Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Dấu ấn miệt vườn



Văn minh miệt vườn” là chữ mà nhà văn Sơn Nam khái quát về quá trình hơn 300 năm mở đất của người Việt ở ĐBSCL và cả Nam bộ. Mở rộng cái ý này, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), dấn bước đi tìm những dấu ấn miệt vườn theo cách riêng của kẻ hậu sinh, trong tập sách “Ấn tượng văn hóa đồng bằng Nam bộ” (NXB Chính trị quốc gia, 10-2012).



Trong 15 chương của tập khảo cứu công phu và tâm huyết này, tác giả cố công tìm ra những đặc điểm nổi bật của Nam bộ trong nếp sống, tư duy, văn hóa, lịch sử… Rốt cuộc, ông khái quát lại như vầy: “Giữ thiên nhiên hài hòa, ứng xử điệu nghệ, người phương Nam đã tạo được dấu ấn miệt vườn của văn minh sông nước”.

Gọi ĐBSCL là “đất hứa của lưu dân Việt” như ở chương mở đầu, tác giả nhấn mạnh: “Vùng đất này có tiếng địa lợi nhờ ở sự rộng lượng và đôn hậu của các nhánh sông. Có thể nói, thiên nhiên ĐBSCL ít khi trở chứng, cho rất nhiều, nhưng hiếm khi lấy lại”. Ông trích tiếp ý của nhà văn Sơn Nam, ở đất này: “Nếu con người biết xử lý khôn khéo thì lần hồi họ sẽ có lúa, có cá đồng, cá biển, cây củi, vườn cây trái hóa màu, gió sẽ mát hơn, nắng bớt oi bức, mưa bớt lầy lội”. Cách “xử lý khôn khéo” ấy ở ngày hôm nay, theo tác giả là nhờ nông dân đã biết cùng với các nhà khoa học nông nghiệp, “quan tâm tới giống lúa và giống cây đặc sản”. Do vậy mà ở đây, riêng cây lúa, sau hơn ba thế kỷ khai khẩn, “ĐBSCL hiện đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 54% sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của quốc gia”. Tuy vậy, tác giả cũng cảnh báo: “Còn cái không khôn khéo là con người đã xâm hại quá nhiều các khu rừng, được xem như những lá phổi của ĐBSCL: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và đặc biệt là rừng U Minh”. Và: “Ngoài ra, hiện tượng lấn chiếm sông, kênh, rạch tạo những dòng nước đen đầy rác rến ở các khu đô thị diễn ra phổ biến, khiến ĐBSCL vốn là xứ sở miệt vườn có cây xanh, nước mát bốn mùa cũng phải gặp cảnh thời tiết trở chứng nắng mưa thất thường, giông bão, ngập lụt triền miên”.

Ở chương 10 (Mắm, đước, tràm), trích câu ca dao “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát / Sau hàng dừa nước mái nhà ai”, tác giả viết: “Nói không quá, công trạng “ba vị” này với mảnh đất Nam bộ là đáng kính nể. Mỗi vị đều âm thầm, lặng lẽ, gắn chặt đời mình với bùn đất phương Nam làm những phần việc kế thừa nhau, trước khi bàn giao cuộc “đất phát” lại cho con người đến định cư khai phá”. Ông khẳng định câu ca dao đó, “Như một tổng kết quá trình con người đến định cư khai phá đất mới. Phải có mắm, đước, tràm đi trước. Rồi có hàng dừa nước để con người định cư… Đó là quá trình dài, nhiều gian khổ, có sự đóng góp, hỗ trợ của tự nhiên, có sự nỗ lực vươn lên bền bỉ của con người, không “làm chơi ăn thiệt” như một ít người vẫn nghĩ”. 

Và cũng như ở các chương khác luôn “ôn cố tri tân”, cuối câu chuyện về ba loài cây đặc biệt này, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín kỳ vọng “tam vị mắm, đước, tràm được con người bảo vệ nghiêm ngặt trong những vườn sinh quyển tự nhiên và được “tôn thờ” như ba vị “tam công” - ba ông phúc, lộc, thọ”. Lý do, theo tác giả: “Vì với Nam bộ, tam vị có công mở đất. Cần giữ gìn tình cảm đẹp, thân thiện giữa người và cây vốn có trong quá khứ”.

* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ngày 1-1-2013




Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

HK & IPS



Đây là 6 bài đã đăng báo, phải nộp cho IPS, để tham gia một tuần học viết phóng sự tại Thái Lan với chủ đề “Mekong trong ý tưởng” (Imaging Our Mekong) hồi tháng 9-2006. Giờ đọc lại và lưu lại đây, như một kỉ niệm…






Với bạn Campuchia

Đoàn Việt Nam

Với bạn IPS

Với bạn Singapore, Thái lan, Myanmar

Với bạn Trung Quốc


Bangkok nóng


Từ sau Tết tới giờ, nhiệt độ ở Bangkok cũng "xem xem" nhiệt độ TPHCM, 32-33 độ C. Thế nhưng nhiều người thấy bức bối, khó chịu, nhất là du khách đang đến đây trong "chiến dịch" Amazing Thailand 1998-1999 (Bất ngờ Thái Lan).

Nhân sự kiện Thủ tướng Malaysia thăm Thái Lan cuối tuần rồi, tờ Bangkok Post ra sáng 6-2-1998, trương lên trang nhất ba tin ảnh độc chiêu. Bìa phải là ảnh Thủ tướng Thái, Chuan Leekpai, đón Tiến sĩ Maha-thir Mohamad với bàn tay phải mời gọi hấp dẫn. Bìa trái, theo hướng lời mời ấy là ảnh những cánh tay trần chìa lên trời với chú thích : "Out of a job ?" và cho biết 40.000 công nhân Thái Lan vừa bị mất việc do khủng hoảng tài chính. Giữa trang, phía dưới là ảnh cảnh sát Thái áp tải một thanh niên Thái 28 tuổi - người vừa giết một nữ du khách Canada 22 tuổi vào thứ năm tuần trước. 

Cũng sáng bữa đó, trang nhất tờ Business day tổng kết một tháng thăng trầm của đồng baht Thái. Biểu đồ cho thấy, thượng tuần tháng này đồng baht đã gượng dậy một chút so với thượng tuần tháng giêng - lúc 56 baht ăn 1 USD. 
Ở quầy đổi tiền trước chợ Pratunam, chợ bán sĩ quần áo "lớn nhất Thái Lan", cũng như trước nhiều quầy đổi tiền khác tại Bangkok, người ta đang rồng rắn xếp hàng đổi tiền. Tỷ giá sáng 6-2 là 47,65 baht/USD. 

Chị Na, một chủ tiệm quần áo ở TPHCM nói, hầu như hết thảy hàng hóa Thái Lan đã tăng giá 15-20% so với tháng trước. Chị Na hướng dẫn các bạn cùng tour du lịch gấp gáp đổi tiền để gấp gáp mua sắm ! 

Rất ít du khách biết được shop nào giảm giá 10%, thậm chí có quà tặng tại sân bay Don Muong - như lời quảng cáo và mời gọi hấp dẫn trong chiến dịch Amazing Thailand mà báo chí đưa tin hồi trước Tết. Không có ai chỉ dẫn. Chỉ có hàng hóa ngập phố phường, và giá cả đang nóng lên. 

Ở các siêu thị World Trade Center, Maboongblong... hay tại các khu vui chơi giải trí, sex show, sex shop khắp Bangkok, Pattaya, du khách đông tây đặc đường. Các tour du lịch thường bị "đụng" nhau, phải đổi giờ tham quan, mua sắm. Khoảng 300 khách sạn 3 sao và 4 sao ở Bangkok chật người. Chỉ thấy người và người. Chim thú, rừng nhân tạo, trò chơi, thậm chí bờ biển ngoài đảo san hô ở Pattaya (nơi cách đó 60 km vừa xảy ra án mạng nêu trên), cũng đâm ra ngột ngạt. 

Ngồi ăn trong nhà ăn máy lạnh với bữa ăn tự chọn cho cả ngàn con người một lúc ở các khu vui chơi Safari World, Dream World... mà người rịn mồ hôi. Ghé nhà hàng Tàu, Royal Dragon, "nhà hàng lớn nhất thế giới" phục vụ được 5.000 thực khách một lúc, thấy cái bảng điện "The Largest world Restaurant" nghiêng ngả lung lay với những món ăn nguội ngắt và cơm đóng cục, mà ngao ngán ! Anh Văn, ở TPHCM, nói vui : "Nhà hàng lớn nhất thế giới với món ăn dở nhất thế giới". 

Bangkok vốn đặc xe, đặc người, giờ đây hàng hóa tràn ra hầu hết các lề đường thâu đêm suốt sáng, càng làm cho không khí nóng bức. 

Trong hàng trăm cao ốc và super highway phải ngừng xây dựng vì có gần 300 dự án đầu tư nước ngoài đình đốn, tòa nhà Baiyorke 3 "cao nhất Thái Lan" với 94 tầng (cỡ 240 m), còn lại khúc trên cùng nham nhở. 

Ở cách đó không xa, anh bảo vệ của shop Seven-Eleven, rầu rĩ nói : "Sống ở Thái bây giờ khổ lắm, lương tôi 7.500 baht/tháng không nuôi nổi đứa con đi học". 

Còn trên tầng 17 khách sạn 4 sao Empress ở cách chỗ anh ta độ 200 m, cô Yupa dọn phòng trong cái lạnh 20 độ C, vẫn toát mồ hôi, nói bằng... tay vì không biết tiếng Anh : "Lương 7.000 baht, Nô ô-kê !". ▄

(Bài này đăng TBKTSG tháng 2-1998)



♥♥♥




Hàng lậu vào biên giới Tây Nam


Thứ bảy, ngày 7-2-1998, tôi rời Bangkok, 1 USD ăn 47 baht và hàng hóa Thái Lan vẫn tràn ngập phố phường, sân bay, bến cảng. Thứ bảy tuần rồi (14-2), về tới đường biên giới Tây Nam ở chợ Tà Mâu, Châu Ðốc và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, nghe tin 1 USD chỉ còn 39 baht (?) và một số tay buôn lậu ôm đô-la lên Phnôm Pênh đã không dám mua hàng về nữa. Trong khi đó, hàng lậu từ Thái Lan vẫn vượt biên "trồi sụt" theo cơn khủng hoảng tiền tệ này...

Xung quanh cái gò Tà Mâu 


Thật ra, tỷ giá 39 baht ăn 1 USD là thông tin từ Phnôm Pênh, Campuchia theo nguồn tin từ Phòng Ðiều tra chống buôn lậu Cục Hải quan An Giang. Anh Nguyễn Ðức Thắng, Phó phòng cho biết, từ sau khủng hoảng tài chính, nhất là ở Thái Lan, phần lớn các chợ ở Phnôm Pênh đã xài đô-la, thậm chí không chịu đổi tiền đồng của ta ra đô-la Mỹ để mua hàng Thái.

Sáng ngày 14-2, đóng vai dân buôn thuốc lá, tôi la cà ở bến tàu Mỹ Thánh ở chợ Châu Ðốc, cố tìm tông tích anh H., cô V., những người vừa từ "chợ Nam Vang" về với tay không dù chuyến đi này họ đã chuẩn bị hơn 10.000 USD. Không ai biết H. là ai, V. là ai dù ai cũng nói, đồng baht lên giá lại, hàng mỹ phẩm, đồ hộp, phụ liệu may mặc... Thái đã lên giá, mua về sợ lỗ. 

Rời chợ Châu Ðốc đặc người, đặc hàng Thái, chúng tôi lên chợ trời biên giới gò Tà Mâu cách đó non hai cây số mà mấy năm nay, cả cái chợ Châu Ðốc cũng như một số vùng lân cận, trở thành "vệ tinh" tập kết, tiêu thụ hàng lậu từ đây. 

Nhưng không thể qua thẳng bên ấy được, dù chỉ cách đường biên giới cỡ trăm mét, như mùa khô năm ngoái tôi đã từng qua. Các anh ở hải quan, đồn biên phòng đường biên "hộ tống" chúng tôi cản, vì ngoài dân đai và bạn hàng, chúng tôi là "khách lạ" với chủ chợ, rất nguy hiểm. 

Chỉ còn cách ngồi núp nắng dưới bóng lùm me tây cùng dân đai hàng lậu, nhìn "hoạt cảnh" cái gò. Không còn như năm trước, rõ ràng, đồng tiền các nước trong khu vực mất giá, đã làm khang trang gấp bội cho cái chợ trời biên giới này. Cả trăm nhà lá đã thành nhà tường, lợp tôn, có kho lớn. Có thêm cột thông tin viễn thông để nắm bắt kịp mọi tin tức từ Phnôm Pênh qua Châu Ðốc, Cà Mau, TPHCM... Lại có thêm cái trạm gác cao ở gần đường biên, mà như dân đai hàng kể, phải đóng thuế mỗi cây thuốc lá 200 đồng Việt Nam, chứ không "đi chùa" như trước nữa. 

Xem hàng được đai lậu, cũng chỉ là thuốc Hero, Seven Diamond, 555, mỹ phẩm, kẹo cao su, khăn giấy Thái... Hero, mỗi cây về tới Châu Ðốc lời được 300 đồng. Mỗi ngày, chịu khó băng đồng, tránh được hải quan, biên phòng đuổi bắt, kiếm được 30.000-40.000 đồng. Khi có "lệnh", cũng đai cả ti-vi, đầu máy cả cũ và mới. Hai loại này, từ trước Tết tới giờ, giá hạ kinh khủng, từ vài trăm ngàn đến cỡ hai triệu một cái. 

Cũng bên kia đường biên, cách gò Tà Mâu hơn cây số, mới mọc thêm một "chi nhánh" chợ Tà Mâu. Dân đai kể, để "phân phối" hàng cho cấnh phía tây nam Châu Ðốc, về hướng núi Sam, chợ Nhà Bàng, nơi mà lễ hội Bà Chúa Xứ năm nay đang bắt đầu đón mỗi ngày hàng trăm xe khách đến từ tứ xứ. 

Hai bên khe nước Vĩnh Xương 


Sáng 15-2, chúng tôi vọt bo-bo từ Châu Ðốc lên cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương bên bờ sông Tiền, mất hết 45 phút. Chừng ấy thời gian, anh Thắng và anh Phúc, người của hải quan An Giang, giúp chúng tôi nhìn sơ được bức tranh mậu dịch, có cẫ buôn lậu, qua cửa khẩu quan trọng này, trong đó không thiếu những pha truy bắt buôn lậu trong đêm mà đối tượng dùng những võ lãi tốc hành hoặc ghe hai đáy giả chở hàng nông sản. 

Ở cửa khẩu Vĩnh Xương, đã thấy hai tàu quốc tịch Panama và Trung Quốc neo đậu bên phần lãnh thổ bạn. Có ba tàu chở dầu của Sokimex TPHCM và nhiều ghe tâu nông sản của dân hai nước. Anh Phúc nói, có bữa hai, ba chuyến tàu quá cảnh. Riêng trong nửa đầu tháng 2-98, đã có 115 tàu với gần 1.000 thuyền viên xuất nhập qua đây với hàng trăm ngàn tấn hàng hóa, chưa kể hàng tiểu ngạch mà phần lớn là đồ dùng gia đình, phụ liệu may mặc, gạch men Thái Lan. 

Ở ngay đường ranh giới hai nước, giữa hai đồn biên phòng và dòng sông Tiền mênh mông, bà con nông dân hai bên đã hợp tác làm một khe gọi là "khe đường nước", bơm nước từ sông Tiền lên đưa vô đồng. Trong khi dòng nước mát rượi từ tốn chảy trôi, thì hàng chục người dân Campuchia, lớp tay xách, nách mang, lớp cưỡi xe gắn máy, lủ khủ những bao đậu xanh, đường thốt nốt, gà vịt... băng qua khe nước, trình tờ chứng minh thư biên giới hoặc chỉ chào một tiếng vì đã quen mặt với anh lính biên phòng Việt Nam, để đến cái "chợ nông sản" ở trước đồn hải quan cửa khẩu. 

Bên trong cái bình lặng ngày thường đó, chắc hẳn cái khe nước này đã chứng kiến nhiều pha chống buôn lậu hàng Thái Lan hấp dẫn. Anh Nguyễn Khắc Duyên, ở cửa khẩu Vĩnh Xương kể, hôm Tết mình phát hiện một đường dây buôn xe gắn máy lậu rất táo bạo. Dân bạn xin qua uống cà-phê, thăm bâ con dịp Tết, mỗi người cưỡi một chiếc Wave mới cáu. Tưởng thiệt, ai dè họ qua rôìi về bộ, sau ba ngày khi mình biết thì tốp xe hơn 10 chiếc đã trót lọt. Mà xe Wave lúc đó rẻ rề, chưa tới 800 USD/chiếc. 

Ðằng sau các đồn biên phòng, hải quan này, cũng như bên Tà Mâu, Tịnh Biên, Ðồng Ðức, Thường Thới Tiền, Sở Thượng... của An Giang, Ðồng Tháp, thuốc lá, mỹ phẩm, đường cát Thái Lan... tấp nập vượt biên. Một bao đường cát Thái 50 kg mua tại chợ Omxàno bên kia đường biên, khoảng 250.000 đồng, chở xe đạp về tới Tân Châu hoặc Châu Ðốc, kiếm được 20.000-30.000 đồng. Mỹ phẩm cao cấp, chỉ cần một va-ly có thể trị giấ cả trăm triệu đồng. 

Một chiến sĩ trực đồn biên phòng sáng bữa đó, nói, làm kỹ đến đâu, cũng không biết trong số 102 lượt người qua đây ngày hôm trước, có bao nhiêu người thuộc các đường dây buôn lậu. 

Con sông Tiền ở đây rộng hơn 2 km, mỗi tối, cái đèn pha chuyên dùng của biên phòng Việt Nam chỉ quét kiểm tra định kỳ vài lần, làm sao không để lọt những chuyến hàng lậu trên các tàu ghe từ đất bạn qua.

Cũng như bên cửa khẩu Tịnh Biên, từ trước Tết, do giá xe bên Thái Lan giảm mạnh, và trong nước có tỉnh cho hợp thức hóa, xe gắn máy lại tuồn vào, nhưng không theo đường "cổng chào" Tịnh Biên, mà giạt lên Chi Lăng, theo đường núi. Biết chắc hơn 100 xe đã vào nội địa, nhưng hải quan An Giang mấy lần phục kích, chỉ bắt được 10 chiếc, đủ loại Dream cao, Dream lùn, Wave, Citi...?  ▄

(Bài này đăng TBKTG tháng 2-1998)



♥♥♥


An Giang sẽ không còn là "tỉnh lúa số 1"

(Phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị)

Ðến tháng 8 này, ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), năm nay 57 tuổi, làm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang được 15 tháng sau hơn một năm làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh. Từ mười năm trước, khi còn làm Phó chủ tịch tỉnh An Giang, ông đã nổi tiếng với những chủ trương táo bạo, tỉ như "tôi sẵn sàng cấp bằng khen cho thương lái nào mua được lúa có giá cho nông dân vùng sâu"; hoặc "Ðảng viên lãnh đạo dân làm kinh tế mà nghèo đến mức phải vác rổ đi mượn gạo của dân thì nên xin ra khỏi Ðảng"... Trò chuyện với chúng tôi về An Giang hôm nay, ông Bảy Nhị vẫn một cách nói bộc trực như vậy...
                                       
* TBKTSG: Thưa ông, nói thực lòng Chủ tịch tỉnh An Giang có "ngại" kinh tế tư nhân không?

- Ông NGUYỄN MINH NHỊ: Không! Không ưu ái thì thôi chứ không thể bất công với họ. Thật tình thì mình chưa ưu ái tư nhân hơn quốc doanh, nhưng về tư duy, lý lẽ, mình nên ưu ái họ. Vì hiện nay họ rất đông, đóng góp cho xã hội rất lớn. Ở An Giang, từ chỗ mười năm trước họ chưa mạnh thì nay họ đã đóng góp cho ngân sách gấp hai lần quốc doanh và họ sẽ còn đóng góp cho ngân sách cũng như giải quyết việc làm cho xã hội hơn quốc doanh gấp năm, gấp bảy lần trong thời gian tới.

* TBKTSG: Thế thì tỉnh sẽ ưu ái họ như thế nào?

- Quan điểm của chúng tôi là vì tư nhân ở An Giang hầu hết đều xuất thân từ nông dân, ra kinh doanh họ còn gặp nhiều khó khăn nên Nhà nước phải giúp đỡ. Người ta hô hào đi học về nên làm cho Nhà nước, còn chúng tôi khuyến khích đi học về nên làm cho cha mẹ mình. Ai đủ điều kiện đó thì tỉnh ưu đãi. Thí dụ như vừa rồi tỉnh chủ trương sinh viên nào ở Ðại học An Giang học các ngành về nông nghiệp, kỹ thuật, môi trường, quản lý, học xong về làm việc trong vòng năm năm cho hợp tác xã, trang trại hoặc làm việc cho cha mẹ mình ở nông thôn An Giang thì được ký hợp đồng miễn học phí suốt thời gian học đại học.

Hoặc tỉnh sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho chủ doanh nghiệp tư nhân muốn đi nước ngoài để mở thị trường xuất khẩu và tạo thuận lợi pháp lý tiếp theo để họ làm ăn phát đạt. Nghĩa là chúng tôi dùng quyền hạn của Nhà nước cho để thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế An Giang đi nhanh hơn. 

*TBKTSG: Trước đây An Giang lấy nông nghiệp với cây lúa làm trụ cột, còn nay?

- An Giang sẽ không còn là "tỉnh lúa số 1" của Việt Nam nữa. Gần đây, tỷ trọng lúa gạo từ 50% GDP đã xuống còn dưới 40% trong khi tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch đang dẫn đầu, gần 50%. Nếu nói về nông nghiệp thì tới đây chủ lực sẽ là con cá và hạt gạo. Cá nước ngọt hiện nay, trên 50% lượng xuất khẩu của cả nước là từ An Giang. Còn về cơ cấu kinh tế chung thì tới đây An Giang sẽ là tỉnh sôi động về thương mại, nhất là mua bán qua biên giới, và du lịch, dịch vụ.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của An Giang có trên 10 dự án, làm theo phương châm "an toàn, chất lượng, thật sự hội nhập". Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tỉnh quy hoạch ngành hàng trước rồi mới quy hoạch vùng sản xuất, rồi giao cho doanh nghiệp đảm trách từ A tới Z: hợp đồng với nông dân đầu tư, thu mua, chế biến xuất khẩu. Tôi tin là làm tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế này, trong năm năm nữa, An Giang từ một tỉnh biên giới xa xôi, nằm trong vùng ngập lũ, sẽ thành một trong những điểm trung chuyển hàng hóa, giao lưu thương mại, du lịch của tiểu vùng Mêkông. 

* TBKTSG: Sao lại là tiểu vùng Mêkông?

- Bởi vì trong quan hệ với TPHCM thì An Giang là tỉnh lẻ. Nhưng quan hệ với tiểu vùng Mêkông, An Giang có thể là tỉnh trung tâm. Cho nên chúng tôi phải "trở bộ", phải chuyển thế yếu thành thế mạnh. Giống như tôi nằm ở một góc mền, người ta kéo thì tôi hở. Nhưng bây giờ tôi nằm giữa hai cái mền mà tôi đã may dính lại thì thành ra tôi nằm giữa cái mền lớn. Ý của tôi là vậy.

* TBKTSG: Ý đồ này có khả thi?

- Khả thi. Vì chỉ riêng cơ sở hạ tầng, An Giang có đường bộ, đường sông thông thương qua Campuchia và khối ASEAN. Tới năm 2005, các quốc lộ, tỉnh lộ và lộ giao thông nông thôn qua An Giang sẽ thông thương hết, bao gồm cả cầu Vàm Cống sẽ khởi công vào năm tới với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.

* TBKTSG: Kinh tế cửa khẩu có phải là chủ trương mới để thực hiện ý đồ này?

- Sẽ phát triển kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại. Năm ngoái, hàng xuất qua biên giới An Giang khoảng 102 triệu đô-la Mỹ, phần lớn là hàng từ TPHCM về. Ði qua hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (đường bộ) và Vĩnh Xương (đường sông), thì đây là con đường ngắn nhất từ biên giới Tây Nam lên Phnôm Pênh, trong vòng 100 ki-lô-mét. Các quan chức Campuchia mới cho tôi biết, hàng hóa Việt Nam đang chiếm 40% thị phần Campuchia, thậm chí có nhiều người Campuchia xài hàng Việt Nam mà không biết đó là hàng Việt Nam. Cho nên khả năng này rất rộng mở.

Ngoài Campuchia, nên nghĩ tới vùng Ðông Bắc Thái Lan và Nam Lào. Giao thông của nước bạn đang được nâng cấp. Hàng của Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở Campuchia. Cho nên chúng tôi chọn thương mại, du lịch và dịch vụ qua biên giới với các chương trình phát triển cửa khẩu biên giới riêng. 

* TBKTSG: Các công trình nào đã khởi động ở hai cửa khẩu quốc tế này?

- Các dự án quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên và Vĩnh Xương sắp được thông qua. Mỗi nơi đều có trạm xuất nhập cảnh, khu kiểm soát liên ngành, khu kho bãi, chợ và khu giải trí. Cửa khẩu Tịnh Biên còn có khu công nghiệp riêng cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Ở Tịnh Biên đang đo đạc để bồi hoàn giải tỏa xong sau mùa lũ năm nay. Chúng tôi sẵn sàng đón các nhà đầu tư bỏ vốn làm cơ sở hạ tầng cùng chúng tôi hoặc thuê mặt bằng kinh doanh ở các khu kinh tế này.

* TBKTSG: Còn bốn khu công nghiệp của An Giang hiện đã làm tới đâu và tỉnh có "chiêu" ưu đãi đầu tư nào hấp dẫn không?

- Ðang tiến hành thu hồi đất ở khu công nghiệp Châu Thành, Châu Phú, Châu Ðốc, còn ở Long Xuyên thì khu Vàm Cống đã có. Bốn khu công nghiệp này đều nằm dọc hai trục đường giao thông thủy, bộ chính nối với TPHCM và lên Campuchia. Quy mô mỗi khu chừng 40 - 100 héc ta. Thu hồi đất, làm cơ sở hạ tầng xong rồi kêu gọi đầu tư. Năm năm đầu không thu thuế, năm năm sau thì giảm hoặc miễn thuế tiếp. Các chính sách ưu đãi nói chung là hơn của Chính phủ. Tới năm 2003 sẽ xong chuyện này.

Chúng tôi mời gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản và nông sản xuất khẩu, bảo quản sau thu hoạch, vật liệu xây dựng, dịch vụ giáo dục, y tế, dạy nghề, đầu tư mở các khu chợ giao dịch chứ không phải chợ buôn bán bình thường. Thí dụ ở Long Xuyên, chúng tôi xây siêu thị; dưới sông bước lên là gặp các chợ cá, chợ gạo rồi siêu thị.

* TBKTSG: Mười năm trước, An Giang đưa ra chính sách "tam nông" (nông nghiệp - nông thôn - nông dân). Bây giờ, An Giang khởi động chính sách "bốn nhà". "Bốn nhà" này đã gặp nhau chưa?

- Ðang gặp nhau trong nhiều chương trình, dự án. Nhà nông trồng cây gì, nuôi con gì cũng theo thị trường, được tập huấn, có cấp giấy chứng nhận. Nông dân tham gia các hợp tác xã hoặc trang trại, ký hợp đồng sản xuất và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhà khoa học giúp nông dân kiến thức sản xuất thông qua các chương trình huấn luyện, giúp nông dân tuyển chọn giống mới. Nhà doanh nghiệp vừa cung cấp giống, vật tư, dịch vụ đầu vào, vừa quản lý sản xuất trên vùng đã quy hoạch và đặc biệt là hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhà nước thì làm vai trò điều phối ba nhà này. Nhà nước không can dự vào chuyện quản lý doanh nghiệp mà chỉ tạo điều kiện như hỗ trợ thông tin, cần thiết thì có lời khuyên để doanh nghiệp làm ăn đạt lợi nhuận cao nhất.

Năm 2005, sẽ xong chương trình "bốn nhà" này. Nền kinh tế An Giang sẽ chuyển về chất; từ sản xuất tản mạn đến sản xuất có quy hoạch ngành hàng, quy hoạch vùng; nông dân sản xuất có nghề đàng hoàng; từ chỗ làm ra sản phẩm gì cũng đem bán đến chỗ sản phẩm được kiểm tra chất lượng mới được bán. 

* TBKTSG: Hỏi thật, khi nông dân bán lúa rớt giá, có khi nào ông kêu "tư thương ép giá" không?

- Làm gì có chuyện tư thương ép giá. Nói cái này là đầu độc bầu không khí xã hội, đầu độc bầu không khí cạnh tranh. Bởi Nhà nước quản lý dở nên cứ luẩn quẩn chuyện doanh nghiệp nói nông dân bắt chẹt còn nông dân nói doanh nghiệp bóc lột nông dân.

* TBKTSG: Tất cả những gì ông vừa nói, có được sự đồng tình trong giới lãnh đạo tỉnh An Giang không?

- Nói chung, hầu hết đều đồng tình. Người nào không mặn mà thì cũng không phản đối. ▄

(Bài này đăng TBKTSG tháng 10-2002)


♥♥♥

Gặp "bà hàng báo" Việt Nam ở Pháp


Ðó là chị Phạm Việt Hà, họa sĩ Việt kiều ở Pháp. Ðịa chỉ của chị, TBKTSG vẫn đăng hàng tuần : Công ty Vina, 146 Boul. Vincent Auriol, 75013 Paris, Tel (331) 0145852876, Fax : 014582313. Còn chuyện "bán báo" của chị từ địa chỉ này, nghe xong ngẫm nghĩ thấy không chỉ là chuyện bán báo...

Nỗi lòng...


Chị Hà kể: Mình là người bán báo Việt Nam ở Pháp nhưng "nghe theo báo" thì không bằng khách hàng. Dù không phải ai quan tâm ủng hộ Việt Nam cũng mua báo Việt Nam, mà ngược lại. Ở trong nước có kẻ móc túi thì cũng có người lượm được tiền trả lại. Nên báo nào nói nhiều về kẻ móc túi thì mình không muốn cho khách đọc, vì họ sẽ tin là ở trong nước chỉ toàn những kẻ móc túi ! 

Có người cứ tưởng mình là đại diện của một cơ quan nhà nước qua làm công chuyện "tuyên truyền" báo chí. Có người hỏi : "Cô làm việc cho Nhà nước Việt Nam, có được về nước hàng năm không ?". Hoặc : "Cô bán không hết thì cô trả về bển chứ gì ?". 

Mình cứ suy nghĩ, họ nghĩ vậy thì sao Nhà nước mình không nghĩ vậy để hỗ trợ, giúp tiếp thị thêm cho báo chí mình ra với thế giới mạnh hơn ? Vì sao Nhà nước không thấy rằng, có những người trước đọc toàn báo “chống cộng” thì nay đã quay ra chỉ đọc báo chí trong nước thôi? 

Do vậy mà có khi báo trong nước đưa qua không kịp, khách hàng họ hay đổ lỗi cho Nhà nước. Nhưng tôi nhận lỗi hết. Khách hàng khát báo chí trong nước lắm. Nên cực mấy, có khi lỗ mình vẫn không bỏ được nghề bán báo. Có những lúc đi hội chợ, quảng cáo cho hàng Việt Nam mà công ty (Vina) bán, mình phải chịu lỗ, tặng không báo của mình cho khách. 

Bán báo nào, ai đọc ? 


Mình bán mấy chục loại báo. Các tờ báo được ưa chuộng hơn, phát hành với số lượng cao hơn như: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Weekly, Saigon Eco, Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sân khấu TPHCM, Ðiện Ảnh, Kiến thức ngày nay, Thuốc và Sức khỏe... Mỗi chuyến bay có hơn 1.500 tờ báo được chuyển qua. Báo Tết thì thường tăng gấp đôi số lượng so với báo thường. 

Việt kiều ở Pháp thì đến Vina mua trực tiếp hoặc đặt qua bưu điện. Vina có dịch vụ gửi báo tận nhà cho những bà con ở xa Paris. Vina cũng có nhiều khách hàng ở Ðức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Martinique và cả ở châu Phi. Khách xa chủ yếu là tư nhân, còn các công ty thì nhiều nhất là ở Paris. 
Mỗi ngày thấy người ta khen báo chí trong nước nhiều hơn. Nào là đẹp ra, ngày càng hay hơn!

Có khi mình thông báo "chiều nay báo về" thì nhiều khách hàng đã đến chờ sẵn cả giờ và giúp mình mở gói báo ra để phát hành. Như vậy làm sao có thể bỏ nghề cho được.

Giá mà giảm được cước phí, thủ tục...


Không biết cách nào để Vietnam Airlines giảm được cước phí chở sách báo? Nhà nước có nói sẽ giảm giá cước cho văn hóa phẩm Việt Nam ra thế giới nhưng đợi hoài không thấy. Chỉ cước phí nặng, chứ giá báo thì không nặng. Nhưng cước phí nặng làm cho giá bán đội lên, nhiều khách hàng không chịu nổi. Nếu cước phí giảm thì chắc chắn số lượng người đọc sẽ tăng lên, thông tin của Việt Nam ra thế giới sẽ rộng rãi hơn. 

Cước phí chở máy bay trung bình 4 USD/kg, rồi lại thêm các loại "phí" khó hiểu khác trong các thủ tục, thí dụ như tiền bồi dưỡng, tiền "soi hàng" ở sân bay mặc dù hàng đã niêm phong và hải quan đã tính tiền rồi... qua tới Pháp, giá cước đã lên gấp đôi, tới 8 USD/kg. Do vậy mà có tờ báo phải chịu lỗ. Thí dụ như tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Tờ báo này nặng vì có xấp quảng cáo dày, nhưng không thể bỏ xấp quảng cáo vì người đọc ngoài nước vẫn đọc quảng cáo để hiểu thêm tình hình kinh tế, xã hội ở trong nước. Thành ra, nếu bán Sài Gòn Tiếp Thị ở Pháp giá bảy quan thì huề vốn, nhưng nếu phát hành ra khối EU thì phải cộng thêm cước phí tám quan nữa, lỗ nặng !

Có thể học kinh nghiệm của Pháp được không? Họ khuyến khích xuất khẩu, tất cả các mặt hàng đã được phép phát hành trong nước thì khi xuất khẩu được giảm thuế. Và chỉ kiểm tra có đóng thuế đúng không chứ không còn phải kiểm tra nội dung tại hải quan nữa. ▄

(Bài này đăng TBKTSG Xuân 1999)



♥♥♥



Bơi thuyền kayak trên sông Hậu


Tour "Bơi thuyền kayak trên sông Hậu" của liên doanh khách sạn Việt - Pháp, Victoria Cần Thơ, lâu nay thu hút du khách Mỹ và Nhật. Gần đây, tour này bắt đầu có khách nội địa. Giá cả như nhau, mỗi người 25 đô-la Mỹ.

Hai giờ chiều, chúng tôi khởi hành từ bến tàu khách sạn Victoria thơ mộng bên bờ sông Hậu. Cô Diễm, nữ sinh Cần Thơ, cùng tôi bơi chung một chiếc kayak có hai chỗ ngồi. Năm bạn khác, một người bơi lẻ để lo chụp hình, còn lại bơi đôi. Anh Phạm Hữu Nghĩa, hướng dẫn viên du lịch và là người thiết kế tour này, chạy một chiếc vỏ lãi theo đoàn để dẫn đường và phòng ngừa bất trắc.

Kayak khởi thủy là loại xuồng độc mộc bọc da hải cẩu của người Eskimo, nay khách sạn Victoria Cần Thơ đặt một công ty ở miền Tây đóng toàn bằng composite. Thuyền nhẹ, không chìm, nhưng dễ lật nếu không giữ được thăng bằng.

Diễm ngồi phía trước, nói: "Em biết bơi chút đỉnh nhưng có áo phao thì không sợ". Biết vậy nhưng cũng hồi hộp vì nhìn ra ngoài, sông Hậu đang mênh mông sóng nước phù sa mùa lũ. Tôi nhủ thầm, cây dầm hai mái nhẹ tênh, nếu mình cố móc cho đều hai bên thì chắc là yên bụng.

Ra tới vàm sông Hậu, mọi người rẽ vào sông Cần Thơ, nhắm hướng xóm Chài. Giữa ngã ba sông lộng gió, lại có nhiều tàu đò lục tỉnh đi về bến Ninh Kiều nên sóng mạnh hơn. Có lúc từng con sóng cắt ngang làm nghiêng ngả chiếc kayak, nước tràn cả vào chỗ ngồi. Lúc này Diễm đã ngồi bệt hẳn xuống khoang thuyền, đưa hai bàn tay ra làm hai mái chèo giỡn sóng, chắc là để tìm cảm giác an toàn. Hôm sau, Diễm mới nói: "Lúc đó em sợ thuyền bị lật, nhưng tin là nó được thiết kế cân bằng, nên vẫn muốn phiêu lưu với nó". 

Anh Nghĩa cho biết thêm : "Khách Mỹ chịu tour này vì họ thích cảm giác mạnh, lại được bồng bềnh ướt đẫm trên sóng nước Mêkông. Còn khách Nhật lại thích vật lộn với sông nước và cũng thích được bình yên nên bơi len lỏi vào những con rạch nhỏ".

Chiều dần buông, sợ nước ròng mau cạn, chúng tôi bỏ bớt đoạn vàm Hưng Phú - rạch Cái Ðôi, quày ra để kịp vượt sông Hậu vào cồn Ấu. Không dè ra tới giữa sông, nước đã giựt xuống lưng chừng những thân cây bần mọc kéo dài theo đuôi cồn Cái Khế. Tuy vậy, sông Hậu vẫn mênh mông và băng băng sóng gió. Trong khi hai chúng tôi bị gió đẩy trôi xa khỏi đoàn gần nửa cây số thì ở đây một chiếc kayak đã được kéo lên vỏ lãi, chiếc kia phải tách bớt một người lên vỏ lãi theo anh Nghĩa. Chiếc kayak của các bạn tôi đã bị lật ngay chỗ sông cạn nhưng lại đầy sóng gió này. Thế mà Diễm vẫn gan góc không chịu lên tàu lớn, tiếp tục cùng chiếc kayak mong manh ngược dòng sông cái quẹo vào cồn Ấu.

Hoàng hôn đã thắm một góc trời. Những rặng bần hai bên con rạch nhỏ dập dềnh phù sa đỏ trôi chầm chậm theo con nước ròng. Khua nhẹ mái dầm, thuyền kayak cũng lặng lẽ trôi. Quanh co len lách một hồi đã tới nhà vườn ông Hai. Ông bà Hai và cậu con trai út ra tận cầu bần đón khách, đưa ra sau vườn. Ông Hai hái một chùm mận chín tặng Diễm. Từ đó cho tới khi khu vườn xanh đổi thành màu của màn đêm cồn Ấu, là bất tận những câu chuyện quê mùa tình nghĩa giữa khách và chủ. Tôm lóng nướng lửa than, ếch nướng mọi, cháo gà, rượu trái cây... càng làm mọi người chếnh choáng trong tiếng đàn ghi-ta phím lõm của ông già Hai và những bài ca tài tử của chàng trai hàng xóm. Ông Hai nói: "Khách Tây ham cảnh này lắm, cứ đòi ở lại tới khuya".

Dùng dằng quá chén quá giờ, Diễm không thể ở lâu hơn, anh Nghĩa được cử đưa cô về trước rồi quay lại rước đoàn. Người đi kẻ ở coi vậy mà cũng lâm li trên bến rặng bần. Tới chừng con trăng mười bảy loang loáng một vùng trời nước Hậu Giang thì những người khách sau cùng cũng đành chia tay gia chủ, để làm một cuộc vượt sông trăng kỳ thú trên những chiếc kayak mỏng manh đặng quay trở về với phố thị Tây Ðô...               ./.

(Bài này đăng TBKTSG tháng 10-2003)


♥♥♥

"Tác chiến" ở miền Tây


Miền Tây Nam bộ chằng chịt sông rạch, đầy ắp nắng gió, nghĩa tình và... rượu đế nên cánh nhà báo chúng tôi sau mỗi chuyến đi thường nghe trong con người mình lâng lâng tình cảm.

1.


Nhớ hồi năm 1993, cỡi xe Honda cánh én "phi" một mạch từ Cần Thơ tới Châu Ðốc, vượt sông Hậu rồi sông Tiền để ra biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Ðồng Tháp viết phóng sự về huyện mới Tân Hồng ở dọc biên giới với Campuchia.

Làm việc với UBND huyện, ôm một mớ số liệu về diện tích khai hoang và năng suất làm lúa thuộc hạng nhất nhì vùng biên giới Tây Nam hồi ấy. Lại cắt đường đồng từ thị trấn Xa Rài ra cửa khẩu Dinh Bà trong lãng đãng không khí nghèo khó và buôn lậu. Cái háo hức lúc đầu về thành tích khai hoang làm lúa trúng mùa ở biên giới tự dưng tan dần trước cảnh dân tình nghèo khó dù chỗ nào đi qua cũng thấy lúa tràn đồng.

Trên đường rời cửa khẩu về, xe bị xì bánh sau. Gần bốn giờ chiều mà trời biên giới vẫn nắng gắt. Ngặt một cái, xóm làng hai bên đìu hiu, khô khốc và suốt hơn bốn cây số đường quê, không có chỗ nào vá xe. Dẫn bộ rã người mới hiểu ra rằng, thiếu dịch vụ tới mức này thì cái điều người dân nói với mình từ sáng tới giờ quả là "chân lý": dù có làm lúa trúng cũng không cứu nổi cái nghèo.

Về gần tới thị trấn, có một điểm vá xe. Nhà như chòi. Chỉ có ông chủ gầy gò đeo kiếng cận và con chó vàng thiêm thiếp ngủ bên cái vỏ xe treo lủng lẳng. Té ra ông chủ từng là thầy giáo từ Cao Lãnh lên đây dạy học cả chục năm rồi. Vợ và đứa con gái nhỏ đi ruộng chưa về. Tôi khoe về những con số khai hoang của huyện. Ông chủ lầm lì vá xe. Nửa giờ sau tôi chia tay ông thầy giáo già trước tuổi. Ông đòi tôi phải uống với ông một ly "xây chừng" rượu đế, rồi nói: "Tôi quý chú em. Nhớ ly rượu này, đừng có say xỉn mà nghèo đói. Tôi chỉ xin lưu ý chú em một chuyện mà lâu nay tôi ngẫm nghĩ hoài, chắc là trúng: xứ sở mình có làm lúa giỏi tới đâu cũng khó giàu có được".

Chuyến công tác đó, rời vùng Ðồng Tháp Mười, tôi đi tiếp ba ngày nữa về vùng tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Xong tôi viết bài “Ðồng bằng ơi!” gửi đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tôi nhớ cái "tứ" tôi gửi gắm trong bài báo đó là đồng bằng sông Cửu Long ơi, người ở đâu trong đất nước mình khi mà đi đâu cũng chỉ thấy người ta ca... "bài ca cây lúa"?

2.


Lụt lội ở miền Tây không giống như ở miền Trung quê tôi. Quê Quảng Nam của tôi, tới mùa lũ lụt, chỉ cần qua một đêm nước dâng tràn bờ sông Thu Bồn, là đã thấy "đỉnh lũ" và bao nhiêu cảnh tang thương kéo dài hàng tháng trời sau đó. Mùa lụt lội ở miền Tây, kêu là mùa nước nổi. Con nước từ sông Mêkông tràn đồng Campuchia rồi tràn qua biên giới Tây Nam và... lừ đừ tràn ngập ruộng đồng các tỉnh trong vùng từ hai dòng sông Tiền, sông Hậu, kéo dài vài tháng. Các tỉnh ở thượng nguồn ngập nước, An Giang, Ðồng Tháp, Long An... rồi tới Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... Năm lụt lớn, thậm chí mấy tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau cũng bị nước tấn công.

Tôi nhớ nhất kỷ niệm "tác chiến" trong hai mùa nước nổi ở miền Tây. Năm 1994, báo Tuổi Trẻ nhờ tôi "làm gấp" một bài khi hay tin nước đã tràn đồng mấy huyện đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Tôi đón xe đò tới Châu Ðốc vào quãng 11 giờ trưa. Thấy cảnh nước đã lé đé bờ sông thị xã và mênh mông trước mặt, tôi tạt vào bưu điện Châu Ðốc fax về (lúc đó chưa có e-mail) đề nghị tòa soạn cho "rao" trước, mời bạn đọc đón xem phóng sự trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật bài “Lũ lụt ở hướng An Giang". Sau đó, tôi vọt qua huyện An Phú, cùng mấy anh ở huyện đội chạy vỏ lãi khắp nơi, chỗ nào cũng mênh mông đồng nước, không biết đâu là sông Tiền, sông Hậu, đâu là ruộng vườn trước đó. Thích nhất là gặp được một đám cưới trên hai chiếc vỏ lãi đang ngược lên biên giới. Giữa trùng trùng nước lụt đỏ ngầu phù sa, bà con mình vẫn thảnh thơi dù đỏ, dù xanh, mâm lễ, cười nói vui vẻ đi rước dâu bằng vỏ lãi.

Tối bữa đó trời mưa tầm tã, tôi về tới Sài Gòn khoảng gần 11 giờ khuya và thức viết xong bài phóng sự với chùm ảnh rước dâu, kịp sáng bữa sau gửi Tuổi Trẻ Chủ Nhật như đã hứa.

Tới mùa nước nổi năm 2000, miền Tây Nam bộ chịu một trận lụt tồi tệ; nước "ngâm" từ tháng 7 tới tháng 12! Cả đồng bằng chịu không thấu, tỉnh nào cũng chờ cứu trợ. Một lần, vào quãng tháng 10, chúng tôi đi cứu trợ ở huyện Hòn Ðất trong vùng tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang. Ði cùng là một anh bạn doanh nhân làm cho một công ty liên doanh với Ðức. Anh mê nghề báo, lúc nào cũng lủng lẳng máy chụp ảnh trước ngực như tôi. Tới giữa kinh Mướp  Giăng, thấy chiếc vỏ lãi mình thuê nhỏ quá, sợ không an toàn, chúng tôi quyết định tấp vào bờ đổi vỏ lãi lớn hơn. Tôi và nhà doanh nghiệp này sang ghe sau cùng. Anh bạn tưởng vỏ lãi trống người là khó lật, anh đứng chồm ra mé ngoài vỏ lãi để chụp hình. Ðứng bên này, tôi chỉ kịp la lên "Coi chừng lật vỏ!" thì chiếc vỏ đã nghiêng hẳn về phía anh bạn. Nhờ gốc con nhà lính, tôi kịp phản xạ phóng mình lộn một vòng qua chiếc vỏ kề bên. Khi đứng lên, tuy hơi ê người, tôi đã kịp đưa máy ảnh bấm được một kiểu cảnh anh bạn đang lủm chủm lội vô bờ!

Cái tin ảnh hi hữu đó, tôi gửi đăng trên tờ The Saigon Times Weekly. Sau đó, anh bạn tôi nhận được e-mail từ Úc của một người bạn, bảo rằng, trong lũ lụt miền Tây, hổng ngờ có nhà doanh nghiệp quá ư là... lãng mạn? Còn bạn tôi thì trả học phí một chầu rượu đế cho bài học: không phải chiếc ghe nào ở xứ mình cũng giống chiếc ghe nào! ▄

(Bài này đăng TBKTSG tháng 6-2004)


♥♥♥