Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Đất Bạc Liêu hữu tình, người Bạc Liêu mến khách

Lần đầu tiên Việt Nam có Festival Đờn ca tài tử quốc gia, diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu từ ngày 24 - 29.4. Cũng là lần đầu tiên, một bộ truyện tranh 3 quyển góp sức quảng bá du lịch cho một địa phương, ra đời nhân sự kiện lễ hội như vậy: Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu; Cao Văn Lầu và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Đồng Nọc Nạng.
Ảnh bìa bộ truyện tranh 3 quyển ra đời nhân sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014
Đây là sáng kiến của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thông qua Sở VH-TT-DL Bạc Liêu; được NXB Trẻ phối hợp với Công ty TNHH Thông tin Lữ hành Mê Kông - Metinfo (TP.Cần Thơ) thực hiện. Hy vọng rằng du khách gần xa về với Bạc Liêu, xem xong bộ truyện tranh này, có thể chia sẻ với thông điệp của người làm sách, cũng là lời của một nhân vật trong Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu đã thốt lên ở cuối truyện: “Đất Bạc Liêu hữu tình, người Bạc Liêu mến khách”.

Từ dấu chân tài tử




 

Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu kể chuyện một nữ sinh quê Bạc Liêu học ở TP.HCM đưa một nam sinh viên người Pháp về thăm quê nhà trong mấy ngày ngắn ngủi. Vậy mà bạn đọc như hóa thân vào chính hai nhân vật này để sống chan hòa cùng Bạc Liêu xưa và nay với bao khám phá thú vị. Ta như được gặp lại công tử Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà bác vật Lưu Văn Lang, nhà văn Phi Vân, cụ Cao Triều Phát, cua-rơ Mã Kim So, anh hùng Lê Thị Riêng, hoa hậu Đặng Thu Thảo... Rồi chuyện về tháp cổ Vĩnh Hưng của nền văn hóa Óc Eo, di tích đồng Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ hội Quán âm Nam Hải, nhà thờ Tắc Sậy, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ, khu du lịch Hồ Nam, cánh đồng muối, cánh đồng điện gió... và cả những món ẩm thực Bạc Liêu nổi tiếng như bún bò cay, cua rang muối, vọp nướng mỡ hành, rượu đế Công-xi...



Trang 18 là tranh vẽ cách điệu TP.Bạc Liêu bây giờ với chú thích: “Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa”. Trước khi dừng chuyện, người làm sách đã để cho chàng trai du khách Pháp ấy nói với bạn đọc như vầy: “Bạc Liêu xứng danh là nơi hội tụ tài tử. Không ít người quê nơi khác nhưng thành danh khi đến Bạc Liêu. Khi sống và cống hiến cho Bạc Liêu, các bậc tài danh này đã để lại những địa chỉ mà ngày nay là những điểm hẹn văn hóa”.

Đến những điểm hẹn văn hóa - lịch sử

Hai quyển kia là chuyện kể về hai trong số những điểm hẹn văn hóa - lịch sử ấy của Bạc Liêu.



Xem Cao Văn Lầu và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, như được sống lại thời Nam tiến mở cõi của tiền nhân với những người “tiên phuông” làm thầy võ, thầy thuốc, thầy đờn, thầy văn. Và từ đó đã ra đời một thầy đờn Cao Văn Lầu tài hoa với bản Dạ cổ hoài lang danh tiếng, như viên ngọc quý của dòng nhạc tài tử Nam Bộ vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tới trang 21, bạn sẽ gặp GS-TS Trần Văn Khê với lời đề nghị, nên “Đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.




Còn với cánh đồng Nọc Nạng, nhân dịp Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, xin mời bạn đến thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia này, hiện ở ấp 4, xã phong Thạnh A, H.Giá Rai; và đừng quên mang theo tập truyện tranh Đồng Nọc Nạng.

Cả ba câu chuyện này, đều được Hữu Tâm, một họa sĩ khuyết tật ẩn danh ở đất Cần Thơ, thể hiện đầy hồn phách qua nét vẽ chân phương, cổ điển theo dòng hội họa truyền thống phương Nam.



Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140422/dat-bac-lieu-huu-tinh-nguoi-bac-lieu-men-khach.aspx

Tham quan Bạc Liêu qua truyện tranh


Nhân Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ lần đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu (từ 24 - 29/4/2014), NXB Trẻ phối hợp với Công ty Metinfo ở Cần Thơ và Sở VH-TT&DL Bạc Liêu ấn hành bộ truyện tranh 3 quyển: “Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu”; “Cao Văn Lầu và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ” và “Đồng Nọc Nạng”.


Bằng nét vẽ chân phương, cổ điển theo dòng hội họa truyền thống, họa sĩ Hữu Tâm - một họa sĩ khuyết tật ẩn danh ở đất Cần Thơ, đã thể hiện sinh động ba câu chuyện khác nhau nhưng hòa quyện về văn hóa - lịch sử Bạc Liêu xưa và nay.




Ở cuốn “Cao Văn Lầu và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ”, bạn đọc dễ đồng tình vì sao xã hội đã đề cao bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu như một “viên ngọc quý” của ĐCTT Nam bộ - dòng nhạc vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Truyện tranh này tái hiện được sức sống thời Nam tiến mở cõi của cha ông ta với những người con “tiên phuông” làm thầy võ, thầy thuốc, thầy đờn, thầy văn. Mà trong số đó, có một thầy đờn Cao Văn Lầu tài hoa đã sáng tạo nên khúc Dạ cổ hoài lang vào năm 1919.

Họa sĩ còn vẽ lại bức ảnh đã đăng trên báo Cần Thơ mới đây, kể chuyện thầy Lê Đình Bích ở Trường đại học Cần Thơ đang dạy cho một số giáo sư và sinh viên Mỹ về ĐCTT với chú thích: “Năm 2013, còn có GS Alexander M. Cannon ở đại học Western Michigan đến dâng hương ở mộ Cao Văn Lầu trước khi viết luận án về ĐCTT Nam bộ”. Cũng ở trang 21 này, ta gặp lại GS-TS Trần Văn Khê với lời đề nghị, nên “Đưa nghệ thuật ĐCTT vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.

Với “Đồng Nọc Nạng”, xem xong truyện tranh này như có điều gì đó thôi thúc ta phải đi đến tận nơi - ấp 4, xã phong Thạnh A, huyện Giá Rai - để thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng Nọc Nạng. Bởi câu chuyện ly kỳ về cuộc đấu tranh mất còn giữa người nông dân Bạc Liêu với chính quyền thực dân phong kiến thời đó (2/1928) nơi cánh đồng Nọc Nạng kia, càng làm cho ta nghĩ ngợi nhiều về giá trị sống hôm nay.

Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu” lại là một câu chuyện lãng mạn về một nữ sinh quê Bạc Liêu học ở TP. HCM đưa một bạn nam sinh viên người Pháp về thăm quê nhà. Đến cuối truyện, chàng trai người Pháp ấy đã thốt lên rằng: “Đất Bạc Liêu hữu tình, người Bạc Liêu mến khách” sau khi nhận xét: “Bạc Liêu xứng danh là nơi hội tụ tài tử. Không ít người quê nơi khác nhưng thành danh khi đến Bạc Liêu. Khi sống và cống hiến cho Bạc Liêu, các bậc tài danh này đã để lại những địa chỉ mà ngày nay là những điểm hẹn văn hóa”. Bởi vì anh ta đã được khám phá bao điều thú vị ở xứ Bạc Liêu. Như là đã “gặp” Công tử Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà bác vật Lưu Văn Lang, nhân sĩ Cao Triều Phát, cua-rơ Mã Kim So, anh hùng Lê Thị Riêng, hoa hậu Đặng Thu Thảo... Rồi những chiêm nghiệm ở Tháp cổ Vĩnh Hưng, di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, Đền thờ Bác Hồ, lễ hội Quán âm Nam Hải, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối, điện gió... và thưởng thức nhiều món ẩm thực Bạc Liêu nổi tiếng như bún bò cay, cua rang muối, vọp nướng mỡ hành, rượu Công-xi...

Ở trang 18, họa sĩ Hữu Tâm vẽ cách điệu TP. Bạc Liêu bây giờ với chú thích: “Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa”.

Quả là một chuyến tham quan Bạc Liêu đáng nhớ!


Bài đã đăng tại:
http://baobaclieu.vn/newsdetails/1D3FE18275A/Tham_quan_Bac_Lieu_qua_truyen_tranh.aspx
 

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Nhiều sự kiện tại Festival Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu

Từ ngày 24 đến 29-4 này, Festival Đờn ca tài tử đầu tiên ở Việt Nam  diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, quê hương bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu với chủ đề “Đờn ca tài tử, tình người - tình đất phương Nam”.

Bạc Liêu, một tỉnh nghèo ở ĐBSCL đang chọn con đường phát triển với nền tảng “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, lần đầu tiên tổ chức một lễ hội lớn như vậy.

Một cảnh đờn ca tài tử ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trả lời TBKTSG Online, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiêm trưởng ban tổ chức lễ hội này, nói: “Bạc Liêu đã sẵn sàng cho Festival Đờn ca tài tử và qua sự kiện này, hứa hẹn Bạc Liêu sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư”.

Bà Ái Nam cho biết có 21 sự kiện chính tại lễ hội này, gồm có: liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc; đại nhạc hội “Sắc màu làn điệu Phương Nam”; triển lãm tranh ảnh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; triển lãm nhạc cụ dân tộc; khánh thành dự án mở rộng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ”; chương trình nghệ thuật tôn vinh soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang; chung kết cuộc thi “Người đẹp tài năng đờn ca tài tử”; trao giải cho các cuộc thi sáng tác ca khúc, vọng cổ và sáng tác lời mới 20 bản tổ đờn ca tài tử Nam bộ, sáng tác ảnh thời sự nghệ thuật, giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”; hội chợ thương mại - du lịch; lễ hội ẩm thực Nam bộ; họp mặt doanh nhân và nghệ sĩ; chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang; hội thảo và ký kết tour, tuyến du lịch; hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; lễ đặt tên các trụ turbine điện gió thuộc dự án điện gió Bạc Liêu; chương trình caravan xe cổ; công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại 2; thả diều nghệ thuật; chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc.  


Nhà hát Cao Văn Lầu hình nón lá – sẽ khánh thành sau lễ hội này.

“Nhiều nội dung nhưng cái nào gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử Nam bộ thì đó là điểm nhấn của Festival này” - bà Ái Nam nói.

Theo Ban tổ chức, lễ hội nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử và phong trào đờn ca tài tử Nam bộ. Festival cũng nhằm quảng bá và thu hút du khách và nhà đầu tư về với Bạc Liêu.

Các hoạt động này sẽ được tổ chức tại quảng trường Hùng Vương; trung tâm hội chợ, triển lãm tỉnh Bạc Liêu; khu du lịch sinh thái Hồ Nam; liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; nhà thi đấu đa năng; khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; trung tâm hội nghị tỉnh; khách sạn Công tử Bạc Liêu; nhà máy điện gió Bạc Liêu...

Về kinh phí, bà Lê Thị Ái Nam cho biết: “Chưa tính hết được nhưng phần lớn là từ nguồn tài trợ và xã hội hóa”.

Về du khách, bà Ái Nam ước đoán: “Sẽ có vài chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu nhân lễ hội này. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch và đã tập huấn công tác này từ nửa năm nay”.

Nhiều doanh nghiệp ở Bạc Liêu đã đón đầu sự kiện này để kinh doanh. Như khu du lịch sinh thái Hồ Nam đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng mở rộng resort, xây thêm trung tâm hội nghị 2.500 khách, mở thêm dịch vụ giải trí, mua sắm hàng đặc sản Bạc Liêu.

Nhân Festival này, Sở Văn hóa - thể thao - du lịch tỉnh Bạc Liêu phát hành bộ truyện tranh ba cuốn, Cao Văn Lầu và đờn ca tài tử Nam bộ; Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu; Đồng Nọc Nạng, do  NXB Trẻ và Công ty Metinfo thực hiện.





Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ Việt Nam; hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ.

Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại đồng thời lưu truyền câu đối “Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản / Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.

Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam bộ với bài “Dạ cổ hoài lang” (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) ra đời vào năm 1919 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 – 1976).

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ ngày 5-12-2013.

GS.TS Trần Văn Khê đề nghị: “Nên đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.

Lời gốc bài Dạ cổ hoài lang


Từ là từ phu tướng. Báu kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng. Em luống trông tin chàng. Ôi! Gan vàng thêm đau. Đường dầu xa, ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Đêm luống trông tin bạn. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu. Vọng - phu vọng luống trông tin chàng. Lòng xin chớ phụ phàng. Chàng là chàng có hay. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây. Bao thuở đó đây sum vầy? Duyên sắt cầm đừng lợt phai. Là nguyện cho chàng. Hai chữ an – bình an. Trở lại gia đàng. Cho én nhạn hiệp đôi.

(http://festivaldoncataituquocgia.baclieu.gov.vn).

Bài đã đăng tại : http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/113824

Trên TheSaigontimes Daily: