Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Ba, 20/7/2021, 14:32
(KTSG Online) - Cùng với TPHCM và 18 tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ
thị 16 phòng chống đại dịch Covid-19, thành phố Cần Thơ, cửa ngõ giao
thương ở ĐBSCL chủ trường “vừa cách ly, vừa sản xuất”. KTSG Online đã
trao đổi với ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP
Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Cần Thơ, xoay
quanh nội dung này.
|
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên trái) làm việc
tại một chốt phòng chống Covid-19 ở ngoại ô Cần Thơ. Ảnh: Phạm Đỗ Minh
Trung |
Mở đầu câu chuyện, ông Trần Việt Trường cho biết:
- Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Tôi
vừa xin được từ các mạnh thường quân thêm 10 máy thở cao cấp trị giá 4
tỉ đồng, 10.000 kit thử nhanh (trị giá hơn 1 tỉ đồng) và 25.000 khẩu
trang y tế 3D để bổ sung vào nguồn phòng chống dịch đang vào giai đoạn
quyết liệt của TP Cần Thơ trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do
biến thể Delta diễn biến nhanh, mạnh và khó lường hiện nay.
Dịch Covid-19 ở Cần Thơ đang diễn biến rất phức tạp, lây lan rất nhanh,
tập trung ở 3 quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy với nhiều ca bệnh
xuất hiện ở những chỗ đông người như ở một số chợ truyền thống, khu dân
cư, doanh nghiệp đông công nhân, siêu thị. Lần này, TP Cần Thơ cùng 18
tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng với tinh tinh
thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
KTSG Online: Nhưng Cần Thơ vẫn chủ trường “vừa cách ly, vừa sản xuất” như tinh thần công văn đã ban hành hôm 13-7 phải không, thưa ông?
- Vẫn làm chứ, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa sản
xuất kinh doanh. Do thực tế dịch đang diễn biến hết sức phức tạp nên TP
Cần Thơ đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chủ
động thực hiện các biện pháp cấp bách vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm
bảo sản xuất kinh doanh an toàn. Việc xây dựng và triển khai phương án
“vừa cách ly, vừa sản xuất” sát với điều kiện thực tế của doanh nghiệp
được xem như giải pháp then chốt để giữ vững phòng tuyến sản xuất.
Trong kế hoạch này có lưu ý các doanh nghiệp phải lo nơi ở tập trung
cho người lao động và tổ chức sản xuất khi có dịch. Các cơ quan chức
năng kiểm tra, đánh giá để quyết định cho doanh nghiệp hoạt động. Từ
ngày 16-7, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nào không
đăng ký phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” thì tạm dừng hoạt động cho
đến khi có phương án cụ thể. Trường hợp không dừng hoạt động, xảy ra
lây lan dịch bệnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp
luật.
Ngày 14-7, UBND TP Cần Thơ đã ban hành tiếp công văn “Về việc xây dựng
kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các
trường hợp mắc Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
và khu nhà trọ cho người lao động”. UBND thành phố giao Giám đốc Sở Công
Thương, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Chủ
tịch UBND quận, huyện chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh
doanh, khu nhà trọ cho người lao động khẩn trương xây dựng và ban hành
kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử trí khi có các trường hợp
mắc Covid-19. Thời gian phải hoàn thành trước ngày 17-7.
Như vậy không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà cả chủ các khu nhà trọ
có người lao động thuê ở đều phải nâng cao ý thức, quyết tâm phòng,
chống dịch Covid-19.
Việc này đang được làm tới đâu rồi, thưa ông?
- Các cơ quan chức năng đã đồng loạt triển khai cho các đơn vị này. Thí
dụ, như ở Công ty TNHH Kwong Lung Meko, KCN Trà Nóc II. Lúc đầu, công
ty tính cho 200 công nhân ở trọ vào công ty ăn ở, sản xuất tại chỗ, công
nhân có nhà riêng tại Cần Thơ được về nhà sau giờ làm với cam kết chỉ
di chuyển từ nhà đến công ty. Nhưng ngay sau đó, công ty nâng mức “vừa
sản xuất, vừa cách ly” lên cho khoảng 600 công nhân vào công ty ăn nghỉ
để làm việc ở 3 phân xưởng riêng biệt.
Hay như ở Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa nằm ngoài phạm vi KCN có trên
100 lao động, do Sở Công Thương thẩm định phương án “vừa cách ly, vừa
sản xuất”. Nơi này đã thuê 2 căn nhà gần công ty và tận dụng nhà xưởng
để bố trí nơi ở tập trung cho gần 100 công nhân.
Ngoài việc doanh nghiệp chủ động, Sở Công Thương cũng phối hợp cũng Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu cho 2 doanh nghiệp ở Ninh Kiều
thuê 2 khách sạn với giá ưu đãi để đưa công nhân vào ở và tổ chức xe đưa
đón để tập trung sản xuất theo đúng tiến độ giao hàng.
Cần Thơ là thành phố cửa ngõ, trung tâm giao thương với ĐBSCL, TP.HCM
và cả nước qua cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Do vậy, phải làm
hết sức đồng bộ các giải pháp vừa phòng, chống dịch quyết liệt để không
bị “vỡ trận” trước tình hình dịch lây lan phức tạp này. Nhưng khó hơn là
vẫn phải bảo đảm được sản xuất kinh doanh, giao thương để chuỗi này
không bị đứt gãy trong khi phòng chống dịch. Song song đó là phải bảo
đảm an sinh xã hội cho người dân trong suốt mùa dịch. Cho nên ngoài việc
vận hành bộ máy phục vụ xã hội, chính quyền TP Cần Thơ luôn kêu gọi mỗi
người dân đồng hành cùng thành phố thực hiện các chủ trường này, nhất
là làm “5K” cho chu đáo.
|
Sáng ngày 20-7-2021, trên lề đường Trần Văn Hoài (quận Ninh Kiều,
Cần Thơ), tiểu thương từ các chợ truyền thống Tân An, Xuân Khánh, Cái
Răng… đã mở 7 gian hàng thực hiện chủ trương “Đưa chợ ra đường phố” phục
vụ người dân đang phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16. Ảnh: HUỲNH
KIM. |
Thưa ông, riêng với việc mở lại chợ truyền thống theo chủ trương mới của Bộ Công Thương, Cần Thơ làm ra sao?
-Hiện nay, số ca lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn thành phố đang
tăng nên công tác kiểm soát, phòng, chống dịch phải ngày càng chặt chẽ.
Sau vụ lây lan từ chợ Tân An ở quận Ninh Kiều hôm 11-7, phải tạm đóng
cửa 33 chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát ở Ninh Kiều và Cái
Răng cùng với 31 chợ ở các quận, huyện còn lại.
Với chủ trương mới này, TP Cần Thơ đang làm dựa theo thực tiễn dịch lây
lan và công tác truy vết, xét nghiệm của ngành y tế. Ngoài hệ thống
siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các “chợ O đồng”, các điểm “bình ổn
giá”… UBND TP Cần Thơ chủ trương chuyển đổi phương thức mua bán, cung
cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu theo hình thức phân tán, lưu động đến
cho người dân nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Riêng các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống, chỉ được phép bán
hàng mang đi và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; trường
hợp không bảo đảm các yêu cầu thì phải tạm dừng hoạt động.
Mới nhất, thành phố yêu cầu Sở Công Thương và các quận, huyện khảo sát
các địa điển phù hợp để “đưa chợ ra đường phố”, kịp thời phục vụ người
dân với điều kiện phải tuân thủ nghiêm “5K”.
Vâng, “5K + vaccine” là chiến lược phòng chống Covid-19 hữu
hiệu không chỉ với Cần Thơ để bảo đảm “mục tiêu kép”. Ông có thể nói
thêm về kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tới đây của Cần Thơ?
-Theo số liệu của Sở Y tế Cần Thơ, đến hôm nay, 20-7, Cần Thơ đã tiêm
được 44.781 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho đúng các đối tượng, từ nguồn
vaccine do Bộ Y tế phân phối. Hiện thành phố đã phân bổ tiếp 61.188 liều
để tiêm tiếp; ngành y Cần Thơ đang xúc tiến việc này.
UBND TP Cần Thơ đã hai lần đề nghị Bộ Y tế phân phối tiếp một triệu
liều nữa để bảo đảm tiêm đủ 70% dân số Cần Thơ nhằm đạt miễn dịch cộng
đồng theo mục tiêu chung của cả nước. UBND TP Cần Thơ cũng đã và đang
kêu gọi, vận động nhiều nguồn trên thế giới để có vaccine ngừa Covid-19
càng sớm càng tốt. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Nhân đây, tôi xin nói thêm, dù nhiều doanh nghiệp, tổ chức muốn được
nhập và tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt, nhưng nước ngoài
mới chỉ cho nhập thông qua đại diện của Chính phủ là Bộ Y tế. Cho nên
UBND TP Cần Thơ, dù rất muốn xã hội hóa việc này, cũng chưa thể làm
được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, đến ngày 19-7-2021, Cần Thơ đã có 205 ca
nhiễm Covid-19, trong đó có 170 ca nhiễm trong cộng đồng (riêng ngày
19-7 có 32 ca). Cũng trong ngày 19-7, Cần Thơ đã test nhanh thêm 2.254
ca và test PCR 814 ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng. |
Đã đăng trên: KTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/318561/thanh-pho-can-tho-thuc-hien-vua-cach-ly-vua-san-xuat-ra-sao.html