Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Bổ ích Từ điển từ ngữ Nam bộ


Trong một bài báo tết vừa rồi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, người nổi tiếng với văn phong đậm đà từ ngữ Nam bộ, có viết: “Chèn đét ơi, tưa tải nẩy ra khỏi môi trầu của mấy bà nhà quê có phải từ trời đất ơi, tơi tả trại âm theo giọng Quảng mà ra”. Câu hỏi bâng quơ này làm chúng tôi nhớ tới cuốn tự điển dày gần 1.500 trang của TS Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam bộ (NXB Chính trị quốc gia, 2009).


Thử tra ở trang 327 từ chèn ơi. Sau khi ghi rõ cách đọc theo ký hiệu phiên âm quốc tế như cách làm ở từ điển ngoại ngữ (một việc ít người làm với từ điển phương ngữ tiếng Việt), tác giả giải thích chèn ơi  là “giời ơi, biểu thị cảm xúc phân bua” rồi dẫn tiếp một câu văn sưu tầm được: “Chèn ơi, tôi có nói gì đâu mà nó làm dữ với tôi”.

Tương tự, ở trang 1.336, từ tưa tải mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đề cập, được giải thích theo hai nghĩa: “1. tơi tả, ở tình trạng bị rách rời ra thành từng mảnh nhỏ, trông lôi thôi, lếch thếch” với câu văn trích: “Quần áo tưa tải cái kiểu này, mặc đi tỉnh tui ngại lắm”; “2. tơi tả, ở tình trạng bị nhừ tử, thảm hại” kèm câu văn dẫn chứng: “Bị chúng đánh cho tưa tải cho chừa cái tật hống hách”.

Ngay ở nội ô TP.Cần Thơ giờ đây, thỉnh thoảng ta vẫn nghe một người phụ nữ cỡ tuổi 50 quen nói chà răng thay vì nói đánh răng. Ở trang 293 Từ điển từ ngữ Nam bộ, TS Huỳnh Công Tín giải thích chà răng là “đánh răng, chải răng cho sạch chất bẩn bám” rồi dẫn tiếp một câu văn Nam bộ: “Con thức dậy, chà răng đi, rồi ăn sáng, đi học”.

Cũng có thể ta hay nghe hoặc nói những từ Nam bộ, kiểu như say quắc cần câu; từa lưa hột dưa; chửi tưới hột sen; chà bá; âm trì địa ngục… với một tình cảm bình dân quen thuộc trong sinh hoạt đời thường. Vẫn giữ cái hồn phách ấy khi chọn những câu văn minh họa, tác giả còn giúp cho ta hiểu rành rẽ ý nghĩa gốc của những từ này khi giải thích. Thí dụ âm trì địa ngục là “chậm chạp, tối dạ, lì lợm, khó dạy, hàm ý xấu”; chửi tưới hột sen: “chửi vãi lên thiên hạ, không kiêng chừa ai”; say quắc cần câu: “say đến độ, người gục xuống, lắc lư, đi đứng không còn vững, dần dà dẫn tới hiện trạng nằm bất động”…

Ở cuốn từ điển này, ngoài việc mỗi mục từ được giải thích cả nghĩa đen, nghĩa bóng với trích dẫn tư liệu đầy đủ, tác giả còn tập hợp được nhiều lời ăn tiếng nói của người Nam bộ trong đời sống thường ngày cũng như trong các tác phẩm văn chương. Do vậy, nói như lời nhà xuất bản: Nhờ đó, người đọc có thể bổ sung hiểu biết không những về mặt từ ngữ, ngữ nghĩa mà còn có cả các lĩnh vực khác như  văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán… của người dân Nam bộ nói chung, người dân ĐBSCL nói riêng.

Giới thiệu cho lần xuất bản đầu cuốn tự điển này (năm 2007), nhà văn Sơn Nam có viết: “Théc cho muồi” phải chăng là kiểu “Cái ngủ mày ngủ cho say”. Muồi là muồi mẫn, ở Nam bộ, bạn nào ca bài vọng cổ nghe trữ tình, lãng mạn tới mức thì được khen là giọng ca muồi mẫn. Muồi phải là có “uồi” chớ nào phải là “ùi”, theo chính tả. Trong Nam bộ mùi chỉ được hiểu theo nghĩa mùi vị, còn như trái xoài, trái chuối đã quá chín, gọi là chín muồi.

Còn với tác giả, TS. Huỳnh Công Tín, lời đề từ này của ông ở đầu sách, như một lời tâm sự âm vang tiếng gọi của vùng đất phương Nam: Tôi ra đời và lớn lên ở Nam bộ, vốn nặng tình với vùng đất sinh ra ông bà, cha mẹ mình và tiếng nói của người dân quê hương, nên đã làm điều có phần quá khả năng. Xin bạn đọc lượng tình xem đây như một việc thể hiện tấm lòng đối với bà con ruộng vườn sông nước…

Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140218/bo-ich-tu-dien-tu-ngu-nam-bo.aspx

Chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông


Gần đây, dư luận ASEAN lại lo ngại về những hoạt động của Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông. Trước thời sự này, xin mời bạn đọc cùng tham khảo hai cuốn sách tư liệu do Ủy ban Biên giới quốc Gia - Bộ Ngoại Giao phối hợp với NXB Tri Thức ấn hành vào cuối năm 2013: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông.



Cuốn thứ nhất in song ngữ Việt - Anh, gồm 3 chương: Các nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời Pháp thuộc; Việc bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Trong phần Phụ lục, sách giới thiệu tóm tắt việc khẳng định chủ quyền này tại 3 hội nghị quốc tế trong lịch sử: Hội nghị Posdam (26.7.1945), Hội nghị San Francisco (từ 4 đến 8.9.1951) và Tuyên bố Cairo (27.11.1973).

Sách còn in kèm nhiều tư liệu lịch sử quý khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, như: Bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nhà thế kỷ XVI; Toàn tập Thiên Nam Tứ Chi Lộ Đồ Thư (vẽ vào thế kỷ XVII); Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774); An Nam Đại Quốc Họa Đồ; Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (1838)… Sách còn trích Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn in năm 1882, có miêu tả: Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có đến hơn một trăm ba mươi đảo nhỏ, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích… Hóa vật của các tàu thuyền bị nạn bão trôi dạt ở đấy.

Ở phần Kết luận, sách khẳng định: Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách thứ nhì, in kèm nhiều bản đồ, sơ đồ, hình vẽ… như một cẩm nang phân tích rạch ròi những vấn đề có tính lịch sử và pháp lý liên quan đến chủ quyền biển, đảo của nước ta trên biển Đông.

Sách gồm 5 phần: Khái quát về biển Đông; Một số văn bản pháp lý về biển của quốc tế và khu vực; Các văn bản pháp lý cơ bản về biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tình hình biển Đông trong thời gian gần đây; Chủ trương của Việt Nam trong vấn đề biển Đông.

Như ở trang 41, trong mục Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, sách viết: “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử; được vẽ ra một cách tùy tiện, mơ hồ, không có tọa độ và luôn thay đổi (lúc đầu là 11 đoạn, sau chỉ còn 9 đoạn, đến nay lại là 10 đoạn). Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý chiếm 80% diện tích biển Đông, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của 5 nước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia va Brunei; trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia.

Hai tập sách như nhắc người đọc luôn nhớ rằng, Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài 3.260 km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - từ hàng nghìn năm nay, biển và đảo đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; vì thế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam.

Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140211/chu-quyen-cua-viet-nam-tren-bien-dong.aspx