Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Bảo tồn chợ nổi Cái Răng trong yêu cầu phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19

 Huỳnh Kim

Thứ Năm,  15/10/2020, 20:00

(TBKTSG Online) – Sau hơn 100 năm tồn tại, chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) đang giảm dần khách thương hồ và du khách. Chiều ngày 15-10, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ tổ chức hội thảo để tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị “Di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng”, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. TBKTG Online ghi nhận một số ý kiến tại hội thảo này.

Quang cảnh hội thảo về bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng chiều ngày 15-10 tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

70% du khách đến Cần Thơ đi chợ nổi Cái Răng

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, “Chợ nổi Cái Răng (CNCR) có ý nghĩa sống còn đến sự phát triển du lịch của thành phố, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng; khẳng định được hình ảnh và thương hiệu của chợ nổi đến du khách trong nước và quốc tế”.

Ông Tùng giải thích, có trên 70% du khách đến Cần Thơ đi CNCR vì nơi đây “chứa đựng tập quán sinh hoạt rất đặc trưng của người dân các địa phương vùng sông nước đã tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của ĐBSCL”.

Trên thực tế, dù có giảm sút nhưng hiện mỗi ngày CNCR có từ 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản; khoảng 30 ghe nhỏ mua bán lẻ trái cây, ẩm thực địa phương; vào giờ cao điểm, có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón du khách tham quan, “nên đã tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư cho các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ vui chơi giải trí khác ở Cần Thơ”.

Tuy vậy, theo ông Tùng, công tác quản lý, khai thác và bảo tồn CNCR đang gặp nhiều thách thức. Chức năng quản lý nhà nước trên chợ nổi thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; trong khi văn bản về quản lý loại hình chợ đặc thù này chưa có nên kinh phí đầu tư, tôn tạo và phát triển gặp nhiều khó khăn.

“Ngoài ra, với sự phát triển nhanh của hạ tầng giao thông đường bộ; công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè cũng đang ảnh hưởng đến quy mô chợ nổi. Việc bảo vệ môi trường còn bất cập; điều kiện sinh sống của giới thương hồ còn khó khăn; công tác thu hút đầu tư chưa hiệu quả; sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa phong phú, đa dạng nên chi tiêu của khách du lịch tại đây còn rất ít; khách chủ yếu tham quan, chụp ảnh là chính”, ông Nguyễn Khánh Tùng nói.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Cần Thơ gởi hội thảo, năm 2016, CNCR đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể”. Sau đó, UBND TP Cần Thơ có “Đề án bảo tồn và phát triển CNCR”, kinh phí hơn 63 tỉ đồng, với mục tiêu bảo tồn và phát triển CNCR theo hướng trở thành chợ đầu mối, trung chuyển hàng nông sản của vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an sinh xã hội.

Đến nay, đã hoàn thành việc phân luồng giao thông; duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc hỗ trợ vốn vay; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung nguồn cho chợ nổi; tổ chức thu gom rác bảo vệ môi trường, quầy hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng trên sông… Giai đoạn 2 của đề án đang được triển khai với 4 hạng mục gồm trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền và nhà hàng nổi ven sông.

Hiện nay, tuy có giảm nhưng lượng hàng nông sản như trái cây, rau củ, hoa kiểng, hàng thủ công, gia dụng, ẩm thực… được mua bán tại chợ nổi ước tính khoảng 2.000 tấn/ngày, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/ngày, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông và tiểu thương (sản lượng này gồm nông sản buôn bán ghe-qua-ghe và hàng do tiểu thương giao cho các vựa trên bờ và ngược lại để vận chuyển bằng đường bộ đi khắp nơi).

Theo Sở Công Thương Cần Thơ, lượng ghe tàu đến chợ nổi giảm có phần do hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh, trong đó có thương mại điện tử; việc hiện đại hóa đô thị, giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không phát triển cũng làm giảm số thương nhân đến buôn bán tại đây.

Ngoài ra, khi thực hiện đề án này, CNCR có thêm 3 nhà hàng nổi; trên bờ có thêm các quầy bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương cho du khách. “Việc phát triển du lịch, trong thời gian đầu cũng đã phát sinh tình trạng chèo kéo du khách đi tàu, mua hàng hay tình trạng rác thải trên sông tăng lên”, báo cáo này cho biết.

Một góc cảnh mua bán tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Huỳnh Kim

 Bảo tồn và phát triển theo định hướng an toàn, bền vững

Để hỗ trợ thương hồ nguồn tiêu thụ nông sản ổn định, tìm đầu ra cho nông sản tại chợ nổi và giữ chân thương hồ, Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất một loạt giải pháp, liên quan tới hạ tầng phụ trợ như làm cầu tàu chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, du thuyền, bãi đậu xe, kho, vựa hàng hóa; tổ chức lại hoạt động chợ nổi, thêm bến giao hàng sỉ, lẻ; phân luồng giao thông; đào tạo nhân sự quản lý và kỹ năng buôn bán cho thương hồ và thương nhân ven bờ; ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý hoạt động chợ nổi.

“Đề nghị Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ xây dựng đề án này, bàn giao cho UBND quận Cái Răng triển khai phối hợp quản lý đào tạo. Nguồn kinh phí, nên đề xuất hỗ trợ từ Dự án JICA của Nhật Bản hoặc KOICA của Hàn Quốc để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025”, báo cáo nhấn mạnh.

Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Stiermann Martin Walter, chủ khu RiceField Lodge tại huyện Phong Điền (Cần Thơ), nói: “Chính quyền cần hỗ trợ cho giới thương hồ ở chợ nổi; đã có hai thuyền khóm phải bán ghe và ngừng kinh doanh. Ngoài ra, các bến tàu ở đây phải khang trang hơn”.

Ông Martin cũng cho rằng chợ nổi Cái Răng hiện quá nhỏ; chỉ mất 20 phút du khách đã xong chuyến tham quan, đó là một lý do khiến du khách ít nghỉ lại lâu hơn với ĐBSCL.

“Vậy tại sao không làm một thuyền gỗ đẹp, chuyên cung cấp trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ và âm nhạc truyền thống? Thuyền này có vận tốc trung bình nhanh hơn để thực hiệc các chuyến tham quan dài hơn. Ngoài ra, chợ nổi còn thiếu thông tin về tour du lịch cho khách nước ngoài; nên giải thích cho họ biết những nơi cần đến”, ông Stiermann Martin nói.

Là người chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ, soạn giả Nhâm Hùng lý giải: “Với đặc tính tự nhiên, CNCR sinh ra là để mua bán, chứ không có nhiệm vụ phục vụ du lịch. Vì vậy, mục tiêu tối cao là phải bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi. Nếu bảo tồn hiệu quả, ắt sẽ trở thành sản-phẩm-du-lịch-chợ-nổi bền vững”.

Theo ông Nhâm Hùng, khi thực hiện đề án bảo tồn và phát triển CNCR, cần có sự đồng thuận, hài hòa lợi ích của cả giới thương hồ - nhà nông - du khách - nhà nước; có cách làm mới, nhưng không phai nhạt giá trị truyền thống của CNCR.

“Đồng thời, cần xác định sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước là đến chừng mực nào, để không gây xáo trộn hoạt động giao thương, không mất đi tính nguyên sơ của chợ nổi”, ông Nhâm Hùng đề xuất.

Khách du lịch tham quan, mua sắm tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Huỳnh Kim

 Cuối buổi hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu nhấn mạnh 6 việc như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch, đặc biệt là với người dân chợ nổi Cái Răng, về giá trị văn hóa chợ nổi trong phát triển du lịch. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn người dân kiến thức, kỹ năng làm du lịch, tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động du lịch tại chợ nổi.

Thứ ba, thống kê các hộ sinh sống trên chợ nổi; khảo sát về nhu cầu nước sạch, điện sinh hoạt, nhà vệ sinh và các điều kiện thiết yếu khác, nhằm có giải pháp đề xuất với các ngành các cấp hỗ trợ tiểu thương có điều kiện sinh sống tốt hơn.

Thứ tư, rà soát các hạng mục thu hút đầu tư, đề xuất giải pháp để thu hút đầu tư hiệu quả; chú ý công trình xây dựng bờ kè, gắn với sự phát triển của chợ nổi. Thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong việc bảo tồn và phát triển CNCR, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thành phố.

Thứ năm, xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng, gắn với đời sống thương hồ, tạo sinh kế cho người dân; đặc biệt quan tâm cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và quản lý giá cả; nâng cao thái độ ứng xử văn minh, mến khách cho người dân và du khách; xây dựng môi trường du lịch an toàn – thân thiện, chất lượng để thu hút khách đến quận Cái Răng ngày càng nhiều hơn.

Cuối cùng, giao UBND quận Cái Răng phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát, đánh giá các hạng mục công trình đề xuất, đảm bảo tính khả thi, chú trọng đến quy hoạch phát triển chung của quận. Đồng thời, có dự báo tầm nhìn dài hạn sự phát triển trong thời gian tới; trong đó, cần xác định công việc nào Nhà nước phải làm, những việc gì cần xã hội hóa và đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư để có thể thu hút nhà đầu tư thực hiện các hạng mục công trình mời gọi đầu tư đã được phê duyệt để tham mưu UBND TP Cần Thơ.

Làm mới chợ nổi Cái Răng xưa

Tại hội thảo này, ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ, đề xuất “6 giải pháp cấp bách và lâu dài bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”:

- Công trình tuyến kè sông Cần Thơ, đoạn qua khu vực chợ nổi, phải thiết kế đặc thù, thuận tiện cho việc giao thương, giữ được không gian “trên bến, dưới thuyền”. Tạo điều kiện để việc vận chuyển, lên xuống hàng hóa dễ dàng kể cả đảm bảo mỹ quan, có thể dành cho du khách đứng trên bờ ngắm cảnh. Điều hết sức quan trọng là làm sao quá trình thi công không làm gián đoạn hoạt động chợ nổi. Vì nếu gặp nhiều trở ngại, thương hồ sẽ bỏ chợ, lui ghe.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ, cho vay vốn, không chỉ đối với các ghe bán hàng dạo, dịch vụ nhỏ lẻ cho du khách, mà phải quan tâm đến các ghe thương hồ bán sỉ, vì đây là lực lượng chủ lực làm nên chợ nổi.

- Trong bảo tồn văn hóa chợ nổi, cần nghiên cứu, có cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay.

- Để tránh việc tổ chức lễ hội kém hiệu quả trong mùa mưa như lâu nay, nên sát nhập lại 2 sự kiện, Ngày hội “Du lịch chợ nổi Cái Răng” và Ngày hội “Du lịch vườn Phong Điền” thành “Lễ hội sông nước - miệt vườn Cần Thơ” vào mùa khô cuối năm, như một kiểu mời gọi du khách về Cần Thơ, hòa nhập vào không khí chuẩn bị đón tết.

- Thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước (có thể là “Đêm trăng chợ nổi” hay “Đêm hò Cần Thơ và tài tử trên sông”).

- Theo quy luật biến đổi, dự báo rằng, với đà phát triển này, trong 10-20 năm sau, có thể có sự thu hẹp và suy giảm của chợ nổi Cái Răng. Hơn nữa, với công trình bờ kè, sẽ cắt rời sự liền kề chợ, phố trên bờ. Do đó, rất cần có tầm nhìn, có lộ trình. Đặc biệt, là sáng tạo thiết lập một mô hình chợ nổi tự nhiên, kết hợp với chợ nổi tự tạo. Như vậy, sẽ vừa bảo tồn được chất văn hóa gốc; vừa làm mới được đặc sản du lịch chợ nổi độc đáo của Cần Thơ và miền sông nước Cửu Long.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/309503/bao-ton-cho-noi-cai-rang-trong-yeu-cau-phat-trien-du-lich-ben-vung-hau-covid-19.html


Đại học Nam Cần Thơ mở rộng hợp tác quốc tế

Huỳnh Kim

Thứ Tư,  14/10/2020, 15:36

(TBKTSG Onine) – Ban lãnh đạo trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) cho biết sẽ mở rộng việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài trong đào tạo, nghiên cứu khoa học những năm tới để góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sinh viên DNC tại lễ khai giảng năm học mới sáng ngày 13-10-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Trao đổi với TBKTSG Online tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 vào sáng 13-10, TS.LS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNC, đã nhấn mạnh như vậy.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, sau buổi hội thảo về việc phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học cùng tổ chức với TBKTSG hôm 30-7 vừa qua, DNC đang phát triển mô hình này. Tháng trước, nhà trường đã khánh thành Showroom ô tô Nam Cần Thơ sau khi thành lập Viện Nghiên cứu phát triển dược liệu DNC. Kế hoạch đến quí 1 năm 2021, nhà trường sẽ khánh thành Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ.

Hiện nay, DNC đã thành lập ba doanh nghiệp theo mô hình này, là Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ, y tế, du lịch, cơ khí ô tô...

“Phát triển mô hình này, DNC nhằm phục vụ nhu cầu thực hành – thực tập cho sinh viên  nhà trường, giúp doanh nghiệp dễ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp. Ngay tại nhà trường, sau khi học lý thyết, các em có điều kiện cọ xát với thực tế, tự hoàn thiện kỹ năng và nâng cao tay nghề; đồng thời các doanh nghiệp của DNC cũng là nơi tiếp nhận sinh viên làm việc sau khi các em tốt nghiệp. Thực tế, có trên 95% sinh viên tốt nghiệp hai khóa đầu tiên của DNC đã tìm được việc làm”, TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết song song với thực hiện mô hình này, DNC còn liên kết sâu rộng với các đối tác như Tập đoàn TaTa International, Tập đoàn ISUZU, Tập đoàn Vingroup, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Công ty Dược Hậu Giang, Viettinbank, HDBank, Misa, Viettel, VNPT, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ… về đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường, để sinh viên thực sự quen thuộc với môi trường làm việc của doanh nghiệp, đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.

Trong hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, DNC tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Philippnies, Malaysia… thông qua các tường đại học, viện nghiên cứu uy tín, với các hình thức hợp tác song phương, đa phương trong các lĩnh vực giáo dục như trao đổi tài liệu khoa học, giao lưu hợp tác giáo dục giữa các giảng viên, sinh viên, tổ chức các khoá học ngắn hạn, các hội thảo quốc tế, phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu chung. Hiện nay, nhà trường đã tuyển sinh đào tạo ngành quản trị kinh doanh được 2 khóa theo chương trình liên kết với Trường Đại học Khoa học - Công nghệ Malaysia (MUST).

Trong niên khóa mới này, theo GS Xuân, DNC sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong cả giảng viên và sinh viên, triển khai rộng rãi công tác đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nội dung phải gắn với thực tiễn và đáp ứng sự phát triển của công nghệ kỹ thuật đồng thời đảm bảo tính mới, tính sáng tạo, khoa học. Trường cũng sẽ nâng cao chất lượng của Tạp chí Khoa học và Kinh tế phát triển DNC.

“Nhà trường sẽ tăng cường hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế, nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên bằng cách chọn lọc đưa vào sử dụng một số chương trình đào tạo đang được giảng dạy tại các trường đại học nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Phấn đấu đưa 30% giáo trình, tập bài giảng vào giảng dạy bằng tiếng Anh cho một số ngành đào tạo”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Sau hơn 7 năm thành lập, hiện Trường Đại học Nam Cần Thơ đang có trên 13.000 sinh viên, học viên, chủ yếu thuộc 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL theo học. DNC đang đào tạo 28 ngành bậc đại học chính quy như dược học, y khoa (bác sĩ đa khoa), xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kế toán, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, bất động sản, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, luật kinh tế, luật học, quan hệ công chúng (PR), kinh doanh quốc tế, marketing, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật công trình xây dựng, kiến trúc, kỹ thuật môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật hóa, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thụât ô tô.

DNC cũng đang liên kết với Đại học Khoa học – Công nghệ Malaysia đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, thạc sĩ quản trị kinh doanh và luật kinh tế. Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và đào tạo giao DNC đào tạo thêm 2 ngành mới là marketing và kinh doanh quốc tế trình độ đại học chính quy.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/309436/dai-hoc-nam-can-tho-mo-rong-hop-tac-quoc-te.html


     

Đồng Tháp: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu

Huỳnh Kim

Thứ Hai,  12/10/2020, 17:08

(TBKTSG Online) – Tỉnh ủy Đồng Tháp chiều ngày 12-10 tại TP. Cao Lãnh đã tổ chức cuộc họp báo Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Báo cáo chính trị trình Đại hội đã tổng kết những thành tựu kinh tế - xã hội của vùng đất Sen hồng trong 5 năm qua cùng định hướng phát triển 2020-2025; trong đó, một trong những điểm nhấn là phát triển kinh tế thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Ban tổ chức cuộc họp báo, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần này sẽ diễn ra từ ngày 17-10 đến 20-10, có 350 đại biểu tham dự với chủ đề: “Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh”.

Nhiều hộ ở Đồng Tháp đã mạnh dạng chuyển đổi đất trồng lúa ở vùng trũng kém hiệu quả sang trồng sen mùa lũ và hiện nay đang đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Thu nhập bình quân của người dân hơn 54 triệu đồng

Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), do ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp ký (ông Lê Minh Hoan vừa được Trung ương điều động, bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ghi nhận 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm của Đồng Tháp, nơi người dân gọi là vùng đất Sen hồng, đạt 6,44%. Đến cuối năm nay, giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỉ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.292 đô la Mỹ), tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước, đến cuối năm 2020, ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,24%/năm.

Báo cáo cho biết cơ cấu kinh tế đến năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,93% (năm 2015 là 17,4%), thương mại - dịch vụ chiếm 45,53% so với 42,7% của năm 2015, nông - lâm - thủy sản chiếm 34,54% (năm 2015 là 39,9%).

Kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp được đánh giá là phát triển nhanh và toàn diện, tăng bình quân 3,57%/năm, hình thành phương thức sản xuất hợp tác - liên kết - thị trường. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng xoài và hoa kiểng đạt kết quả cao về giá trị, ổn định vùng sản xuất; riêng ngành hoa kiểng đã kết hợp được với ngành du lịch. Ngành hàng cá tra có giá trị xuất khẩu cao. Ngành hàng lúa gạo phát triển theo hướng liên kết, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, nông dân có lời.

Ở Đồng Tháp, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch đã mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan toả, thu hút gần 50 dự án với hơn 5.300 tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đến cuối năm nay, Đồng Tháp có 96/115 xã được công nhận xã nông thôn mới, đạt 83,5% (kế hoạch 50%); ba thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh là hai huyện nông thôn mới.

Đặc biệt, Đồng Tháp có mô hình Hội quán, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Cả tỉnh có 100 Hội quán, phát huy tinh thần liên kết, gắn bó giữa các thành viên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng thích ứng với thị trường.

Trong các Hội quán này, có 22 hợp tác xã ra đời (trong tổng số 168 hợp tác xã đang hoạt động, tăng 24 hợp tác xã so với năm 2015).

Về sản xuất công nghiệp, báo cáo cho biết phát triển ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, nhiều ngành hàng chủ lực tăng trưởng tốt. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy ở ba khu công nghiệp đạt trên 98%, ở 12 cụm công nghiệp đạt trên 76%.

Trong 5 năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của Đồng Tháp khá khởi sắc. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã vào hệ thống phân phối bán lẻ của các đơn vị có uy tín trong cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,6%/năm; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng trưởng tốt và đạt giá trị trên một tỉ đô la Mỹ/năm.

Quang cảnh họp báo tại Đồng Tháp chiều ngày 12-10. Ông Phan Văn Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp (đứng), đang trả lời TBKTSG Online tại buổi họp báo. Ảnh: Huỳnh Kim
 

Du lịch Đồng Tháp đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng; tiềm năng du lịch được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Riêng môi trường đầu tư kinh doanh ở Đồng Tháp được cải thiện mạnh mẽ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, góp phần thu hút 178 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỉ đồng (có 8 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 1.889 tỉ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 4.200 doanh nghiệp.

Ở Đồng Tháp, hoạt động khởi nghiệp được triển khai đồng bộ, tạo tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù của tỉnh được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ và đã có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận.

Với đầu tư phát triển, Đồng Tháp tăng cường huy động nguồn lực xã hội gắn với tái cấu trúc đầu tư công; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cho các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, các chương trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng phục vụ tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, phát triển nhân lực và an sinh xã hội. Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội 5 năm nay ước đạt hơn 83.500 tỉ đồng, chiếm 22,3% GRDP, tăng 71% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ba thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự của Đồng Tháp được quy hoạch theo hướng kết nối và tác động liên vùng, làm cơ sở phân bổ nguồn lực, góp phần định hướng đầu tư và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh chủ trường quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên theo hướng phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Đồng Tháp được biết đến nhiều thông qua hình ảnh thân thiện và năng động; là điểm đến của nhiều du khách, khẳng định thương hiệu "Đất Sen hồng", góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hoá, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”, bản báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo này đã đánh giá nông nghiệp tỉnh phát triển chưa bền vững; trong sản xuất công nghiệp, quy mô và tính đa dạng chưa cao, chưa có bước đột phá mới; lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại, dịch vụ du lịch quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch phát triển chưa bền vững.

Thu hút đầu tư còn hạn chế; thực hiện xây dựng cơ bản còn chậm; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông.
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển nhanh về kinh tế. Việc tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế. Nguồn thu ngân sách chưa đa dạng, bền vững.

Việc quản lý tài nguyên còn bất cập; tình trạng sạt lở bờ sông còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn hộ dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra; chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là thanh thiếu niên. Một số “danh hiệu văn hoá” còn mang tính hình thức; thiếu sân chơi thể thao và các hoạt động gắn kết cộng đồng.

Chất lượng nguồn nhân lực có phát triển nhưng chưa tương xứng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác giáo dục kỹ năng sống còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xã hội. Việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ và các kỹ thuật viên chuyên ngành, có trình độ chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra ở các bệnh viện.

Nhu cầu thiết yếu về dân sinh ở một số nơi, trước hết là đất ở cho nhân dân vùng sạt lở, nhà ở cho hộ nghèo, xử lý môi trường, đời sống của cư dân biên giới còn khó khăn.

Một số đặc sản nông nghiệp của Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Kim

Phát triển bền vững từ thế mạnh của vùng đất nông nghiệp

Trong 5 năm tới, theo báo cáo, Đồng Tháp dự báo, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhất là việc triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thêm tiềm lực cho nền kinh tế của tỉnh.

Từ đó, Đồng Tháp định hướng phát triển nông nghiệp, du lịch đi vào chiều sâu; công nghiệp chế biến phát triển mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng.

“Nhiều dự án đầu tư hạ tầng được Trung ương triển khai thực hiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cùng với nhiều dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối, lưu thông hàng hoá và tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh”, bản báo cáo nhấn mạnh.

Đồng Tháp cũng nhận định, 5 năm tới, tình hình thiên tai, dịch bệnh; sự cạnh tranh của thị trường diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường sẽ là thách thức đối với sự ổn định nền kinh tế của tỉnh.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; các tuyến giao thông cửa ngõ ra, vào tỉnh chậm được đầu tư, nâng cấp, mở rộng sẽ là điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến việc kết nối, lưu thông hàng hoá, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.

Một số mặt hàng chủ lực của tỉnh cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thương trường trong và ngoài nước. Biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường sẽ tác động nghiêm trọng hơn đối với sản xuất và đời sống người dân.

“Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động thương mại điện tử sẽ tác động mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Quan niệm, tập quán, thói quen của một bộ phận nhân dân chưa thích ứng với yêu cầu phát triển; một số hạn chế, yếu kém đã được nhận diện trong nhiệm kỳ qua, nếu không được khắc phục sớm, sẽ tạo ra lực cản lớn đối với sự phát triển của tỉnh”, báo cáo chỉ rõ.

Đồng Tháp xác định kế hoạch phát triển là “Khai thác tiềm năng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu tổng quát cho 5 năm phát triển tới của tỉnh là “Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, gắn với yếu tố thị trường; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế nông - công - thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh; từng bước gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng toàn cầu hoá. Phát triển du lịch trở thành một trong những động lực trong phát triển kinh tế. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các hạ tầng trọng điểm có tác động lan toả.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đưa kinh tế của tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo quốc phòng - an ninh”.

Ông Nguyễn Văn Dương cho biết UBND tỉnh dự kiến 4 phương án tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Phương án 1: tăng trưởng 6,5%/năm; trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,3%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 8,8%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 7,5%/năm. Phương án 2: tăng 7%/năm, trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,5%/ năm; công nghiệp - xây dựng tăng 9,2%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,3%/năm. Phương án 3: tăng 7,5%/năm, trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 10,23%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,8%/năm. Phương án 4: tăng 7 - 7,5%/năm, trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 9,2 - 10,2%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,3 - 8,8%/năm.

“Qua phân tích, đánh giá tình hình của địa phương, dự báo những thuận lợi và khó khăn trong thời gian tới, mục tiêu tổng quát đề ra và tình hình thực tế, nguồn lực có thể huy động của địa phương, UBND tỉnh dự kiến chọn phương án 3 cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Đồng Tháp”, ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.

Riêng về kinh tế nông nghiệp, ông Dương cho biết, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến.

Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.

Cụ thể, 5 năm tới, Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển thêm các sản phẩm chủ lực (lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài và các ngành hàng có tiềm năng); hình thành và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thuỷ sản quy mô tập trung; sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm, từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc (công nghệ Blockchain), đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng Tháp sẽ chuyển đổi dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Sẽ phát triển kinh tế vườn (cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu các loại), tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh về thương hiệu và hiệu quả sản xuất. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm về số lượng, chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường theo quy mô trang trại gắn với chế biến thực phẩm thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Với thủy sản, Đồng Tháp chủ trương phát triển theo hướng hiện đại, sạch, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn; chú trọng vào ngành hàng cá tra còn nhiều tiềm năng.

Về hợp tác xã, theo ông Dương, tỉnh tập trung phát triển hợp tác xã quy mô lớn, tăng cường các hoạt động "sản xuất chung", "mua chung", "bán chung" nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm giá thành, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán. Xây dựng hợp tác xã có đủ năng lực liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và tiêu thụ nông sản cho các thành viên.

Đặc biệt, tỉnh sẽ duy trì và phát triển mô hình “Hội quán nông dân”, phát triển mới các hợp tác xã trên nền tảng Hội quán để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thực tế của người dân.

Với chương trình khởi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất làng nghề kết hợp với canh tác công nghệ - kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử nhằm nâng cao mức sống người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy thực hiện các kế hoạch này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, 5 năm tới, Đồng Tháp sẽ “nâng cao công tác phân tích và dự báo thị trường, đẩy mạnh truyền thông và kết nối thông tin thị trường”.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online tại buổi họp báo, ông Phan Văn Thắng, Trưởng ban Ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết ông Lê Minh Hoan vẫn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ này và chủ trì đại hội để bầu được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ mới 2020-2025.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1433/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/309322/dong-thap-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-thich-ung-bien-doi-khi-hau.html