Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012
GPD giữa đồng
Đọc tập thơ GPD của nhà thơ Ngô Vĩnh Nguyên (NXB Văn hóa – Văn nghệ, quý III-2012) dễ thấy mệt, đúng như tác giả viết ở bài Đục trong tùy bút: đọc thơ mệt hơn đi cày / mồ hôi trong / lòng đục. Mệt mà thấm, vì đã cày xong; và không ai hiểu ruộng bằng chính người cày.
Không vần điệu, tác giả GDP cày sâu cuốc bẩm cánh đồng cuộc đời như bác sĩ làm phẫu thuật nội soi để nhìn cho rõ “cái bên trong” giữa thời hiện đại. Thí dụ anh không nhìn giá trị GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) theo cách hiểu quen thuộc là tổng sản phẩm nội địa tính bằng tiền. Bởi xây một nhà máy giữa đồng, có thể đem lại công ăn việc làm cho nông dân nhưng đồng thời cũng có thể góp sức tàn phá môi trường hoặc gây những hệ lụy thương đau khác cho con người. Đây cũng là điều mà xã hội học hiện đại đang đặt ra cho cách tính GDP. Ngô Vĩnh Nguyên thử tính GDP không bằng tiền bạc - bài thơ gọn 4 câu:
Tổng hạnh phúc quốc gia
Chín chia ba bằng ba
Nhà/cửa không rầm rầm sập
Ta/mùi thịt ôi đi xa
Ấy là cách tính bằng “một chữ tình”, như tác giả tâm sự trong bài Trái chiếng mở màn tập thơ: Lời mọn / hoa quả vườn nhà / chưa thông chưa tinh / nương một chữ tình / mời anh mời chị / đọc lấy thảo. Trong 83 bài của tập thơ GDP, có 32 bài 3 câu, một bài 2 câu và nhiều bài ngắn khác tác giả mời ta “đọc lấy thảo” kiểu như vậy. Đọc và ngẫm nghĩ, thấy “có lý”, vì dù nói về cảnh nhưng rốt lại như là cày xới nội tâm mình. Thí dụ: dìm nhau xuống bùn / người hóa sen / ta lấm (Sen); hoặc xem ti vi cảnh sóng thần, anh viết bài thơ Bầu bí: sóng thần đi / ân tình bầu bí / ở lại. Hay có lần anh nhìn trăng như vầy: dưới trăng / suối tóc lai láng / gương lược khóc than (Nguyệt).
Lại có bài thơ dài tới 71 câu như bài Những cơn ho cổ điển tác giả kể câu chuyện có thật về một người cựu tù Côn Đảo “đã thao thức cùng đau nhức” viết cả ngàn trang sách trong những “cơn ho cổ điển người già”. Để rồi, cuốn sách đó trở thành một bút ký ầu ơ siêu thực / đưa hồn đồng đội trở lại cố hương như hai câu thơ kết thúc: Tổ quốc giữ được tên / mật truyền những cơn ho cổ điển.
Là một nhà báo sống giữa đồng bằng này (anh tên thật là Ngô Thanh Hòa, quê Trà Vinh và đang làm việc ở báo Trà Vinh), nhưng sáng tác văn học của Ngô Vĩnh Nguyên như là sự cất công đi tìm kiếm những căn nguyên cuộc sống. Tập truyện ngắn Hậu Sida (1990) và tập thơ Tro (1991) của anh cũng chung một nguồn chảy ấy. Dường như nghề báo (luôn đòi hỏi trung thực và chính xác) đã giúp anh thêm “khó tánh” như vậy chăng...
♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121030/gdp-giua-dong.aspx
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012
Nguyễn Ngọc Tư - Một nhà văn viết về thân phận con người
Sau những chuyến đi bụi khắp xứ sở, có chuyến lang thang Tây Bắc rồi lên cột cờ Lũng Cú một mình, chị lại về với Cà Mau, lặng lẽ viết. Sách của chị được tái bản nhiều và được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Thụy Điển. Và cho tới giờ, tôi thấy điều mà chị nói khi nhận Giải thưởng Văn học ASEAN hồi tháng 9-2008 tại Thái Lan về văn chương của mình, vẫn vậy.
Ảnh: Trương Công Khả |
Khi đó, chị nói ngắn, chưa đầy hai phút: “Tôi hay nghĩ về sức mạnh của những giọt nước mắt. Chúng trong trẻo, giản dị nhưng lại gây rung cảm sâu sắc. Những tối, trên bản tin truyền hình, tôi nhìn thấy một em bé, hay một phụ nữ ở xứ sở xa xôi nào đó đang khóc, vì chiến tranh, vì bạo lực, hay vì thiên tai… và những giọt nước mắt lay động bất cứ ai nhìn thấy chúng, bất chấp biên giới, màu da, thể chế chính trị, ngôn ngữ hay những cách biệt văn hóa hác. Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt, hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt. Khi ấy, trong lòng các bạn, tôi không còn là cô gái Việt Nam viết về Việt Nam, mà là một nhà văn viết về thân phận con người, như các bạn”.
Nhân vật kỳ cục nhất của văn học thế giới
Hồi đó, Cánh đồng bất tận đã được dịch sang tiếng Hàn và theo người dịch, nhà thơ Ha Jea Hong, trả lời điện thoại với chúng tôi khi anh đang đi chơi ở Cà Mau, là “sách bán chạy lắm và đã được tái bản”. Sau đó anh đã đưa tác giả và ba bạn văn Việt Nam khác sang Hàn Quốc dự giao lưu với bạn đọc tiếng Hàn về cuốn truyện này. Về phần mình, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi nhận được ở anh một tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết, một sự thấu hiểu, đồng cảm lớn giữa người viết và người đọc”.
Giữa tháng 2-2012, Dagens Nyheter, một tờ báo lớn của Thụy Điển, đã đăng bài của giáo sư Stefan Jonsson đọc tuyển tập tuyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư do Tobias Theander dịch sang tiếng Thụy Điển (http://www.dn.se/dnbok/bokrecensioner/nguyen-ngoc-tu-falt-utan-slut) . Vị giáo sư chuyên nghiên cứu về dân tộc và là nhà phê bình văn học của tờ báo này, cho rằng đây là những truyện ngắn hoàn hảo từ Việt Nam ngày nay. Ông viết: “Ở Thụy Điển, cuộc hiện đại hóa lớn đã đánh vỡ hệ thống nông thôn tự lực, đồng thời mở cho thế giới vào. Với Tư, điều tương ứng là cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài đã làm dân Cà Mau thấy rõ vị trí của mình trên thế giới”. Theo ông, “Trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện một thế giới duyên dáng, không cưỡng lại được, và tuyệt vọng” rồi cho biết: “Trong lời bạt, Tobias Theander giải thích tại sao nhiều người ở Việt Nam thương Tư, thảo luận về Tư. Tư không sắp đặt, chỉ kể lại chuyện nghiện rượu, mại dâm, áp bức phụ nữ. Và chính vì các truyện ngắn không cố gắng mang tính giáo dục, tri lại, chúng mô tả thẳng thắn mọi vấn đề, thì các nhân vật của Tư có vẻ càng anh hùng hơn khi đấu tranh để khắc phục các vấn đề này”. Giáo sư Stefan Jonsson phát hiện: “Hơn nữa, ở đây có một trong những nhân vật kỳ cục nhất của văn học thế giới, con vịt xiêm Cộc. Có lẽ, vai trò của nó là đại diện cho Phật”.
Ở Mỹ, giáo sư Trần Hữu Dũng thuộc Đại học Wright State còn lập hẳn một “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư” trong trang web của mình (http://www.viet- studies.info/NNTu/index.htm). Đây là nơi đang lưu giữ nhiều nhất tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và ý kiến của bạn đọc. Có lần, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông nói: “Trong văn chương Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta, ở khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ”. Một lần khác, ông trả lời một bạn đọc trang web ấy, rằng: “Có rất nhiều người, từ mọi nơi trên thế giới, viết mail cảm ơn tôi về tủ sách Nguyễn Ngọc Tư. Có những em sinh viên còn rất trẻ, cũng có những người trạc tuổi tôi. Nhiều người xa quê hương đã lâu, người chỉ mới đây, người ở Hà Nội, người ở Cần Thơ. Có điều lạ là đa số đều cho tôi biết là họ đã… khóc khi đọc truyện của cô. Nhưng đó là những giọt nước mắt thương yêu, êm đềm”.
Sau chuyến về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư, giáo sư Trần Hữu Dũng kể: “Đến Cà Mau, tôi mới thấy sự gắn kết của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ. Đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra sau chiến tranh. Đó là cái nhìn của một người chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại”. Rồi ông trả lời một độc giả: “Mỗi lần về nước tôi thích giao du với các bạn trẻ. Ở họ, và nhất là ở những người như Nguyễn Ngọc Tư, tôi thấy tương lai một nước Việt Nam làm tôi vui và tin tưởng”. Tôi lại hỏi: “Theo ông thì văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?”. Vị giáo sư kinh tế mê văn học đưa ra một ý kiến hơi lạ: “Tại sao lại phải dịch văn Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải ... học tiếng Việt! Như vậy có phải là hợp lý hơn không”.
Vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm
Ảnh: Huỳnh Kim |
Còn với Nguyễn Ngọc Tư, dường như càng nổi tiếng thì chị càng lặng lẽ. Cuối năm 2010, phim Cánh đồng bất tận đạt doanh thu 17 tỉ đồng cùng lúc tập truyện Khói trời lộng lẫy tái bản ngay sau tuần lễ đầu phát hành và tác giả phải về Sài Gòn dự giao lưu ra mắt sách – thế nhưng Nguyễn Ngọc Tư lại bộc bạch: “Đi giao lưu ngại thật. Thấy người ta đông tôi kinh hãi lắm, nói chẳng ra ngô ra khoai, nhất là phải nói về những chuyện mà mình không quan tâm mấy, như thể chưa từng có trong đầu mình vậy”. Trước nhiều lời chúc mừng phim Cánh đồng bất tận thành công là nhờ truyện phim hay, chị nói: “Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình được. Từ khi đứa con tinh thần đó ra đời, người ta đã mặc cho nó một cái áo khác, sống với một tinh thần khác”. Cánh đồng bất tận kể chuyện nông thôn, nhưng cả sách, kịch và phim thì chưa được nhiều nông dân thưởng thức. Tôi băn khoăn hỏi chị về chuyện này thì chị nói: “Tôi không nghĩ viết về nông dân là để giới hạn cho người nông dân đọc. Cách nghĩ đó giống như tôi soi gương mỗi ngày và nhìn mặt mình hiện lên trên đó mỗi ngày. Người khác ngắm tôi, nhìn nhận tôi bằng cái nhìn của họ thì thú vị hơn chứ. Một vài cuốn sách mà để anh hiểu người nông dân hơn, để những giới khác quan tâm đến họ hơn, yêu thương họ hơn, với tôi đã là một tham vọng lớn rồi”.
Giờ đây cũng vậy, dù tiểu thuyết Sông được tái bản ngay trong tuần lễ đầu phát hành (lên 11.000 bản) và cuộc giao lưu ra mắt sách ở Hà Nội rộn ràng đến mấy, Nguyễn Ngọc Tư vẫn không thích nói nhiều về chuyện đã qua. Chị lại lặng lẽ ngồi vào bàn viết, viết báo Tết, viết văn và làm thơ. Thơ của chị cũng buồn như văn của chị. Nỗi buồn ám ảnh hơn. Như những giọt nước mắt.
♥ Mời đọc thêm tại Báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121028/nguyen-ngoc-tu-mot-nha-van-viet-ve-than-phan-con-nguoi.aspx
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)