Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Cần Thơ mở hội chợ nông sản sạch và an toàn

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Lần đầu tiên hàng chục doanh nghiệp trong nước đã về Cần Thơ tham gia Hội chợ nông sản sạch và an toàn và bàn cách kết nối cung - cầu trong lĩnh vực này.

Gian hàng của tỉnh Hậu Giang tại Hội chợ Nông sản sạch và an toàn ở Cần Thơ
chiều 19-8-2017. Ảnh: Huỳnh Kim
Hội chợ Nông sản sạch và an toàn này nằm trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ, nhân Diễn đàn APEC 2017. Hội chợ được tổ chức tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA), khai mạc tối nay, 19-8 đến 23-8.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc CPA, hội chợ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh thành Việt Nam và với các nước APEC. Đồng thời, hội chợ cũng là một kênh kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và là cơ hội tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản sạch, an toàn đạt các tiêu chuẩn quốc tế. 

Hội chợ Nông sản sạch và an toàn đầu tiên này có gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày, giới thiệu nông sản sạch, nông sản chế biến xuất khẩu đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, nông sản organic, công nghệ liên quan đến nông sản sạch, an toàn, triển lãm thành tựu trong sản xuất nông sản sạch, an toàn của các tỉnh, thành phố trong cả nước.   

Ngoài ra, tại hội chợ, còn có các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức như tọa đàm, hội thảo, hội nghị khách hàng, biểu diễn văn hóa, văn nghệ... của các doanh nghiệp.

Riêng hội thảo “Kết nối cung cầu nông sản sạch và an toàn năm 2017” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và CPA phối hợp tổ chức vừa diễn ra vào chiều nay, 19-8.

Tại hội thảo này có gần 120 đại biểu, trong đó có 10 nhà phân phối, siêu thị trong và ngoài nước, 100 hợp tác xã, doanh nghiệp đã bàn cách phát triển chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất, cung ứng hàng nông sản - thực phẩm an toàn với các hệ thống phân phối để mở rộng thị trường trong nước.

 * Đã đăng tại TBKTSG Online 19-8-2017:

Tuần lễ APEC tại Cần Thơ bàn về an ninh lương thực

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017 có Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra từ ngày 18 đến 25-8 Tại TP. Cần Thơ.

Người dân ở Đồng Tháp mưu sinh trong mùa lũ lụt;
họ cần có cuộc sống ổn định hơn từ nông nghiệp. Ảnh: H.KIM

Tuần lễ này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Ban Thư ký APEC tổ chức.

Theo thông cáo của Bộ NN&PTNT, APEC Việt Nam 2017 chọn chủ đề này vì “bảo đảm ANLT quốc gia là vấn đề sống còn của mỗi nước, là yếu tố quyết định qui mô và tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, không thể đưa ra các giải pháp đơn lẻ để xử lý vấn đề này mà đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể giữa chiến lược phát triển nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Bộ NN&PTNT cho biết, việc đảm bảo ANLT, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo đang gặp nhiều thách thức và thế giới đang có gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Trong khi đó, đất nông nghiệp suy giảm về diện tích và độ phì nhiêu; nguồn nước cho nông nghiệp khan hiếm; tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng gay gắt. 

Việt Nam là thành viên của APEC và là một nước nông nghiệp với 13 tỉnh, thành ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất nước và nguồn vốn ODA đầu tư cho ngành NN&PTNT ở Việt Nam chủ yếu từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, tuy APEC là khu vực có sản lượng nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, chiếm 57% tổng sản phẩm nội địa (GDP) thế giới, nhưng lại khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường, tạo rào cản hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Do vậy, các chương trình nghị sự cấp cao của APEC tại Cần Thơ đều đề cập tới vấn đề ANLT để phát triển nông nghiệp bền vững, tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Trao đổi với TBKTSG Online ngày 16-8, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trưởng ban phối hợp tổ chức Hội nghị APEC 2017, cho biết Cần Thơ sẽ chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp thích ứng với BĐKH và học kinh nghiệm của APEC về vấn đề này.

Ông Dũng nói Cần Thơ cũng sẽ giới thiệu tại Tuần lễ APEC các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng 3 khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ. Ngoài ra, Cần Thơ sẽ giới thiệu về định hướng phát triển đô thị thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với BĐKH vì thành phố này đang là 1 trong 100 thành phố trên thế giới là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller tài trợ.


Theo Ban tổ chức, gần 1.500 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp sẽ tham dự các sự kiện này. Riêng việc đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH, có Chủ tịch Ban Thư ký APEC, Phó tổng giám đốc FAO kiêm trưởng đại diện FAO châu Á - Thái Bình Dương và bộ trưởng các thành viên APEC dự.

Các sự kiện chính của Tuần lễ APEC tại Cần Thơ

- Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.
- Đối thoại giữa các bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.
- Các cuộc họp thường niên của các nhóm Công tác APEC: Chính sách ANLT (PPFS), đại dương và nghề cá (OFWG); Công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB); Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG) và cuộc họp chung của 4 nhóm trên.
- Các hội thảo kỹ thuật chuyên đề: BĐKH liên quan đến nông nghiệp; Giống cây trồng trong khuôn khổ HLPDAB; Giảm thất thoát lương thực cho hệ thống lương thực APEC bền vững; Phát triển nông thôn; Sáng kiến nông nghiệp thông minh vì tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và thúc đẩy phát triển nông thôn - thành thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo. 
- Triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế.
- Tham quan thực địa tại vườn trái cây Vàm Xáng (Phong Điền, Cần Thơ); mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn (Cao Lãnh, Đồng Tháp); Viện nghiên cứu Lúa ĐBSCL và tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ).
Kết thúc Tuần lễ APEC Cần Thơ, dự kiến sẽ thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH; Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng; Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH.








Satrafoods sẽ mở rộng ở ĐBSCL

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online)- Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) sẽ mở rộng hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi (Satrafoods) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau 10 cửa hàng đã mở ở Cần Thơ.

Trao đổi với TBKTSG Online sáng nay (28-7) tại lễ khai trương cửa hàng Satrafoods thứ 10 ở Cần Thơ, ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Satra, cho biết Satra đang mở rộng địa bàn phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi Satrafoods về các tỉnh miền Tây sau Cần Thơ kể từ khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở địa phương này hôm 18-1-2017.

“Từ thành công ở Cần Thơ, chúng tôi sẽ mở tiếp 5 cửa hàng Satrafoods tại Bến Tre và 5 cửa hàng Satrafoods tại Vĩnh Long trong năm nay, ngoài 123 cửa hàng đã có tại TPHCM”, ông Bắc nói.

Về miền Tây, Satra tăng cường liên kết nguồn hàng tươi sống và chế biến như thịt heo, thịt gà, thịt bò của Vissan; các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP do các hợp tác xã tại Long An, Cần Thơ cung cấp; các loại trái cây nội địa là đặc sản của Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… và các loại trái cây do Satra nhập khẩu chính ngạch từ Mỹ, Pháp, New Zealand, Hà Lan, Hàn Quốc.

80% trong số gần 4.000 mặt hàng ở mỗi cửa hàng này là thực phẩm an toàn với giá cạnh tranh, đang quen thuộc với người tiêu dùng đồng bằng với tiêu chí “Hàng tận gốc, tươi mỗi ngày”.

Gần đây, Satra đưa thêm thực phẩm sơ chế, tẩm ướp của Xí nghiệp Chế biến rau củ quả Satra vào chuỗi cửa hàng Satrafoods như cá kho tộ, thịt kho tộ, cá muối sả ớt, canh chua, canh bí đỏ.


Riêng các cửa hàng tại miền Tây, còn có thêm quầy hàng kinh doanh đặc sản của các tỉnh ĐBSCL như mắm cá linh, khô cá sặc, tôm khô Cà Mau, kẹo dừa Bến Tre…

6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại TP. Cần Thơ đạt hơn 55.608 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016. Cần Thơ hiện có 16 siêu thị, trung tâm thương mại, 112 chợ truyền thống và cửa hàng tiện ích. Những thương hiệu lớn như LotteMart, Vincom, VinMart, CoopMart, Big C, Metro, Sense City, Nguyễn Kim, Điện máy Sài Gòn Chợ Lớn, Thế giới di động, Satra… đã có mặt tại Cần Thơ. 

* Đã đăng tại TBKTSG Online 28-7-2017:


Năm 2017, Cần Thơ nhắm đón 5,5 triệu du khách

(TBKTSG Online) – Sở Văn hóa, thể thao, du lịch (VH-TT-DL) thành phố Cần Thơ tiếp tục chấn chỉnh những bất cấp trong hoạt động du lịch để đón được 5,5 triệu du khách với doanh thu 2.000 tỉ đồng vào cuối năm nay.

Tại buổi họp báo vào sáng 26-7 sơ kết công tác du lịch gần 7 tháng qua, ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh, để đón được 5,5 triệu lượt du khách đến với Cần Thơ vào cuối năm nay, ngành du lịch Cần Thơ sẽ làm nhiều việc trong đó có chấn chỉnh những yếu kém về cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành và du lịch cộng đồng tại địa phương này.

Trả lời TBKTSG Online vì sao hoạt động du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) gần đây phát sinh tiêu cực, nhất là từ khi có hộ kinh doanh “cá lóc bay”, ông Sơn khẳng định cái chính là do phường Bùi Hữu Nghĩa lập ra Tổ hợp tác và Ban điều hành để thu tiền từ cả hai đầu, hộ kinh doanh và doanh nghiệp lữ hành.

Ông Sơn cho biết ban điều hành này đã bắt tay với các tour lữ hành phân bổ khách đến các hộ dân không đồng đều, lại thu giữ tiền trước và yêu cầu các hộ dân kinh doanh du lịch phải nộp 5% doanh thu hàng tháng, gây mâu thuẫn và mất đoàn kết.

“Chúng tôi đã đề nghị và UBND Quận Bình Thủy đã quyết định dừng hoạt động của Tổ hợp tác và Ban điều hành này vì có biểu hiện lợi ích nhóm”, ông Sơn nói và cho biết ở huyện Phong Điền, hàng chục hộ dân làm du lịch cộng đồng hiệu quả dù không lập tổ hợp tác hoặc ban điều hành.

Cũng theo ông Sơn, tới đây ngành du lịch Cần Thơ sẽ hướng dẫn các hộ kinh doanh du lịch ở Cồn Sơn đăng ký kinh doanh, quảng bá sản phẩm và liên kết kinh doanh với nhau không qua trung gian. Địa phương chỉ lo quản lý về an ninh trật tự, giao thông, nước sạch, vệ sinh an toàn thực thẩm chứ không can thiệp vào việc kinh doanh của người dân.

Về hoạt động lưu trú ở Cần Thơ, ông Lê Minh Sơn cho biết sẽ tiếp tục xử lý việc nhiều khách sạn tự gắn sao; ngoài ra còn có 103 khách sạn chưa đăng ký xếp hạng sao và phá giá phòng nghỉ để cạnh tranh. Về lữ hành, tiếp tục xử lý nhiều hoạt động chui, không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh và hướng dẫn viên mà chỉ mở trang web mua bán tour trên mạng.

Ông Sơn cũng cho biết do du khách đến Cần Thơ đang tăng, xuất hiện nhiều cò mồi chèo kéo, chặt chém và đề nghị các tổ chức lữ hành không nên hợp tác với họ.

Hiện Cần Thơ có 54 doanh nghiệp lữ hành, 268 cơ sở lưu trú (trong đó có 129 khách sạn từ 1-5 sao, 20 cơ sở homestay và vườn lưu trú) với 6.676 phòng nghỉ.

Gần 7 tháng qua,  Cần Thơ đã dón 4,584 triệu lượt khách, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 1,184 triệu lượt khách lưu trú (tăng 12%) với 166.000 khách quốc tế (tăng 15%); doanh thu 1.312 tỉ đồng, tăng 15%. Hơn 70% du khách trong số này thích tham quan chợ nổi Cái Răng và đi các tour du lịch sông nước, miệt vườn, tâm linh, sinh thái…

Đã đăng TBKTSG Online 26-7-2017:

ĐBSCL sẽ có bệnh viện đột quỵ

(TBKTSG Online ) - Sáng 20-7, Công ty TNHH Đầu Tư Y tế Việt Cường đã khởi công xây dựng Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (Can Tho Stroke International Services - SIS Cần Thơ), tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Đây là bệnh viện đột quỵ đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự kiến sẽ hoàn thành vào quí 3-2018.

Lễ khởi công Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ ngày 20-7. Ảnh: Huỳnh Kim

Bệnh viện này có quy mô 200 giường (giai đoạn đầu 60 giường), rộng 4.000 mét vuông, tổng kinh phí đầu tư 240 tỉ đồng. Bệnh viện này sẽ hoạt động theo mô hình bệnh viện chuyên khoa đột quỵ tim mạch, kết nối xử trí đột quỵ cho bệnh nhân ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL không thể di chuyển kịp lên TPHCM.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, chủ đầu tư dự án, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỷ lệ tử vong, tàn phế còn cao và khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế. Tại các bệnh viện lớn ở TPHCM, có tới 97% bệnh nhân đột quỵ do đến muộn sau 6 giờ.
Bác sĩ Cường, Chủ tịch Chi hội can thiệp thần kinh TPHCM, cho biết ngoài điều trị, Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ còn thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa đột quỵ và đào tạo chuyên sâu về can thiệp nội mạch DSA.
Lễ khởi công Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ ngày 20-7. Ảnh: Huỳnh Kim
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ, mỗi năm ĐBSCL có hơn 10.000 người bị bệnh đột quỵ; phần lớn phải chuyển lên TPHCM bằng đường bộ mất hơn 4 tiếng, việc vận chuyển này đã làm tăng trường hợp tử vong, tàn phế.

 Ông Tâm đề nghị, sau khi hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, đào tạo nguồn lực y tế chuyên sâu và hợp đồng khám chữa bệnh qua dịch vụ bảo hiểm y tế cho người dân.
Huỳnh Kim

* Đã đăng TBKTSG Online 20-7-2017:

Cần Thơ quảng bá du lịch tại Lào Cai

Từ ngày 12 đến 14-7, đoàn công tác đại diện UBND TP Cần Thơ và doanh nghiệp du lịch Cần Thơ đã đi khảo sát và quảng bá du lịch tại tỉnh Lào Cai. Đoàn đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lào Cai; khảo sát thực tế tại cáp treo Fang Xi Fang và một số điểm du lịch cộng đồng, du lịch đặc trưng ở Sa Pa và TP. Lào Cai.

Phát biểu tại “Chương trình trình giới thiệu du lịch TP Cần Thơ tại tỉnh Lào Cai” sáng 13-7, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Với lợi thế vị trí địa lý và giao thông thuận lợi cả thủy, bộ và hàng không, kết hợp với các dự án lưu trú, vui chơi, giải trí, tâm linh…  du lịch TP Cần Thơ đang có những thay đổi đầy hứa hẹn”.

Tại buổi giới thiệu du lịch Cần Thơ ở Lào Cai sáng 13-7-2017.
Ảnh: Mỹ Trinh
Ông Lê Văn Tâm cho biết, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, đến năm 2020, ngành du lịch Cần Thơ phải đầu tư đa dạng, chuyên nghiệp để Cần Thơ thực sự là “Điểm đến du lịch lý tưởng – an toàn – thân thiện", nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mêkông”.  

Theo Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, năm ngoái, Cần Thơ đã đón hơn 5,34 triệu lượt du khách, tăng 14% so với năm 2015, doanh thu 1.826 tỷ đồng, tăng 5%. Dự kiến năm nay, Cần Thơ sẽ đón 5,6 triệu lượt du khách, doanh thu 2.000 tỷ đồng. 6 tháng qua, TP đã đón hơn 3,79 triệu lượt khách, doanh thu 1.093 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. 


Với Lào Cai, năm 2016, tỉnh miền núi Tây Bắc này đã đón hơn 2,77 triệu lượt khách, tăng 32,5% so với năm 2015 (có 750.778 khách quốc tế), doanh thu trên 6,4 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2015; trong đó doanh thu từ khách quốc tế hơn 1,93 tỷ đồng.  

Du khách trên đỉnh Fanxipan chiều 14-7-2017


Huỳnh Kim

* Đã đăng báo Cần Thơ 15-7-2017:





ĐBSCL: 1.000 em bé đã chào đời từ… ống nghiệm

Sau 6 năm áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện quốc tế Phương Châu ở thành phố Cần Thơ vừa qua đã đón em bé thứ 1.000 tại ĐBSCL ra đời từ phương pháp này.
Trong buổi lễ kỷ niệm sự kiện trên vào cuối tuần rồi ở Cần Thơ, bác sĩ Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện quốc tế Phương Châu (IVF Phương Châu), cho biết bệnh viện sẽ tiếp tục cập nhật kỹ thuật hiện đại để giúp các gia đình hiếm muộn tại ĐBSCL có con.
“Đến nay, Khoa IVF Phương Châu đã làm chủ mọi kỹ thuật liên quan đến điều trị hiếm muộn như ICSI, IUI; trữ phôi, trứng và tinh trùng và chuyển phôi đông lạnh; MESA, PESA, TESE, phẫu thuật nội soi chẩn đoán và điều trị vô sinh”, bác sĩ Hồng Ngọc nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ, Giám đốc Bệnh viện Phương Châu, cho biết thêm: “Đây là nơi đầu tiên trong nước đang thực hiện khép kín chuỗi giá trị thụ tinh trong ống nghiệm, từ chẩn đoán, điều trị, sinh sản, chăm sóc và nuôi dưỡng bé”.
Ông Toàn và bà Trang ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, lấy nhau 14 năm nhưng chưa có con, năm ngoái đã sinh được bé trai nhờ phương pháp này tại IVF Phương Châu. Ông Toàn nói với chúng tôi: “Hạnh phúc vô cùng! 14 năm mới sinh được thằng này, tụi tôi đặt tên nó là Lý Gia Phát với mong muốn cả nhà phát đạt”.
Cùng dự buổi lễ này có vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Chiến và chị Nguyễn Thị Bích Phương, là tiểu thương ở chợ Cái Khế, Cần Thơ. Anh chị lấy nhau đã sáu năm nhưng chưa có con. Năm ngoái đi khám tại IVF Phương Châu, anh chị tính điều trị nhưng gia đình khó khăn vì chi phí trọn gói khoảng 150 triệu đồng. Năm nay, bất ngờ anh chị được Bệnh viện Phương Châu chọn hỗ trợ chi phí, bắt đầu điều trị từ ngày 3-6 rồi, dự kiến sau 9 tuần sẽ có kết quả. Chị Bích Phương nói: “Thật là may mắn cho gia đình chúng tôi. Mong muốn nhất của hai vợ chồng là sớm có con cho cả nhà có được hạnh phúc đủ đầy”.

Quang cảnh lễ kỷ niệm ca sinh thành công thứ 1.000 từ thụ tinh trong ống nghiệm ở Cần Thơ vào sáng ngày 9-7. Ảnh: Huỳnh Kim
Theo bác sĩ Dư Huỳnh Hồng Ngọc, tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phát triển từ năm 1997, nhưng ở ĐBSCL vài năm sau đó các gia đình hiếm muộn thường phải lên TPHCM, ra Hà Nội hoặc đi nước ngoài điều trị.
Năm 2011, Bệnh viện quốc tế Phương Châu thành lập Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Bệnh viện đã phối hợp với nhiều chuyên gia đầu ngành tại TPHCM; đưa người đi học chuyên môn tại các trung tâm trong khu vực; tham dự các hội thảo chuyên đề trong nước và tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản.
Năm 2014, đề tài “Kỹ thuật chuyển phôi trữ lạnh” của bệnh viện đã đoạt giải thưởng thành tựu của Hội Nội tiết và sinh sản TPHCM. Năm 2015, bệnh viện thành lập ngân hàng tinh trùng chính quy tại vùng ĐBSCL phục vụ nhu cầu này.
Năm 2016, IVF Phương Châu hợp tác với Bệnh viện Bình dân (TPHCM) mở thêm phòng khám nam khoa. Việc kết hợp hai chuyên khoa hiếm muộn và nam học đã giúp tối ưu hóa quy trình điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, tăng hiệu quả có thai và tiết kiệm nhiều thời gian. Phương Châu hiện là 1 trong 7 trung tâm điều trị hiếm muộn chính quy của cả nước và là nơi duy nhất điều trị và chăm sóc khép kín từ đầu cho tới lúc bé 15 tuổi.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ, nói: “Bệnh viện quốc tế tư nhân Phương Châu đã đóng góp không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của các gia đình hiếm muộn, giúp Cần Thơ trở thành trung tâm y tế của vùng ĐBSCL”.


Huỳnh Kim
* Đã đăng báo Sài Gòn Tiếp Thị 17-7-2017:
Và tại Saigon Time Daily: