Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Một nghị quyết đảo ngược tư duy cũ

Huỳnh Kim


GS.TS. Võ Tòng Xuân
(TBKTSG) - Nhân Chính phủ vừa ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, TBKTSG trao đổi vớiGS.TS. Võ Tòng Xuân xung quanh việc thực hiện nghị quyết này.


TBKTSG: Theo giáo sư, điểm mới của nghị quyết này là gì?

GS.TS. Võ Tòng Xuân: Đây là một chuyển biến lớn trong suy nghĩ của lãnh đạo, căn cứ trên kinh nghiệm hơn 40 năm nay. Nghị quyết này sẽ đảo ngược lại tình thế trước đây. Ví dụ, toàn đồng bằng đang được thiết kế theo chính sách cũ là an ninh lương thực; cái gì cũng phải lo cho an ninh lương thực, cho cây lúa, nên cấu trúc hạ tầng cũng như việc tổ chức các ban ngành từ tỉnh, huyện, cho tới người nông dân chỉ để sản xuất lúa là chính. Chính sách an ninh lương thực hơn 40 năm qua đã đưa tới một thành công lớn là chúng ta thoát được hiểm họa thiếu đói, tiến tới xuất khẩu gạo, đưa nước ta vào tốp 10 nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Sâu hơn là chúng ta đạt được ổn định xã hội; nhờ nông nghiệp, nhờ cây lúa mà xã hội ổn định, chính trị cũng ổn định.

Nhưng mặt bất cập của chính sách này là nó giết hết những sáng kiến làm giàu cho người nông dân, làm giàu cho ĐBSCL. Chúng ta cứ làm lúa bất chấp những điều kiện thiên nhiên, điều kiện môi trường. Ví dụ, chúng ta thấy nước mặn là không làm lúa được, cho nên bằng mọi cách, tốn bao nhiêu tiền cũng phải ngăn mặn, đưa nước ngọt từ trên xuống, tốn rất nhiều tiền ngân sách, tiền vay quốc tế. Cuối cùng thì ngày nay đồng bằng này vẫn nghèo, nghèo hơn những vùng khác; và người nông dân, nhất là nông dân trồng lúa, vẫn nghèo hơn những tầng lớp khác trong dân chúng.

Vậy cần bắt đầu thay đổi từ đâu, thưa ông?

- Thứ nhất là thay đổi tư duy của lãnh đạo. Thấy rằng làm giàu cho nông dân là phải biết lợi dụng các điều kiện thiên nhiên của ĐBSCL. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con làm giàu, chứ không phải làm ăn như trước đây, làm ra chỉ để ăn.

Kế tiếp là thay đổi tư duy của người nông dân. Người nông dân muốn khá lên thì không thể làm theo kiểu cũ, nhất là làm manh mún. Chẳng hạn, đất đai rất manh mún, động tới cái bờ cơm nếp, cái miếng ruộng nhỏ của mình thì không chịu. Nếu tư duy của nông dân cứ như thế thì đồng bằng này không bao giờ mới được. Mà không mới, thì ai cứ đứng ở chỗ nấy, làm ra có ăn thôi, rồi đem ra ngoài chợ làng bán; và nếu để thương lái đi gom hàng cho các nhà doanh nghiệp bán, thì nó là một món hàng hỗn tạp các thứ. Như cây lúa, thương lái đi qua một con kênh đã mua được mấy chục giống lúa dồn hết vô một sà lan. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải lấy lúa của các thương lái như thế thì không bao giờ chúng ta có gạo có thương hiệu, có chất lượng. Mà gạo không thể truy nguyên được nguồn gốc thì cũng không thể nào bảo đảm với người tiêu dùng đó là gạo sạch, là thực phẩm an toàn.

Thứ ba là doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy. Nhiều doanh nghiệp đang sống bằng cách lo lót, chụp giựt, tranh thủ để chiếm đất hay mua hàng không đúng chất lượng. Ví dụ với gạo, mặt hàng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay, tuy giá trị không cao nhưng đụng tới hàng chục triệu người nông dân. So với gạo của Thái Lan, gạo của mình không bằng về chất lượng vì gạo Thái Lan là gạo lúa mùa, mình là gạo lúa cao sản. Nhưng cái tôi muốn nói là ở Thái Lan, các nhà xuất khẩu gạo có hiệp hội xuất khẩu gạo và người ta làm đồng lòng. Giá cả đi theo chất lượng của nhà nước đưa ra, gạo ai đạt được chất lượng đó thì bán theo giá của hiệp hội. Họ không chơi kiểu đi lòn, kiểu phỗng tay trên như nhiều doanh nghiệp mình hay làm do không tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, làm hại chính sản phẩm của mình.

Nhưng như thế là đụng tới chuyện quản lý của Nhà nước?

- Các ban ngành chức năng của Chính phủ và các tỉnh phải làm nghiêm chỉnh lại. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quản lý được các loại nông dược lưu hành trong đất nước này. Hay các tỉnh, trước hết phải làm quy hoạch lại, ví dụ phải giảm diện tích lúa ở những nơi đất không thích hợp để nuôi trồng cái khác, làm tăng lợi tức của nông dân, như nghị quyết này đã nói.

Hay như nghị quyết đề ra giải pháp chuyển quy hoạch từ sống chung với lũ qua chủ động sống chung với lũ, với ngập nước, với nước lợ, nước mặn, thì phải tùy điều kiện nước ngọt để quy hoạch nuôi trồng cho thích hợp, xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên làm giàu của nông dân. Ví dụ quy hoạch lại vùng nuôi tôm thì phải dồn điền đổi thửa, đầu tư khoa học... để không còn nuôi tôm theo kiểu tự phát, làm cho bệnh tôm lan truyền.

* Đã đăng TBKTSG Online 26-11-2017:

Cần Thơ sẽ giới thiệu gì tại APEC Đà Nẵng?

Huỳnh Kim thực hiện


Ông Võ Thành Thống
(TBKTSG Online) - Diễn đàn APEC Việt Nam 2017 (từ 7 đến 11-11 tại Đà Nẵng), có Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam chuyên đề “Nông nghiệp bền vững” vào ngày 7-11. Trao đổi với TBKTSG Online, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, cho biết Cần Thơ sẽ giới thiệu với các đối tác lớn của APEC về việc quy hoạch và thực hiện các dự án nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu mà thành phố đang mời gọi hợp tác đầu tư.

TBKTSG Online: Thưa ông, thành phố Cần Thơ sẽ nhấn mạnh điều gì với đại diện 21 nền kinh tế APEC dự hội nghị này?

- Ông Võ Thành Thống: Đây là dịp để Cần Thơ quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách và tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch với các đối tác lớn trong khu vực. Đặc biệt tại hội nghị thượng đỉnh chuyên đề bàn về nông nghiệp bền vững, chúng tôi sẽ ưu tiên giới thiệu về công tác quy hoạch và một số dự án kêu gọi đầu tư về nông nghiệp tiêu biểu gắn với tình hình biến đổi khí hậu.

Đó là những quy hoạch gì, thưa ông?

- Thành phố Cần Thơ đã thực hiện tốt công tác quy hoạch kinh tế - xã hội, ngành và lĩnh vực. Vì nếu chưa quy hoạch thì các nhà đầu tư không an tâm. Trong nông nghiệp, chúng tôi sẽ giới thiệu 7 đề án đã quy hoạch. Đó là Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng năm 2030; Quy hoạch bố trí dân cư thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thưa ông, như vậy là nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ - đô thị loại 1 trực thuộc trung ương?

- Trong khối APEC, sản xuất nông nghiệp vẫn là một hoạt động mang tính toàn cầu, lấy trọng tâm là lợi ích con người làm trung tâm của sự phát triển. Thành phố Cần Thơ đã đưa ngành nông nghiệp vào mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Cần Thơ quan tâm đến việc đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ là đô thị trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng nông nghiệp chủ lực lớn nhất nước với hàng hóa phong phú như lúa gạo, thủy sản, rau, quả các loại. Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa cả năm của Cần Thơ trên 240.000 hec ta với sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn, trong đó, các giống lúa thơm đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích. Cần Thơ cũng đang phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; tích cực khôi phục vườn cây ăn trái với diện tích 16.000 ha, gồm các loại cây ăn trái chủ lực như vú sữa Phong Điền (950 hec ta), dâu Hạ châu (600 hec ta), xoài cát Hòa lộc, cam mật, nhãn (trên 120 hec ta).

Chúng tôi cũng phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản hiệu quả, theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hiện diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố hơn 11.400 hec ta; mở rộng 225 hec ta nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, SQF, BMP, ASC. Về phát triển giống cây trồng và vật nuôi thì Cần Thơ chú trọng đẩy mạnh phát triển các hệ thống sản xuất giống như lúa 3 cấp, các giống cây ăn trái đặc sản, chăn nuôi bò, heo, vịt và giống thủy sản.

Ngày 31-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt thực hiện các chương trình của Hội nghị Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu hồi cuối tháng 9 rồi. Cần Thơ có nhấn mạnh việc này tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng không, thưa ông?

- Quyết định mới này của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh đến hai hợp phần phải thực hiện là thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Thành phố Cần Thơ sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng này. Chúng tôi sẽ giới thiệu với quốc tế việc lồng ghép vấn đề này trong 7 giải pháp thực hiện các dự án đã quy hoạch. Đó là tăng cường liên kết với các địa phương và liên kết “bốn nhà”; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích phát triển trang trại, doanh nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả; đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất; và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

Còn việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này thì sao?

- Thành phố Cần Thơ sẽ giới thiệu với các nhà đầu tư của APEC 4 dự án cụ thể. Đó là dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 1, quy mô 20 hec ta ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ 244 hec ta ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ rộng 100 hecta và dự án Vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung rộng quy mô 100 hec ta, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

* Đã đăng TBKTSG Online 4-11-2017:

Lần đầu Nhật Bản xúc tiến du lịch tại Cần Thơ

Huỳnh Kim
Các đại biểu dự buổi tọa đàm đầu tiên về du lịch Nhật Bản tại Cần Thơ sáng ngày 2-11.
Ảnh: Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) - Phát biểu tại buổi tọa đàm về du lịch Nhật Bản tại Cần Thơ sáng ngày 2-11, đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (Japan National Tourism Organization – JNTO) tại Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên Nhật Bản xúc tiến du lịch tại Cần Thơ với mong muốn tăng lượng du khách vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và du khách Nhật Bản đi thăm nhau lên khoảng 30%.

Phát biểu với 20 cơ quan du lịch vùng ĐBSCL tại tọa đàm, ông Takahashi Ayumi, Trưởng đại diện Văn phòng JNTO tại Việt Nam, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên JNTO tổ chức hội thảo tại Cần Thơ nhằm đẩy mạnh du lịch Nhật Bản tại ĐBSCL.

Ông Takahashi Ayumi nói: “Từ khi ra mắt văn phòng JNTO hồi tháng 3 vừa qua, 7 tháng nay, thị  trường du lịch Nhật Bản liên tục tăng trưởng mạnh. Năm ngoái đã có 230.000 lượt khách từ Việt Nam đến Nhật. Năm nay, đến tháng 9, con số này đã đạt 230.000 người, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất từ trước đến nay và hy vọng đến cuối năm 2017, con số này là 300.000”.

Ông Takahashi Ayumi cho biết, đi cùng ông có đại diện 3 công ty du lịch Nhật Bản là JTB-TNT, Song Han Tourist và Tagger Travel để giao lưu với các công ty du lịch tại ĐBSCL. “Cần Thơ là thành phố lớn nhất ĐBSCL, là thị trường phát triển nhanh trong khu vực nên chúng tôi rất mong muốn sau tọa đàm này hai bên sẽ có thêm nhiều thông tin cụ thể để phát triển du lịch”.

Trong khi đó, theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, năm 2016 đã có hơn 740.000 lượt du khách từ Nhật Bản sang thăm Việt Nam. “Tuy vậy, số lượng du khách Nhật Bản đến Cần Thơ còn rất khiếm tốn do chưa có đầy đủ thông tin và hạ tầng giao thông còn hạn chế”, ông Nam nói và hy vọng cuộc tọa đàm này cùng với “Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật Bản” diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 3 đến 5-11-2017, sẽ giúp hai bên kết nối được những cơ hội hợp tác, đón được du khách của nhau nhiều hơn.

* Đã đăng TBKTSG Online 2-11-2017:
http://www.thesaigontimes.vn/166238/Lan-dau-Nhat-Ban-xuc-tien-du-lich-tai-Can-Tho.html

* Và tại Saigon Times Daily 3-11-2017:



Japanese tourism promoted in Can Tho

Huynh Kim

Takahashi Ayumi (R), chief representative of the JNTO office in Vietnam, speaks to the media at
 the Visit Japan seminar in Can Tho City on November 2 - PHOTO: HUYNH KIM
HCMC – The Japan National Tourism Organization (JNTO) on November 2 organized a seminar in Can Tho City in a bid to promote tourism exchanges between Japan and Vietnam’s Mekong Delta.
This was the first time the Japanese tourism promotion agency has held such an event in the Mekong Delta city of Can Tho to promote travel to Japan.
Takahashi Ayumi, chief representative of JNTO in Vietnam, said at the Visit Japan seminar that there has been an upsurge in Vietnamese tourists to Japan since the Vietnam office of JNTO was opened in March this year. Japan welcomed 230,000 tourists from Vietnam in all of 2016, but in the first nine months of this year, the same number of Vietnamese visitors came to Japan, up 30% year-on-year, the highest growth rate ever, he noted.
As for this year, Japan looks to attract up to 300,000 Vietnamese tourists, Takahashi Ayumi said.
Among around 20 travel firms showing up at the seminar on November 2 were JTB-TNT, Song Han Tourist and Tagger Travel. 
“As Can Tho is the biggest city in the Mekong Delta and a fast-growing market, we hope both sides need more specific information about each other to boost tourism,” he noted.
Can Tho City vice chairman Truong Quang Hoai Nam said at the seminar that more than 740,000 Japanese visited Vietnam last year. “However, the number of Japanese arrivals to Can Tho is still small due to a shortage of information for tourists and poor traffic infrastructure in the region.”
Nam added the Visit Japan seminar and the Vietnam-Japan culture and trade event which is set to take place in Can Tho this weekend are expected to help both sides attract more tourists.