Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua


Báo DOANH NHÂN SÀI GÒN 
XUÂN BÍNH TUẤT 2006


Một ngày cuối năm 2005, nhà thơ Lê Chí, cùng quê Cà Mau với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nói tôi viết một bài ngắn cho báo Doanh nhân Sài Gòn Tết năm nay về Nguyễn Ngọc Tư giùm vì anh đã nhận lời với báo mà hổng rành cô Tư lắm. Tôi nói, tôi chỉ quen cô Tư qua chuyện… đặt cổ viết bài mà thôi. Nhưng tôi cũng hẹn với anh Lê Chí là để thử xem rồi gọi điện thoại nói lại hết với Nguyễn Ngọc Tư như vậy, xong gởi cổ một mớ câu hỏi để có thêm thông tin mới. Hổng dè ngay hôm sau tôi nhận được hồi âm của tác giả truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, một phụ nữ 29 tuổi vừa làm “dậy sóng” trong làng văn nghệ nước nhà năm 2005, cũng với cái truyện này. Thấy nhiều thông tin cũng cũng hay hay, tôi bèn bỏ ý định viết bài và xin được chép lại y nguyên chuyện này gởi về tòa soạn.




- Nghe nói Tư không biết rõ ngày sanh tháng đẻ của mình, chỉ nhớ là sanh trong đêm nên Tư có nước da màu đen, nhưng mà có duyên. Tư có soi gương thấy mình dễ thương không?

Có chứ, em hay nghĩ mình tuy xấu nhưng có duyên ngầm. Có điều hơi cục mịch và không biết xử sự, hơi thất thường, sớm nắng chiều mưa. Khi em sinh con trai, thấy nó ốm nhằng, xấu òm, em lại nghĩ thương má, hồi nhỏ em xấu tệ, xấu đau xấu đớn, út mót mà. Chắc má cũng buồn… Giống như mình. Nhưng không sao, hồi nhỏ, ít nhất má cũng được tự hào vì em học khá giỏi, ở xóm trầm trồ khen hoài. Lớn lên cũng lại làm thêm nhiều chuyện… giỏi nữa, chắc là em đã bù đắp được rồi, cho má, cho ba. 

- Hồi nhỏ Tư học hành ra làm sao?

Giỏi. Nhưng lên lớp 6 thì môn toán dở èm. Ông thầy mặt xanh lét ốm nhòng như bị nghiện, dạy lại lừ đừ nên có đứa bạn em… rượt ổng chạy dài. Ổng chạy, bỏ lại em với môn toán mất căn bản trầm trọng.

- Từ nhà tới trường, có băng qua những “cánh đồng bất tận” nào không?

Nhà em cách trường khoảng năm cây số, đi bộ. Nhằm bữa tan học gặp ba đi xe đạp về, ba rủ mà em không chịu lên xe, em nghĩa khí, em không thể để nhỏ bạn (mà em kêu bằng chế, dì, bà con xa) đi bộ một mình. Tụi nó cũng vậy.

- Có gặp cái anh nào tán tỉnh mình hay là gặp cái ông nào mà mình ấn tượng gì không?

Hồi đi học em như cây củi, khô đét, đen đúa, cứng cỏi như con trai, thằng nào đui mới dám xáp vô. Mà tuổi học trò ngày xưa khùng khịu lắm, khác bây giờ.

- Hay là ngoại, cha, mẹ… dạy cái gì mình quá nhớ thời học trò đó?

Lúc chưa đi học, em ở nhà ngoại. Một đôi lần em ăn cắp… tiền. Nguyên cái xóm chỉ ngoại em bán tạp hoá, kẹo bánh nên lấy tiền cũng chẳng làm gì, cũng trả lại, nhưng lâu lâu lại nhìn tủ tiền, thòm thèm. Có lẽ cuộc sống nghèo khó của gia đình lúc đó làm em có tâm lý muốn sở hữu một cái gì đó, thiết thực. Và bây giờ đôi khi thấy mình… ham tiền thì cũng hợp lý thôi.

Có một chuyện mà em hối hận suốt đời. Hồi chăm sóc ông ngoại, em bận nấu cơm, rồi cắt, bó rau rồiquẩn quanh với nhiều công việc khác mà em ít nói chuyện với ông ngoại. Nhà thì rộng, ông đi đứng khó khăn nên không thể lại đằng xóm chơi. Em nhiều khi quạu quọ, nhiều khi dọn cơm ra bỏ đó rồi đi chỗ khác. Nhiều khi ông ngoại hỏi chuyện này nọ, em nạt ngang. Khi ông ngoại mất, em nhận ra, kỷ niệm là thứ không thể chỉnh sửa.

- Nghe nói Tư đang học tiếng Anh?
        
Có, nhưng em đang tính nghỉ. Em không theo nổi. Chương trình học quá lạ lẫm, em lại có quá nhiều chuyện để làm. Ngoại ngữ là môn không thể vắng mặt, không nghỉ được, vì bỏ một buổi là không theo kịp. Vào học, nghĩa là đầu óc không thể thảnh thơi để nghĩ ngợi bất cứ cái gì, cứ lấm lét sợ ông thầy gọi bắt đọc mấy tiếng anh xì xồ. Học mới một tháng mà em bị stress rồi, ngủ trưa ngủ tối gì cũng không được, phải uống “Hoạt huyết dưỡng não” để ngủ, sụt mất hai ký lô. 

- Ngoài việc ở Hội Văn nghệ Cà Mau, làm “nghị sĩ” của tỉnh, người ta giao cho Tư công chuyện gì vậy? Có lần Tư bảo “làm cho biết”, là làm sao?

Đó là công việc tệ nhất của em. Em luôn thấy ngán ngẫm mỗi khi vào kỳ họp. Em hoàn toàn không làm tròn trách nhiệm dân cử, cơ quan cũng phàn nàn sao chẳng thấy em nói gì ở diễn đàn cho văn nghệ sĩ dễ thở một chút. Nhưng em cảm thấy bất lực, em có cảm giác không chống được guồng máy đã gài chế độ chạy tự động. Đó, “làm cho biết” là vậy đó.

Em định xin ra khỏi Hội đồng Nhân dân nhưng người ta bảo, muốn ra cũng phải nghị quyết này nọ, mất công lắm, rốt cuộc, em là “nghị sĩ vật vờ”, “hội đồng ừ”.

- Nghe nói Tư thích nghe nhạc khi viết lách?

Không. Trước khi viết thì em nghe bài nào đó buồn buồn cho nó lắng bớt cảm xúc xuống chớ không thì nó nổi trôi hết. Còn khi viết thì không nghe gì hết.

- Nhà của Tư sát sông Cà Mau, rộn rã xuồng ghe suốt ngày đêm thì làm sao viết được?

Khi viết thì em không nghe thấy gì nữa. Cho nên ở bất cứ chỗ nào cũng viết được.

- Tư thích chơi với ai nhất? Có nhớ, có nghĩ lai rai tới ai không?

Em thích chơi với mình, trong một khoảng lặng nào đó. Nếu bạn bè là từng quen biết, ăn uống chung, tặng sách cho nhau thì em có đầy, nhưng một người bạn đúng nghĩa thì không. Người hiểu em cũng ít. Dường như một vài người gì đó có vẻ hiểu em, nhưng lại buột miệng là hiểu Tư quá trời. Vậy có nghĩa là không hiểu em gì hết, em rất bực khi cảm giác mình nghĩ gì làm gì anh  kia cũng biết tỏng tòng tong, vậy thì em sống làm gì, mắc công. Vậy đó, tưởng hiểu, cuối cùng có hiểu gì đâu.

Về cái khoản “nhớ lai rai”, có phải anh hỏi lãng đãng một thứ tình ngoài vợ chồng? Có, nhưng một mình em quyết định và điều chỉnh nó. Ông nào dù dễ thương mấy mà sấn tới là em rút lui, em bỏ chạy. Em cần giữ khoảng cách an toàn, em chỉ chơi với những người mà mình thật sự tin tưởng, an tâm. Mà yêu thêm cũng chỉ là một trò chơi, và nó gây thương tổn cho rất nhiều người, vậy thì tại sao mình không chọn trò ít đau thương hơn, vui vẻ hơn.

- Tư thường lục lọi trong sách báo mỗi ngày ra làm sao?

Toàn đọc báo có hình nhiều, nhất là những báo điện ảnh và phụ nữ, thời trang. Đọc sách nhiều, chữ đã mòn con mắt em rồi. Nên với báo chí, em đọc những gì nhẹ nhàng thôi.

- Thích xem ti-vi chương trình gì nhất?

Hoạt hình.

- Không thích xem gì?

Phim Đài Loan.

- Có thích xem “Thu Cúc đi kiện”, “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”… của Trương Nghệ Mưu không?

Không, xem thì thấy hay, nhưng không thích. Em thích phim tình cảm và hoạt hình Mỹ, nhiều phim nhân bản lắm. Anh xem “Nê-mô”, “Cô  dâu ma” hay “Thời kỳ băng giá” chưa? Dễ thương lắm. Em rất thích Judy Low, vì anh này đẹp trai. Em vừa xem xong “Núi lạnh”, khóc đã đời luôn. Em cũng thích phim Hàn Quốc, cái cách người trong gia đình họ đối xử với nhau mới dễ thương làm sao.

- Nói một chút về “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư” trong trang web của anh Trần Hữu Dũng (*) đi? Có hay lục lọi trong Internet như đọc sách thường ngày không?

Trang riêng này của thầy Dũng em vô có một lần. Bởi nó chứa tất cả những gì mà em đã biết, nên chẳng có gì để tò mò. Em sử dụng Internet chủ yếu là gửi và nhận mail, em sợ… tốn tiền nhiều. Mù tịt về Internet nhưng rành mấy trang web về điện thoại, nhất là khi chuẩn bị mua điện thoại… mới (em là chuyên gia mất điện thoại mà).

- Anh nên chấm hết bài viết mà anh Lê Chí nói dài cỡ hai ngàn chữ ấy về Tư ra sao đây?

Tết này em sẽ đi chơi mút mùa, bù lại năm trước mùng hai là thằng con nổi trái rạ tới rằm tháng Giêng, Tết trong căn nhà kín gió. Với lại năm nay, nhờ cánh đồng bất tận mà em có chút đỉnh tiền, phải làm sao cho tưng bừng chớ.



Ảnh: Võ Mạnh Hảo

============================
Tôi đã cẩn thận gởi bản thảo này để cô Tư coi lại. Và khi nhận hồi âm, tôi chú ý cổ không sửa mấy chữ “cánh đồng bất tận” sau cùng như là tên của cái truyện ngắn có nhiều dư luận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư./.
                                     --------------------------

Bài đăng tại:
http://www.viet-studies.net/NNTu/HuynhKim_NNTu.htm

(*) Trang web “Văn hóa và giáo dục” của GSTS Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State, bang Ohio, Mỹ) ở địa chí: www.viet-studies.net

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Bầu cử Mỹ: Ai đang dẫn trước?



Thái Bình


(TBKTSG Online) - Chỉ còn một tháng nữa cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu ra vị tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Cuộc tranh đua đang diễn ra gay gắt giữa hai ứng cử viên: ông Donald Trump của đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Theo dõi các cuộc thăm dò ý kiến cử tri ai sẽ là tổng thống mới, người ta thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa hai cách tính: dựa trên phiếu phổ thông (popular vote) và phiếu đại cử tri (electoral college vote). Hai cách tính phiếu này là đặc thù chỉ có ở Mỹ, không thấy ở nước nào khác.


Phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri có gì khác?


Hiểu một cách đơn giản, phiếu phổ thông là phiếu do cử tri bỏ vào thùng phiếu hoặc bấm “yes/no” trên hệ thống bỏ phiếu điện tử. Mỹ theo chế độ phổ thông đầu phiếu, mỗi người dân đến tuổi trưởng thành đều có quyền và nghĩa vụ đi bầu cử; mỗi lá phiếu họ bỏ vào thùng là một “phiếu phổ thông” (popular vote).

Nhưng không giống mọi nơi khác, ứng cử viên thu hút được nhiều phiếu của cử tri hơn chưa hẳn sẽ là người chiến thắng. Báo The Economist giải thích: “America’s presidential election is decided through the electoral college, where the winning candidate accumulates votes based on the states’ representation in Congress, not by the popular vote.”. (Bầu cử tổng thống Mỹ được quyết định không phải theo phiếu phổ thông mà theo phiếu đại cử tri, ứng cử viên thắng cử là người tích lũy được nhiều hơn số phiếu đại cử tri dựa trên quyền đại diện của các tiểu bang trong Quốc hội Mỹ).

Biểu đồ dưới đây cho thấy trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ 1960 đến nay, sự chênh lệch giữa phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông là khá lớn, trong đó một số ứng cử viên trở thành tổng thống nhờ có số "phiếu đại cử tri" vượt trội chứ chưa hẳn đã hơn đối thủ nhiều về số "phiếu phổ thông":

Ghi chú: màu xanh là đảng Dân chủ, màu đỏ là đảng Cộng hòa; ô tròn đặc là phiếu đại cử tri, ô rỗng là phiếu phổ thông.

Để hiểu con đường zich-zắc này, cần lưu ý nước Mỹ có 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang tùy vào quy mô dân số mà có số ghế đại biểu nhiều hay ít trong Quốc hội; và mỗi kỳ bầu cử, số phiếu đại cử tri (electoral college) của tiểu bang bằng số ghế dân biểu Hạ viện liên bang mà tiểu bang ấy bầu lên; toàn nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, bằng số dân biểu của Hạ viện Mỹ.

Trong bầu cử tổng thống, cử tri mỗi tiểu bang sẽ bỏ phiếu chọn ra người thắng cử của tiểu bang mình – đó là người có số phiếu phổ thông (popular vote) cao nhất. Người thắng cử mặc nhiên được hưởng toàn bộ số phiếu đại cử tri (electoral vote) phân bổ cho tiểu bang đó. Ví dụ tiểu bang California có 55 phiếu đại cử tri; bà Clinton và ông Trump, ai đạt được nhiều phiếu phổ thông hơn thì thắng cử ở tiểu bang và mặc nhiên được hưởng cả 55 phiếu đại cử tri California mà đối thủ không có phiếu nào.

Ai dẫn trước?


Về cuộc bầu cử sắp diễn ra, báo The Economist nhận định: “Hillary Clinton’s solid lead in the polls has evaporated, with national-polling averages putting her just one or two percentage points ahead of Donald Trump. This has changed the tone in reporting from measuring up the White House curtains for Mrs Clinton to gloomily pondering the possibility of a Trump presidency.” (Sự dẫn đầu vững chắc của bà Hillary Clinton đã bốc hơi, điểm trung bình những cuộc khảo sát ý kiến quy mô quốc gia cho thấy bà chỉ dẫn trước ông Donald Trump khoảng một, hai điểm phần trăm. Điều đó làm thay đổi giọng điệu trong việc tường thuật, từ chuyện háo hức chuẩn bị cho bà Clinton vào Nhà Trắng sang chuyện cân nhắc một cách u buồn về khả năng ông Trump trở thành tổng thống).

Nhận định này dựa trên kết quả thăm dò dư luận, nghĩa là trên khả năng thu hút “phiếu phổ thông” của các ứng viên. Nhưng The Economist cũng cho rằng, quyết định nằm ở phiếu đại cử tri, và các thị trường cá cược (betting markets) dự báo chung cuộc bà Clinton có thể giành được 320 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri.

Trang mạng Business Insider lại có cái nhìn khác, dựa trên sự tính toán phiếu đại cử tri. “Democratic presidential nominee Hillary Clinton has a sizable lead over Republican nominee Donald Trump in the Electoral College — but the lead is nowhere near big enough to call the election over just yet”. (Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đáng kể so với ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump tính theo phiếu đại cử tri – nhưng mức dẫn đầu vẫn không đủ lớn để nói rằng cuộc bầu cử đã kết thúc).

Business Insider tính ra rằng, đến giữa tuần này (6-10-2016), bà Clinton giành được 237 phiếu đại cử tri so với 187 phiếu của ông Trump tại các tiểu bang đã “gần như chắc chắn” (safe) và các tiểu bang gần như (likely) sẽ bỏ phiếu cho một trong hai người này (trên bản đồ, tiểu bang màu xanh dự kiến bỏ phiếu cho bà Clinton - Dân chủ, màu nâu bỏ cho ông Trump - Cộng hòa; màu vàng là tiểu bang toosup; con số bên dưới tên viết tắt của tiểu bang là số phiếu đại cử tri).

Tính thêm các tiểu bang “có khuynh hướng” (lean) bỏ phiếu cho một trong hai ứng cử viên – tức là các tiểu bang mà hiện thời chênh lệch giữa hai bên chỉ trong khoảng từ 2 đến 4 điểm phần trăm - thì số phiếu của hai người này có thể là: bà Clinton 301 phiếu và ông Trump 216 phiếu.

Những tiểu bang tossup (hai bên có cơ hội ngang nhau và độ chênh lệch không quá 2 điểm phần trăm; màu vàng trên bản đồ) gồm Nevada (6 phiếu) và North Carolina (15 phiếu), tính ra chỉ khoảng 21 phiếu đại cử tri. Ở hai tiểu bang "chưa phân thắng bại" này, bà Clinton có ưu thế hơn chút đỉnh.

Trong số các tiểu bang có chuyển biến về lập trường, ông Trump vượt trội ở Iowa (6 phiếu), Ohio (18 phiếu) là hai tiểu bang trước đây ủng hộ Dân chủ nhưng đang chuyển mạnh sang Cộng hòa. Trong khi đó, ở các tiểu bang Pennsylvania (20 phiếu), Colorado (9 phiếu) và Florida (29 phiếu) sự ủng hộ của cử tri có vẻ đang chuyển dần từ Cộng hòa sang Dân chủ.

Hai ứng cử viên Clinton và Trump sẽ có cuộc tranh luận thứ nhì trực tiếp trên truyền hình (trong ba cuộc tranh luận) vào Chủ nhật tới và điểm số giữa hai bên có thể còn thay đổi thêm nữa.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152400/

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Nông nghiệp không thể không chuyển đổi


Huỳnh Kim - Trung Chánh


(TBKTSG) - LTS: Nông nghiệp sáu tháng đầu năm tăng trưởng âm (đến cuối quí 3 có tăng trưởng trở lại); trụ đỡ cho nền kinh tế không còn vững. Gần đây chúng ta hay nói tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng cụ thể ta muốn cái gì, làm sao để đạt được... thì chưa rõ. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 27-9-2016, cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi để cạnh tranh và thích ứng với những biến đổi của xã hội, của thị trường... với tiêu đề: “Chuyển đổi nông nghiệp: tăng giá trị, giảm đầu vào”. Nông nghiệp Việt Nam đang và sẽ thực hiện tái cơ cấu như thế nào? TBKTSG trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân…


TBKTSG: Đến giờ, nói đến tái cơ cấu nông nghiệp, hình dung của ông là gì?




Ông Trần Hữu Hiệp.

- Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:

Tái cơ cấu nông nghiệp chắc chắn không phải là việc phải đeo bám mục tiêu cường quốc xuất khẩu gạo hay lấy sản lượng lương thực làm thành tích, nhưng cũng không phải là việc bỏ bao nhiêu diện tích cây lúa theo cách “vẽ lại bản đồ cây trồng” để chọn con tôm, con cá theo suy nghĩ kiểu cũ - dựa vào “nguồn cung”, quên đi “hướng cầu”, mà phải bắt đầu từ đổi mới tư duy làm nông nghiệp.

Khó có thể có cuộc chuyển đổi lớn mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những cản trở về chính sách đất đai, thiếu khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Không thể lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ lúa, muối, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trước tiên cần chuyển đổi tư duy làm chính sách mới thúc đẩy các mô hình làm ăn mới. Nông dân của ta đang miệt mài giải bài toán chi phí - lợi ích, kinh tế - môi trường, sinh kế - đời sống, kết nối hài hòa được các mắt xích của “hợp tác - liên kết - thị trường”.




GS.TS. Võ Tòng Xuân.

- GS.TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ:

Trước tiên cần xác định mục tiêu rõ ràng về tái cơ cấu nông nghiệp. Theo tôi, đến năm 2020, sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu theo chuỗi giá trị trên cánh đồng lớn; quy mô diện tích sẽ tùy thuộc vào quy mô thị trường đầu ra của doanh nghiệp liên kết; nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ làm chuỗi giá trị cung ứng, trong lĩnh vực thủy sản sẽ là “cộng đồng nuôi cá, tôm xuất khẩu”. Mục tiêu đến năm 2030 cũng như vậy nhưng là với nền nông - công nghiệp xanh.


Ông Lê Minh Hoan.

- Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp:

“Linh hồn” của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp là “hợp tác - liên kết - thị trường”, trong đó mọi hoạt động sản xuất của nông dân, kinh doanh của doanh nghiệp phải hướng đến thị trường, lấy thị trường làm mục tiêu, làm chuẩn mực. Mà nói đến thị trường là nói đến cạnh tranh, mà nói đến cạnh tranh là nói đến chi phí và lợi nhuận.

Do đó, Đồng Tháp đã và đang tập trung cho việc xây dựng những mô hình giảm chi phí, như mô hình giảm lượng vật tư đầu vào bằng cách thay đổi quy trình canh tác của GS. Võ Tòng Xuân; sử dụng phân bón thông minh tan chậm của TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đẩy mạnh kinh tế hợp tác để thông qua mua chung sẽ giảm về giá vật tư đầu vào.

Như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp cũng hướng tới ba mục tiêu là “giảm chi phí sản xuất - tăng chất lượng nông sản - đa dạng hóa các dòng sản phẩm chế biến”.



Ông Phạm Thái Bình.

- Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (xuất khẩu gạo, ở Cần Thơ):

Vấn đề của nông nghiệp hiện nay không phải do chúng ta chỉ chú trọng vào cây lúa, không tập trung vào thủy sản, cây ăn trái. Mấy mươi năm nay ta vẫn hướng vào cả ba lĩnh vực đó. Nhưng chúng ta đã đầu tư không bài bản, cứ chạy theo phong trào, sản phẩm nào bán được thì chạy theo, kể cả các nhà khoa học và nhà quản lý, chứ không chỉ riêng người nông dân và doanh nghiệp.

Theo tôi, nông nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư bài bản, cây lúa vẫn phải phát triển, chứ không thể nói là lúa thừa rồi mà coi nhẹ lúa gạo được. Ví dụ với cây lúa, chúng ta phát triển mấy chục năm, xuất khẩu lúa gạo đứng nhì thế giới trong nhiều năm, nhưng đã có thương hiệu gạo nào ra trò chưa? Đến giờ, khi ký một loạt hiệp định thương mại tự do thì chúng ta không có mặt hàng nông sản nào cạnh tranh được với người ta!


TBKTSG: Vậy theo ông, để có thể tái cơ cấu nông nghiệp một cách thực sự, đúng trọng tâm và đạt mục tiêu, cần gỡ bỏ rào cản/nút thắt gì và cần bắt đầu từ đâu?



- Ông Trần Hữu Hiệp:

Lối mòn tư duy làm nông nghiệp truyền thống, chạy theo số lượng, quên giá trị như đang bị nhân lên, trở thành những tác động tiêu cực tích lũy trước sức ép cạnh tranh - hội nhập - biến đổi khí hậu.

Sức ì trong thể chế và nội tại của sản xuất nông nghiệp cần được phá băng. Quan hệ sản xuất, cơ chế chính sách được ca tụng một thời nhờ thành tựu của Đổi mới đã phát huy hết tác dụng mà chưa được thay đổi, bổ sung kịp thời. “Quán tính” của kinh tế nông hộ một thời được ca tụng nhờ có bước phát vượt bậc khi được cởi trói trước đây, nay đã mất “sức rướn”, bị lực cản bởi tính manh mún, nhỏ lẻ của nó.


- GS.TS. Võ Tòng Xuân:

Theo tôi, tái cơ cấu nông nghiệp nên được tiếp cận theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Thực sự, đó là chuyển đổi một phần diện tích lúa sang sản phẩm nông nghiệp khác có giá trị cao hơn.


- Ông Lê Minh Hoan:

Tư duy thị trường phải được định hình ngay trong tư duy quy hoạch và định hình cơ chế chính sách. Chính thị trường mới quyết định nuôi trồng, sản xuất cái gì, như thế nào và bán cho ai? Không thể duy ý chí, áp đặt chủ quan từ bên trên để đặt chỉ tiêu phải sản xuất bao nhiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt bao nhiêu. Nói cách khác, không thể áp đặt trồng cây gì, nuôi con gì trong một thị trường luôn thay đổi, “trăm người bán, vạn người mua” mà chỉ có thể định hướng và phải luôn linh hoạt theo độ co giãn của thị trường.

Các chính sách của Nhà nước cũng phải hướng tới giúp người sản xuất nhận diện và thẩm thấu tư duy thị trường như đào tạo kiến thức thị trường, cung cấp thông tin, hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển, bảo quản, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (đào tạo nhân lực, đầu tư kho bãi, nhà kho, nhà xưởng...).


TBKTSG: Ông hãy thử xác định lộ trình và sự “phân vai” trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp (Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm sao và nông dân làm thế nào).



- Ông Trần Hữu Hiệp:

Tái cơ cấu nông nghiệp phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Cần tập trung ba vấn đề mang tính xương sống. Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ba là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.


- Ông Lê Minh Hoan:

Với Nhà nước, phải thay đổi triệt để tư duy thị trường, từ đó định hình lại bộ máy tổ chức từ trung ương xuống tận cơ sở. Hệ thống hóa các chuẩn mực thị trường cho từng loại nông sản, xây dựng chiến lược quảng bá nông sản ra thị trường thế giới, khơi thông thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra các vật tư đầu vào, có chính sách giảm chi phí lưu thông đối với các sản phẩm quốc gia chủ lực, chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho hợp tác xã như đã đề cập ở trên. Kiến tạo môi trường chính sách và pháp lý để tạo sự liên kết ổn định giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Với doanh nghiệp, thực hiện vai trò dẫn dắt định hướng thị trường mang tính chiến lược và dài hạn thay cho tư duy kinh doanh theo từng thương vụ, mùa vụ. Doanh nghiệp là xương sống, là mắt xích quan trọng nhất trong xây dựng chuỗi ngành hàng, từ đó xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hay địa phương. Doanh nghiệp, thông qua thị trường, tham vấn cho Nhà nước và nông dân xây dựng các bộ tiêu chuẩn quy định kỹ thuật, xây dựng quy trình canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh, định hình quy mô sản xuất cho từng loại nông sản, xây dựng hệ thống logistics phối hợp với Nhà nước quảng bá hình ảnh doanh nghiệp qua đó quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.

Với nhà nông, phải xác định tăng cường hợp tác với nhau là giải pháp duy nhất để nâng cao năng lực, để tận dụng thế mạnh của “mua chung, bán chung”. Phải biết liên kết với doanh nghiệp một cách dài hạn, cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, từ đó góp phần xây dựng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản. Nâng cao năng lực, kiến thức thị trường, tiếp cận các công nghệ bảo quản, chế biến đơn giản để giảm dần bán nông sản tươi, tăng dần nông sản bảo quản, nông sản chế biến. Hướng dần đến hình thành nông dân chuyên nghiệp, doanh nghiệp hóa nông dân.


- GS.TS. Võ Tòng Xuân:

Từ mục tiêu đã nêu, tôi đề nghị chúng ta tiến hành từng bước, một cách chắc chắn, theo chuỗi giá trị của quy trình nông nghiệp công nghệ tiên tiến. Đầu tiên là cải tiến bản đồ quy hoạch, cần chỉ ra các đơn vị đất đai gắn liền cây trồng, vật nuôi thích hợp, sẵn sàng đem ra sử dụng khi có tín hiệu thị trường.

Kế tiếp, tiến hành ba bước đến tái cơ cấu: Thứ nhất là tìm và mở thị trường. Thứ hai, khi đã xác định được thị trường, tiến hành quy hoạch vùng thích hợp để tổ chức hạ tầng cho nông dân tham gia sản xuất nguyên liệu, không để nông dân làm tự phát như bấy lâu nay. Thứ ba, tìm cho được doanh nghiệp biết tổ chức chế biến sản phẩm có thương hiệu từ nguyên liệu trên đây, biết quản lý kinh doanh sản phẩm của dự án. Biện pháp thực hiện, theo tôi, cần xã hội hóa.

- Ông Phạm Thái Bình: Về chính sách, bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi cần làm gì để có sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, giảm chi phí để cạnh tranh với thị trường thế giới. Ví dụ nhiều hàng nông sản Việt Nam chưa có thương hiệu, cụ thể là gạo. Hiện trong nước nói không dùng gạo bẩn nữa, tức gạo mà trong quá trình sản xuất bị bón phân, phun xịt thuốc vô tội vạ. Thế thì làm sao, ai làm để có gạo sạch?

Rõ ràng doanh nghiệp và nông dân phải làm việc này, nhưng để doanh nghiệp và nông dân liên kết trồng được gạo sạch thì phải có cơ chế, chính sách của Nhà nước để thay đổi quy trình canh tác. Rồi phải có vùng nguyên liệu. Cái này tốn nhiều vốn, cũng phải có Nhà nước hỗ trợ. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Nhà nước bỏ tiền ra cho doanh nghiệp, mà Nhà nước tạo ra cơ chế, chính sách để doanh nghiệp làm ra được vùng nguyên liệu.


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152278/

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Tân Cảng-Cái Cui (Cần Thơ) sắp đón được tàu container



  
Bốc hàng gạo xuất khẩu tại Tân Cảng – Cái Cui vào sáng nay, ngày 5-10-2016, để chuẩn bị xuống tàu container đi Hải Phòng vào ngày 25-10 tới.
 

(TBKTSG Online) - Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) đã hoàn thành đầu tư nâng cấp cảng Cái Cui (thuộc Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí – PVFCo) thành cảng Tân Cảng - Cái Cui từ ngày 29-9 và dự kiến bắt đầu đón chuyến tàu biển container đầu tiên vào ngày 25-10-2016.

Phát biểu tại tọa đàm về hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu về dịch vụ logistics tại cảng Cái Cui ở Cần Thơ hôm nay, 5-10, ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc SNP, cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành đầu tư nâng cấp Tân Cảng - Cái Cui vào ngày 29-9 để có thể ngày 25-10 tới, nơi này sẽ đón chuyến tàu hàng container đầu tiên nhằm kết nối hàng hóa ĐBSCL với hệ thống cảng nội địa và ra thế giới”.

Ông Đặng Thanh Sơn, Phó giám đốc Marketing SNP đã giới thiệu với hơn 60 doanh nghiệp ĐBSCL dự tọa đàm về năng lực của SNP, với 49 đầu mối trong nước, trong đó có ba cảng cung ứng nội địa (feeder) gồm Cát Lái, Phú Hữu, Hiệp Phước, ba cảng nước sâu ở Cái Mép (TCCT, TCIT, TCTT), 8 cảng sà lan tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 4 tàu biển tuyến Bắc – Nam; dự kiến sẽ triển khai trực tiếp tuyến dịch vụ đi quốc tế tại cảng Tân cảng - Cái Cui.

Ở ĐBSCL, ngoài cảng Tân cảng - Cái Cui, theo ông Sơn, SNP còn có các cảng khác tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang và Bến Tre. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp dịch vụ từ cảng Cái Cui đi các tỉnh khác ở ĐBSCL, lên TPHCM, ra miền Trung, miền Bắc và ngược lại để các doanh nghiệp ở ĐBSCL tiết kiệm được thời gian, chi phí so với đi xe tải”, ông Sơn nói.

Riêng Tân cảng - Cái Cui nay có thể tiếp nhận tàu 20.000 DWT với các dịch vụ logistics như bốc xếp tàu container, sà lan; hàng rời, đóng – rút hàng hóa; dịch vụ depot rỗng và kho hàng.

Dự kiến ngày 25-10 tới, tàu feeder tên là Tân Cảng Foundation sẽ đưa ít nhất 70 container tiêu chuẩn (TEU) hàng từ Cảng Hải Phòng đến Tân Cảng - Cái Cui và xuất ít nhất 70 TEU hàng nông sản từ đây đi TPHCM - Hải Phòng.  “Đây là tàu container chạy đường biển đầu tiên vào cảng Cái Cui qua đường kênh Quan Chánh Bố ngoài cửa sông Hậu”, đại diện SNP cho biết.

Bài đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/152319/Tan-Cang-Cai-Cui-Can-Tho-sap-don-duoc-tau-container.html

Mai sau, Mêkông sẽ còn gì



Lê Phát Quới

Trên 90% nguồn nước của vùng ĐBSCL nhận được từ sông Mêkông. Dưới những tác động của các đập thủy điện và nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở các quốc gia thượng nguồn, vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.


(TBKTSG) - Các chính sách can thiệp còn chưa đồng bộ, mới chỉ hướng đến tác động của biến đổi khí hậu mà chưa đánh giá đúng mức tác động của các hoạt động can thiệp của con người trên dòng Mêkông, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Sông Mêkông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, với chiều dài gần 5.000 ki lô mét và một lưu vực rộng lớn khoảng 795.000 ki lô mét vuông. Lưu lượng nước của sông Mêkông khá lớn, đứng thứ 10 trên thế giới, hàng năm đạt trung bình khoảng 475 triệu mét khối. Tài nguyên nước sông Mêkông đã và đang giúp phát triển sinh kế cho nhiều cộng đồng trong lưu vực.

Việc gia tăng sử dụng nguồn nước để sản xuất nông nghiệp và xây dựng các đập thủy điện phía thượng nguồn trong thời qua đã làm suy giảm nguồn nước và biến động dòng chảy, đồng thời với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đây là tác động kép gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Một số giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên chưa đồng bộ và mới hướng theo tác động do biến đổi khí hậu mà chưa đánh giá đầy đủ những tác động ảnh hưởng từ các hoạt động phía thượng nguồn.
Những tác nhân

Tài nguyên nước sông Mêkông đã và đang có những thay đổi về lưu lượng cũng như động thái của dòng chảy theo mùa. Sự thay đổi này do từ các yếu tố tự nhiên và do tác động từ hoạt động của con người trong lưu vực.

Mở rộng diện tích nông nghiệp.


Diện tích sản xuất nông nghiệp đã và đang được mở rộng ở các quốc gia trong lưu vực sông Mêkông như Myanmar, Lào, Campuchia, do đó nhu cầu sử dụng nước ở phía thượng nguồn ngày càng nhiều. Vì vậy, lượng nước từ thượng nguồn sông Mêkông chuyển về hạ lưu càng lúc càng giảm đi và chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Trên 90% nguồn nước của vùng ĐBSCL nhận được từ sông Mêkông. Dưới những tác động của các đập thủy điện và nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở các quốc gia thượng nguồn, vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Các đập thủy điện.

Phía thượng nguồn sông Mêkông thuộc tiểu lưu vực phía Trung Quốc với tám đập thủy điện, tiểu lưu vực của Thái Lan, Lào và Campuchia với 17 đập thủy điện đang được quy hoạch và hai thủy điện đang trong quá trình xây dựng là Xayabury và Don Sahong (Lào).

Quá trình xây dựng và vận hành các đập thủy diện đã gây ra thiếu hụt nguồn nước và làm thay đổi dòng chảy của sông, gây ra những khó khăn về sản xuất và thời vụ canh tác nông nghiệp ở vùng ĐBSCL.

Thiếu hụt phù sa.


Nguồn phù sa đóng góp vào quá trình bồi đắp vùng đồng bằng và vùng duyên hải của ĐBSCL. Đây là nguồn chất dinh dưỡng thiên nhiên cho sinh vật và tạo sự phì nhiêu cho đất nông nghiệp vùng hạ lưu. Tuy nhiên, những đập thủy điện trên sông Mêkông đã ngăn chặn và làm giảm lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về phía hạ lưu. Sự thiếu hụt lượng phù sa làm mất cân bằng sông tạo ra hiện tượng sông đói (hungry river) và gây ra xói lở ven bờ để bù đắp lượng phù sa thiếu hụt. Những hiện tượng sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu trong những năm qua đã gây tác hại đến đời sống cư dân ven sông.

Giảm lượng phù sa sông cũng sẽ làm cho đất ngày càng kém màu mỡ, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất. Để có thể giữ ổn định năng suất lúa thì phải gia tăng lượng phân bón hàng năm khiến cho thu nhập của nông dân bị giảm.

Xói lở đất.


Khai thác cát trên sông là một trong những vấn đề đã được các nhà khoa học cảnh báo vì làm giảm lượng phù sa, ảnh hưởng đến sự vận chuyển chất dinh dưỡng, tính ổn định của ĐBSCL và làm thay đổi dòng chảy tự nhiên dẫn đến gia tăng phạm vi xói lở bờ sông và khu vực ven biển.

Hạn hán và xâm nhập mặn.


Đã có sự thay đổi khá rõ rệt về khí hậu trong vùng ĐBSCL. Nhiệt độ tăng cao cùng với mùa khô kéo dài, thiếu hụt nguồn nước đổ từ sông Mêkông đã gây ra tình trạng hạn hán khá khắc nghiệt và mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong những năm qua.

Suy giảm nguồn thủy sản.


Ngoài ngành nuôi thủy sản nước ngọt, tài nguyên thủy sản tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định sinh kế cho cộng đồng vùng ĐBSCL. Các đập thủy điện sẽ ngăn chặn và làm giảm nguồn cá di chuyển từ thượng nguồn xuống hạ lưu và việc thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng ngành nuôi và chế biến thủy sản vùng ĐBSCL.

Những tác động đến các hệ sinh thái. Sự thiếu hụt nguồn nước, phù sa từ dòng chính sông Mêkông và xâm nhập mặn sẽ gây nên tình trạng suy thoái đất, và đưa đến sự thay đổi và suy giảm các hệ sinh thái nông nghiệp, đa dạng sinh học ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Tóm lại, với những tác động nêu trên, một viễn cảnh không sáng sủa có thể sẽ xảy ra nếu không có các giải pháp kỹ thuật và những chính sách hợp lý cho vùng ĐBSCL.

Tài nguyên đất sẽ bị suy giảm nghiêm trọng từ những tác động thiếu nguồn nước, phù sa và xâm nhập mặn. Các hệ sinh thái nông nghiệp sẽ bị thay đổi và suy giảm cùng với sự suy giảm đa dạng sinh học, và việc sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nghề thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất của vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu hụt cũng như ô nhiễm nguồn nước. Sẽ phải tăng vốn đầu tư để duy trì năng suất, nhưng hiệu quả kinh tế sẽ là vấn đề cần xem lại, và sẽ là bài toán khó cho người dân nghèo ở vùng ĐBSCL.

Yêu cầu khẩn thiết về chính sách


Những vấn đề nêu trên đã được các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đề cập khá nhiều, Chính phủ đã có những chương trình và các ngành liên quan đã đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện điều kiện sản xuất của vùng ĐBSCL.

Các kịch bản về mực nước biển dâng đã được mô hình hóa và chỉ mang tính trình bày diễn thế trong tương lai. Một số giải pháp cho vùng ĐBSCL đưa ra chỉ mang tính cục bộ cho từng ngành mà chưa mang tính tổng hợp để giải quyết vấn đề chung về phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng đồng bằng dưới tác động kép: thiếu hụt nước từ sông Mêkông và xâm nhập mặn, mực nước biển dâng.

Sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã được đề cập, nhưng mô hình sản xuất phù hợp trong điều kiện khó khăn về nguồn nước vẫn chưa cụ thể và điều quan trọng là các chính sách cũng như chuỗi giá trị của nông sản, đặc biệt là nông sản từ chuyển đổi cơ cấu sản xuất vẫn chưa được đề cập.

Trên 90% nguồn nước của vùng ĐBSCL nhận được từ sông Mêkông. Dưới những tác động của các đập thủy điện và nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở các quốc gia thượng nguồn, vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nằm cuối nguồn sông Mêkông. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nước và những tác động có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL mới chỉ đặt thành vấn đề mà chưa có kế hoạch hành động cụ thể với những chính sách hỗ trợ cho các địa phương trong việc ứng phó với những tác động khắc nghiệt trong tương lai.


Tăng trưởng kinh tế bền vững phải song song với việc duy trì các hệ sinh thái khỏe mạnh và nguồn nước. Do đó cần phải có ngay những can thiệp hiệu quả để tránh những suy thoái môi trường vĩnh viễn, trong đó, sự can thiệp bằng chính sách phải được xem là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các chính sách phù hợp cho sản xuất nông nghiệp và các ngành có liên quan trong tình hình hiện nay và viễn cảnh tương lai cho vùng ĐBSCL vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và đề xuất thực hiện.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/133341