Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Chuyện hai người


Hai cô gái trẻ đẹp và một người đàn ông trung niên ngồi chỗ lưng chừng núi nhìn ra biển bàn “chuyện hai người”.
Một cô đang yêu, một cô vừa có chồng và người đàn ông đã có vợ con. Họ quy ước với nhau là chỉ nói về trải nghiệm hoặc suy ngẫm của mình chứ không bình luận gì cả.

 



Câu hỏi họ đặt ra: “Có phải muốn có tình yêu và hôn nhân bền vững thì hai người phải nên hòa thành một?”.
Cô gái vừa có chồng kể:
- Ông xã em thích nhậu nên hay lai rai mỗi ngày sau khi tan sở. Em biết là ông ấy chỉ nhậu với bạn bè nhưng đôi khi nhậu về trễ thấy ổng hơi là lạ. Cho nên lúc đầu em chỉ nhắc là anh nhậu vừa thôi để giữ gìn sức khỏe và đừng có về trễ, vì mình vẫn nghĩ đó là niềm vui riêng của chồng, mình phải tôn trọng. Nhưng càng về sau, em hay nghĩ lung tung. Rủi mà ổng không chỉ lai rai với bạn bè mà còn đi “tăng hai, tăng ba” gì đó nữa thì sao? Thế là em “bắt buộc” ổng không được về nhà trễ như vậy nữa. Ổng cũng nghe nhưng đôi lúc cũng về trễ và thấy hổng có vui vì cái sự bắt buộc của mình. Như vậy, nếu chồng chịu “hy sinh” thú vui riêng để hòa mình với vợ thì chỉ có vợ vui, còn chồng miễn cưỡng và ngược lại. Vậy hai người nên “hòa thành một” làm sao đây? Còn nếu không “hòa thành một” thì mạnh ai nấy sống hay sao?
Cô gái đang yêu nói:
- Ai cũng có “cái tôi” to đùng. Theo em, có những cái chỉ là thế giới riêng của mỗi người, có những cái khác nên biết chia sẻ với nhau. Chuyện gì chia sẻ với nhau được thì coi như là đã “hòa thành một”. Nhưng khó nhất là có nhiều cái mình không biết được đâu là ranh giới và càng khó hơn là mình không làm được. Những lúc đó thường là cãi nhau hoặc giận nhau và ai cũng nói “em phải thế này” hoặc “anh phải thế kia”, vì ai cũng thấy mình đúng. Kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần “cái tôi” ấy thì rất dễ chia tay nhau.
Rồi cô đúc kết:
- “Yêu nhau là không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” cần được sửa lại cho hợp với thời nay: “Yêu nhau là phải biết nhìn nhau và cùng nhìn về một hướng”.
Người đàn ông trung niên nhìn ra mặt biển êm đềm dưới chân núi, kể:
- Bà xã tôi thích xem phim bộ trên ti vi mà không thích xem thời sự, còn tôi thì ngược lại. Tôi hay nhắc bà xã nên xem thời sự cho biết tin tức mỗi ngày. Thường thì bà xã im lặng hoặc đôi khi có mở chương trình thời sự xem qua. Một hôm, khi nghe tôi nhắc, bà xã mới nhẹ nhàng hỏi lại: “Vậy chớ em có kêu anh phải xem phim bộ cho vui hông?”. Trời đất, câu hỏi nhẹ re vậy mà tôi không biết trả lời làm sao, vì ngẫm nghĩ thấy bà xã vừa có lý vừa có tình, còn mình chỉ có lý mà thiếu tình.
Nghe chuyện của người đàn ông, cả hai người con gái đẹp cùng “à” lên, chợt cô gái có chồng la lên: “Có lý quá hén!”. Nhưng chỉ một giây sau, cô ấy lại nói: “Nhưng mà em không để cho ông xã em tự do đi nhậu hoài như vậy đâu!”.


 

* Mời đọc thêm trên Báo Phụ nữ TPHCM:
http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/goc-dan-ong/chuyen-hai-nguoi/a73335.html

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Vì sao lúa lai không có ở ĐBSCL?



ĐBSCL đã thử nghiệm lúa lai từ lâu nhưng không thành công. Vậy lúa lai khác với lúa thuần như thế nào và vì sao lâu nay lúa lai chỉ được trồng ở miền Bắc là chính và không cho gạo xuất khẩu được? Chúng tôi vừa ghi nhận ý kiến của một số nhà khoa học nông nghiệp...

 
* PGS.TS BÙI BÁ BỔNG - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT): “Không nên tăng diện tích lúa lai”

 
Hiện nay diện tích trồng lúa lai cả nước khoảng 700.000 hecta, trong đó về lúa giống, ta tự sản xuất được 30%, nhập khẩu 70% từ Trung Quốc. Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo không phải dựa vào lúa lai. Lúa xuất khẩu của Việt Nam là lúa thuần từ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Lúa lai chỉ chiếm 9,6% diện tích lúa toàn quốc, nói chung là không đáng kể. Còn tỷ lệ giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ chiếm 6,7% số lượng lúa giống cả nước; nói cách khác 93,3% lúa giống hoàn toàn được sản xuất trong nước.
Theo tôi, không nhất thiết tăng diện tích lúa lai, còn giống thì cần nỗ lực để tăng tỷ lệ sản xuất trong nước. Giống lúa lai của Trung Quốc phù hợp với điều kiện khí hậu phía Bắc.
 
* GS.TS VÕ - TÒNG XUÂN - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo: “Miền Nam bỏ lúa lai”

 
Lúa lai hiện nay đại đa số chỉ có ở miền Bắc. Miền Nam đã thử nghiệm nhưng không thành công, vì lúa luôn bị sâu bệnh phá hại và không ngon cơm. Miền Nam bỏ lúa lai, phần lớn dùng lúa do các cơ quan khoa học phía Nam chọn tạo. Trong khi các cơ quan khoa học chọn tạo giống lúa phù hợp với sinh thái miền Bắc thì chưa có những giống lúa tốt như ở miền Nam, cho nên Bộ NN-PTNT chủ trương đưa giống lúa lai từ Trung Quốc về bán cho nông dân với giá bao cấp. Mấy cơ quan kinh doanh lúa lai Trung Quốc đều hưởng lời rất lớn nhờ cơ chế này.

* TS LÊ VĂN BẢNH - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Chất lượng kém hơn lúa IR 50404”

 
Các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Bắc sử dụng rất nhiều lúa ưu thế lai (thường gọi tắt là lúa lai). Lúa lai cũng như bắp lai là loại giống chỉ sử dụng trong sản xuất đời F1, nghĩa là đơn vị sản xuất ra giống bán cho nông dân sản xuất chỉ dùng một lần, muốn sản xuất tiếp phải mua lại của công ty cung cấp giống, nếu tiếp tục dùng sản phẩm lúa lai đã sản xuất này làm giống lần hai thì sẽ rất dễ cho ra “lúa lép”. Chứ không phải như “lúa thuần” của mình; bà con đến Viện Lúa ĐBSCL chẳng hạn, mua vài chục ký giống rồi về trồng và liên tiếp nhân ra mà vẫn tốt. Do vậy lúa lai được sản xuất độc quyền. Các viện nghiên cứu nội địa phía Bắc không đáp ứng được nên phải nhập rất nhiều của Trung Quốc hàng vụ để nông dân sản xuất.


Lúa lai Trung Quốc có ưu điểm là năng suất khá cao, chịu điều kiện khắc nghiệt tốt như hạn, lạnh... nhưng chất lượng thấp (kém hơn giống IR 50404) nên gạo chủ yếu dùng để giải quyết lương thực xóa đói ở địa phương, không dùng cho xuất khẩu.


 
Lâu nay, các giống lúa thuần dòng OM chiếm lĩnh vùng ĐBSCL và cả các tỉnh phía Nam, đáp ứng 90% lượng gạo xuất khẩu và nay ta đang xuất giống lúa qua Campuchia, Lào, các nước Nam Á và châu Phi. Do vậy, không có lúa lai ở ĐBSCL.
 
HUỲNH KIM (ghi)
 
Mời đọc thêm trên báo Cần Thơ