư, “Nhưng, chính sự khác biệt về văn hóa như đã nói khiến cho việc thu hút đầu tư chưa thật sự như mong muốn”.

“Vậy làm sao để doanh nghiệp Nhật biết đến và hiểu thêm về Cần Thơ?”, ông Nam nêu câu hỏi và cho rằng việc đưa đoàn đi nước ngoài để xúc tiến, mời gọi đầu tư là tốt, nhưng không thể nào bằng mời doanh nghiệp Nhật trực tiếp đến tìm hiểu văn hóa, kinh tế và được nghe chính những doanh nghiệp đã đầu tư chia sẻ. “Theo tôi, đó mới là cách giới thiệu, kêu gọi đầu tư khôn ngoan”, ông cho biết.

Ông Sasaki Noriyuki, Tổng giám đốc Tập đoàn Brainworks Asia, cho rằng trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia được doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư nhiều nhất, nhưng chủ yếu lại tập trung ở TPHCM và Hà Nội. “Còn với khu vực ĐBSCL thì hầu như rất ít, bởi những thông tin về khu vực này chưa được doanh nghiệp chúng tôi (Nhật Bản) biết đến”, ông Sasaki Noriyuki giải thích.

Thực tế, theo thừa nhận của ông Nam, đầu tư của Nhật vào Cần Thơ thời gian qua rất là khiêm tốn. “Nếu như Cần Thơ thu hút được 1 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, thì từ Nhật chỉ khoảng 2,5 triệu đô la Mỹ thôi”, ông Nam dẫn chứng.

Tuy không đưa ra những con số cụ thể, nhưng ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng trong chín tháng đầu năm 2016, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ tư có số vốn và số dự án đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. “Ngoại trừ Long An, thì các tỉnh phía dưới này (của ĐBSCL) hầu như không có doanh nghiệp Nhật nào đầu tư vào”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo dự báo của ông Sasaki Noriyuki, với việc truyền tải thông tin lặp đi, lặp lại về ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng thông qua chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam-Nhật Bản tại Cần Thơ, thì sự nhận biết của doanh nghiệp Nhật về ĐBSCL sẽ nhiều hơn, qua đó, đầu tư của Nhật vào đây sẽ tăng lên thời gian tới. “Chúng tôi đang triển khai các hoạt động này với niềm tin chỉ 2-3 năm nữa, doanh nghiệp Nhật sẽ biết, quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào ĐBSCL”, ông cho biết.

Chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam- Nhật Bản lần  2 tại Cần Thơ sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13-11 với quy mô 70 gian hàng, trong đó, có 20 gian hàng giới thiệu văn hóa, sản phẩm Nhật Bản và 50 gian hàng của Việt Nam.


Trong khuôn khổ chương trình lần này sẽ diễn ra hai sự kiện quan trọng, gồm Hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL lần thứ IV với chủ đề “Cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển kỹ thuật thông minh” diễn ra vào ngày 11-11 và hội thảo “Kinh doanh châu Á-đem uy tín Nhật Bản vào kinh doanh” được tổ chức vào ngày 12-11.



Bài đăng tại:

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Trồng xoài qua mạng


Lê Minh Hoan


Cây xoài của mô hình được chọn sẽ được đánh mã số, khoanh vùng. Nguồn ảnh, theo http://xoaicaolanh.com.vn/-/mo-hinh-cay-xoai-nha-toi

(TBKTSG) - Hợp tác xã xoài Mỹ Xương ở miệt Đồng Tháp vừa cho ra mắt mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Vậy là từ nay, bà con khắp nơi dù không có đất trồng xoài, chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính đã có thể sở hữu một hoặc nhiều cây xoài để rồi có thể tự hào khoe với mọi người: cây xoài của nhà tui đây nhe! Một ý tưởng chắc là không mới của nước này, nước nọ, nhưng đối với xứ mình nó còn lạ lắm, còn hiếm lắm. Suy nghĩ vẫn vơ một hồi mới nhận ra nhiều điều thật thú vị chung quanh câu chuyện còn mới mẽ này...

Truyền thống bao đời nay ở xứ mình là nông dân trồng và thu hoạch nông sản rồi chở ra chợ hoặc nhà vựa để mà mua mua, bán bán. Có người thì ngồi trông chờ thương lái hay doanh nghiệp đến mặc cả, bán bán, mua mua.

Người ta gọi như vậy là bán nông sản thô. Giờ thì với mô hình mới này bà con mình sẽ “mua tận gốc, bán tận ngọn” rồi còn gì? Nhìn ở một góc độ khác thì tái cơ cấu nông nghiệp cũng là quá trình chuyển tăng trưởng dựa vào quy mô sản xuất - tức là thu lợi nhuận nhờ sản xuất với số lượng nhiều - sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tri thức. Đó là tiến trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp thành kinh doanh nông nghiệp và người nông dân sẽ chuyển thành nhà kinh doanh.

Nhân câu chuyện “Cây xoài nhà tôi”, ngẫm nghĩ lại cách ví von của một chuyên gia về hạn chế trong phương thức sản xuất của đất nước mình. Một sản phẩm như cái ly chẳng hạn, quy trình tạo ra nó có ba công đoạn: ban đầu là nghiên cứu mẫu mã, sau đó là sản xuất ra cái ly và sau cùng là tổ chức phân phối để cái ly ấy đến tay người dùng. Trong ba công đoạn nói trên, công đoạn hai đem lại giá trị gia tăng thấp nhất, công đoạn một và ba cần đến tư duy sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Còn nói theo ngôn từ của các nhà kinh tế học thì sản xuất là một chuyện nhưng biết thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường mới bảo đảm cho sản xuất bền vững và người sản xuất có thêm phần giá trị gia tăng trong khâu phân phối.

Trong thời đại của công nghệ số, người ta tận dụng mọi cơ hội buôn bán bằng thương mại điện tử. Từ ngôi chợ truyền thống gắn với hình ảnh “buôn gánh, bán bưng”, thiên hạ giờ đã mua bán trên một cái chợ khác gọi là kinh doanh trực tuyến trên “chợ ảo” hay là “chợ trên mạng”. Trên cái chợ này, người ta quảng cáo, rao hàng bằng hình ảnh trực quan, ký kết hợp đồng qua mạng rồi thanh toán cũng qua mạng. Tiện lợi và nhanh chóng biết chừng nào! Chỉ một lời rao qua mạng là cả thế giới đều nhận được và trong số đó sẽ có những phản ứng tích cực từ người tiêu dùng. “Cây xoài nhà tôi” cũng bước đầu đi theo hướng đó.

Nhằm tạo ra giá trị gia tăng, giúp nhà vườn tăng thu nhập, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Với mô hình này, những cây xoài của xã viên sẽ được giới thiệu lên trang web của đơn vị (http://xoaicaolanh.com.vn/-/mo-hinh-cay-xoai-nha-toi). Người mua ưng ý một hoặc nhiều cây xoài, sẽ làm hợp đồng sở hữu trong thời gian nhất định. Theo đó, bên bán sẽ có trách nhiệm chăm sóc cây xoài theo tiêu chuẩn Viet/GAP, khách hàng có thể theo dõi thông tin cập nhật hàng tuần về cây xoài của mình, đến mùa thu hoạch sẽ được hưởng toàn bộ nguồn lợi từ cây.

Nhìn ở góc độ khác thì mô hình “Cây xoài nhà tôi” chính là tạo mối liên kết không qua trung gian giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Mô hình mới nếu vận hành tốt chính là cách để tăng số lượng người tiêu dùng. Và theo quy luật cung cầu của thị trường thì để một sản phẩm có giá cao thì hoặc là “giảm cung” hoặc là “tăng cầu”. Cách bán hàng càng phong phú, càng tiện lợi, càng thông minh chính là góp phần “tăng cầu”, tăng đối tượng tiêu dùng nhờ đa dạng hóa nhu cầu của thị trường. Nói cách khác, phải có kỹ năng bán hàng sao cho người ta dù chưa muốn mua nhưng vì thấy hay, thấy lạ, thấy tiện ích nên phải bỏ tiền ra mua cho được. Mua không chỉ để ăn, mà còn để khoe, để biếu, để tặng.

Câu chuyện “Cây xoài nhà tôi” còn một điều thú vị với góc độ văn hóa, văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng. Người nông dân không chỉ bán cây xoài mà còn bán sự cam kết của mình với khách hàng bằng một quy trình sản xuất an toàn, bằng hình ảnh của một người sản xuất tử tế, có văn hóa. Người tiêu dùng không chỉ mua những trái xoài ngon, sạch mà còn trân trọng đón nhận ở đó tấm lòng và công sức của người nông dân. Vậy là hai loại văn hóa gặp nhau, vượt lên mối quan hệ mua bán thông thường để trở thành mối quan hệ thấu hiểu và chia sẻ. Người mua trân trọng giá trị do người bán tạo ra; ngược lại, người bán trân trọng tấm lòng của người mua. Từ mối quan hệ mua bán, một sản phẩm hữu hình biết đâu có thể chuyển hóa thành một sản phẩm vô hình, đó chính là “nghĩa”, là “tình”. Ông bà mình có câu ca dao bình dị mà đầy tính nhân văn: “Tin nhau buôn bán cùng nhau/Thiệt hơn, hơn thiệt, trước sau như lời”.

Chắc cũng có người nói lại, chuyện “Cây xoài nhà tôi” có gì mà làm dữ vậy. Đúng rồi, mô hình chỉ mới bắt đầu từ những người nông dân mà. Rồi đây, nếu được sự chăm chút hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự tương tác của xã hội, chắc chắn nó sẽ được hoàn thiện như một điểm sáng trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp. Chiều sâu của mô hình này chính là bắt đầu có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của những người nông dân xứ mình rồi. Một nền nông nghiệp thông minh cần lắm những nông dân sản xuất thông minh và kinh doanh thông minh. Thay đổi nhỏ kết quả lớn là như vậy đó.

Ước gì mai này sẽ có tiếp những “Cây nhãn nhà tôi”, “Cây quýt nhà tôi”, “Cây ổi nhà tôi” nữa. Ước gì... Ước gì! 

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153087/