Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Kênh Quan Chánh Bố - CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM


Mới đây, tại thị xã Duyên Hải - tỉnh Trà Vinh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thông luồng kỹ thuật kênh Quan Chánh Bố, cho phép tàu biển 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu. Sau sự kiện này, theo nhiều chuyên gia, vẫn còn nhiều việc phải làm từ dự án kênh Quan Chánh Bố.

"Thông luồng kỹ thuật"


Đây là dự án "Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu", đi qua 5 xã thuộc huyện Duyên Hải và 3 xã thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Theo Bộ GTVT, dự án gồm nhiều hạng mục khác nhau. Riêng tuyến luồng tàu dài 46,5km, gồm 4 đoạn: đoạn sông Hậu dài 12,1km (tính từ kênh Quan Chánh Bố về phía thượng lưu sông Hậu), đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài 19,2km, đoạn kênh Tắt dài 8,2km đào mới hoàn toàn để thông ra biển, và đoạn kênh biển dài 7km. Tuyến luồng này được thiết kế cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu.

Khảo sát luồng Định An. Ảnh: Hữu Hiệp

Cùng với việc đào và nạo vét luồng tàu, một đê chắn sóng phía Nam dài 2,4km cũng được xây dựng để bảo vệ luồng tàu kết hợp bảo vệ khu nước bến cảng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Ngoài ra, các nhà thầu phải xây dựng kè bảo vệ bờ dọc hai bên kênh Tắt, kênh Quan Chánh Bố và tại ngã ba kênh Quan Chánh Bố và sông Hậu với tổng chiều dài 35,9 km. Đồng thời, xây dựng thêm các hạng mục khác như khu tránh tàu, bến phà, bến sà lan 500 tấn, trạm quản lý đảm bảo an toàn hàng hải, hệ thống phao tiêu báo hiệu luồng và hệ thống thông tin liên lạc hàng hải…

Đến nay, dự án có tổng mức đầu tư 9.781 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013-2015) là giai đoạn thông luồng kỹ thuật với kinh phí 7.555 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2015-2017) hoàn thành các hạng mục còn lại với kinh phí 2.225 tỉ đồng.

Công trình này được thi công từ năm 2009 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 3.200 tỉ đồng. Nhưng do cắt giảm đầu tư công, dự án đã phải đình hoãn từ tháng 1-2013. Đến đầu năm 2014, qua 9 lần rà soát, dự án mới được khởi động lại các gói thầu thành phần và tổng vốn đã đội lên 9.781 tỉ đồng.

Theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi có luồng cho tàu lớn vào sông Hậu, đến năm 2020, lượng hàng hóa tổng hợp thông qua các cảng trên sông Hậu đạt từ 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm.

Bàn về dự án này, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết: "Chúng ta không thể dùng cửa biển Trần Đề hoặc Định An để tàu lớn ra vào sông Hậu do vấn đề bồi lắng phù sa từ trên nguồn sông Mê Kông đưa ra biển. Vì vậy mới có dự án đào kênh Quan Chánh Bố. Dự án nhằm giúp cho tàu trên 10.000 tấn ra vào sông Hậu đến các giang cảng ở Châu Phú (An Giang) và Bình Thủy, Trà Nóc (Cần Thơ) để ĐBSCL có năng lực xuất khẩu hàng hóa trực tiếp chứ không lệ thuộc cảng của TP.HCM".

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hơn 30 năm qua, luồng Định An vào sông Hậu luôn bị "mắc cạn" do thường xuyên bị bồi lắng nên đến nay, khoảng 80% hàng hóa xuất nhập ở ĐBSCL vẫn phải trung chuyển qua các cảng khu vực TP.HCM và Đông Nam bộ. "Việc giải quyết luồng cho tàu biển lớn 20.000 tấn giảm tải và 10.000 tấn đầy tải vào cụm cảng ĐBSCL luôn là nỗi xốn xang của chính quyền các tỉnh trong vùng; nhất là các doanh nghiệp phải "gồng mình" chịu đựng áp lực tăng chi phí giá thành và năng lực cạnh tranh hàng hóa", ông Hiệp cho biết.

Còn nhiều việc phải làm


Theo Báo Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc hôm 28-12-2015 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội với đại diện UBND tỉnh Trà Vinh và Bộ GTVT, các chuyên gia đã đặt ra nhiều nỗi lo xung quanh dự án kênh Quan Chánh Bố như kinh phí duy tu lớn, sạt lở luồng và hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng do tắt đường.


Sơ đồ dự án kênh Quan Chánh Bố.


Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết sau buổi giám sát đó, ủy ban sẽ hoàn chỉnh báo cáo, tập hợp đầy đủ ý kiến các bên để trình Chủ tịch Quốc hội và đưa ra hướng giải quyết hợp lý cho mọi vấn đề từ dự án.

Riêng vấn đề dân sinh, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết sau khi cắt quốc lộ 53 và đê Hải Thạnh Hòa để thông luồng, "có khoảng 8.000 hộ dân ở huyện Duyên Hải trở thành cư dân sống trên ốc đảo" (xem sơ đồ kèm). Còn theo ông Trần Anh, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Hàng hải (đơn vị quản lý dự án này), trong năm đầu tiên thông luồng, Bộ GTVT miễn phí qua phà cho người dân bị chia cắt bởi dự án; sau đó, Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tiếp tục tìm hướng hỗ trợ cho người dân đi lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Hiệp ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng chăm lo cho người dân vùng dự án cần được xem là ưu tiên hàng đầu. Ông Hiệp đề nghị: "Phát triển dân sinh tại các "cù lao mới" này do công trình chia cắt, không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương các xã, mà rất cần được các cơ quan cấp tỉnh, Trung ương chung lo".

Ông Hiệp cũng cho biết mặc dù dự án đã được nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, nhưng do thời gian thực hiện kéo dài, có nhiều thay đổi, nhất là tổng vốn đầu tư đã tăng khoảng ba lần, lại được lồng ghép với dự án đê chắn sóng phía Nam (gói thầu 10A) phục vụ Trung tâm Điện lực Duyên Hải, nên cần được lồng ghép đánh giá cả tác động môi trường và xã hội.

Mặt khác, theo ông Trần Hữu Hiệp, "khi luồng tàu biển được hoàn thành, thì cửa Định An vẫn cần được chỉnh trị căn cơ để đáp ứng cho tàu dưới một vạn tấn, giúp giảm mật độ tàu trên luồng kênh mới Quan Chánh Bố". Ngoài ra, cần cập nhật kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để đề xuất cụ thể phương án nạo vét bằng phương tiện thi công công suất lớn mới đáp ứng được yêu cầu.

"Luồng tàu biển lớn sẽ có, nhưng quan trọng hơn là khai thác giá trị kinh tế từ nó. Luồng chỉ là đường đi. Cần hơn là tàu và cảng phải hoạt động tốt, để giúp hàng hóa và doanh nghiệp ĐBSCL phát triển", ông Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Còn GS.TS Võ Tòng Xuân thì cho rằng: "Phải chờ vận hành kênh rồi mới khẳng định tác động của kênh. Cũng như trước kia, sau ngày giải phóng, Bộ Thủy lợi lúc bấy giờ cho đào kênh Trung Ương (Hồng Ngự - Vĩnh Hưng). Các chuyên gia đất phèn, nhất là các chuyên gia Hà Lan, đều ngăn cản vì nó sẽ khơi ổ phèn làm cho các vùng khác bị nhiễm phèn. Nhưng khi khai thông kênh này, rất may là luồng nước ngọt của sông Tiền đổ vào kênh trùng với thời gian sông Vàm Cỏ Tây rút nước phèn ra biển, hiệu quả rất tốt".


Bài đã đăng tại:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&id=174575

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

ĐBSCL: Số du khách tăng nhờ các đường bay mới



(TBKTSG Online) – Tại buổi họp báo tại Cần Thơ hôm nay, 28-1, sau một tuần mở đường bay mới Cần Thơ – Nha Trang, đại diện các đơn vị làm du lịch cho rằng du khách ra vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng nhờ biết liên kết khai thác du lịch từ các đường bay đi và đến Cần Thơ.

Trả lời TBKTSG Online, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Tây Nam bộ, đơn vị tiên phong thuê máy bay của hai hãng Vasco và Vietjet Air mở các đường bay nối Cần Thơ với Đà Nẵng, Đà Lạt, Bangkok, Nha Trang, cho biết sau một tuần (từ 21-1) mở đường bay mới Cần Thơ – Nha Trang, khách đã đặt vé kín chỗ vào dịp Tết Nguyên đán này.

Theo ông Vinh, lượng khách trên tuyến Cần Thơ – Đà Lạt cũng tương tự và Vietravel sẽ sớm mở lại tuyến Cần Thơ – Bangkok sau thời gian bay thử nghiệm. “Hiện nay là bay thuê chuyến, và với sự khả quan này, hy vọng tới đây các hãng hàng không sẽ mở các đường bay chính thức, Vietravel sẽ bao tiêu vé”, ông Vinh nói.

Riêng tuyến Cần Thơ – Nha Trang, Vietravel thuê máy bay ATR-72 67 chỗ, bay mỗi tuần ba chuyến đi về vào thứ Ba, thứ Năm, và Chủ nhật; giá vé 399.000 đồng/lượt, giá tour từ hơn 3,2 triệu đồng/người tùy tour; thời gian bay chỉ một giờ so với 14 giờ đi đường bộ như lâu nay.

Du khách nước ngoài mua sản phẩm viết thư pháp tại một gian hàng trong hội chợ “Sắc xuân miệt vườn” khai mạc ở Cần Thơ hôm qua, 27-1


Theo ông Vinh, từ hai đầu Cần Thơ và Nha Trang, Vietravel đưa du khách đi các tour đến Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Ninh Chữ, Tuy Hòa, Mỹ Tho, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên.

Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm ngoái, nhờ có máy bay nối các tỉnh ĐBSCL (thông qua sân bay Cần Thơ) với nhiều tỉnh, thành khác mà du khách đến với ĐBSCL năm 2015 tăng 18% so với năm 2014, đạt khoảng 7,7 triệu lượt, trong đó có hơn 800.000 du khách nước ngoài. Doanh thu du lịch đạt 8.600 tỉ đồng, tăng 49%.

Đó là con số khách lưu trú, còn khách không lưu trú đạt khoảng 25 triệu, ông Phong cho biết thêm.

Ông Lê Thanh Phong dự kiến, nếu duy trì được các chuyến bay này, năm 2016, du khách đến ĐBSCL sẽ tăng 8%, đạt khoảng 8,3 triệu khách, trong đó có 900.000 khách quốc tế, và doanh thu sẽ đạt 9.500 tỉ đồng.

Trao đổi với TBKTSG Online về sản phẩm du lịch mới, ông Phong cho biết năm 2016, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chú trọng khai thác bốn loại hình: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn (tập trung ở Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ); du lịch sinh thái đất ngập nước (Cà Mau – U Minh Hạ, Kiên Giang – U Minh Thượng, Đồng Tháp – Tràm Chim); du lịch biển đảo (Phú Quốc) và du lịch tâm linh (vùng Bảy Núi – An Giang).

Riêng với Thành phố Cần Thơ, nơi chủ động cùng các ngành liên quan mở các đường bay mới, theo ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ, ngành du lịch sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và cả nước để du khách sau khi lưu trú ở Cần Thơ sẽ đi tiếp các tour liên tỉnh.

Ông Ơn cho biết cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đang khai thác sáu đường bay nội địa nối Cần Thơ - ĐBSCL với Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang và hai đường bay quốc tế đi Đài Loan và Thái Lan.

Nhờ đó, theo ông Ơn, năm 2015, riêng ngành du lịch Cần Thơ đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách (có 207.000 khách nước ngoài), tăng 18% so với năm 2014, doanh thu hơn 1.747 tỉ đồng, tăng 49%.

Từ năm 2016, theo ông Nguyễn Hoàng Ơn, ngành du lịch Cần Thơ sẽ đầu tư mạnh hơn theo hướng phát triển “du lịch sông nước đô thị” và du lịch MICE (kết hợp du lịch với hội nghị) vì thành phố Cần Thơ đang khởi động dự án phát triển đô thị thông minh hiện đại với nguồn vốn vay 260 triệu đô la Mỹ của Ngân hàng Thế giới.

Ông Ơn dự kiến năm 2016, ngành du lịch Cần Thơ sẽ đón 1,7 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 1.800 tỉ đồng.

Còn theo ông Luyện Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa, “khách châu Âu thích các sản phẩm du lịch sông nước vùng ĐBSCL. Vấn đề là chúng ta phải biết liên kết và quảng bá tốt hơn”.

Dân số Cần Thơ và Khánh Hòa gần như nhau (khoảng 1,2 triệu người), nhưng theo ông Luyện Mạnh Cường, năm 2015, Khánh Hòa đón gần 4,1 triệu lượt du khách (60% đến từ các tỉnh phía Nam và có hơn 3 triệu khách nước ngoài), tăng 17% so với năm 2014, doanh thu gần 7.000 tỉ đồng, tăng 18%. Dự kiến năm nay, Khánh Hòa sẽ đón 5 triệu du khách, doanh thu 8.000 tỉ đồng.

Trả lời TBKTSG Online về dự báo tương lai đường bay mới Cần Thơ – Nha Trang đối với ngành du lịch Khánh Hòa, ông Cường nói: “Du khách từ Nha Trang – Khánh Hòa đến Cần Thơ – ĐBSCL sẽ khả quan”.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/141811