(TBKTSG) - Năm 2009, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn sống ở Cà Mau và vẫn lặng lẽ viết sau khi sinh bé trai thứ hai. Truyện Khói trời lộng lẫy của chị vừa in báo xong đã được một hãng phim truyện Việt Nam mua bản quyền làm phim. Chị lại vừa cho ra đời cuốn tản văn Yêu người ngóng núi. Nhân dịp đầu năm, TBKTSG đã trò chuyện cùng chị.
TBKTSG: Yêu người ngóng núi là cuốn sách thứ mười hai của chị, mà sao ở bìa 3 của sách chỉ nói “Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, là tác giả của Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận và Gió lẻ”. Chị có chia sẻ với Nhà xuất bản Trẻ như vậy không?
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Ôi không, chắc là do ý chú biên tập viên của nhà xuất bản. Chứ ý tôi là đừng viết gì ở bìa sách hết. Tôi cũ mèm rồi, có bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu vẻ vang người đọc cũng thuộc lòng rồi.
TBKTSG: Vậy còn truyện mới nhất Khói trời lộng lẫy đăng trên tuần báo Văn nghệ và sắp in sách nữa. Cùng với ba tác phẩm kia, chị có thể nói một chút về sự trải nghiệm cuộc đời?
- Đôi lúc bạn bè tôi tới một nơi nào rất đẹp, rất hoang sơ, con người ở đó hồn nhiên và tử tế, khi về thường bảo, Tư nên tới đó, nhanh nhanh kẻo nó hết đẹp. Khi tôi chụp một tấm ảnh ở một đồng cỏ, và tôi biết năm sau vẻ đẹp này không còn nữa. Chỉ tấm ảnh là còn lại, nhưng tấm ảnh không có đầy đủ vẻ đẹp của một đồng cỏ với hoa dại, ong bướm, gió và nắng... Tôi nghĩ tới người nghệ sĩ... Và tôi viết Khói trời lộng lẫy. Thực ra cả Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và Khói trời lộng lẫy có lặp lại nhiều tình huống, ở thân phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi, ở những ông cha bà mẹ vô tình. Chỉ là, cách ứng xử của nhân vật khác nhau, có đứa trẻ thỏa hiệp, có đứa trẻ trốn chạy, lại có đứa trẻ đương đầu, đối diện với tổn thương. Tại tôi tham, viết một tôi thấy chưa đã, chưa nói hết. Trước viết về sân khấu tôi cũng viết mấy truyện ngắn liền. Nên đôi lúc đi đường thấy toàn dấu chân chính mình. Sợ quá.
TBKTSG: Nhân vật của chị thường có nội tâm day dứt và hay tìm kiếm cho mình những điều giản dị để sống nhẹ nhàng mà không thành. Có phải vì chuyện làm giàu bằng mọi giá lâu nay ám ảnh con người ta quá mức chăng?
- Ám ảnh chớ, tôi lớn lên từ nhà nghèo mà. Nên tôi hay phân thân đi hai hàng, nửa muốn kiếm thiệt nhiều tiền nửa không thích bon chen. Nên tôi phải viết những chuyện từ tôi, trước nhất khuyên răn tôi, trước nhất càm ràm tôi, thương chính tôi. Thấy sống giản dị sao mà khó, nhất là tôi chui vào nhiều... cửa hàng quần áo mà khi đi ra vẫn tay không.
TBKTSG: Năm 2009, chị vẫn chỉ viết văn và khá lặng lẽ nuôi hai đứa con trai còn nhỏ. Với chị, thì như thế nào là “đủ” trong cuộc sống gia đình?
- Tôi thích lúc nào cũng thấy thiếu một tí, vì một tí đó mà mình có động lực làm lụng. Và chỉ một tí thôi nên tâm hồn không quá nặng nề hơn thua. Nhưng bây giờ tôi thấy thiếu nhiều chớ không phải một tí, trẻ con cần đủ thứ. Tôi có tới hai thằng trẻ con.
- Tôi có đọc sách của ổng như đọc tất cả sách nào mà tôi vớ được, với tính chất tham khảo. Tôi có viết cái truyện ngắn ngủn, đại khái có nói khi người ta không nghe thần thánh, con người thì tạm tin ông này, vì ông không thuộc hẳn về dạng nào. Ấy là ý nghĩ của riêng tôi thôi nghen!
- Già. Cũ. Buồn. Chỉ chọn một thôi thì không đủ đâu, lấy ba luôn đi!
_________________________________________________________
Ảnh: Trương Công Khả
Đã đăng trên TBKTSG Online