Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Tối nay, khai mạc festival Đua ghe ngo lần đầu tiên

(TBKTSG Online) - Với chủ đề “Trăng và lúa”, 20 giờ tối nay 15-11, festival Đua ghe ngo của đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ khai mạc tại khán đài đua ghe ngo ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và các đài phát thanh truyền hình ĐBSCL). Đây là festival đua ghe ngo lần đầu tiên tại Việt Nam do tỉnh Sóc Trăng và các địa phương khu vực ĐBSCL tổ chức.

Trước khán đài đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Ảnh Lê Hoàng Vũ



Trao đổi với TBKTSG Online, ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sóc Trăng, nói: “Festival này nhằm tổng kết hoạt động và trưởng thành của sự nghiệp bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer tại ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng”. Ông Quang kỳ vọng festival sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng ĐBSCL với cả nước.

Ông Quang cũng cho biết tới chiều nay, đã có hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước đến Sóc Trăng để tham gia festival. Các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh đã cam kết không tăng giá dịch vụ trong dịp này.

Trong hai ngày 16 và 17-11, có 61 đội ghe ngo (49 đội nam và 12 đội nữ) đến từ Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ thi đấu ở cự ly 1.000 mét (nữ) và 1.200 mét (nam). Kinh phí cho lễ hội này khoảng 2,4 tỉ đồng, trong đó có 500 triệu đồng dành cho 4 giải thưởng đua ghe ngo (giải nhất 200 triệu, giải nhì 150 triệu, giải ba 100 triệu, giải tư 50 triệu).

Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn sàng cho festival đua ghe ngo lần đầu tiên. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Tại festival còn có nhiều hoạt động khác như hội chợ thương mại và triển lãm về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội Sóc Trăng; liên hoan ẩm thực ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; trò chơi gian dân gian – hội thao dân tộc; triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”; ca múa nhạc tổng hợp; liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam bộ; lễ Cúng Trăng – Oóc Om Bóc; lễ Thả đèn nước; hội thi trang phục Kinh – Khmer – Hoa.

Sóc Trăng là tỉnh có bà con dân tộc Khmer đông nhất vùng ĐBSCL, gần 370.000 người. Festival này diễn ra vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, nhằm mùa lễ cúng trăng – Oóc Om Bóc, lễ thả đèn nước – Loyprotip của bà con dân tộc Khmer để tạ ơn mặt trăng nhân mùa thu hoạch hoa màu, nhất là lúa nếp.

Festival bế mạc vào tối 17-11.

Ghe ngo là một dạng ghe đặc biệt, được xem là vật thiêng chỉ được dùng để đua. Ghe ngo là thuyền độc mộc làm bằng thân nguyên vẹn của cây gỗ sao, được khoét phần ruột, do nghệ nhân và các sư chùa Khmer cùng làm. Ghe ngo dài từ 25m – 30m, rộng từ 1m – 1,4m, có từ 20-40 khoang, chứa được 22-25 cặp tay bơi.

Sau khi đóng xong, ghe được chà cho thật trơn bóng và sơn phết, trang trí thật đẹp. Thân ghe sơn màu đen, trên be sơn các vệt màu trắng, vàng, đỏ dài khoảng 5cm; hai bên be, chạm trổ hoặc vẽ hình vẩy rồng, vẩy rắn theo mô típ rắn thần Naga. Đầu ghe vẽ hình các con thú như rồng, chim công, sư tử, cọp, voi… vừa tượng trưng cho vẻ đẹp vừa biểu hiện sức mạnh.
* Mời xem thêm tại TBKTSG Online
 http://www.thesaigontimes.vn/Home/dulich/chuyendongdl/105794/Toi-nay-khai-mac-festival-Dua-ghe-ngo-lan-dau-tien.html

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Ngày 17-11, kéo điện 110 kV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á



(TBKTSG Online) - Theo kế hoạch của chủ đầu tư - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), sáng ngày 17-11-2013, nhà thầu chính là Tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Ý) sẽ bắt đầu kéo cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quố, tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Đây là hạng mục cuối cùng trong dự án đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Việc lắp đặt đoạn cáp ngầm đầu tiên sẽ được thực hiện tại vùng biển xã Hàm Ninh (Phú Quốc), sau đó kéo vào bờ biển Hà Tiên tại xã Thuận Yên. Tuyến cáp ngầm 110 kV này dài 55,8 ki lô mét, là tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á hiện nay. Đây là loại cáp ngầm 3 lõi, tiết diện 630 mi li mét vuông, trị giá 1.932 tỉ đồng.

Đại diện nhà thầu Prysmian Powerlink SRL cam kết sẽ xong việc lắp đặt cáp ngầm và đấu nối vào ngày 13-1-2014 để kịp cung cấp điện cho dân đảo Phú trước Tết Nguyên đán 2014.

Riêng phần lưới điện 110 kV trên đảo gồm đường dây 7,6 ki lô met và trạm biến áp 110/22 kV – 40 MVA do các nhà thầu trong nước thực hiện, đã hoàn thành. Trong đất liền, EVN SPC cũng đã đầu tư đường cáp ngầm 110 kV Kiên Lương – Hà Tiên, trạm biến áp 110/22 kV Hà Tiên, đóng điện từ tháng 2-2013.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 2.336 tỉ đồng, từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC. 

Lâu nay, dân Phú Quốc mua điện từ nhà máy Diesel Phú Quốc với giá cao gần gấp ba lần so với đất liền. Tuy vậy nguồn điện luôn thiếu dù sản lượng đã tăng từ 5,8 triệu kWh lên 64,5 triệu kWh trong 10 năm qua. Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, năm ngoái, ngành điện phải bù lỗ 157 tỉ đồng do phát điện bằng dầu ở Phú Quốc. 

Theo quy hoạch, 10 năm tới, đảo du lịch Phú Quốc sẽ đón từ 2 - 3 triệu lượt khách mỗi năm (năm ngoái, đón gần 500.000 du khách). Nhu cầu tiêu thụ điện trên đảo Phú Quốc do vậy sẽ tăng nhanh; từ nay đến năm 2015 là 1.386 kWh/người/năm, năm 2020 là 2.614 kWh/người/năm, đến năm 2030 khoảng hơn 4.200 kWh/người/năm.


Rải & chôn cáp dưới đáy biển ra sao?

Cáp được rải và chôn đồng thời xuống dưới đáy biển. Máy chôn cáp được kéo bởi tàu chủ di chuyển tới trước theo tuyến đã được thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống ống phun nước cao áp (hoặc lưỡi cày, bánh xích tùy theo cấu tạo cơ cấu đào của mỗi máy) trên 2 thân cày đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước có độ sâu theo chế độ cài đặt.

Máy chôn cáp thực hiện rải cáp và chôn cáp đồng thời
Cáp được thả xuống đáy rãnh (hoặc tì trượt xuống đáy rãnh đối với loại máy chôn cáp có cơ cấu đào dạng lưỡi cày hoặc bánh xích) ở phía sau. Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp.

Sơ đồ nguyên lý
Quá trình này được thực hiện liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so với mặt đáy biển tùy thuộc công suất của máy. Quá trình thực hiện được giám sát, kiểm soát, điều khiển liên tục.

Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu  hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.

* Mời xem thêm tại TBKTSG Online 15-11-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/105716/Ngay-17-11-keo-cap-ngam-xuyen-bien-dai-nhat-Dong-Nam-A.html


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Thơ Trần Thế Vinh



Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, Trần Thế vinh đi gần như khắp đất nước, giang hồ lãng tử; nhưng đi đâu rồi cũng quay về ẩn cư dưới chân ngọn núi Dài trong dãy Thất Sơn ở quê nhà An Giang. Có lời đồn trong làng văn nghệ miền Tây, hễ nghe tin có bạn văn đến Thất Sơn, Trần Thế Vinh lập tức đưa bạn vào núi, thơ rượu tràn bờ, chỉ mong khách nhớ quê mình – rằng giữa đồng bằng châu thổ vẫn mọc lên bảy ngọn núi cao.



Đúng là Thất Sơn ám ảnh anh. Trong bài Núi Dài và tôi, anh mở đầu: Dồ đá Miễu nhô ra / Nơi má tôi thời xuân xanh trèo lên, tuột xuống / Đá xước ngón chân con gái dậy thì / Ông nội tôi may nóp ra đi / Vạt nhọn tầm vông đánh Tây xâm lược / Chưa đón nắng thanh bình ông qua đời trước / Rồi ông ngoại tôi cũng xế bóng dưới dồ này. Giữa chừng, lại ám ảnh chiến tranh: Trước hồn núi vọng khua / Ba tôi cúi đầu về bốn hướng, tám phương van vái / Rồi mùa khô sau / Máy bay dội bom xăng, núi Dài bốc cháy / Che chở con, má tôi lửa xém thân hình / Ba chôn cất những người hi sinh. Cho tới đời mình, thì: Mỗi lần đi / Và lần về. Tôi như người mang nợ / Trước cây cỏ, vạt rừng, hang động, suối khe… 

Thất Sơn in bóng trong thơ Trần Thế Vinh dài theo năm tháng. Năm 1980, trong bài Ở đó Thất Sơn, anh thấy: Thất Sơn mây bạt ngàn / Người trong xóm núi vịn làng cột mây. Và: Đá Thất Sơn cao thấp ngửa nghiêng / Chập chùng thương nhớ biết riêng từng người. Tới năm 2000: Đêm núi Cấm / Ta nép mình trong lá / trong mây, trong sương tan như tuyết /…Ta ngậm từng giọt rượu / giọt trăng, giọt sao lan tỏa khắp thân mình (Đêm núi Cấm). Sang năm 2003: Thất Sơn qua rồi những trận binh đao / Ô Tà Sóc, núi Dài… đang xanh lá / Bỗng trong bóng đêm thời bình / Từ lòng người và đồng tiền mặc cả / Bắn đá – đá rung, nhốn nháo chim rừng / Bụi bặm trắng trời phủ mặt núi hồi xuân (Đêm nghe núi khóc).

Cách đây ba năm, 2010, Trần Thế Vinh ghi lại hoạt cảnh Thất Sơn vào một ngày tháng Mười: Ngày này ở Thất Sơn / Lúa ruộng bưng nhấp nhô bậc thang hy vọng / Xanh tới đỉnh Cấm Sơn / Lễ hội Dolta năm nay cờ xí rập rờn / Vọng tiếng nhạc ngũ âm râm ran vũ điệu / Ngày này ở Thất Sơn / Đồng mênh mông xôn xao mặt trời / Đỏ lựng vòm núi nhấp nhô sóng nước / Em gái Khmer xênh xang váy mượt / Dự hội đua bò / Thách thức những chàng trai (Ngày này ở Thất Sơn).

Núi quê nhà mọc lên từ đồng bằng phương Nam hai mùa mưa nắng, thơ Trần Thế Vinh cũng lặn lội cánh đồng. Trong bài Lục bát hai mùa, có câu chuyện này: Một mùa lụt nữa đi qua / Nắng không đủ ấm lạt nhà buộc chung / Vớt lên tay khoảng đất bùn / Gặp đôi cò trắng còng lưng tìm mồi. Còn đây là một đêm trăng mùa nước nổi dưới chân dãy Thất Sơn: Nước đồng cắt mặt trời xanh / Chênh vênh dáng núi. Chòng chành bóng trăng / Đêm vờn đuổi sóng lăn tăn / Nửa soi mặt lũ, nửa hằn vết mây / Trăng nghiêng xuống vai em gầy / Đắm mình trên chiếc xuồng cây bềnh bồng /…Núi cao. Cao dáng mỏi mòn / Trăng chênh chếch sáng giữa vòm nước đêm (Trăng mùa lũ).

Những dòng thơ trên đây rút từ tập thơ thứ 9 của nhà thơ Trần Thế Vinh, Núi và lục bát hiên sông, do NXB Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang ấn hành vào tháng 12.2012.


Mời đọc thêm tại Báo Thanh Niên 12.11.2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131112/tho-tran-the-vinh.aspx