Trung
Chánh
(TBKTSG) - Trước phong trào khởi nghiệp đang
nở rộ ở ĐBSCL, tuần rồi, TBKTSG đã phối hợp với trường Đại học Cần
Thơ tổ chức tọa đàm chủ đề “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?”. Phóng viên
TBKTSG lược ghi một số ý kiến phát biểu tại tọa đàm.
|
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại cuộc tọa đàm chủ
đề “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?”, do TBKTSG phối hợp với trường Đại
học Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Ông Lê Minh Hoan,
Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Đồng Tháp:
- Tôi cho rằng môi trường
đại học có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho khởi nghiệp. Ví dụ, trường Đại học
Cần Thơ ở ĐBSCL phải là một môi trường khởi nghiệp.
Đại học có nhiều ngành nghề
đào tạo khác nhau, vừa có công nghệ thông tin, vừa có tiếp thị, quản trị kinh
doanh... Như vậy, chỉ cần hình thành một nhóm khởi nghiệp để giúp tư vấn, hỗ trợ
cho các bạn có ý tưởng khởi nghiệp, thì có thể hình thành sản phẩm hoàn chỉnh
hơn. Đây là môi trường mà ở bên ngoài không có sức mạnh bằng.
Đối với các doanh nghiệp đóng vai trò là nhà tư vấn (mentor) hoặc hỗ trợ
vốn thì Nhà nước cần có chính
sách miễn, giảm thuế những phần mà họ đã đầu tư, vì đó là những khoản đầu tư
rất lớn cho xã hội.
Quan trọng nhất, đừng để
các bạn trẻ khởi nghiệp “lủi thủi” làm một mình, đừng bỏ rơi họ.
Các quỹ đầu tư, nhất là quỹ
đầu tư của Nhà nước, rất khó tiếp cận. Vì khởi nghiệp có rủi ro rất cao, chỉ
20% số dự án thành công. Chuyên viên ở các sở, ngành hay những người phụ trách
quỹ khi thẩm định đề án vốn đa dạng các ngành nghề, đa dạng sản phẩm, dễ có tâm
lý sợ bị quy kết trách nhiệm nên tốt nhất là “đóng cửa”.
Tôi mong Đại học Cần Thơ
“mở cửa” để đón ý tưởng khởi nghiệp vô rồi cùng các chuyên gia phân tích thêm,
thì sẽ giải quyết được câu chuyện khởi nghiệp của ĐBSCL.
Tôi thấy chờ điều chỉnh
được chính sách để hình thành “quốc gia khởi nghiệp” thì còn nhiêu khê. Theo
kinh nghiệm của tôi, mỗi lần hình thành chính sách, rồi điều chỉnh được chính
sách để thích ứng, phải trải qua các bộ ngành lòng vòng, trong khi bộ ngành nào
cũng sợ rủi ro, thành ra tiếp cận được chính sách là khá khó khăn.
Tôi thường nói với các
doanh nghiệp trong tỉnh nên lập quỹ để hỗ trợ cho khởi nghiệp. Hãy nghĩ đến sức
mạnh đó để tạo được những doanh nghiệp kế thừa.
Ông Nguyễn Phương
Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi
nhánh Cần Thơ:
- Các bạn trẻ khởi nghiệp
thường có ý tưởng mới, có sáng kiến, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và trải
nghiệm. Có những sản phẩm cơ bản lúc đầu nhận được sự hỗ trợ của nhà trường,
giáo viên, nhưng nếu đi tiếp, thì đi như thế nào? Phải có một mentor (người
hướng dẫn) dẫn dắt tiếp theo mới có thể thành công, nhưng thực tế đang thiếu
cách, thiếu cơ chế để tìm được những mentor.
Với các bạn khởi nghiệp đã
thương mại hóa sản phẩm, nhiều bạn tự tin quá mức với thành quả của họ. Có bạn
khởi nghiệp đạt giải, sản phẩm được đưa ra thị trường, sau đó có người liên hệ
đặt hàng, các bạn lại nói đang rất bận, thậm chí không nghe điện thoại. Đó là
kiểu nhà khởi nghiệp quá tự tin và không chịu tìm phương án để mở rộng thị
trường.
Việc có một chương trình dành cho sinh viên năm cuối về khởi nghiệp là
rất cần thiết. Giống như vấn đề được các diễn giả đặt ra tại tọa đàm: khi hoạt
động khởi sự kinh doanh lớn dần lên, các bạn trẻ khởi nghiệp rất khó quản trị
tốt. Quản trị nhỏ chưa chắc quản trị được thì lớn lên sẽ phức tạp hơn. Vì vậy,
đây là vấn đề nên có trong chương
trình giảng dạy cho sinh viên năm cuối.
Trong chương trình khởi
nghiệp cũng nên có tổ tư vấn để giúp các bạn trẻ hiểu biết cách giải quyết
những vấn đề phát sinh trong quá trình khởi nghiệp. Chẳng hạn những vấn đề pháp
lý khi đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí
tuệ...
Về hệ sinh thái khởi
nghiệp, bạn trẻ khởi nghiệp có thể đạt được những kết quả bước đầu tốt, nhưng
sẽ cần thêm những yếu tố mới. Ví dụ, câu chuyện của bạn Thái (Tăng Hữu Thái, 23
tuổi, khởi nghiệp với mô hình kinh doanh các món ăn truyền thống thương hiệu
Gia Hảo - PV) nghe thì hấp dẫn, nhưng so với các mặt hàng ở đây, làm sao chứng
minh hương vị đó là độc đáo, cái gì là nét riêng? Còn sản phẩm của bạn Hùng
(Cao Thanh Hùng, 22 tuổi, sinh viên Đại học Cần Thơ với dự án “Thiết bị đo
lường và cảnh báo chất lượng không khí” - PV), dù có ý tưởng mới, nhưng hai năm
sau có thể nó sẽ lạc hậu, phải làm gì tiếp theo để phát triển để không dừng lại
ở một đơn vị nhỏ bé, doanh nghiệp địa phương?
GS.TS. Hà Thanh Toàn,
Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ:
- Đại học Cần Thơ có nguồn
nhân lực, cơ sở vật chất đầy đủ để có thể thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm.
Trung tâm ươm tạo của trường cũng sẵn sàng phối hợp với Vườn ươm Công nghệ công
nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) tại Cần Thơ để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động
khởi nghiệp.
Tháng 5 tới, chúng tôi sẽ
phát động phong trào sinh viên khởi nghiệp và kêu gọi các phòng chức năng, các
thầy cô hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực nhất định cho vấn đề này.
Đại học Cần Thơ cũng chuẩn
bị sẵn sàng một trung tâm ươm tạo cho các sinh viên khởi nghiệp. Đặc biệt, thầy
cô luôn nung nấu ý tưởng và dẫn dắt cho các em. Tôi hy vọng các sinh viên sẽ
tận dụng tất cả cơ hội, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất của
trường để có thể đẩy các dự án khởi nghiệp này lên.
PGS.TS. Lê Nguyễn
Đoan Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Đại học Cần Thơ:
- Chúng ta phải có hệ sinh
thái khởi nghiệp và cần có mentor để hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Vì vậy,
trong năm 2018, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Đại học Cần Thơ đưa ra
5 tiêu chí để thúc đẩy phát triển chương trình khởi nghiệp.
Thứ nhất, đó là hạt giống, tức phải có ý tưởng khởi nghiệp liên quan
công nghệ. Trường Đại học Cần Thơ có ý tưởng thành lập không gian khởi nghiệp
tại các khoa của trường có liên quan vấn đề này, với hai khoa đầu tiên là Kinh
tế và Công nghệ thông tin.
Thứ hai, chú trọng vào sinh
viên. Điều này Đại học Cần Thơ có lợi thế lớn nhất vì có số lượng sinh viên rất
đông. Chúng tôi sẽ triển khai tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên và gắn với
những bài học thành công của những người khởi nghiệp trước đây để có thể khơi
dậy tinh thần khởi nghiệp cho các em.
Thứ ba, chú trọng vào giảng
viên. Lợi thế của trường là có nhiều giảng viên đi học ở nước ngoài về. Họ được
học những công nghệ mới, ứng dụng cao từ các nước trên thế giới.
Thứ tư, Đại học Cần Thơ có
hai dự án lớn mà trường đang tập trung làm là dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế
Nhật Bản (JICA) và vốn ODA Nhật Bản nên sẽ có những sản phẩm phù hợp, mang tính
ứng dụng cao, có thể phát triển sản phẩm công nghệ.
Cuối cùng là có đội ngũ cựu
sinh viên. Họ là lãnh đạo hay giám đốc các công ty, hy vọng những người này có
thể trở thành những mentor giúp cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt tiến
đến thương mại hóa sản phẩm.
Ông Phạm Minh
Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP)
tại Cần Thơ:
- KVIP Cần Thơ có chính
sách thu hút khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp rất rõ ràng. Đó là
miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị phục vụ ươm tạo, miễn phí tiền
thuê văn phòng làm việc, giảm 50% phí thuê thiết bị nghiên cứu; hỗ trợ đăng
ký sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm trên trang
web của Sở Công Thương Cần Thơ và của KVIP. KVIP cũng là cầu nối liên kết
doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý; là nơi
cung cấp thông tin dữ liệu và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Cần Thơ và cả
vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Thanh
Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ:
- Các mô hình khởi nghiệp
hiện nay thường chỉ tập trung vào các lĩnh vực dễ gia nhập thị trường. Trong
khi đó, những tổ chức, cá nhân khởi nghiệp còn hạn chế về kỹ năng quản trị
doanh nghiệp, quản trị tài chính; chưa tìm kiếm được các nguồn lực hỗ trợ về
tài chính. Các hoạt động hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng còn mang tính
riêng lẻ và lồng ghép vào các chương trình khác có liên quan chứ chưa thực sự
có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh khởi nghiệp. Việc huy động vốn cho các
dự án khởi nghiệp cũng gặp khó khăn do rủi ro lớn.
Thực hiện chương trình khởi nghiệp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, thành phố Cần Thơ tập
trung vào liên kết với các đối tượng khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động đào tạo
nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành
chính, nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, xem những tổ chức, cá
nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Thành phố đang
trong giai đoạn xây dựng đề án về thành lập Quỹ khởi nghiệp và kêu gọi các tổ
chức, cá nhân tham gia đóng góp cho quỹ cũng như tham gia tư vấn, chia sẻ kinh
nghiệm cho các đối tượng khởi nghiệp.
Chính quyền thành phố
Cần Thơ đã ban hành, xây dựng nhiều văn bản cũng như các hoạt động khác. Cụ
thể là phối hợp với VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức thành công các
cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, thu hút hơn 250 thí sinh tham gia với hàng trăm ý
tưởng, qua đó đã chọn 4 dự án để kết nối doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh
doanh.
Cần Thơ hiện có trên 8.000
doanh nghiệp và 72.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho
hàng trăm ngàn lao động. Thực hiện chương trình khởi nghiệp quốc gia, địa
phương đề ra mục tiêu đến năm 2020 nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
trên địa bàn lên 13.000 doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu trên, địa phương xác định tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp
từ cơ sở sản xuất hiện có và các đối tượng khác, trong đó xem khởi nghiệp
trong đối tượng sinh viên là quan trọng.
* Đã đăng TBKTSG
Online 15-4-2018: