Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Dấu ấn miệt vườn



Văn minh miệt vườn” là chữ mà nhà văn Sơn Nam khái quát về quá trình hơn 300 năm mở đất của người Việt ở ĐBSCL và cả Nam bộ. Mở rộng cái ý này, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), dấn bước đi tìm những dấu ấn miệt vườn theo cách riêng của kẻ hậu sinh, trong tập sách “Ấn tượng văn hóa đồng bằng Nam bộ” (NXB Chính trị quốc gia, 10-2012).



Trong 15 chương của tập khảo cứu công phu và tâm huyết này, tác giả cố công tìm ra những đặc điểm nổi bật của Nam bộ trong nếp sống, tư duy, văn hóa, lịch sử… Rốt cuộc, ông khái quát lại như vầy: “Giữ thiên nhiên hài hòa, ứng xử điệu nghệ, người phương Nam đã tạo được dấu ấn miệt vườn của văn minh sông nước”.

Gọi ĐBSCL là “đất hứa của lưu dân Việt” như ở chương mở đầu, tác giả nhấn mạnh: “Vùng đất này có tiếng địa lợi nhờ ở sự rộng lượng và đôn hậu của các nhánh sông. Có thể nói, thiên nhiên ĐBSCL ít khi trở chứng, cho rất nhiều, nhưng hiếm khi lấy lại”. Ông trích tiếp ý của nhà văn Sơn Nam, ở đất này: “Nếu con người biết xử lý khôn khéo thì lần hồi họ sẽ có lúa, có cá đồng, cá biển, cây củi, vườn cây trái hóa màu, gió sẽ mát hơn, nắng bớt oi bức, mưa bớt lầy lội”. Cách “xử lý khôn khéo” ấy ở ngày hôm nay, theo tác giả là nhờ nông dân đã biết cùng với các nhà khoa học nông nghiệp, “quan tâm tới giống lúa và giống cây đặc sản”. Do vậy mà ở đây, riêng cây lúa, sau hơn ba thế kỷ khai khẩn, “ĐBSCL hiện đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 54% sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của quốc gia”. Tuy vậy, tác giả cũng cảnh báo: “Còn cái không khôn khéo là con người đã xâm hại quá nhiều các khu rừng, được xem như những lá phổi của ĐBSCL: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và đặc biệt là rừng U Minh”. Và: “Ngoài ra, hiện tượng lấn chiếm sông, kênh, rạch tạo những dòng nước đen đầy rác rến ở các khu đô thị diễn ra phổ biến, khiến ĐBSCL vốn là xứ sở miệt vườn có cây xanh, nước mát bốn mùa cũng phải gặp cảnh thời tiết trở chứng nắng mưa thất thường, giông bão, ngập lụt triền miên”.

Ở chương 10 (Mắm, đước, tràm), trích câu ca dao “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát / Sau hàng dừa nước mái nhà ai”, tác giả viết: “Nói không quá, công trạng “ba vị” này với mảnh đất Nam bộ là đáng kính nể. Mỗi vị đều âm thầm, lặng lẽ, gắn chặt đời mình với bùn đất phương Nam làm những phần việc kế thừa nhau, trước khi bàn giao cuộc “đất phát” lại cho con người đến định cư khai phá”. Ông khẳng định câu ca dao đó, “Như một tổng kết quá trình con người đến định cư khai phá đất mới. Phải có mắm, đước, tràm đi trước. Rồi có hàng dừa nước để con người định cư… Đó là quá trình dài, nhiều gian khổ, có sự đóng góp, hỗ trợ của tự nhiên, có sự nỗ lực vươn lên bền bỉ của con người, không “làm chơi ăn thiệt” như một ít người vẫn nghĩ”. 

Và cũng như ở các chương khác luôn “ôn cố tri tân”, cuối câu chuyện về ba loài cây đặc biệt này, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín kỳ vọng “tam vị mắm, đước, tràm được con người bảo vệ nghiêm ngặt trong những vườn sinh quyển tự nhiên và được “tôn thờ” như ba vị “tam công” - ba ông phúc, lộc, thọ”. Lý do, theo tác giả: “Vì với Nam bộ, tam vị có công mở đất. Cần giữ gìn tình cảm đẹp, thân thiện giữa người và cây vốn có trong quá khứ”.

* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ngày 1-1-2013




Không có nhận xét nào: