Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tiếp bước Đội Hoàng Sa

   
Có thể nói, cho đến trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào chứng minh họ quan tâm đến việc xác lập chủ  quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, các nhà nước phong kiến Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, luôn có ý thức sâu sắc vị trí quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước”. Tác giả cuốn sách này - PGS.TS Trần Nam Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo; giảng viên khoa Quan hệ quốc tế trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - đã khẳng định như vậy ngay ở đầu cuốn sách Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam (NXB Văn hóa - Văn nghệ, quý I/2014).         
 



Càng ấn tượng với nhận định của Giáo sư Carlyle Thayler ở Học viện Quốc phòng Úc: “Trung Quốc cho rằng, họ có bằng chứng không thể chối cãi về việc Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này. Tuy nhiên, những tài liệu về Đội Hoàng Sa cho thấy, chủ quyền về Hoàng Sa mà Trung Quốc từng tuyên bố là vấn đề còn tranh cãi. Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam có cơ sở vững chắc. Đội Hoàng Sa có chức năng kinh tế, quốc phòng. Vào thời điểm đó, cách thức để duy trì việc quản lý chủ quyền là thông qua các cuộc thăm viếng thường xuyên để quản lý các tài nguyên và bảo vệ đảo. Và Đội Hoàng Sa của Việt Nam đã thực hiện các chức năng này”.

Ý kiến này như đã khái quát được nội dung cả cuốn sách, rằng đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, từ khi thành lập ở đảo Lý Sơn, phủ Quảng Ngãi vào đầu thế kỷ 17, trải qua thời các chúa Nguyễn, Tây Sơn và nhà Nguyễn (thế kỷ 19), đã đóng vai trò là lực lượng chủ yếu, độc đáo và duy nhất dưới danh nghĩa nhà nước, xác lập và thực thi chủ quyền ở biển Đông trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiệm vụ của đội không chỉ lo kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước, theo luật lệ của nhà nước phong kiến Việt Nam.

Về thời gian ra đời của đội Hoàng Sa, tác giả kể, các sử sách Việt Nam và cả của Trung Quốc (như Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán viết năm 1696) đều chép đội Hoàng Sa được lập vào đầu thời chúa Nguyễn; là một tổ chức dân binh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635).

Đến năm 1816, vua Gia Long lần đầu tiên ban lệnh cho thủy quân với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, do đạc thủy trình ở đảo Hoàng Sa. Tới năm Minh Mạng thứ 15 (1834), theo sách Đại Nam thực lục chính biên: “Đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.

Sau này vào năm 1833, sách Hoàng Việt địa chí của Phan Huy Chú còn ghi rõ: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”.

Còn đội Bắc Hải, ra đời trong quá trình Nam tiến của chúa Nguyễn; làm nhiệm vụ đi tìm kiếm hải vật ở khu vực Bắc Hải tức khu vực đảo Trường Sa và cả Côn Lôn, Hà Tiên ở phía Nam của Đại Việt. Sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn viết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai đội Hoàng Sa kiểm quản”. 

Tới thời Tây Sơn, đội Hoàng Sa phải cắm “biển hiệu hải quân”. Tại nhà thờ họ Võ ở đảo Lý Sơn ngày nay, vẫn còn giữ được bản Chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm thứ 9 niên hiệu Thái Đức (1786) của Thái phó Tổng lý Quản bình dân chư vụ Thượng tướng công: “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý… đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ”. Các món “đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác” này là của các tàu buôn và tàu chiến nước ngoài bị bão đánh đắm khi đi ngang qua Hoàng Sa, Trường Sa. Từ xa xưa, đây đã là con đường giao thương huyết  mạch trên biển Đông của thế giới.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà có đội Hoàng Sa ấy. Từ các thời Lý – Trần – Lê, biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 11 năm Đại Định thứ 22 (1161) đời vua Lý Anh Tông, nhà vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di là Phó, đem hai vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam để giữ yên miền biên giới.

 


Đó là vài câu chuyện nằm trong hai chương đầu của sách. Tới chương 3,“Đội Hoàng Sa trong tâm thức dân tộc hiện nay”, tác giả giúp ta hiểu thêm giá trị các di tích gắn với lịch sử đội Hoàng Sa ở tỉnh Quảng Ngãi ngày nay và  hiểu được vì sao giờ đây, hằng năm ngư dân đảo Lý Sơn vẫn tổ chức “Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Ngày nay, hậu duệ của đội Hoàng Sa ấy, là lớp lớp ngư dân Việt Nam đang sát cánh cùng lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, vừa bám biển làm kinh tế vừa đấu tranh không khoan nhượng với mưu đồ xâm lược của Trung Quốc.

* Mời đọc thêm trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 25-6-2014.