Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012
Một cái nhìn văn chương Nam bộ
“Đồng bằng Nam bộ không chỉ có lúa gạo, cây trái, cá, tôm mà còn có cả thơ văn, đạo nghĩa…”. Tiến sĩ Huỳnh Công Tín (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã chọn lời đề từ như vậy cho tập “Văn chương miền sông nước Nam bộ” do NXB Chính trị quốc gia ấn hành vào tháng 11.2012.
Sách gồm 14 chuyên luận tác giả viết trong những năm gần đây, khi còn giảng dạy tại Trường ĐH Cần Thơ và khu trú trong cái nhìn “thơ văn gắn với đạo nghĩa” của một nhà giáo mê văn hóa vùng châu thổ Cửu Long. Đó là dòng văn chương yêu nước thời kháng Pháp của những “người xưa” như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị; là dòng văn chương phong hóa - tâm lý xã hội - lịch sử Nam bộ của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Phi Vân, Sơn Nam, Nguyên Hùng. Có một chương dành riêng khảo sát về ca từ những bài vọng cổ của nghệ sĩ Viễn Châu. Với văn chương Nam bộ thời hiện đại, tác giả chọn hai nhà văn nữ là Dạ Ngân và Nguyễn Ngọc Tư để viết hai chương“Hồn quê Nam bộ qua tản văn Dạ Ngân” và “Nguyễn Ngọc Tư – hiện tượng văn chương đất Mũi”. Chương cuối, “Dấu ấn đồng bằng sông nước trong thơ”, tác giả “lướt qua” một số bài thơ của Trịnh Bửu Hoài, Lê Tân, Kim Ba, Hồ Thanh Điền, Phù Sa Lộc, La Quốc Tiến, Thanh Giang, Nguyễn Hoàng Triều… từng đăng trên tạp chí văn nghệ Bông Sen.
Tiến sĩ Huỳnh Công Tín thường tiếp cận tác giả bằng cách đọc hầu hết tác phẩm của họ và nhiều tài liệu tham khảo để khái quát thành chủ đề riêng cho từng chuyên luận. Thí dụ: “Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX qua cái nhìn Hồ Biểu Chánh”, “Nam bộ xưa qua cách viết Bình Nguyên Lộc”, “Sơn Nam – nhà Nam bộ học”, “Nguyễn Hùng – cây viết Nam bộ thời chống Pháp”. Ông cũng tìm kiếm hồn cốt văn chương Nam bộ của các tác giả qua sự nghiền ngẫm tác phẩm / sự kiện nổi tiếng của họ. Thí dụ với bài phú “Hoài cổ” của nhà thơ Võ Trường Toản ở đất Gia Định thời Nguyễn Ánh, Huỳnh Công Tín viết: “Ở đây, nhà thơ muốn “ôn chuyện cũ” để giáo huấn người đời “lòng nhân nghĩa”. Trong sự thăng trầm, biến đổi của xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực”. Hoặc viết về cuộc bút chiến bằng những bài “họa thơ” của Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường, tác giả kết: “Tuy không trực tiếp đánh giặc, nhưng với những sáng tác yêu nước và đặc biệt là với vai chính trong cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị xứng đáng được liệt vào hàng ngũ các thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Nghĩa binh Nam bộ kháng Pháp thời bấy giờ”. Hay như với Phi Vân, chọn tên ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này để đặt tên cho chương 5 là “Đồng quê – dân quê – tình quê”, bạn đọc hiểu ý ông muốn nhấn mạnh như lâu nay trong văn giới thường đề cao, Phi Vân là “nhà văn đồng quê” chính hiệu của Nam bộ.
Tới thời nay, viết về nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín càng tỏ ra “mê Nam bộ” hơn khi nhận xét như vầy: “Ở góc nhìn một người Nam bộ, vốn quan tâm tới lĩnh vực từ ngữ Nam bộ trong sáng tác văn chương, tôi vẫn nghĩ chị là nhà văn hiếm, vì còn giữ được cái cốt cách diễn đạt của người Nam bộ trong sáng tác”.
♥ Mời đọc thêm trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121211/mot-cai-nhin-van-chuong-nam-bo.aspx
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)