Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Hàng đặc sản sẽ vào siêu thị nhiều hơn


(TBKTSG Online) - Việc đưa hàng đặc sản các vùng miền, các làng nghề vào siêu thị nhiều hơn là kỳ vọng được nêu lên tại tọa đàm “Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị” tổ chức tại Cần Thơ chiều 26-12, do siêu thị Co.opmart, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, báo Tuổi Trẻ và báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp tổ chức.



Tọa đàm “Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị”

Dự tọa đàm, đại diện các cơ sở đặc sản ở An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu đều cho rằng, đặc sản vùng miền của Việt Nam rất phong phú, đa dạng; từ gạo, thủy sản cho đến các loại rau trái… đang tiêu thụ tốt ở các chợ truyền thống nông thôn, rất cần được đưa vào siêu thị để đến được với người tiêu dùng thành thị và khách du lịch nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Sài Gòn Coop (Siêu thị Co.op Mart), cho biết: “Theo điều tra của hệ thống siêu thị Co.op Mart, từ ba năm nay, sản phẩm đóng hộp không tiện dụng bị khựng lại trong khi sản phẩm đặc sản đóng gói tiện dụng tăng 30%”.

Ông Nhân công bố tiếp một số yêu cầu thực tế của thị trường từ kết quả điều tra này: 88,3% khách hàng cần sản phẩm đạt chất lượng và an toàn cho sức khỏe; 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm có chất lượng tốt hơn; 36% người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm vi phạm chất lượng; 64,5% người tiêu dùng thích xài sản phẩm thuận tiện sử dụng; 85% người tiêu dùng xem xét nguồn gốc sãn xuất; 79% người tiêu dùng chọn hạn sử dụng; 63% chú trọng giá cả; 61% chú trọng thương hiệu; 33% coi trọng bao bì; 90% người tiêu dùng tin rằng hàng mua tại siêu thị là hàng chất lượng…

Từ đó, ông Nhân nói rõ những yêu cầu chính để hàng đặc sản làng nghề vào được siêu thị. Đó là, phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp liên quan tới sản xuất, kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ; nguồn hàng ổn định; có hệ thống cung ứng, vận chuyển; có thương hiệu kèm giá cả, mẫu mã, bao bì phù hợp.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart nhấn mạnh rằng, cái thiếu nhất lâu nay với các chủ cơ sở sản xuất và làng nghề đặc sản là thiếu thông tin cần thiết về những việc này. Ông Nguyễn Thành Nhân nói tiếp: “Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đang cùng với các siêu thị và các cơ quan truyền thông hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất đặc sản lo việc này. Riêng hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ hỗ trợ ba việc: trưng bày sản phẩm, xét duyệt 6 tháng một lần và chiết khấu 50% trong lần đầu đầu vào siêu thị”.
Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH Trà túi lọc Tâm Lan (Tây Ninh) tỏ ra phấn khích trước các thông tin này và cho biết: “Sản phẩm Trà Tâm Lan 6 năm nay không tăng giá nhờ sản xuất khép kín bằng dây chuyền xanh – sạch 100% và chấp hành đầy đủ mọi quy định của pháp luật nên chắc chắn là Trà Tâm Lan sẽ đủ tiêu chuẩn để tham gia bán hàng trong hệ thống siêu thị Co.op mart”.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty Mắm Bà giáo Khỏe 555 (Châu Đốc - An Giang), chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi luôn tiếp xúc với hệ thống phân phối hiện đại để biết tự đổi mới theo yêu cầu thị trường. Thí dụ, mùi mắm nấu lẩu nội địa phải cao hơn mùi mắm nấu lẩu xuất khẩu. Nhờ vậy, lâu nay, 60% là hàng xuất khẩu và 40% tiêu thụ nội địa”.

Ông Trần Anh Thuy, Giám đốc Công ty Rượu Phú Lễ (Bến Tre) cho biết nhờ tham gia chương trình “Giỏ quà Tết” của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và siêu thị Co.op mart từ tết năm ngoái mà tới nay, rượu Phú Lễ đã vào được 30 siêu thị trong cả nước.

Nói về vai trò của Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động này, ông Trần Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, nhấn mạnh: “Mỗi địa phương đều có chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại; họ sẵn sàng giúp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp và cung cấp nhiều thông cần thiết khác như Trà Vinh đã và đang làm. Đề nghị các cơ sở và làng nghề đặc sản nên hợp tác với các chương trình này thông qua các sở công thương và trung tâm xúc tiến thương mại địa phương để đạt được các yêu cầu đưa hàng vào siêu thị”.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – đơn vị nòng cốt thực hiện chương trình này, nhấn mạnh: “Nếu các tỉnh đều có câu lạc bộ đặc sản làng nghề như một số tỉnh đang làm tốt thì chúng ta sẽ làm được những điều mà chúng ta vừa tính, đưa hàng đặc sản vào siêu thị nhiều hơn, hiệu quả hơn”.

Bài đã đăng tại TheSaigontimes.vn
http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/107892/Ha%CC%80ng-dac-san-se-vao-sieu-thi-nhieu-hon.html


Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Thơ của một nhà báo

Phạm Đức Mạnh là hội viên Chi hội Văn nghệ TP.Cần Thơ từ năm 1985 khi Cần Thơ chưa tách tỉnh, sau đó anh về TP.HCM làm việc ở Thời báo Tài chính Việt Nam cho tới giờ. Tưởng đã quên mất thơ, hổng dè anh vừa cho in liền hai tập thơ Đừng theo trăng em nhé và Đong đầy kỷ niệm (NXB Hội Nhà văn, quý 3 và 4.2013).


Nhà thơ Ý Nhi đã viết 8 trang giới thiệu tập thơ đầu với mở đầu như vầy: “Phạm Đức Mạnh không e dè khi nói ra quan niệm thơ của mình: Dập dềnh phiêu dạt nổi trôi/ Lấy thơ cột giữ mong đời bình yên” và: “Không viết được, lòng biến thành giông bão/ Cứ quay cuồng cảm xúc ở nơi em. Với anh, thơ là điểm tựa, là sự giải tỏa, cũng có thể nói là “giải pháp tối ưu” cho những cung bậc, những dạng thức tình cảm của mình giữa cuộc đời nhiều bất trắc, lo âu mà cũng nhiều niềm hoan lạc, nhiều yêu thương này”.   

Thơ của một nhà báo

Đọc 100 bài trong tập này, thấy nhận xét của nhà thơ Ý Nhi đáng được chia sẻ. Dường như cái nghề làm báo của tác giả (thường đòi hỏi lý tính nhiều hơn) đã “dẫn” tới cái mà Ý Nhi nói là “giải pháp tối ưu” đó trong thơ của anh. Ngay như ở bài Đừng theo trăng em nhé mà anh chọn đặt tên cho cả tập thơ tình yêu này, cảm giác đầu tiên thấy hơi “màu mè” nhưng đọc tiếp dễ thông cảm với “giải pháp ghen tuông” muôn thuở trong tình yêu mà tác giả chọn lựa để giải tỏa. Đầu tiên là: Em ơi trăng sáng quá/ Đừng thả hồn đi đâu. Tiếp đó: Đừng theo trăng em nhé/ Khi một mình đơn côi/ Trăng càng buồn càng tỏ/ Rót men tình lả lơi/ Đừng theo trăng em nhé/ Lạc biển đời mênh  mông/ Nhỡ gặp con sóng lạ/ Cuộc đời thành hư không. Để tới cuối câu chuyện, anh đề nghị: Hãy cùng trăng lứa đôi/ Tát bể sầu ngăn lối/ Phía yêu thương em đợi/ Phía đợi chờ anh mong. Ở đây, nói như nhà thơ Ý Nhi, nhà báo Phạm Đức Mạnh “còn tạo ra cho mình một vầng trăng có tên là trăng lứa đôi”.

Sang tập Đong đầy kỷ niệm, chính tác giả viết lời nói đầu, có đoạn: “Tôi chọn nghề làm báo dấn thân, làm kế mưu sinh, để đong cho mình những kiến thức cần thiết… Và trong sự sàng lọc tốt - xấu ấy, thơ mang đến và bù đắp cho tôi sự thanh thản; giúp tôi gạt bỏ đi mọi thứ tầm thường nhởn nhơ”. Ở tập này, 71 bài thơ là 71 câu chuyện cuộc đời của anh, đi từ tuổi thơ nghèo khó ở quê nhà Xuân Thành, Xuân Trường (Nam Định), rồi thời ở lính cho tới những tháng ngày “biết đủ thì đủ” trong cuộc sống công nghiệp hiện tại giữa lòng TP.HCM.

Trong dòng kỷ niệm này, bóng dáng nghề làm báo của anh, mà rõ nhất ở đây là sự tỉnh táo, cắt gọt câu chữ… ẩn hiện trong nhiều bài thơ. Thí dụ ở bài lục bát Tự răn này: Cuộc đời là kiếp đi vay/ Trăm năm - phải trả tháng ngày trần gian/ Giành nhau son thếp, lộc vàng/ Cũng về nơi ấy - nào mang được gì/ Tham lam, ích kỷ làm chi/ Mai sau bia miệng tiếng chì khó phai.

Ở bìa sau tập thơ này, tác giả trích in mấy dòng lục bát: Đi xa/ lâu trở về quê/ Ngõ hồn rơm rạ buồn khê ngóng chờ/ Hàng cau/ hoa trắng thẫn thờ/ Tơ lòng vương vấn bóng mờ người xưa. Xin chia sẻ với anh - và với nhà thơ Y Nhi ở nhận xét này: “Phạm Đức Mạnh đã chọn thơ. Vậy thì, lời cầu chúc cho anh chính là: mong anh giữ mãi được tình yêu với thơ và cùng với ngày tháng, sẽ có thêm thơ hay”.


Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131224/tho-cua-mot-nha-bao.aspx