Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Đại sứ Hoa Kỳ quảng bá TPP tại Cần Thơ


TBKTSG Online- “Hiện nay hiệp định TPP đang được đàm phán tại Mỹ vào giai đoạn cuối và khá căng thẳng. Nhưng các nhà đàm phán Việt Nam rất lão luyện và tôi hi vọng các bên sẽ kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay”. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, David B. Shear, trả lời TBKTSG Online như vậy tại cuộc họp báo sau buổi nói chuyện của ông về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đại học Cần Thơ vào chiều tối ngày 21-11.


Đại sứ David Shear (trái) và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM Rena Bitter tham quan chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ hôm 20-11.

Trước đó, đại sứ David Shear khẳng định, TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích ngắn hạn cho Việt Nam trong xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ mà cả sang 10 nước còn lại sau khi kí kết TPP. “Một khảo sát cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37% trong vài năm đầu, nhất là da giày, dệt may và hàng nông thủy sản”, ông nói và không quên nhấn mạnh: “Riêng Mỹ và Việt Nam, mức độ gia tăng sẽ tương ứng với mức độ mở cửa nhập khẩu hàng nông thủy sản của Mỹ vào Việt Nam”. 






Đại sứ Mỹ giới thiệu TPP + họp báo + chụp hình kỉ niệm với báo giới tại ĐH Cần Thơ chiều ngày 21-11

Về dài hạn, đại sứ cho rằng dần dần, nhờ vào TPP, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Ông nói: “Thí dụ trong nông nghiệp, lĩnh vực rất quan trọng ở ĐBSCL, TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn. Như vậy sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, làm tăng hiệu quả, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên toàn cầu của Việt Nam”.

Trả lời những lo ngại về sự bất lợi mà TPP đem lại cho Việt Nam, đại sứ Mỹ nói: “Yếu tố quan trọng nhất để thành công là khả năng thích nghi và sáng tạo. Và đây chính là tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam”.




Trước đó, ngày 20-11, ông lái thuyền + đi chơi chợ nổi Cái Răng 

Đây là buổi giới thiệu về TPP đầu tiên tại Việt Nam của đại sứ Mỹ sau khi ông đi thăm một số tỉnh ở ĐBSCL.


“Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 nước khác - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore - đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay”.
Đại sứ David B. Shear 
Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Mời xem thêm tại TBKTSG Online:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/106169/Dai-su-Hoa-Ky-quang-ba-TPP-tai-Can-Tho.html

Và trên trang nhất báo Saigon Times Daily 22-11-2013:





Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Nghịch lý chơi chung




“Toàn cầu hóa”, một từ thời thượng, được nhiều nông dân ở miền Tây nói nôm na như kiểu “chơi chung”. Làm sao chuyện sống chung, làm ăn chung… trong cái kiểu “chơi chung” đó có thể đem lại lợi ích và niềm vui cho mọi người trong khi thế giới vẫn phân định rạch ròi giàu nghèo, văn hóa, tôn giáo, dân tộc... riêng tư? Mời bạn đọc cùng khám phá những nghịch lý phát sinh từ đây, trong cuốn sách vừa được NXB Trẻ ấn hành tuần rồi, Nghịch lý toàn cầu hóa - Vàng và hai cô gái của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, Tổng thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn.




Sách gồm 3 phần, Thịnh suy toàn cầu hóa, Việt Nam trong cơn lốc xoáy và phần phụ lục, phỏng vấn 2 giáo sư kinh tế danh tiếng hay bàn về toàn cầu hóa và tự do thương mại, Paul Kruman và Michael Porter. Tác giả đã giới thiệu tóm tắt nội dung 2 phần đầu như sau:

Phần 1: Trước lúc Việt Nam gia nhập WTO, có thể nói toàn cầu hóa là một khái niệm thời thượng trong một thời gian dài. Ai cũng rao giảng về toàn cầu hóa như một liều thuốc thần kỳ hứa hẹn chữa hết mọi căn bệnh của nhân loại. Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra vào năm 2008. Mọi giá trị được truyền bá bấy lâu bỗng chốc bị đảo ngược. Mặt trái của toàn cầu hóa, từng được phân tích trước đó nhưng ít thuyết phục được ai, nay bỗng bộc lộ rõ nét: lòng tham của giới tài chính, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bất kể ô nhiễm môi trường, việc chạy đua sản xuất hàng hoá để thỏa mãn nhu cầu được thổi phồng lên của người tiêu dùng - tất cả dẫn đến những loại bong bóng, từ bất động sản đến tài sản tài chính. Và bỗng chốc không còn ai nhắc đến toàn cầu hóa với ý nghĩa như trước nữa. Các bài trong phần này như một cuốn nhật ký ghi lại sự thăng trầm của toàn cầu hóa, sự trăn trở của con người khi cố gắng quay về các giá trị cũ và sự loay hoay đi tìm một mô hình phát triển mới bền vững hơn. 

Phần 2: Trong nhiều năm liền, với chính sách mở cửa về kinh tế, thay đổi luật lệ để đáp ứng các yêu cầu gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến sâu rộng. Khu vực tư nhân bừng nở, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giúp hiện thực hóa chính sách sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu. Tất cả mở rộng đường để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại không còn là những khái niệm mơ hồ nữa. Chúng đã biến thành kim ngạch xuất khẩu hàng vào Mỹ tăng vọt, thành hạt gạo, quần áo, giày dép, con tôm con cá xuất đi khắp thế giới. 

Thế nhưng, cùng lúc, lòng tham cũng nổi dậy. Đồng tiền dễ kiếm đã được đổ vào bất động sản và đến lượt nó, bất động sản đẻ ra tiền như con gà mái thần kỳ, làm giàu cho nhiều người trong một thời gian ngắn. Vậy là không còn ai có tâm trí lo chuyện sản xuất cây kim, sợi chỉ nữa, ai nấy đều lo chuyện “lớn” như chứng khoán, kinh doanh ngân hàng, và tất cả đều lao vào địa ốc. Chênh lệch giàu nghèo lộ rõ, các giá trị xã hội bị đảo lộn, người nông dân dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và quan trọng hơn cả, các cột trụ của xã hội như giáo dục, y tế bị quên lãng hay bị thương mại hóa.  

Đến khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập vào, nền kinh tế ảo của Việt Nam nhanh chóng tan vỡ và nền kinh tế thật suy yếu hơn bao giờ hết. Hậu quả của việc hiểu sai cơ may toàn cầu hóa đem lại như các đại gia địa ốc, chứng khoán từng hiểu vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.

Đến đây, có thể bạn đọc sẽ tò mò với cái tựa sách về chuyện Vàng và hai cô gái. Nhưng tốt nhất bạn nên đọc để tự khám phá vì sao có cái tựa này. Sách dày 280 trang, giá bìa 75.000 đồng, có bán ở các tiệm sách.


* Mời đọc thêm trên Báo Thanh Niên 19-11-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131119/nghich-ly-choi-chung.aspx

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2013



(TBKTSG Online) - Chủ trì họp báo chiều nay (18-11) tại Cần Thơ, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2013 cho biết rút ngắn MDEC 2013 còn hai ngày thay vì bốn ngày như kế hoạch để tiết kiệm.




Theo ông Quang, MDEC 2013 được tổ chức tại Vĩnh Long trong hai ngày 25 và 26-11; rút ngắn thời gian nhưng nội dung chính vẫn không thay đổi. Riêng 595 gian hàng tham gia hội chợ triển lãm kinh tế - xã hội ĐBSCL vẫn kéo dài đến hết ngày 28-11. Dự kiến có gần 1.000 đại biểu tham dự các sự kiện chính và hằng trăm ngàn lượt khách tham quan mua sắm tại hội chợ triển lãm.

Chuỗi sự kiện chính của MDEC 2013 có hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2003; diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL kết hợp chương trình an sinh xã hội; diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL, TPHCM và Hà Nội; hội thảo liên kết phát triển đô thị ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; hội thảo phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL…

Đến nay, ban tổ chức MDEC 2013 đã nhận được 138 dự án kêu gọi đầu tư vào 13 tỉnh, thành ĐBSCL với số tiền hơn 416.000 tỉ đồng và 1,89 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra nhiều đơn vị, doanh nghiệp, ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 644 tỉ đồng tham gia chương trình an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2013.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, nhằm tăng cường liên kết giữa ĐBSCL với các địa phương, đơn vị trong nước và các tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Đây là hoạt động thường niên, đã được tổ chức 6 lần tại TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.


* Đã đăng tại TBKTSG Online 18-11-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/thongtin/105879/

và tại trang 1 Saigon Times Daily 19-11-2013: