Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Người đàn ông dâng hiến



Người đàn ông tuổi 60 may mắn còn giữ được những tập nhật ký tuổi học trò, dù đời người đã trải qua bao cuộc chiến tranh. Giờ đây lần giở ra xem, gặp lại “một thời đắm đuối với thơ và tình yêu” của những năm 70 thế kỷ 20, như chính anh tự nhủ. Thế rồi anh chép lại 79 “bài thơ nhật ký” ấy, cho in thành tập “Thơ trong nhật ký”, gửi NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 11-2012.



Cái thời “đắm đuối” ấy ra sao? Anh tâm sự: “Tôi nôn nao lật xem ngay coi hồi nhỏ mình viết gì sau gần 40 năm lãng quên nó. Thật thú vị khi bắt gặp xen trong những dòng nhật ký là những bài thơ ngắn không tựa được ghi vội vã”. Giờ thì anh đã “đặt tựa” cho những dòng nhật ký này. Thí dụ, hồi 18 tuổi (1970), anh ghi: Viết / Viết suốt ngày / Suốt đêm / Suốt tháng suốt năm / Suốt đời / Vẫn chưa hết những gì muốn viết / Viết / Mới còn biết no / Viết / Mới còn biết sống (Viết). Cũng dạo đó: Mười ngón tay / Là mười nhánh xương rồng / Bấu víu mặt trời / Bấu víu tư tưởng / Đêm nay / Mười nhánh xương rồng / Cháy giữa ngàn trăng (Mười ngón tay).  

Sang tuổi 19, dường như anh đang “bốc cháy”: Nhà thơ / Là kẻ leo lên đỉnh cao nhất / Của tình yêu / Những người / Tự tử vì tình / Còn leo cao hơn đỉnh cao nhất đó (Nhà thơ). Hoặc: Làm thơ là tham thiền / Mỗi câu thơ / Là / Một câu niệm / Trong một lẽ đạo / Ai ngộ cùng ai (Thiền sư và thi sĩ). Hoặc: Cõi âm u kéo qua / Ta là ma / Em là ma / ...Mạnh dạn đứng lên trong cõi này / Em và ta giao hợp để tiêu trừ tất cả / Và thiên đường hiện ra (Thiên đường).

Bước sang tuổi 20, anh tiếp tục tìm kiếm lẽ đời trong độc thoại: Viết / Là giết lòng mình / Đó thôi! (Viết là…). Hoặc: Viết để làm gì / Đi tìm chân lí / Để làm gì / Khi tất cả đều là hư tráo (Hư). Riêng với thơ và tình yêu thì: Tuổi trẻ / Có nỗi quạnh hiu / Có cõi lưu đày / Có vườn trái độc / Ta có thêm thơ! (Tuổi trẻ). Và: Em chỉ là bờ hoa trong sương ướt / Sẽ tàn phai theo ngọn gió trăm năm / Ta làm thơ là giữ em ở lại / Nhập cùng thơ điên đảo một đời… (Em). Tới năm 23 tuổi (1975), anh thực tế hơn: Trong tình yêu / Chúng ta là trẻ con / Trẻ con mới còn thành thực / Hồn nhiên và say đắm / Trẻ con là sứ mệnh / Làm đẹp con người… (Trẻ con). Và làm bạn với mình: Khuya / Một mình / Ta đọc thơ mình / Nhẹ nỗi cô đơn… (Cô đơn).

Cuốn nhật ký thơ này dừng lại ở cái tuổi 23 ấy, và tác giả không hề nghĩ đó là những “tác phẩm”. Nhưng rồi suốt 40 năm tiếp theo của đời mình, anh vẫn “cháy” và “chảy” không ngừng nghỉ theo cái mạch sống đầy cảm xúc hiến dâng của “ngọn lửa” và “dòng sông” tuổi trẻ ngày xưa. Để đến tuổi 60, anh đã xuất bản tới 50 tác phẩm văn học (với riêng 23 tập thơ) - mà tình yêu cuộc sống thì vẫn “trung thành” như anh đã viết hồi 20 tuổi trong bài Hiến dâng: Tôi là một con người / Dâng hiến đời mình cho tình yêu… hay hồi 19 tuổi: Viết / Là nhựa sống / Viết / Là châm cho hồn cháy bỏng / Trong ngọn gió ban mai (Nhựa sống).

Người đàn ông may mắn đó là nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, quê ở Châu Đốc, An Giang.

* Mời đọc thêm tại Báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130115/nguoi-dan-ong-dang-hien.aspx